“Những bất thường” từ vụ nghi vấn học sinh lớp 9 bị ép vào đường dây bán dâm

Thứ Bảy, 18/01/2020, 15:52
Mô tuýp chung của các đường dây mại dâm trẻ em, đó là các nạn nhân thường ở độ tuổi non nớt, chưa biết “mùi đời”, bị những lời dụ dỗ ngon ngọt, chèo kéo bằng vật chất rồi đến bắt ép, đe dọa khiến các em vướng vào mà không cách nào thoát ra được.


Trong những vụ việc như vậy, vai trò của phụ huynh và nhà trường luôn được đặt dấu hỏi, phải chăng đã có một “lỗ hổng” nào đó trong việc quản lý học sinh, con em mình khiến nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Từ một phát hiện tình cờ

Mới đây, một đường dây nghi ngờ đã ép nhiều học sinh mua bán trinh, bán dâm tại Ba Vì (Hà Nội) được báo chí phát hiện gây xôn xao dư luận. Đường dây này được cho là đã dụ dỗ, bắt ép nhiều học sinh lớp 9 của một trường THCS trên địa bàn Hà Nội bán dâm, bán trinh theo sự môi giới của những kẻ thao túng đường dây.

Các đại biểu Quốc hội cũng dành nhiều tâm tư cho việc bảo vệ trẻ em.

Để dụ dỗ các em học sinh còn chưa đủ tuổi vị thành niên tham gia vào đường dây bán trinh, các đối tượng môi giới thông qua một số nữ sinh lớp 11 đang học tại các trường THPT trên địa bàn huyện Ba Vì để lôi kéo, rủ rê.

Theo điều tra của VTV, trong lần đầu tiên bị ép bán trinh, các em nhỏ đều bị các đối tượng chở đi một quãng đường rất xa lên đến hàng chục cây số, nhiều lần thay đổi phương tiện vận chuyển. Người thân của một nạn nhân kể lại, trong tình thế bị ép buộc, con gái mình đã phải làm theo yêu cầu của những đối tượng môi giới và kẻ mua trinh.

Một nạn nhân khi biết mình sẽ bị ép quan hệ tình dục, đã tìm cách bỏ trốn và thoát khỏi đường dây mại dâm khi đang trên đường đi. Sau lần chạy thoát thành công ấy, nạn nhân vẫn tiếp tục bị dụ dỗ thêm nhiều lần nữa. Biết trước chuyện gì sẽ xảy ra nên em đều từ chối thì bị đe dọa, cùng yêu cầu không được nói với ai nên mọi chuyện sau đó cô bé này cũng im lặng, giữ sự việc trong lòng.

Vì gặp ai, đi đến đâu, liên lạc như thế nào đều do người khác sắp xếp, hầu như không giao tiếp nên các nạn nhân cũng không có nhiều thông tin về những người đàn ông lạ mặt dẫn dắt đường dây này. Mỗi lần như vậy, các đối tượng thu được hàng chục triệu đồng và trả cho các em từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng.

Đáng nói, vụ việc này được phát hiện một cách tình cờ, khi thầy B Hiệu trưởng của một trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì phát hiện 1 taxi đỗ gần cổng trường, cách đó không xa là một chiếc xe máy không gắn biển số có 2 cô bé ngồi trên xe.

Khi ông B. đi đến gần, hai người trên xe máy vội vàng bỏ chạy, chiếc taxi thì lùi lại vào một ngõ nhỏ gần đó. Thấy nghi ngờ, ông B. đi qua ngõ thì phát hiện 2 nữ sinh lớp 9 của trường đang di chuyển từ bên trong ra. Sau đó, thầy giáo này đã yêu cầu 2 học sinh vào văn phòng và gọi phụ huynh đến trao đổi. Tại đây, 2 nữ sinh đã thừa nhận bị hai người tên là Anh và Yến gọi đi tiếp khách.

Nhận thấy đây là sự việc nghiêm trọng, liên quan đến tệ nạn xã hội và hành vi giao cấu với trẻ em, các đối tượng liên quan lại đến từ bên ngoài và ngoài khả năng giải quyết của nhà trường. Vì vậy, Ban giám hiệu Trường đã báo cáo UBND và Công an xã để giải quyết theo thẩm quyền.

Sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc, Công an xã đã báo cáo lên các cơ quan chức năng của huyện Ba Vì. UBND huyện Ba Vì sau đó cũng đã yêu cầu Công an huyện này vào cuộc điều tra, làm rõ để xử lý theo pháp luật.

Ngay sau khi được báo chí phản ánh, Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội đã có văn bản gửi Công an huyện Ba Vì yêu cầu điều tra, làm rõ. Cục Trẻ em đề nghị Công an huyện Ba Vì phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh thông tin, điều tra vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, đồng thời xử lý nghiêm minh hành vi xâm hại trẻ em.

Cục cũng có Công văn số 17/TE-BVTE yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh thông tin, nhanh chóng triển khai công tác điều tra và thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em là nạn nhân theo quy định tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP. Nếu kết quả xác minh, điều tra có vụ việc nhà trường phát hiện và báo chí thông tin, Cục đề nghị xử lý nghiêm minh hành vi môi giới mại dâm và xâm hại tình dục trẻ em.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cũng đã có văn bản giao Giám đốc Công an thành phố xác minh, điều tra, báo cáo lại trước ngày 30-1-2019

Những diễn biến đáng lo ngại

Trong vài năm trở lại đây, tình hình xâm hại tình dục trẻ em diễn biến vô cùng phức tạp với nhiều vụ việc đau lòng được phát hiện, điển hình như vụ việc đối tượng Nguyễn Thành Trung bị VKSND TP. Vinh truy tố với tội danh “mua dâm người dưới 18 tuổi” vào tháng 8-2019. Vụ việc này đã gây xôn xao dư luận một thời gian dài với nhiều thông tin trái chiều.

Một nạn nhân trong vụ việc xảy ra tại Ba Vì.

Theo cáo trạng, trước đó Nguyễn Thành Trung đã có hành vi mua dâm với T.T.T.A. (16 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang). A. cũng chính  là người bị Trung tố cáo cùng với hai người nữa có hành vi xâm hại con gái 6 tuổi của Trung.

Đến tháng 10-2019, Công an thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) tiếp tục phát hiện, bắt quả tang một đôi nam nữ tại quán karaoke tại phường Quảng Long (TX. Ba Đồn). Sau quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn Thanh (SN 1990, trú tại thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, TX. Ba Đồn) về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Khoản 1, Điều 142 Bộ luật Hình sự.

Cuối tháng 11/2019, tại Hà Nội tiếp tục xảy ra một vụ việc kinh khủng hơn, đó là vụ việc mẹ bán trinh tiết của con gái 13 tuổi cho bác sĩ lấy tiền ăn tiêu. Với vụ việc này, VKSND TP. Hà Nội cũng đã ra cáo trạng truy tố Nguyễn Đức Nhân (35 tuổi, bác sĩ nha khoa ở quận Hà Đông) về các tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và tội “Mua dâm người dưới 18 tuổi”. Nguyễn Thị Bạch Tuyết (35 tuổi, trú quận 6, TP HCM) bị truy tố về tội “Môi giới mại dâm”.

Chỉ từ một vài vụ việc nổi cộm nói trên, có thể thấy chúng ta đang chủ quan trong việc bảo vệ an toàn của trẻ em, khi trong một số vụ việc người phạm tội lại là người thân của nạn nhân.

Các vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây khiến nhiều người lo ngại vì sự suy thoái đạo đức xã hội, hoang mang và lo lắng về việc con em mình có thể trở thành một nạn nhân của nạn xâm hại tình dục trẻ em.

Với tình trạng nhiều vụ việc xảy ra như hiện nay, bất cứ trẻ em nào ở độ tuổi đến trường cũng có thể trở thành nạn nhân của các đường dây bán dâm, xâm hại tình dục. Với hành vi gieo rắc vào đầu óc những đứa trẻ chưa trưởng thành tư tưởng lệch lạc, suy đồi khiến các em nhỏ có tư tưởng ham chơi lười làm và mong muốn được hưởng thụ vật chất một cách dễ dàng, các đối tượng đã đẩy các em nhỏ vào một tương lai tăm tối.

Như vụ việc xảy ra tại Ba Vì nói riêng và các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em nói chung sẽ để lại hệ lụy hết sức lâu dài với chính các em nhỏ. Các em bị hủy hoại sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, đồng thời khó đối mặt với thực tại nếu không được gia đình, nhà trường và cả xã hội quan tâm một cách đúng đắn.

Trước đó vào năm 2018, Bộ GĐ&ĐT đã có báo cáo công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, mại dâm tệ nạn xã hội gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Với tình trạng mại dâm, hiện tượng học sinh sinh viên tham gia chiếm 2% trong số vụ việc vi phạm. Thời điểm đó, Bộ đánh giá số lượng vụ việc là không nhiều nhưng vẫn là mối lo ngại, cần phải có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Còn theo số liệu của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Quốc hội công bố mới đây, có đến 11.530 trẻ chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở nhưng đã bỏ học đi kiếm sống. Số lượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có cha mẹ ly hôn là rất lớn và đều đang có chiều hướng gia tăng.

Theo báo cáo, năm 2018 có 2.857.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 10,8% tổng số trẻ em, có 82.464 trẻ em có cha mẹ ly hôn, trong đó, số trẻ em dưới 7 tuổi là 43.718 trẻ. Đây là nhóm đối tượng nạn nhân tiềm tàng của tệ nạn môi giới mại dâm trẻ em, loại tệ nạn đang gia tăng từng năm nhưng dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Trong báo cáo nêu rõ, giai đoạn 1/1/2015-30/6/2019, toàn quốc đã phát hiện 7.824 vụ xâm hại trẻ em, với 8.588 đối tượng xâm hại, số trẻ em bị xâm hại là 8.091 em (1.059 em nam, 7.032 em nữ). So với giai đoạn 2011-2014 thì số trẻ em bị xâm hại tăng 880 trẻ, tỷ lệ 12,2%.

Đáng lưu ý, số trẻ em bị xâm hại giảm dần từ năm 2015 đến năm 2018, nhưng lại tăng đột biến trong năm 2019, riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng số lượng cả năm 2018 (1.579 trẻ).

Điều đáng nói hơn cả, với các biến tướng cả từ hình thức hoạt động cùng cách dẫn dắt nạn nhân của các đường dây mại dâm ngày càng tinh vi. Thêm vào đó, một nhóm nhỏ đối tượng bệnh hoạn trong xã hội có thu nhập cao, có tri thức, lại là kẻ vi phạm, mua dâm với các em nhỏ càng làm cho tệ nạn này khó kiểm soát.

Theo các chuyên gia, để vá được “lỗ hổng” trong quản lý, giám sát để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ. Hiện tại không chỉ là sự quan tâm, chăm sóc cẩn thận con em từ gia đình, nhà trường hơn nữa mà còn phải có sự nỗ lực của Chính phủ trong việc quản lý không gian mạng, nơi mà các em đang độ tuổi mới lớn dành phần lớn thời gian để giao lưu, kết nối với bạn bè.

Mặc dù đánh giá cao việc giữ quyền riêng tư cho trẻ nhỏ, nhưng kỹ năng dùng mạng xã hội, kết nối với người lạ, giúp các em cảnh giác tránh xa các tệ nạn có thể “lây lan” từ môi trường mạng cũng là một vấn đề đáng để người lớn cần quan tâm.

Hiền Trâm
.
.
.