Nhẹ dạ sa bẫy lừa của nữ quái

Thứ Tư, 26/08/2020, 10:33
Bằng thủ đoạn lên mạng xã hội khoe những hình ảnh làm từ thiện, chuyên đi chùa... hay căng "phông bạt" là những cán bộ nhà nước có mối quan hệ rộng từ đó các nữ quái chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của các bị hại.


Thời gian vừa qua, nhiều người dân vì cả tin và cũng do lòng tham đã sập bẫy nhiều nữ quái. Thủ đoạn của các đối tượng là lên mạng xã hội khoe những hình ảnh làm từ thiện, chuyên đi chùa... hay căng "phông bạt" là những cán bộ nhà nước có mối quan hệ rộng, có thể mua nhà chạy dự án... từ đó chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của các bị hại.

Tin chị "thầy chùa", mất ngay chục tỷ

Cuối tháng 7-2020, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo trọng vụ án này là Đoàn Mai Thanh (SN 1982, trú tại phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long, Quảng Ninh), cựu cán bộ một ngân hàng. Tại phiên tòa này, chúng tôi gặp một nạn nhân là chị Phạm Thị Hương (SN 1989) là hộ kinh doanh điện thoại ở mãi tít huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La).

Dù bụng mang dạ chửa nhưng chị Hương vẫn lặn lội vượt mấy trăm km xuống để được tận mắt diện kiến đối tượng. Theo lời chị này, chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến ngày dự sinh song chị vẫn cố gắng có mặt tại phiên tòa. Bởi chị đã bị Thanh chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng, khiến cho chị và gia đình phải một phen lao đao.

Theo chị Hương mấy năm trước qua một Group chuyên mua bán đồ công nghệ trên mạng xã hội, chị Hương biết Thanh là một đầu mối buôn sỉ điện thoại di động Iphone với giá rất cạnh tranh. "Do có tay trong nên mình có thể mua được hàng số lượng lớn, với giá tốt" - Thanh "chém gió" như vậy.

Chị Hương đã liên hệ với Thanh hỏi mua để mang về Sơn La kinh doanh. Đơn đầu, chị Hương đặt mua thử 5 chiếc điện thoại Iphone và được Thanh gửi cho hàng chuẩn, chính hãng với giá rẻ hơn đến 4 triệu đồng mỗi chiếc so với thị trường. 

Sau thương vụ đầu tiên này, chị Hương trò chuyện với Thanh nhiều hơn. Chị đặc biệt ấn tượng, và tin tưởng Thanh do trên mạng xã hội facebook Thanh đã xây dựng "thương hiệu" một người phụ nữ có tâm, tín Phật và thường xuyên làm từ thiện. Mô tả về bản thân mình, Thanh viết "nhìn các con khôn lớn, vui vẻ mỗi ngày".

Đối tượng Đoàn Mai Thanh thời điểm bị cơ quan Công an bắt giữ năm 2018.

"Hàng loạt các nhà hảo tâm cũng đã chuyển quà và tiền cho Đoàn Mai Thanh để thực hiện các chuyến từ thiện tặng chăn, màn, quần áo ấm… cho trẻ em vùng cao. 

Qua những hình ảnh ấy ai cũng tin tưởng và nghĩ rằng Thanh là một người kiếm được nhiều tiền, nhưng cũng luôn biết quan tâm chia sẻ với những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn" , chị N.T.M - một trong những bị hại của Thanh kể lại.

Chưa hết, Thanh còn khoe sở hữu hai spa làm đẹp lớn ở trung tâm TP Hà Nội, nói buôn điện thoại chỉ là nghề tay trái khiến cho khách hàng lại càng thêm phần tin tưởng. Vợ chồng chị Hương sau đó đã tăng số lượng mua lên chục chiếc và vẫn nhận được hàng tốt giá hời.

Song bị hại đâu biết rằng, đó chỉ là kế "thả con săn sắt, bắt con cá rô" của một siêu lừa. Thanh không hề có nguồn mua hàng giá rẻ nào cả mà cô ta chỉ đơn giản là ra siêu thị điện máy mua hàng chính hãng về, đóng gói rồi gửi cho bị hại. Mua hết 10 đồng thì Thanh chỉ bán lấy 8 đồng nhằm khiến bị hại mất cảnh giác.

Và rồi, vợ chồng chị Hương đã quyết làm cú "tất tay" đặt mua của Thanh hơn 1.300 chiếc điện thoại Iphone, với số tiền lên đến 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thanh chỉ gửi cho chị Hương 190 chiếc Iphone tổng trị giá 1,7 tỷ đồng. Số hàng còn nợ lại tới hơn 12 tỷ đồng, Thanh lấy lý do đang bị hải quan giữ, không trả lại tiền rồi cắt liên lạc.

Cũng từ facebook "phông bạt" của Thanh, anh H đặt mua 130 máy điện thoại Iphone. Sau nhiều lần mua bán thành công, anh H tiếp tục đặt mua 160 chiếc điện thoại di động các loại với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Anh H đã trực tiếp giao cho Thanh số tiền trên nhưng đến ngày hẹn thì chị ta không giao hàng như cam kết.

"Con mồi" lớn nhất của Thanh là chị Nguyễn Thúy D. (SN 1987, chủ cửa hàng điện thoại ở huyện Thanh Trì, Hà Nội). Chị D. đặt mua gần 2.000 chiếc điện thoại Iphone và bị cuỗm trọn số tiền hơn 22 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, trong vòng chưa đầy 4 tháng Thanh lừa trót lọt chị Hương, chị D, anh H và hơn chục "nhà buôn" điện thoại khác, chiếm đoạt hơn 54 tỷ đồng.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đoàn Mai Thanh vào ngày 28-7-2020 bị tạm hoãn, cho đến ngày 18-8 vừa qua thì được mở lại. Tại phiên tòa bị cáo Thanh thừa nhận, số tiền lừa đảo được đã sử dụng vào việc trả nợ và mua xe ô tô. 

Xác định hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng vì đã sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn nên TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Đoàn Mai Thanh mức án tù chung thân, theo đúng tội danh bị truy tố.

Trước đó, năm 2018, Đoàn Mai Thanh cũng bị TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt 14 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" ở vụ án khác.

Đoàn Mai Thanh tại phiên tòa sơ thẩm tháng 7-2020.

Khi "Trưởng phòng của Bộ Tài chính" là kẻ… thất nghiệp

Nếu như siêu lừa Đoàn Mai Thanh xây dựng facebook "phông bạt" để lừa đảo thì Nguyễn Thị Diệu Hương (SN 1988, trú tại phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) lại "nổ" rằng mình là trưởng phòng của Bộ Tài chính, quan hệ rộng nên có thể chạy dự án, mua nhà giá rẻ...

Năm 2018, Hương quen với anh Đặng Văn Hiếu (SN 1986, trú tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) là nhân viên Công ty TNHH Định An (đóng trên địa bàn tỉnh Lào Cai), hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Giám đốc là anh Cao Đăng H. (SN 1978, thường trú tại thị xã Hoàng Mai, Nghệ An).

Tháng 5-2018, anh H. có thông tin Chính phủ có quyết định hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long nguồn vốn dự phòng 2.500 tỷ đồng cho những dự án sạt lở vào mùa mưa lũ, Ban Giám đốc Công ty TNHH Định An có chủ trương xin đấu thầu thực hiện dự án kè chống sạt lở sông Cái Sắn (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) nên đã phổ biến cho cán bộ trong công ty biết.

Trước đó Hương nói dối với anh Hiếu về việc chị ta đang công tác ở Bộ Tài chính nên có nhiều mối quan hệ xã hội. Ngoài ra, Hương còn bịa chuyện có thể làm dịch vụ tư vấn để tham gia các dự án. 

Anh Hiếu hỏi có thể xin cấp nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho dự án kè chống sạt lở sông Cái Sắn của tỉnh An Giang được không, Hương khẳng định là được. Anh Hiếu tin là thật và báo cáo với Ban Giám đốc công ty, sau đó cùng Giám đốc Công ty TNHH Định An đến gặp Hương.

Tại cuộc gặp, Hương tự giới thiệu mình là Trưởng phòng ngân sách - Bộ Tài chính, có khả năng xin được quyết định về việc phân bổ nguồn vốn cho tỉnh An Giang với điều kiện phải chi phí 3%/tổng số tiền giải ngân.

Anh H. nhờ Hương giúp đỡ nhưng cũng tỏ ý muốn xem giấy tờ chứng minh chị ta là Trưởng phòng ngân sách - Bộ Tài chính. Vì vậy, sau buổi gặp Hương đã nhờ người làm giả quyết định của Bộ Tài chính về việc bổ nhiệm chị ta giữ chức Trưởng phòng ngân sách - Bộ Tài chính, rồi chụp ảnh gửi qua ứng dụng Zalo cho anh Hiếu để đưa cho anh H. xem.

Đối tượng Nguyễn Thị Diệu Hương.

Ngày 26-9-2018, Hương thông báo việc Bộ Tài chính đang xem xét việc rót 85 tỷ đồng cho tỉnh An Giang trong năm 2018, sẽ giải ngân luôn 40 tỷ đồng để xử lý điểm sạt lở khẩn cấp và hẹn sang tuần là có quyết định. Hương yêu cầu Công ty Định An chuyển trước cho chị ta 100 triệu đồng "tiền dịch vụ", nếu muốn tham gia dự án.

Ngay hôm đó, anh H. chỉ đạo kế toán chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản của Hương. Nhận được tiền, "nữ quái" thuê người làm giả công văn của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ tỉnh An Giang 85 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng cấp bách của năm 2018 để thực hiện dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển.

Đến ngày 2-10-2018, Hương thông báo việc Bộ Tài chính đã quyết định cấp vốn cho dự án ở tỉnh An Giang và đề nghị Công ty Định An chuyển 1 tỷ đồng tiền chi phí dịch vụ cho chị ta. Ngay chiều cùng ngày, anh H. cùng cấp dưới đến gặp Hương.

Tại cuộc gặp, Hương cho anh H. xem ảnh công văn của Bộ Tài chính có chữ ký, đóng dấu của Thứ trưởng Bộ Tài chính, đồng thời gửi bản ảnh vào Zalo cho nhân viên của anh H. xem. Tin rằng công văn Hương cho xem là thật nên anh H. chỉ đạo nhân viên chuyển 1 tỷ đồng cho "nữ quái".

Đến ngày 11-10-2018, anh H. kiểm tra lại công văn do Hương gửi thì phát hiện, văn bản có nhiều lỗi. Khi kiểm tra lại các thông tin do "nữ quái" cung cấp, anh H. phát hiện mình bị lừa nên làm đơn tố cáo tới cơ quan Công an.

Ngoài ra CQĐT còn làm rõ, cũng trong năm 2018, Hương quen biết bà Nguyễn Thị Minh P. (SN 1972, ở Hà Nội). Hương cũng giới thiệu là Trưởng phòng Ngân sách, Bộ Tài chính.

"Nữ quái" sau đó nhiều lần vay của bà P. hơn 2,5 tỷ đồng. Đầu năm 2019, do cần tiền mua nhà, bà P. đòi tiền thì Hương nói đang dồn tiền mua căn hộ chung cư HC Golden City 319 Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội). Hương nói, nếu bà P. muốn mua, chị ta sẽ để bà đứng tên căn hộ đó. Số tiền vay sẽ được đối trừ vào tiền mua nhà.

Hương tiếp tục "nhập vai" có quan hệ với chủ đầu tư dự án, sẽ mua được căn hộ giá rẻ hơn giá thị trường. Tin tưởng Hương, bà P. rủ thêm bà Đào Thúy Q. (SN 1964, ở Long Biên, Hà Nội) đi xem căn hộ chung cư này. Sau khi xem xong, bà Q. nhờ Hương mua hộ căn hộ diện tích 120m², đưa cho Hương hơn 3,8 tỷ đồng và "ngã ngửa" khi biết tiền đã bị Hương chiếm đoạt, còn nhà thì mãi chả thấy đâu.

Minh Khang
.
.
.