Nhận diện chuyện lừa chạy việc

Thứ Năm, 02/03/2017, 14:45
Nhu cầu tìm một “chân” trong biên chế Nhà nước đã tạo ra "đất diễn" cho những kẻ có tài săn mồi bằng nước bọt. Làm gì để phát hiện sớm thủ đoạn của bọn lừa đảo và cách xử lý khi đã trở thành nạn nhân của chúng, là điều không nhiều người biết.


Khi mà số người thất nghiệp được dự đoán trong năm nay sẽ cán mốc 1,1 triệu người, với khoảng 200 nghìn cử nhân, thạc sỹ… thì việc con em mình có một "chân" trong biên chế Nhà nước hay tại các doanh nghiệp lớn, là niềm mơ ước của biết bao gia đình Việt.

Nhu cầu ấy đã tạo ra "đất diễn" cho những kẻ có tài săn mồi bằng nước bọt. Chỉ cần gõ từ khóa "Lừa đảo chạy việc" trên Google, chỉ trong 0,43 giây đã cho ra khoảng 1.160.000 kết quả.

Con số ấy phản ánh một vấn nạn đang hoành hành ở khắp các địa phương. Làm gì để phát hiện sớm thủ đoạn của bọn lừa đảo và cách xử lý khi đã trở thành nạn nhân của chúng, là điều không nhiều người biết.

Chiêu thức cũ, nạn nhân mới

Lừa đảo chạy việc không phải là chuyện mới, vẫn bài "nổ" về tiềm lực quan hệ để từng bước dẫn dụ "con mồi" vào tròng. Nhiều người trở nên mê muội trước những lời giới thiệu và hứa hẹn "chắc nịch" của bọn lừa đảo về mạng lưới quan hệ của chúng tại nơi mà họ đang có nhu cầu "cho" con em mình vào làm việc.

Và thế là hàng trăm triệu đồng được chuyển giao cho chúng bằng niềm tin, rất hãn hữu các giao dịch kiểu này để lại bút tích. Sau đó là những chuỗi ngày chờ đợi trong vô vọng, bởi những lời hứa sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Để rồi khi giật mình nhận ra rằng mình bị lừa, thì đối tượng đã "xa chạy cao bay", tắt điện thoại, thậm chí đã vào tù do "bể mánh" trong một vụ lừa khác.

Ngay trong những ngày đầu năm 2017, Cục Cảnh sát hình sự (C45, Bộ Công an) đã khám phá chuyên án, chặt đứt đường dây lừa đảo chạy việc cực lớn, hoạt động từ năm 2014 đến nay, tại 26 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Bước đầu đã xác định có hơn 100 bị hại, bị băng nhóm này chiếm đoạt tổng số tiền hơn 20 tỉ 440 triệu đồng.

Đối tượng cầm đầu đường dây này là Ngọ Thị Hoa (42 tuổi, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bị bắt, tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đám "chân rết" của thị ở nhiều địa phương đã lần lượt lộ diện.

Đối tượng Ngọ Thị Hoa cầm đầu đường dây lừa đảo chạy việc liên tỉnh.

Vẫn với "bài" truyền thống là "chém" về thân thế, nghề nghiệp cùng năng lực quan hệ của mình, để tạo dựng lòng tin với những người có nhu cầu thi vào các trường Công an, Quân đội, hoặc xin đi làm trong lực lượng vũ trang, xuất nhập cảnh ở các sân bay.

Điển hình như trường hợp anh Đ. (ở tỉnh Nam Định), vì muốn xin việc cho em học ngành ngoài vào làm ở Công an tỉnh Nam Định, nên đã đưa cho "chân rết" của Hoa số tiền 330 triệu đồng, nhưng vẫn không xin được việc.

Hay như anh T. (quê ở tỉnh Nghệ An) muốn xin việc cho con dâu vào làm ở Bệnh viện 19-8, nên đã đưa cho người của Hoa 150 triệu đồng để chạy việc. Tuy nhiên, việc không thành và tiền cũng không trả lại.

Trường hợp chị L. đưa 250 triệu đồng cho "đầu mối" của Hoa để "lo" cho con gái thi đỗ vào Học viện ANND, nhưng không đỗ mà tiền cũng mất...

Trước đó ít lâu, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an quận Đống Đa khám phá vụ lừa chạy việc vào Tổng Công ty Viễn thông Viettel, bắt tạm giam các đối tượng Trịnh Hải Anh (ở Thanh Liêm, Hà Nam) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và Phạm Văn Khương (cùng quê) về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Tài liệu điều tra xác định, Trịnh Hải Anh khai từng có thời gian làm việc tại bộ phận điện thoại viên, trực thuộc Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Viễn thông Viettel. Nhờ vậy, thị hiểu rõ về bộ máy tổ chức và quy chế hoạt động của cơ quan này.

Sau khi bỏ việc, Hải Anh nảy sinh ý định lừa những người đang có nhu cầu xin vào Viettel làm việc. Thị "rắc thính" trên Zalo bằng thông tin đang có một số chỉ tiêu tuyển dụng vào Viettel, ai có nhu cầu xin việc sẽ lo liệu giúp với chi phí rất "mềm", chỉ 70 triệu đồng. Bởi vậy nhiều người đã "sập bẫy".

Nạn nhân đầu tiên là anh N. (ở phố Đốc Ngữ - Hà Nội). Sau khi đưa hồ sơ xin việc và 30 triệu đồng tiền "cọc" cho Hải Anh, vài ngày sau thị đưa lại một bản thông báo tiếp nhận thử việc (có ghi tên Tổng Công ty Viễn thông Viettel), trong danh sách có tên người nhà anh N. Hải Anh cho biết, sau khi đưa đủ chi phí, người nhà anh sẽ được đi làm chính thức.

Bởi đã tin tưởng, anh N. đã chuyển tiếp 49 triệu đồng cho thị. Sau khi chuyển số tiền trên, anh nhận được tin nhắn của một người tự xưng là thư ký Trưởng phòng tuyển dụng, mời đến Viettel làm việc.

Tuy nhiên, khi đến mới té ngửa rằng không có việc Viettel thông báo tuyển dụng, đồng thời không có ai là Trịnh Hải Anh làm việc ở đây, các giấy thông báo tiếp nhận thử việc do anh N. cung cấp không phải là văn bản của Viettel.

Đối tượng Trịnh Hải Anh và Phạm Văn Khương trong vụ lừa chạy việc vào Tổng Công ty Viễn thông Viettel.

Tiến hành giám định tài liệu, xác định hình dấu, chữ ký trên thông báo là giả, được tạo ra bằng phương pháp in phun màu kỹ thuật số. Trong vụ án này, đối tượng Phạm Văn Khương chính là tác giả của số tài liệu giả mạo nói trên.

Những sự việc nói trên, chỉ là nét "phác thảo" về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chạy việc hiện nay. "Dối trá và lừa đảo - đó chính là mặt trái của cuộc sống vận động không ngừng. Thế giới đầy rẫy những kẻ luôn chầu chực để móc tiền khỏi túi bạn. Hãy ghi nhớ những điều ấy, để tránh khỏi tương lai tay trắng về không" - Ths Nguyễn Cao Cường (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét.

Tang vật tài liệu giả mạo con dấu, chữ ký lưu trong máy tính của Phạm Văn Khương.

Nhận diện và phòng tránh

Để nhận biết loại tội phạm này, Trung tá Nguyễn Văn Tuấn (Cục C45- Bộ Công an) nói: "Bọn lừa đảo chạy việc hiện nay có thể là bất cứ ai, từ người quen đến kẻ lạ, nên rất khó để nhận biết trước. Chúng có thể nhập vai và diễn xuất hoàn hảo đến mức bạn chỉ có thể nhận ra mình bị lừa, khi chúng đã "cao chạy, xa bay" cùng tài sản của mình.

Thủ đoạn lừa đảo thì vô cùng đa dạng. Đó có thể là lời nói dối trá, giấy tờ giả mạo để đánh lừa; giả danh người có chức vụ quyền hạn; mạo nhận là người có quan hệ và có khả năng tác động đến người có chức vụ quyền hạn; giả danh các tổ chức để ký kết hợp đồng. Những thủ đoạn ấy, được chúng tính toán và áp dụng trên cơ sở khai thác tối đa các điểm yếu trong tâm lý của nạn nhân như sự nhẹ dạ; cả tin; nỗi lo lắng...

Khi tiếp xúc chúng thường dùng lời nói ngọt ngào, hứa hẹn nhiều, tự nói (khoe khoang) về chức vụ, tài chính, khả năng, quan hệ... của mình có thể giải quyết công việc (nhằm tạo lòng tin). Giống như mọi tội phạm khác, chúng cũng rất sợ bị phát hiện, bắt giữ. Khi gặp phải người có tinh thần cảnh giác cao, thận trọng và có động thái kiểm tra ngược lại về chúng, hoặc về các thông tin chúng đưa ra, bọn lừa đảo sẽ tự động rút lui vì không muốn mất thời gian". 

Theo Thượng tá Trịnh Kim Vân (nguyên Điều tra viên cao cấp, cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội), thì cách tốt nhất để phòng chống loại tội phạm này, là đừng tự biến mình thành "mồi ngon" của kẻ lừa đảo. Sự cảnh giác chính là lớp áo giáp bảo vệ bạn khỏi sự tấn công của chúng.

Ông nói: "Khi chưa thể kiểm chứng, xác định tính chính xác từ thông tin của kẻ nhận chạy việc, chúng ta cần đề cao cảnh giác, không dễ tin vào lời nói, tài liệu, đồ vật… người đó đưa ra. Cần rèn luyện một thói quen nghi ngờ, vì cuộc sống vốn dĩ rất phức tạp. Tuyệt đối không được tin tưởng vào người lạ, hoặc người mà mình không thể biết rõ nhân thân lai lịch, công việc, gia đình, hoạt động hiện hành của họ là gì.

Đặc biệt, không nên hấp tấp, vội vàng làm theo những yêu cầu, chỉ dẫn của kẻ nhận chạy việc, mà cần bàn bạc, trao đổi với người thân trong gia đình, người có chuyên môn, hiểu biết hoặc người đang làm việc tại chính lĩnh vực đó, trước khi quyết định giao tiền. Ngay cả khi đã biết ít nhiều về người đó, cũng vẫn cần thiết phải kiểm tra họ bằng nhiều cách khác nhau (kiểm tra về công việc của họ, về vị trí, vai trò, tầm ảnh hưởng của họ đối với công việc mà mình đang nhờ giúp đỡ...).

Chỉ giao tài sản khi đã có những căn cứ xác thực nội dung mà người khác đưa ra là đúng. Việc giao nhận tiền, tài sản nên có giấy tờ (công chứng hoặc viết tay) để ghi nhận sự việc đó. Nội dung nên ghi trung thực theo thỏa thuận giao dịch của các bên (nhiều người ghi là giấy vay tiền, làm sai lệch bản chất sự việc, gây khó khăn cho hoạt động điều tra và đòi lại tài sản sau này).

Nếu không tiện yêu cầu ghi giấy tờ, thì cần ghi âm, ghi hình bí mật (bằng điện thoại, máy chuyên dụng) và mời người thứ ba cùng tiếp chuyện với mình (để có người làm chứng cho việc tố cáo tội phạm sau này, nếu đó là vụ lừa đảo). Việc mời người làm chứng, nên nhờ bạn bè, hàng xóm để đảm bảo yếu tố khách quan. Dùng người nhà làm chứng thì tính thuyết phục không cao".

Vẫn theo ông Vân, nếu chẳng may đã bị lừa, nạn nhân hãy làm đơn trình báo ngay với cơ quan Công an tại nơi xảy ra tội phạm, hoặc nơi ở của đối tượng. Kèm theo đơn là tất cả những giấy tờ, tài liệu, hình ảnh, clip... có liên quan đến vụ lừa đảo. 

Ngoài ra, nạn nhân nên tích cực tìm hiểu thông tin về đối tượng (như nơi ở hiện tại, công việc, số điện thoại đang dùng) để hỗ trợ Công an truy tìm đối tượng bỏ trốn. Nếu bản thân tự đi tìm, hoặc tình cờ gặp lại, phát hiện đối tượng đã lừa đảo mình đang lưu thông trên đường, nên theo dõi về đến nơi ở, chỗ làm việc của chúng. 

Đồng thời gọi điện báo Công an, rồi gọi cho bạn bè, người thân… (phải huy động đủ số người cần thiết) để ngăn chặn, giữ đối tượng lại. Ngay sau đó phải áp giải đối tượng và bàn giao cho cơ quan Công an gần nhất. Tuyệt đối không đánh đập, cướp tài sản của đối tượng, vì làm thế sẽ "đang đúng thành sai".

Đào Trung Hiếu - Hồng Minh
.
.
.