Nhức nhối tình trạng bạo hành trẻ em

Thứ Tư, 10/06/2020, 16:55
Đôi mắt thất thần, hoảng sợ của những đứa trẻ bị người lớn bạo hành chưa bao giờ thôi ám ảnh bất cứ một con người có lương tri nào. Sự hồn nhiên, ngây thơ trong trắng của chúng đã bị chà xát, bóp ngẹt bằng cẳng tay cẳng chân của chính những ông bố, bà mẹ.


1. Một vụ bạo hành vừa xảy ra vào ngày 28-5 tại ấp Nước Vàng, xã An Bình (Phú Giáo - Bình Dương) đã khiến dư luận dậy sóng. Người phụ nữ xuất hiện trong đoạn clip có hành động đánh đập bé trai là N.T.L (SN 1986). 

Bé trai bị đánh đập là con riêng của chồng L. Người phụ nữ chửi bới, dùng tay chân đánh vào người bé trai đang nằm trên nền nhà. Đáng nói, người này còn dùng tay bóp cổ, liên tục tát vào mặt cháu bé mặc cho bé khóc lóc thảm thiết.

Căn nhà của vợ chồng L. nằm giữa cánh đồng thưa dân cư tại Ấp Nước Vàng. Từ ngày đánh con, L. liên tục bị Công an mời lên làm việc, bé T. cũng được các nhân viên y tế đưa đi chăm sóc sức khỏe. 

Anh Hải, họ hàng sống gần nhà của L. cho biết, L. thường xuyên đánh đập cháu T. rất dã man. Ả túm lấy người cậu bé quăng vào tường, dùng tay chân đấm, đá liên tiếp vào đầu: "Đầu thằng bé mềm nhũn ra, có lần tôi phải chở cháu đi cấp cứu, chụp CT đầu. 

Chính quyền cũng xuống làm việc, rồi mời lên cơ quan giải quyết sau đó thì cho về. Chỉ được vài hôm, thằng bé lại bị đánh  đập, tôi qua can ngăn thì L. dọa sẽ xứ lý tôi", anh Hải kể lại.

Được biết, L. có vấn đề về thần kinh, tâm trí bất ổn, làm nhiều việc khác thường. L. không đi làm được, hằng tháng sống nhờ tiền trợ cấp của nhà nước.

Cảnh L. đánh đập dã man con riêng của chồng (ảnh cắt từ clip)

Anh Hải cho biết, từ ngày mẹ ruột của hai bé bỏ đi, ba cha con sống khốn khó bần hàn, neo đơn lắm. Thấy hoàn cảnh đáng thương, một Mạnh Thường Quân đã xây tặng cho một ngôi nhà. Từ ngày L. về làm vợ, làm mẹ, căn nhà luôn ồn ã bởi những trận cãi vã vợ chồng, tiếng chửi bới, khóc lóc van xin của hai đứa trẻ bị mẹ kế đánh đập bất kể ngày đêm.

Nhưng, việc L. hành hạ  đứa trẻ như trong clip thì không thể tha thứ. Sự việc xảy ra, căn nhà tình thương của vợ chồng L. lạnh lẽo, luôn cửa đóng then cài. Thằng bé út mới hơn 3 tuổi bị bỏ ở nhà một mình, ông chú thỉnh thoảng chạy qua ngó. Có ai đó hỏi về mẹ, nó tỏ rõ sự sợ hãi, nói lí nhí trong cổ: "Mẹ đi rồi!".

2. Chúng tôi ghé vào căn phòng trọ của mẹ con chị Lê Thị Út (32 tuổi, quê Vĩnh Long), hiện đang sống tại Dĩ An (Bình Dương) trong những ngày cả xã hội sục sôi căm giận về nạn bạo hành trẻ em.

Bé T.H (7 tuổi) thấy người lạ cứ co ro nép vào lòng mẹ. Đây là phản xạ quen thuộc của bé mỗi khi có ai vào phòng trọ của hai mẹ con. Từ ngày thoát khỏi lão cha dượng "chí phèo", bé T.H vẫn chưa thôi hoảng sợ và ám ảnh. 

Cách đây 2 năm, chị Út gá nghĩa với Nguyễn Văn Long (31 tuổi). Long là trai tân, chị Út đã lỡ một chuyến đò lại có đứa con nên luôn nhận phần thiệt về mình. Chị hầu hạ, chiều chuộng Long còn hơn cả con gái.

Long có sở thích ăn nhậu và đàn đúm. Trung bình mỗi tuần, hắn nhậu khoảng 3 lần, cá biệt thời gian thất nghiệp thì ngày nào cũng nhậu. Vừa phải nuôi con, đóng tiền nhà trọ, vừa nuôi ông chồng sớm xỉn chiều say, chị Út héo hon tàn tạ. 

Sau mỗi trận nhậu phè phỡn, Long chửi rủa mẹ con chị Út từ đêm tới sáng. Đến nỗi, hàng xóm nhiều lần sang mắng vốn, báo lại với chủ nhà đuổi không cho thuê nữa. Muối mặt, chị Út phải đi tìm phòng trọ khác. 

Chứng nào tật nấy, Long như con ngựa đứt dây cương, lao đầu vào nhậu mà không nghĩ đến ngày mai. Sau này, hắn không chửi suông nữa mà dùng "hành động không lời". Chỉ cần chị Út lơ là không nghe hắn nói hoặc sai bảo điều gì, tức thì hắn nhảy bổ lại túm tóc biêng liền mấy phát vào mặt. 

Bé T.H chứng kiến mẹ bị cha dượng đánh cứ túm áo mà khóc, người run bắn lên, đêm nằm mơ la hét thất thanh. Đánh mẹ chưa đủ, hắn quay sang trừng mắt, dọa nạt khiến bé T.H sợ tím tái hết người.

Căn nhà tình thương của bé trai bị bạo hành ở Bình Dương.

Chị Út muốn chia tay với gã chồng vũ phu, bạc ác này nhưng vừa nói ý định ra đã bị Long chỉ mặt dọa giết. Đỉnh điểm của bi kịch diễn ra vào ngày cuối năm 2018. Chị Út có ý định về quê ăn Tết mà không cho Long theo. 

Men rượu ngập ngụa trong người, Long chạy lại túm tóc chị Út giật thật mạnh về phía trước khiến chị ngã dúi dụi, bé T.H đang ngồi đó bị Long dùng tay xách giơ lên đầu. Sợ con bị thương, chị Út bò tới cắn vào đùi của Long, hắn đau đớn quăng bé T.H vào đống chăn rồi vung một cú đá trời dáng vào mặt chị Út.

Máu mũi máu mồm trào ra, chị Út gào thét gọi người cứu giúp. Mấy anh hàng xóm chạy vào giải cứu mẹ con chị Út đồng thời túm cổ Long giao cho chốt bảo vệ dân phố gần đó để xử lý.

Chị Út chỉ bị thương ngoài da, còn bé T.H thì hoảng sợ tột cùng, khóc không thành tiếng. Sau đận đó, chị Út mang con về quê ở hẳn một năm, cắt đứt mọi quan hệ với gã chồng hờ thú tính. Cuộc sống ổn định, mẹ con chị Út quay trở lại thành phố làm việc. 

Bé T. H hiện đang học lớp 2 nhưng không được lanh lợi và hoạt bát như các bạn cùng trang lứa. Chị Út cho biết, bé bị quá khứ ám ảnh nên cứ thấy người lạ, đặc biệt là đàn ông là sợ hãi. Hễ ai tới gần hoặc đụng chạm vào người là bé khóc thét lên.

Bé N. vẫn chưa hết hoảng loạn sau vụ bị đánh.

3. Tiến sĩ Lê Thị Thanh Hường, Giám đốc Trung tâm sáng tạo tiềm năng con người bày tỏ quan điểm: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bạo hành trẻ em. Trong đó, sự dồn nén tâm lý của một người hoặc vì các chất kích thích như rượu, thuốc, sự khó khăn về kinh tế đều dẫn đến bạo hành trẻ em. 

Một người có hành vi bạo lực chẳng những có thể dùng vị trí thượng phong về thể chất, nhưng còn có thể dùng những khả năng vượt trội về tinh thần, tâm lý, về kiến thức, uy quyền...

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em ngày càng gia tăng, tôi cho rằng nguyên nhân chính là do sự suy thoái về lối sống, đạo đức của một bộ phận người lớn".

Cùng quan điểm với Tiến sĩ Hường, luật sư Đặng Trường Thanh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, xuất phát từ việc quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em còn lỏng lẻo, thiếu các chế tài đủ sức răn đe. 

Vì vậy, nhiều người bất chấp quy định pháp luật mà có những hành vi ngang nhiên bạo hành trẻ em, xâm phạm nghiêm trọng tới nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng của trẻ. 

Bên cạnh đó, hoàn cảnh gia đình, cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, ma túy, cờ bạc... cũng dẫn đến bạo hành. Ngoài ra cũng phải đánh giá tới việc quản lý của cơ quan chức năng liên quan chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Rất nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra có thể chính quyền không biết biết hoặc cố tình che giấu.

Ngọc Thiện
.
.
.