Những câu chuyện bi ai tại thủ phủ ma túy Pà Cò - Hang Kia

Thứ Năm, 02/02/2012, 16:48

Trong tâm thức của nhiều người Pà Cò-Hang Kia dường như là một địa điểm mang lại nhiều ký ức buồn và bi ai. Bỏ qua những năm tháng đen tối trước kia, Pà Cò-Hang Kia đang có nhiều bước thay đổi để tìm đến cuộc sống trong sạch hơn, lành mạnh hơn. Thủ phủ ma túy trước kia giờ đã thay đổi rõ rệt.

Những hình ảnh của trai bản lăm lăm cây súng kíp sau người, những ánh mắt sắc lẹm khi nhìn thấy người lạ giờ đã không còn xuất hiện nhiều ở nơi đây nữa. Một điều rất dễ nhận thấy ở nơi đây là người dân đang có những chuyển mình mạnh mẽ để thoát khỏi vòng xoáy nghiệt ngã của cái chết trắng.

Cơn bão ma túy đã tàn phá Pà Cò-Hang Kia trong một thời gian khá dài. Nó khoét sâu vào từng kẽ đá, hốc núi của nơi đây, nó tàn phá, hủy hoại cuộc sống của biết bao nhiêu con người, giết chết hạnh phúc của biết bao gia đình. Giờ thì cơn bão ma túy đã không còn sức mạnh như trước nhưng những dư âm của nó để lại vẫn còn rất nhiều. Có biết bao con người với những câu chuyện bi kịch vẫn đang sống ở Pà Cò-Hang Kia, họ đã đứng lên từ vũng bùn lầy để tìm đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sóng ngầm vẫn cuộn ở thung lũng chết

Hình ảnh Pà Cò nhìn từ trên cao.

Đi lên Pà Cò, những con đường ruột ngựa độc đạo vào nơi đây mùa giáp đông đẹp nao lòng. Nằm hút sâu trong vùng thung lũng của những ngọn núi cao hơn nghìn mét, những cánh đồng lúa vàng, những mảnh rừng mơ trắng muốt… là hàng trăm nóc nhà nhỏ lặng lẽ của đồng bào dân tộc Mông. Bước vào Pà Cò, Hang Kia giờ đây, người ta không còn nhìn thấy những ánh mắt sắc lẹm, những khẩu súng săn lủng lẳng sau lưng người bản địa. Thay vào đó là hình ảnh đầy bình yên, dung dị. Những đứa trẻ chạy nhảy tung tăng sau giờ tan học, khăn quàng đỏ phấp phới trên vai sẵn sàng đáp lại chúng tôi bằng đôi mắt tròn thân thiện và nụ cười rạng rỡ…

Những ngày tháng cuối năm, bà con ở Pà Cò-Hang Kia đang tất bật với  những công việc nương rẫy để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Mỗi người một công việc khác nhau, tất cả tạo nên một khung cảnh dễ chịu và nhẹ nhàng cho mảnh đất chất chứa biết bao câu chuyện đau lòng. Nhưng tất cả những thứ đó chỉ là bề nổi của đất Pà Cò-Hang Kia, anh Trung úy Sùng A Phư, Trưởng Công an xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) thẳng thắn nhìn nhận, có thể cơn bão ma túy đã cơ bản được chặn đứng nhưng nó vẫn chưa chết hẳn ở nơi đây. Giờ đây, ma túy không còn hiển hiện một cách lỗ mãng, điên cuồng như trước mà nó trở nên kín đáo và âm ỉ.

Đã có thời kỳ khi bước vào Pà Cò, người ta thấy đâu đâu người dân cũng mang súng khoác phía sau người. Đi chợ, đi nương, thậm chí là xuống xã chơi nhà người quen cũng mang theo súng. Dường như, việc sử dụng súng kíp (loại súng tự chế) đã đi sâu vào tiềm thức, cách sống của người bản địa nên nó xuất hiện ở Pà Cò một cách bình thường như chẳng hề có gì đặc biệt. Và rồi, khi có súng ở trong tay, những vụ án thương tâm cũng vì đó mà kéo đến. Say rượu, cãi vã với nhau vài câu lại lôi súng ra bắn. Người nhanh chân chạy thoát thì còn mạng, người chậm, số phận ngắn ngủi thì sẽ mất mạng bởi những phát súng đó.

Không thể để tình trạng đó kéo dài, Công an tỉnh Hòa Bình, rồi Công an huyện Mai Châu đã mở một cuộc vận động giao nộp súng với quy mô rất lớn trên địa phận toàn tỉnh, trong đó Pà Cò là một trong những nơi trọng tâm nhất. Cuộc vận động đó đã thu được những kết quả rất đáng mừng, nguyên huyện Mai Châu số súng thu được đã lên đến vài nghìn khẩu. Rất  nhiều người dân bản khi giao nộp súng đã day dứt và đau xót. Họ khóc thương vì phải xa lìa thứ vũ khí nguy hiểm.

Với họ, khẩu súng là thứ bất ly thân, như là một bộ phận cơ thể không thể tách rời. Nhưng được những lời giải thích đúng đắn của công an rồi chính quyền, người dân trong bản đã tự mang súng của mình đi đến trụ sở để giao nộp. Dường như người dân Pà Cò đã hiểu được những mặt trái của việc có súng trong nhà, họ muốn tìm đến một cuộc sống lành mạnh và an toàn hơn.

Số súng thu được của người dân bản tại kho của Công an huyện Mai Châu.

Thành công của cuộc vận động giao nộp súng đã tạo một tiền đề cho việc vận động người dân từ bỏ việc buôn bán và vận chuyển ma túy. Trước kia, khi nói về Pà Cò-Hang Kia nhiều người phũ mồm khẳng định, ở đây, người người đi buôn, nhà nhà chứa chấp ma túy. Những cuộc chiến, những đợt truy quét đã khiến cho tình hình buôn bán ở đây dịu xuống. Tuy nhiên, theo như lời Trung úy Phư thì, ma túy hiện nay đã có những sự biến thiên đáng lo ngại hơn rất nhiều. Người vận chuyển giờ đây đã chọn những lối đi kín đáo nơi rừng sâu để tránh lực lượng điều tra.

Giải thích về việc người dân vẫn còn đi buôn bán, Trung úy Phư cho rằng, người dân bản địa ở Pà Cò chủ yếu là dân tộc Mông, sống dựa vào nương rẫy. Với thu nhập từ việc trồng ngô, sắn trên núi cao, cuộc sống của đồng bào người Mông luôn rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn. Trong khi đó lợi nhuận từ việc đi vận chuyển ma túy là quá lớn nên nhiều người vẫn vướng vào con đường chết…

Những người dân ở Pà Cò, Hang Kia được kẻ buôn bán thuê với những số tiền khổng lồ. Nhiệm vụ của họ đơn giản chỉ là vận chuyển. Người dân ở đây cũng có rất nhiều cách che giấu ma túy, khi thì ở gùi dùng đi rừng, khi thì giấu ở xe máy, thậm chí là ở cơ thể. Họ thường  băng qua những cánh rừng, đưa đến những điểm giao hàng nơi đó đã có những chiếc xe ôtô hạng sang chờ sẵn để chuyển đi nơi khác. Có rất nhiều trường hợp khi đi vận chuyển bị công an phát hiện đã lập tức ném chỗ ma túy xuống hẻm núi, thậm chí đã có lần Trung úy Phư tận mắt chứng kiến cảnh một thanh niên buôn ma túy bị công an đuổi bắt nhảy xuống vực cao vài chục mét.

Những người dân ở đây nghĩ rằng, đi buôn bán ma túy đã bị công an bắt là chỉ có chết nên khi bị phát hiện họ như những con thú dữ chạy trốn, chống trả bất chấp hiểm nguy đến tính mạng. Chính từ suy nghĩ sai lầm này mà việc triệt phá, bắt giữ các đối tượng buôn bán ma túy ở đây gặp vô vàn khó khăn. Những người làm nhiệm vụ như Trung úy Phư một mặt phải vận động, giải thích cho bà con hiểu được sự sai trái, nguy hiểm của việc buôn bán ma túy, mặt khác phải làm sao chống lại những kẻ buôn bán xâm nhập vào địa bàn.

Nhận xét một cách thẳng thắn về tình hình buôn bán ma túy ở đây, Trung úy Phư cho rằng vấn đề này vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Hàng năm, Pà Cò vẫn còn có người bị bắt bởi tội liên quan đến ma túy. Điều này cho thấy, Hang Kia-Pà Cò vẫn chưa bao giờ sạch bóng ma túy. Sẽ vẫn còn biết bao nhiêu gia đình, con người bị hủy hoại bởi cái chết trắng. Cuộc sống của người dân nơi đây sẽ còn bị điên đảo bởi những đồng tiền nhơ nhớp, sặc mùi tội lỗi. Những con người như Trung úy Phư sẽ còn rất nhiều việc cần phải làm trước mắt để đuổi ma túy khỏi cuộc sống của người dân nơi đây.

Chuyện đau buồn ở thủ phủ ma túy

Chẳng phải đơn giản mà mọi người lại gắn cho Pà Cò-Hang Kia mác "thủ phủ ma túy". Đã có thời điểm, ma túy càn quét điên đảo ở nơi đây, hễ cứ nhắc đến vùng thung lũng này là người ta lại kể về những câu chuyện đau lòng liên quan đến cái chết trắng. Có biết bao nhiêu con người ở Pà Cò đã bị bắt, rồi phải nhận những bản án đích đáng của pháp luật. Nhưng để lại phía sau những con người này là biết bao nhiêu câu chuyện đau đớn, những số phận vật vã bước qua ngày tháng một cách miễn cưỡng và đầy khổ sở.

Trong danh sách thống kê của Trung úy Phư, cả xã Pà Cò có hơn trăm nóc nhà nhưng có tới 30 hộ có người vướng chân vào lao lý vì liên quan đến ma túy. Con số này cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống của chừng đó gia đình lâm vào cảnh khó khăn cơ cực.

Trung úy Phư bức xúc: "Chẳng biết ma túy lợi nhuận cao như thế nào nhưng vì nó biết bao gia đình trong xã tan vỡ rơi vào cảnh bần hàn". Bắt đầu câu chuyện về những gia đình nghèo khó có người phạm tội liên quan đến ma túy, Trung úy Phư nhắc về một người có tên Hàng A Trú. Thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ở đất Mai Châu, Trú được xếp vào hàng có máu mặt trong giới buôn bán ma túy. Cũng chính Trú là một trong những nhân vật chóp bu trong cung đường ma túy Tây Bắc. Những năm tháng buôn bán ma túy, Trú đã xây dựng được cơ ngơi rất đồ sộ cho gia đình mình. Đi theo Trú cũng có biết bao nhiêu con người ở Pà Cò sa vào vũng bùn lầy của tội lỗi.

Nhiều người trong vùng lúc đó sùng bái Trú như là một đại gia khét tiếng, giàu có và đầy quyền lực. Nhưng khi công an mở chiến dịch lớn, đường dây bị bóc gỡ, Trú bị bắt vì tội buôn bán ma túy, người dân mới ngỡ ngàng về sự giàu có và uy quyền của người đàn ông dân tộc Mông này. Với những tội danh không thể tha thứ của mình, Trú đã bị kết án tử hình. Bản án đó dường như vẫn còn là quá nhẹ đối với kẻ đã gieo rắc cái chết cho biết bao nhiêu người khác.

Khi Trú bị kết án tử hình rồi phải đi trả án, mọi người trong bản làng ở Pà Cò đã hiểu rằng, dính dáng đến ma túy sẽ có một kết cục không bao giờ tốt đẹp. Nhưng câu chuyện về Trú không dừng lại ở đó, chồng chết vì ma túy, thay vì tu tỉnh để chăm sóc gia đình, người vợ của con người này lại lao vào vòng xoáy tội lỗi. Đã quen với những công việc của chồng mình đã làm, vợ của Trú dấn thân vào con đường buôn bán ma túy một cách điên cuồng hơn cả chồng. Nhưng tội lỗi đó cũng chẳng thể nào lọt lưới được pháp luật.

Vợ Trú bị bắt và phải nhận bản án 15 năm tù. Chồng bị tử hình, vợ phải đi tù, một kết thúc nghiệt ngã nhưng hợp lý cho hai kẻ rắp tâm gieo rắc cái chết cho xã hội. Khi hai vợ chồng Trú bị bắt, cả gia đình tan nát. Vợ chồng Trú để lại cho bản làng hai đứa con trai quặt quẹo, không nghề nghiệp. Nhà chẳng có nương rẫy, chẳng có nghề làm thêm nên hai đứa con trai của vợ chồng Trú sống vật vã, vạ vật.

Hai đứa con trai của Trú tên Hàng A Cánh và Hàng A Dược. Cánh tuy là anh nhưng từ nhỏ đã mắc chứng thiểu năng trí tuệ không thể lao động. Dược là em nhưng tinh khôn và mạnh khỏe hơn. Khi cha mẹ bị bắt, bản thân Dược hiểu rằng, bản thân anh phải tự đi kiếm tìm cuộc sống cho mình, vừa phải lo xây dựng gia đình, vừa phải lo chăm sóc người anh trai dở dở, ương ương. Dược lấy vợ rồi có con, sống chủ yếu bằng nghề nương rẫy. Bản thân anh đã quá hiểu được hậu quả khi muốn kiếm tiền bằng ma túy, chính vì vậy Dược luôn tránh xa, dù có nghèo khó, thiếu thốn nhưng cũng không dám nghĩ đến việc buôn bán.

Trước đây, khi cha mẹ chưa bị bắt, Dược có một cuộc sống rất vương giả, có kẻ hầu người hạ. Vì anh trai mắc bệnh nên Dược được tất cả mọi người trong gia đình quan tâm chăm sóc. Bản thân cha mẹ lúc đó cũng nghĩ Dược sẽ là tương lai sau này. Nhưng rồi, mọi việc xoay vần, ma túy tàn phá gia đình của Dược. Chàng công tử xóm bản ngày nào giờ phải đi cuốc nương, làm rẫy thuê cho người dân trong xã để kiếm tìm sự sống. Đổ mồ hôi, sức khỏe để đổi lấy sự sống cho mình nhưng bản thân Dược luôn có được cảm giác trong sạch mà thoải mái.

Phải rất vất vả mới kiếm được sự sống cho bản thân nên dù muốn Dược cũng không thể nào lo được cho cuộc sống của anh trai mình một cách đầy đủ. Mỗi ngày khi Dược đi lên nương rẫy làm thuê, Cánh lại lang thang khắp bản, vạ vật vào những bụi cây, góc chợ. Người con trai mất tâm trí này chẳng hiểu cuộc sống của mình đang rơi vào cảnh vất vưởng, khổ sở. Bữa no, bữa đói, cuộc sống của Cánh phải dựa vào những người dân bản tốt bụng.

Thi thoảng, có người động lòng thương đưa cho nắm cơm, Cánh lại vồ lấy, nhai ngấu nghiến như một con mèo rừng lâu ngày nhịn đói. Cảnh tượng đó khiến nhiều người cảm thấy thương cảm nhưng đó cũng là một đoạn kết buồn mà những kẻ buôn bán ma túy sẽ phải đối diện. Nếu như Trú cùng với vợ mình không hủy hoại cuộc đời bằng ma túy thì có lẽ bây giờ Cánh và Dược vẫn có được cuộc sống ổn định, được cha mẹ lo lắng chăm sóc. Nhưng bây giờ, cha đã mất, mẹ trong tù, anh em Cánh và Dược chỉ còn biết vật vã mà bước qua ngày tháng.

Hàng A Cánh lang thang ở xóm bản.

Những câu chuyện đau lòng như hoàn cảnh của anh em nhà Cánh và Dược ở Pà Cò không ít. Tiếp câu chuyện của mình, Trung úy Phư kể về một gia đình ba mẹ con tên Sùng Y Si. Là một cô gái dân tộc Mông, Si năm nay mới bước qua tuổi 22 nhưng đã có hai đứa con trai, đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi. Tuy là sớm nhưng với những cô gái dân tộc Mông ở tuổi này mà có con lớn chừng đó cũng là chuyện hết sức bình thường.

Trước kia, Si từng có được một cuộc sống rất hạnh phúc và bình yên. Si kết hôn năm 17 tuổi cùng chàng trai trong bản tên Sùng A Lứa. Gia đình vốn nghèo khó, chẳng có nhiều ruộng nương, tuy nhiên, Lứa là một người rất chịu khó làm ăn. Hết công việc ở nhà rồi đi khắp xã làm thuê, cuộc sống của hai vợ chồng Lứa cứ thế trôi qua một cách êm đềm. Si ở nhà lo lắng việc gia đình, thêu thùa và cơm nước cho chồng. Những đứa con cứ thế lần lượt ra đời trong hạnh phúc dạt dào của cả hai vợ chồng.

Nhưng rồi, số phận đã không mỉm cười với vợ chồng Si. Trong những lần đi làm ăn xa, nghe theo lời rủ rê của đám bạn xấu tính, Lứa đã vướng chân vào con đường nghiện ngập. Bao nhiêu tiền đi làm thuê được rồi của nả trong nhà Lứa đều đốt vào ma túy. Khi đã không còn tìm ra nguồn thu nào khác, Lứa đã chấp nhận dấn thân vào công việc vận chuyển ma túy để kiếm tiền thỏa mãn những cơn thèm thuốc của mình. Nhưng đến năm 2011, Lứa bị công an bắt giữ khi đang men theo đường rừng, chuyển heroin về hướng Tân Lạc (Hòa Bình). Vướng chân vào lao lý, Lứa để lại một người vợ héo hon trong đau khổ và hai đứa con nhỏ dại.

Trong ngôi nhà lụp xụp dựng cạnh mép sườn núi, ba mẹ con Si sống một cách vất vưởng, khổ sở. Hoàn cảnh đã khó khăn như vậy nhưng từ ngày chồng bị bắt Si cũng vì đó mà đổ bệnh, chẳng thể làm lụng được gì để kiếm tiền nuôi sống các con. Trong nỗi đau nghẹn ngào, kể về chồng mình, Si vẫn không giấu nổi sự uất hận, bao nhiêu của nả đã bị Lứa đốt theo làn khói trắng. Đã có không biết bao nhiêu lần Si khuyên chồng cai nghiện, rồi Lứa cũng quyết tâm, quỳ trước vợ thề thốt rằng sẽ từ bỏ ma túy. Nhưng dù đã hứa hẹn như vậy nhưng Lứa vẫn đắm chìm trong cơn nghiện, cơn say. Rồi khi Lứa sa chân vào công việc vận chuyển ma túy, anh về nhà ít hơn.

Si không biết chồng làm công việc gì, đôi lúc hỏi nhưng Lứa chẳng bao giờ nói. Si cũng chẳng gặng hỏi chỉ động viên chồng nên về nhiều hơn với gia đình để chăm sóc các con… Khi chồng bị bắt, Si hết sức choáng váng. Vắng chồng, Si cũng chẳng còn yên tâm ngồi ở nhà thêu thùa được như trước. Cô phải tìm lên những nương rẫy xin làm thuê để kiếm tìm sự sống cho các con. Mẹ lên nương cậu con trai mới ba tháng tuổi đã phải theo mẹ cùng đi làm thuê, cuốc rẫy. Công việc vất vả nhưng cũng chỉ đủ tiền mua gạo qua ngày. Ngày khỏe còn kiếm được gạo ăn cho con, vào những ngày bị ốm, mẹ con Si chỉ biết nấu cháo loãng mà húp để sống qua ngày.

Xứ sở của những bà mẹ đơn thân

Hình ảnh về một bà mẹ đơn thân ở nơi đây.

Khi những con người ở Pà Cò-Hang Kia phải vào tù vì tội liên quan đến ma túy thì đồng nghĩa với việc đó là có biết bao nhiêu số phận rơi vào cảnh đơn chiếc. Hoàn cảnh như gia đình ba mẹ con nhà Si chỉ là một ví dụ trong rất nhiều câu chuyện bi kịch của những người phụ nữ sống đơn thân ở tuổi son sắc. Vài chục người đàn ông bị bắt vào tù kéo theo đó là những gia đình phải chia lìa, biết bao đứa trẻ phải vắng bóng sự chăm sóc của người cha. Trung úy Phư phân trần rằng, tất cả những gia đình có người bị bắt đều rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, vợ con phải sống trong điều kiện hết sức thiếu thốn.

Cuộc sống của người dân ở Pà Cò bao nhiêu đời nay chỉ trông vào nương rẫy. Dù cuộc sống khó khăn nhưng mọi người vẫn an phận và hài lòng với những gì mình có. Khó khăn, chật vật bởi cuộc sống mưu sinh nhưng đổi lại những người dân nơi đây có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Nhưng với những con người bị cuốn vào vòng xoáy của ma túy thì cuộc sống của họ đã bị đảo lộn.

Vợ mất chồng, con mất cha… đó là những hậu quả mà những kẻ trót dấn thân vào vòng xoáy của ma túy. Nhìn những gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, những con người như Trung úy Phư cảm thấy rất buồn. Dù các anh đã cố gắng hết sức ngăn chặn cơn bão ma túy nhưng nó vẫn âm ỉ, cuồn cuộn phía dưới những nóc nhà nơi đây. Thời gian sẽ vẫn trôi qua, và khi nào ma túy còn xuất hiện ở đây thì Pà Cò-Hang Kia còn những gia đình phải chia ly, sẽ có những người phụ nữ rơi vào cảnh đơn thân một cách đầy đau đớn và bi ai

Gia Nguyễn
.
.
.