Vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề:

Nhức nhối về những tờ giấy khai sinh giả

Thứ Tư, 20/08/2014, 11:22

Trong vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, PC45 Công an Hà Nội đã khởi tố bị can đối với hai đối tượng là bảo mẫu kiêm quản lý nhà mở Nguyễn Thị Thanh Trang và đối tượng Phạm Thị Nguyệt về tội "Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em" theo Điều 120 BLHS. Trước đó, khi khám nhà trọ của Nguyệt ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Công an đã thu giữ nhiều giấy chứng sinh ghi tên mẹ là Phạm Thị Nguyệt.

Tìm đến những bệnh viện, trạm y tế - nơi cấp giấy chứng sinh cho Nguyệt, chúng tôi đã phát hiện ra một sự thật nhức nhối: Những giấy chứng sinh này được cấp vô cùng đơn giản, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc những đứa trẻ bất hạnh.

"Lâu quá rồi nên tôi không nhớ!"

Phải nhắc lại một chút về Phạm Thị Nguyệt. Khi mua được cháu Cù Nguyên Công (cháu bé được mẹ gửi vào chùa Bồ Đề), tức là Nguyệt nuôi tổng cộng 3 cháu bé trong căn nhà trọ nhỏ xíu, ẩm thấp của mình. Thời điểm cơ quan Công an khám nhà, Nguyệt khai cháu Công đã mất do bệnh sởi và ở với chị ta lúc đó là hai cháu bé (Đức Anh 22 tháng tuổi và Gia Hân hơn 8 tháng tuổi). Công an đã thu giữ nhiều giấy chứng sinh, chứng thực Nguyệt đã sinh con, dù thực tế Nguyệt đã bị vô sinh.

Hỏi Nguyệt mua những giấy chứng sinh này của ai, chị ta thản nhiên: "Các anh chị bác sĩ, y tá ở bệnh viện thấy hoàn cảnh của em không có con thì thương nên cấp cho", nhưng khi hỏi, mua những giấy chứng sinh này có đắt không thì Nguyệt… quên nên đáp: "Cũng không đắt lắm". Chúng tôi đặc biệt chú ý đến hai tờ giấy chứng sinh thể hiện Nguyệt đã sinh đôi hai cháu trai tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình và giấy chứng sinh cho hai cháu Đức Anh và Gia Hân được Trạm Y tế xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cấp và quyết định tìm đến những nơi này tìm hiểu sự việc.

Giấy chứng sinh Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình cấp cho Nguyệt.

Làm việc tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình, chúng tôi được ông Nguyễn Quang Cảnh - Giám đốc Bệnh viện khẳng định: Quy trình cấp giấy chứng sinh tại bệnh viện rất chặt chẽ. Người viết giấy chứng sinh là người trực tiếp đỡ đẻ. Giấy chứng sinh được kẹp vào hồ sơ nhập viện của sản phụ, có đánh số. Sau đó, hồ sơ này sẽ được chuyển lên Ban giám đốc ký. "Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao Phạm Thị Nguyệt lại có được hai giấy chứng sinh này" - ông Cảnh nói.

Trong hai giấy chứng sinh, có dấu đỏ, có chữ ký của bà Tú Anh - điều dưỡng trưởng khoa Sản và ông Phạm Văn Dậu - Phó Giám đốc Bệnh viện. Chúng tôi đã làm việc với bà Tú Anh thì được bà này thừa nhận, chữ viết, chữ ký trên giấy chứng sinh chính xác là của mình, nhưng "lâu quá rồi tôi không nhớ, không biết vì sao tôi lại ký vào phần người đỡ đẻ trong hai giấy chứng sinh này". Câu trả lời có phần ngô nghê của bà Tú Anh không hợp lý, hợp tình, bởi lẽ, giấy chứng sinh mới được viết chưa quá 3 năm, vả lại, đó là một ca song sinh thì không thể nói là không nhớ. "Thường thường, những người quen trong bệnh viện hay nhờ viết hộ giấy chứng sinh thì tôi tin tưởng viết ngay mà không kiểm tra lại hồ sơ. Nhiều khả năng trường hợp này là do người quen nhờ nên tôi mới viết nhưng không nhớ là ai nhờ" - bà Tú Anh nói.

Làm giấy chứng sinh cho bé trai đã chết

Theo điều tra của chúng tôi, để hợp thức hóa các cháu bé "mua" được, Nguyệt đã tìm đến nhiều cở sở y tế để thiết lập đường dây cung cấp giấy chứng sinh khống, trong đó Nguyệt đã "mua" được hai giấy chứng sinh tại Trạm y tế xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, Ninh Bình với giá 500 nghìn đồng.

Khi được hỏi về nguồn gốc hai tờ giấy chứng sinh mà Trạm y tế Kim Hải đã cấp cho Phạm Thị Nguyệt, ông Khải - Trưởng trạm y tế kể: Ngày 1/7/2014, Nguyệt và chồng là Hữu đã đến trạm y tế đề nghị ông Khải viết hai giấy chứng sinh cho hai cháu Phạm Gia Bảo và Phạm Gia Hân. Nguyệt còn viết và ký vào bản cam kết rằng hai cháu Gia Bảo, Gia Hân là con đẻ của mình. Trước đó, ông Khải được bà Gương (là nữ hộ sinh đỡ đẻ ở trạm y tế đã nghỉ hưu) gọi điện giới thiệu có cô em tên là Nguyệt hoàn cảnh rất khó khăn, vừa sinh đôi hai cháu trai, đồng thời nhờ ông Khải giúp đỡ. "Tin bà Gương, tôi viết hai giấy chứng sinh cho Nguyệt và được bồi dưỡng 500 ngàn đồng" - ông Khải nói.

Cũng theo ông Khải cung cấp thì trước đây, Nguyệt cũng đã từng xin hai giấy chứng sinh (khi đó ông Phan Quốc Viện, trạm trưởng ký đóng dấu, hiện ông Viện đã nghỉ hưu) nhưng không hiểu vì sao mà Nguyệt không làm giấy khai sinh cho hai cháu bé được nên buộc phải quay lại xin giấy chứng sinh lần nữa.

Bà Gương - nguyên nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Kim Hải kể, bà và Nguyệt là chị em con bác con chú. Năm 2013, Nguyệt đã gọi điện thoại cho bà Gương rồi khóc lóc kể lể hoàn cảnh, rằng có bầu sinh đôi nhưng không có tiền đi bệnh viện phải sinh cháu tại nhà. Một trong hai cháu hiện đang cấp cứu ở bệnh viện vì bệnh nặng nhưng vì không có giấy chứng sinh nên bệnh viện không tiếp nhận. Sau đó, bà Gương đã nhận lời giúp đỡ Nguyệt bằng cách viết giấy chứng sinh rồi xin chữ ký của ông Phan Quốc Viện.

Và hai tờ giấy chứng sinh do ông Viện cấp đã ra đời một cách rất đơn giản. "Vì cuốn giấy chứng sinh chỉ còn một tờ nên ông Viện xé một nửa mang đi photo 2 bản. Viết xong ông Viện ký, đóng dấu và tôi mang ra xe khách nhờ gửi cho Nguyệt" - bà Gương nói. Nhưng hai tờ giấy chứng sinh này là bản photo nên Nguyệt không khai sinh cho hai cháu được.

Công an xã Xuân Châu, Xuân Trường, Nam Định tìm rất nhiều sổ sách nhưng không có ai là Phan Thị Thuận.

Tiếp tục tìm gặp ông Phan Quốc Viện, chúng tôi được ông Viện cho xem một cuốn giấy chứng sinh (chỉ còn cuống) để chứng minh bà Gương nói sai. Ông Viện nói: "Tôi không đi photo hai bản giấy chứng sinh để cấp cho Nguyệt. Có thể là ai đó đi photo nhưng tôi không nhớ". Nhưng ông Viện thừa nhận chữ ký trên giấy chứng sinh là của mình, con dấu cũng là của Trạm y tế, và việc để xảy ra chuyện đáng tiếc này là do ông đã sơ suất, tin tưởng cấp dưới quá nên không quản lý chặt con dấu.  

Chúng tôi đặc biệt chú ý đến cuốn giấy chứng sinh khoảng hơn 50 trang đang được ông Viện cất ở nhà, bởi có tới 26 cuống để trắng không có bất cứ thông tin nào về người mẹ cũng như đứa trẻ ra đời; 4 cuống còn lại viết rất qua loa, không thể hiện quê quán sản phụ, sinh con trai hay gái và nhiều trang bị xé nham nhở. Giải thích về những điều bất thường ở cuốn giấy chứng sinh này, ông Viện luôn dùng từ "không nhớ", đại loại: "Chắc là tôi cấp lại cho ai đó nhưng không nhớ". Thế nên, đương nhiên là ông Viện cũng không thể nào "nhớ" được tên tuổi, địa chỉ của những người được ông cấp lại giấy chứng sinh. Đồng thời, ông Viện nói, sẽ gọi điện cho… vợ hỏi "xem bà ấy có nhớ không".

Trở lại vụ việc cháu bé Cù Nguyên Công được Nguyệt mua từ bảo mẫu Nguyễn Thị Thanh Trang, Nguyệt đã xin giấy chứng sinh cho cháu bé này tại Trạm y tế xã Kim Hải với cái tên Phạm Gia Bảo (do ông Viện ký), nhưng vì là giấy photo nên Nguyệt không thể khai sinh cho Gia Bảo, thế nên cô ta lại phải quay xuống Trạm Y tế xã Kim Hải xin cấp giấy chứng sinh cho cháu bé này một lần nữa. Có điều, ngày 27/6/2014, cháu Phạm Gia Bảo đã qua đời tại bệnh viện Nhi, Hà Nội, nhưng ngày 1/7/2014, Nguyệt vẫn tìm về Trạm Y tế xã Kim Hải xin giấy chứng sinh cho cháu bé này. 

Việc khai sinh cho một cháu bé đã mất, có phải là âm mưu của Nguyệt nhằm hợp thức hóa cho một cháu bé nào đó mà cô ta mua được sau này hay không? Câu hỏi này rất cần được cơ quan điều tra trả lời.

Danh sách 11 cháu bé "mất tích" được xác minh có chính xác?

Ngay sau khi cơ quan chức năng thông báo tới các cơ quan truyền thông về bản danh sách 11 cháu bé mà theo xác minh là đã được gia đình đón về (theo đơn đề nghị của chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, đại diện nhóm thiện nguyện thường xuyên làm từ thiện ở chùa Bồ Đề), chúng tôi đặc biệt chú ý đến trường hợp cháu Tùng Anh, SN 2007 (tên khai sinh là Lâm Thuận Thiên), con chị Phan Thị Thuận, SN 1984, HKTT tại xóm 8, xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường, Nam Định. Theo báo cáo xác minh, cháu Tùng Anh được mẹ đón về từ năm 2007 hiện đang sinh sống cùng mẹ tại địa chỉ trên.

Ông Phan Quốc Viện đang làm việc với phóng viên.

Tuy nhiên, tại trụ sở UBND xã Xuân Châu, ông Phạm Văn Vinh - Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã cho biết, qua kiểm tra tất cả các sổ sách về nhân hộ khẩu của xã, không có ai tên là Phan Thị Thuận, SN 1984, sinh sống ở xóm 8. Chỉ có một trường hợp có tên tuổi na ná là chị Phạm Thị Thuận, SN 1984. Hoàn cảnh chị Thuận vô cùng khó khăn. Gia đình chị Thuận 6 người thì có tới 3 người mắc bệnh. Cách đây khoảng chục năm, 4 người trong gia đình chị Thuận có đến chùa Bồ Đề xin ở lại để chữa bệnh. 3 năm sau, cả nhà dắt díu về quê. Sau đó, gia đình chị Thuận vào Lâm Đồng khai hoang. Tại đây, 2 người em của Thuận đã xin vào một ngôi chùa để tu. Thời gian này, chị Thuận yêu một người họ Lâm và có thai. Sau khi sinh con, chị Thuận đã mang đứa con cho một gia đình ở miền Nam. Mọi người cũng khẳng định, thời điểm chị Thuận đến chùa Bồ Đề chơi thì chị chưa mang thai. Dù không ai dám chắc đứa con của chị Thuận khi sinh ra có được gửi nhờ chùa Bồ Đề nuôi dưỡng hay không nhưng ông Tháng - bố chị Thuận khẳng định: Chưa bao giờ chị Thuận mang con về nhà và hàng xóm nhà chị Thuận cũng cho biết, họ chưa từng thấy có sự xuất hiện của một đứa trẻ nào trong nhà chị Thuận. Có nghĩa là, việc cơ quan chức năng xác minh cháu Tùng Anh (tức Lâm Thuận Thiên) đang ở cùng mẹ là không chính xác.

Đầu năm 2014, chị Thuận đã cùng người bác tên là Thông sang Trung Quốc làm ăn, từ đó chưa về nhà và hiện tại không ai biết chị Thuận ở đâu

Đinh Hiền
.
.
.