Những chuyện bên lề phiên tòa xử vụ trọng án ở Bình Phước

Thứ Tư, 23/12/2015, 08:12
Kể từ khi vụ thảm án khiến 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ bị sát hại ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước được cơ quan chức năng điều tra, khám phá và bắt giữ các đối tượng, dư luận đặc biệt quan tâm chú ý. Và phiên tòa sơ thẩm xét xử lưu động diễn ra ngày 17-12 tại Chơn Thành càng cho thấy sự quan tâm rất lớn của người dân. Xung quanh phiên tòa cũng có khá nhiều chuyện đáng suy ngẫm.

Phiên tòa được tổ chức ở một khu đất trống ngay trong khu vực của trung tâm hành chính huyện Chơn Thành. Trước ngày diễn ra phiên xử, lực lượng chức năng địa phương đã cẩn trọng cho dò mìn, san ủi mặt bằng tương đối bằng phẳng rồi dựng những trụ cột để treo những chiếc dù lớn che nắng cho những người đến dự… Cho đến đêm trước của phiên xử, mọi thứ đã chuẩn bị khá ổn, lực lượng Công an, dân phòng đã cắt cử cán bộ chiến sĩ bảo vệ an toàn nơi diễn ra phiên tòa.

Ngay từ rạng sáng 17-12, hàng loạt cửa hàng ăn uống "dã chiến" đã được dựng lên ngay gần nơi xử để phục vụ cho những người đến dự phiên tòa. Dịch vụ "Cho thuê ghế" cũng được nhiều tiểu thương nhạy bén mở ra để người nào có nhu cầu thuê mang vào khu vực tòa lưu động ngồi cho đỡ mỏi chân. Chưa kể một số địa điểm trông giữ xe cũng chuẩn bị hoạt động hết công suất…

Ba bị cáo Dương, Tiến, Thoại tại phiên tòa.

Và đúng như dự đoán, chỉ 4-5h sáng cùng ngày, đã có hàng ngàn người đổ về khu vực này để chuẩn bị theo dõi phiên tòa. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đa số họ là người dân ở Bình Dương, Bình Phước, Củ Chi, Tây Ninh… những địa phương gần với huyện Chơn Thành. Họ đã sắp xếp công việc để tranh thủ đi xem phiên tòa có lẽ phần nhiều vì sự tò mò, "muốn biết rõ bộ mặt thật của những kẻ sát nhân tàn bạo" cũng như chứng kiến giây phút tuyên án các bị cáo…

Chị Huỳnh Thị Yến (thường trú Bình Dương), cùng với 6 người thân, bạn bè của mình đã thuê một xe ôtô 7 chỗ đến nơi xử từ 6h sáng. "Vụ án này quá khủng khiếp, chỉ có hai tên mà sát hại tới 6 người trong gia đình nạn nhân, khiến ai cũng phải ghê sợ. Nghe tin vụ xử, chúng tôi đã tìm đến đây để xem cho biết tường tận và nhất là tận mắt nhìn thấy hai tên sát nhân xem chúng là ai mà tàn ác như vậy", chị Đông chia sẻ.

Dù đang làm công nhân nhưng chị Nguyễn Thu Liên (nhà ở Bến Cát) vẫn xin nghỉ một ngày để đến dự phiên tòa. Chị Liên cho biết: "Tôi chạy xe máy một mình, đi từ lúc 4h đến đây cho kịp. Giá gửi xe máy ở đây tới 10 ngàn đồng/xe nhưng không sao. Vụ án này tôi đã theo dõi từ đầu nên tôi rất muốn chứng kiến giờ phút các tên tội phạm nhận án tử hình vì tội ác của chúng quá kinh khủng".

Cũng bỏ dở công việc làm vườn ở quê nhà Lộc Ninh, anh Nguyễn Văn Phong cùng ba anh em của mình chạy xe máy tới phiên tòa từ sáng sớm. "Vụ án này ở chỗ nhà tôi ai cũng rất quan tâm, nên chúng tôi tìm đến xem. Phiên tòa xử lưu động nên không gian quá rộng, do đó nhiều khi âm thanh lúc xét xử chúng tôi nghe không được. Trong khi trời lại nắng nóng quá mà các mái che chỉ được một phần khiến nhiều người cảm thấy khá mệt mỏi".

Năm nay đã 73 tuổi và chỉ mới từ quê miền Trung vào nhà con trai (xã Minh Hưng) ở mấy tháng nay, nhưng bà Lê Thị Nguyệt cũng một mình tìm đến theo dõi phiên tòa. "Tôi mong tòa án làm việc khách quan để tuyên những mức án thật nghiêm khắc cho các bị cáo. Đây sẽ là bài học để những kẻ xấu nhìn vào mà chùn tay không gây tội ác nữa", bà Nguyệt tỏ rõ sự bức xúc.

Bà Nguyệt, 73 tuổi, một mình tìm đến phiên tòa.

Theo quan sát của chúng tôi thì những người dân đến xem phiên tòa có nhiều thành phần, lứa tuổi, nhưng họ khá trật tự dù phải đứng ngồi dưới cái nắng gay gắt. Để bảo vệ, giữ trật tự cho phiên tòa diễn ra an toàn, lực lượng Công an, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu thương đã được điều động đến khu vực diễn ra phiên tòa để làm nhiệm vụ và nhìn chung họ đã thực hiện tốt công việc của mình, không để xảy ra chuyện gì đáng kể.

Về phần báo chí truyền thông, ngay trước khi diễn ra phiên tòa một ngày, nhiều phóng viên các báo đài đã tìm xuống khu vực xử tòa để tìm hiểu những chuyện liên quan, chuẩn bị thủ tục cho việc tác nghiệp vào ngày hôm sau. Buổi sáng sớm 17-12 đã có rất đông phóng viên đến đăng ký và nhận thẻ tác nghiệp. Theo ông Đỗ Tấn Trường, Thư ký Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước - người cấp thẻ cho phóng viên - cho biết, sau khi đã cấp 100 thẻ tác nghiệp cho phóng viên các báo đài thì sau đó vẫn còn rất nhiều phóng viên xin được cấp thẻ nhưng số lượng thẻ đã hết do Tòa án không lường được chuyện nhiều báo đài cử hai, ba phóng viên, thậm chí có báo còn cử hơn 10 người cùng xuống tác nghiệp…

Khi chưa bắt đầu phiên xử, mọi người đổ dồn sự chú ý vào đoàn người của gia đình nạn nhân khi họ mang cả 6 di ảnh người quá cố tới dự phiên xử. Nhìn những hình ảnh tang thương này, mọi người ai cũng xót xa, thương cảm…

Ngay sau đó, phiên tòa trở nên ồn ào hơn khi chứng kiến ba bị cáo Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, thường trú An Giang, ngụ huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), Vũ Văn Tiến (25 tuổi, ngụ Bình Phước, tạm trú huyện Hóc Môn) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, thường trú Vĩnh Long, tạm trú quận 12) được Cảnh sát dẫn giải đến tòa. Nhiều người đã cố gắng để nhìn cho rõ gương mặt và hình dáng của cả ba bị cáo.

Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, với những tình tiết, diễn biến vụ án cũng như từ lời khai trực tiếp của những bị cáo tại phiên tòa, một lần nữa những người tham dự lại không khỏi bàng hoàng, căm phẫn trước hành vi tội ác dã man của những tên sát nhân... Trong đó, Dương khẳng định mình có chủ ý giết người ngay từ đầu và hành động quyết liệt khi chính Dương lần lượt cướp đi mạng sống của 6 nạn nhân, với sự phụ giúp của Tiến.

Và lý do để Dương ra tay tàn ác lại chỉ vì chuyện thù tức tình cảm trai gái. Dương bình tĩnh khai nhận mình có thời gian yêu đương với nạn nhân Lê Thị Ánh Linh khá nồng thắm. Sau khi chị Linh dứt khoát chia tay, Dương được nghe kể lại nguyên nhân là vì mẹ của chị Linh đã ngăn cản và thuyết phục con gái chấm dứt tình cảm với Dương vì muốn chị Linh yêu và lấy một người đàn ông giàu có (?). Do đó, Dương đã sinh lòng thù hận và có ý định trả thù.

Dương khẳng định mục đích chính là Dương muốn giết người chứ không phải cướp tiền hay tài sản. Còn chuyện trước khi sát hại nạn nhân đều hỏi chỗ cất giấu tiền thì Dương lý giải rằng muốn Tiến tin rằng mình đi lấy tiền như lúc thuyết phục ban đầu (?). Điều đáng nói, Dương nhấn mạnh cách thức mình ra tay với các nạn nhân là do Dương tự nghĩ ra…

Một sự việc gây sự chú ý lớn khi phiên tòa đang diễn ra, khi nghe những hành động quá tàn ác của các bị cáo, nhiều người thân của nạn nhân đã gào khóc, tỏ đau đớn tột cùng; trong đó một người đã bị kích động mạnh và có phần mất kiểm soát. Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát hỗ trợ đã nhanh chóng có biện pháp để ổn định tình hình.

Gia đình bị hại đã mang 6 di ảnh người quá cố đến dự tòa.

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX) rằng bị cáo có thấy mình bị oan ức không? Bị cáo Tiến trả lời là ức chứ không oan. Lý do vì Tiến lúc đầu không hề biết chuyện Dương có chủ ý giết người và Tiến cũng không muốn giết người. Nhưng khi đến hiện trường và chứng kiến Dương sát hại các nạn nhân, Tiến đã nhiều lần tỏ ý thoái lui, song Tiến đã bị Dương "khống chế về tinh thần", thậm chí có cả việc cầm dao đe dọa nên Tiến phải tiếp tục thực hiện việc giúp sức cho Dương gây án (?). HĐXX tiếp tục truy hỏi "khống chế tinh thần" như thế nào thì Tiến chỉ ậm ừ, không nói được…

Về phần Thoại, bị cáo này được Dương rủ rê và nói rõ kế hoạch gây án. Thực tế Thoại cũng đã cùng Dương đến nhà nạn nhân nhưng sau đó thì không tiếp tục tham gia nữa. Thoại cho rằng khi mình từ bỏ hành động thì Dương cũng sẽ không thực hiện nữa nhưng không ngờ Dương lại rủ Tiến đi gây án. Tuy vậy, theo cáo trạng, Thoại từ bỏ và không thực hiện được hành vi giết người cướp của là ngoài ý muốn. Do vậy, bị cáo này cũng bị truy tố các tội danh như Dương và Tiến…

Phiên tòa diễn ra cả ngày trong tiết trời nắng nóng và nhiệt độ khá cao, chưa kể do khu vực xét xử là khu đất vừa mới được san lấp nên khi gió thổi mạnh từng cơn đã khiến đất cát tung bụi mịt mù, gây khó chịu cho đa số những người theo dõi phiên tòa. Tuy vậy, người dân vẫn tiếp tục "trụ" lại cả buổi trưa để theo dõi tiếp phiên tòa vào buổi chiều.

Gần như suốt phiên tòa cả ba bị cáo Dương, Tiến và Thoại đều giữ vẻ mặt bình thản và trả lời khá suôn sẻ những câu hỏi của HĐXX và các luật sư bào chữa. Dù diễn tiến tại phiên tòa cho thấy còn khá nhiều tranh luận chưa thống nhất giữa đại diện Viện Kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố và các luật sư bào chữa nhưng rõ ràng hành vi tội ác của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, phạm nhiều tình tiết tăng nặng như: Giết nhiều người, giết trẻ em, giết để thực hiện một tội danh khác, mang tính chất man rợ, côn đồ, đê hèn.

Kết thúc phiên tòa, tổng mức án mà Dương và Tiến phải nhận là tử hình về các tội Giết người và Cướp tài sản. Riêng Thoại nhận tổng mức án 16 năm tù. Ngoài ra, các bị cáo còn phải bồi thường tổng cộng số tiền 480 triệu đồng cho bên bị hại. Theo ghi nhận thì đa số người theo dõi đều đồng tình với các mức án nghiêm khắc dành cho các bị cáo.

Về phần người thân của các nạn nhân và bị cáo, chia sẻ ngay sau khi phiên tòa kết thúc, ông Nguyễn Dinh (72 tuổi, cha ruột nạn nhân Ánh Nga) cho biết: "Mức án đó tôi thấy cũng không vừa lòng lắm đâu vì sự mất mát của gia đình tôi là không gì có thể bù đắp được". Ông Lê Xuân Đốp (75 tuổi, cha ruột nạn nhân Lê Văn Mỹ) bộc bạch: "Trên cơ sở tài liệu chứng cứ thu thập được, cơ quan chức năng đã xử phạt mức án cao nhất đối với Dương và Tiến nên gia đình có phần nguôi ngoai. Mức án trên cũng phần nào an ủi vong linh những người đã khuất".

Trong khi đó, bà Trần Thị Trinh, dì của Dương, vừa khóc vừa chia sẻ rằng: "Lúc này tôi cũng không biết mình đang nghĩ gì nữa, đơn giản là cháu tôi giết người thì phải đền mạng thôi. Nó có chết cũng không đền hết được 6 mạng người của nhà người ta đâu… Nhưng tôi đau lắm!".

Phú Lữ
.
.
.