Những cú lừa với thủ đoạn ngày càng tinh vi

Thứ Ba, 16/06/2015, 12:30
Ngay tại TP Hồ Chí Minh, nhiều vụ kẻ xấu cố ý vào tận nhà người dân lừa nhiều vụ "nói chẳng ai tin". Sau khi bị lừa, nguyên nhân cuối cùng thường được các bị hại đưa ra là do bị "thôi miên" hay ám bùa ngải nên mới dễ bị lừa đến vậy(?!).
Trình bày lại sự việc với chúng tôi, chị Ngô Thị Vân (36 tuổi, nhà ở đường HT42, phường Hiệp Thành, quận 12) vẫn còn nguyên sự bức xúc. Chị kể, vào khoảng 10h ngày 22/5 một thanh niên, ngoài 30 tuổi, nói giọng miền Bắc đi xe máy Sirus Yamaha màu trắng đến nhà chị. Lúc này ở nhà chỉ có mẹ chị là bà Trần Thị Ty (66 tuổi, tổ 45B khu phố 4, phường Hiệp Thành) cùng mấy đứa cháu nhỏ. Vừa thấy bà Ty, người thanh niên liền cất tiếng hỏi: "Dạ đây có phải nhà chị Vân không ạ"?.

Bà Ty trả lời rằng đúng nhưng lúc này chị Vân không có ở nhà vì đang đi ra ngoài có chút việc riêng. Nghe vậy, người thanh niên tỏ ra khó chịu rồi nói: "Chị Vân này kỳ quá, hôm nay đã hẹn đến lấy tiền điện vậy mà lại bỏ đi đâu… Thôi cô là mẹ thì trả hộ tiền giúp chị ấy đi, chứ có mấy đồng phí điện mà để tôi mất công đi lại nhiều quá".

Bà Ty tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe những lời người thanh niên vừa nói: "Chú này buồn cười nhỉ, ở nhà này tiền điện xưa giờ con Vân đóng, tôi có dính dáng gì đâu mà bảo tôi đưa tiền chứ. Chú cứ chờ con gái tôi về đi…". Bà Ty chưa kịp dứt lời thì người thanh niên lớn giọng dọa nạt: "Bây giờ nếu cô không đóng tiền ngay thì để tôi vào nhà cắt điện luôn, tôi có phải đi xin đâu mà cô nói kiểu đó".

Thấy vẻ lưỡng lự của bà Ty, người thanh niên liền xuống giọng hỏi tiếp: "Vậy cô có số điện thoại của chị Vân hay không thì cho tôi để tôi gọi?". Bà Ty bảo rằng không có số vì hiếm khi nào liên lạc bằng điện thoại với con… Đúng lúc này, cháu T.H. (14 tuổi) là con gái của chị H. - người đang đi cùng chị Vân đứng gần đó nghe thấy nên đã cho số điện thoại của mẹ mình.

Chẳng biết người thanh niên này dùng số điện thoại nào nhưng ngay lập tức anh ta bấm số và bắt đầu như đang nói chuyện với chị H. rồi bảo cho gặp chị Vân: "Chị Vân à, chị hẹn tôi hôm nay đóng tiền mà lại đi đâu vậy? Chị xài điện mà lại không đóng tiền là sao? Trong vòng sáng nay mà chị không đóng thì tôi vào nhà cúp điện nhà chị luôn. Giờ chị bảo bà già đóng giúp đi, chứ điện của Nhà nước chứ có phải nhà tôi đâu mà chị cứ bắt tôi đi lại nhiều lần vậy".

Vẫn tỏ ra nghi ngờ nên bà Ty nói: "Tôi chưa gọi điện nói chuyện với con gái tôi thì tôi chưa tin, trong xóm này nhiều lần bị lừa đầy ra đó. Hơn nữa phải để tôi hỏi con Vân trước đã, chứ bây giờ tôi đưa tiền của tôi đóng cho chú rồi mai mốt nó bảo tôi lừa lọc thì sao". Nghe bà Ty nói vậy, người thanh niên này liền đưa điện thoại bảo bà nói chuyện với "chị Vân". Ở đầu dây bên kia là giọng nói của một phụ nữ mà không hiểu sao bà Ty lại tưởng rằng đó là giọng nói của con gái mình.

Bà Ty kể lại: "Khi cầm điện thoại tôi nghe rõ giọng nói giống như của con Vân bảo là mẹ cứ đưa cho con mượn 3 triệu để con đóng trước rồi chiều con về trả lại, chứ bây giờ người ta đi lại nhiều quá phiền người ta. Nghe con nói vậy, tôi còn dặn với qua điện thoại, đó là tiền hàng của tôi, vay là phải trả trong ngày chứ không để lâu được". Lúc này thì bà Ty tin mọi chuyện là thật nên đã chạy lên gác lấy 3 triệu đồng mang xuống. Do 2 triệu là 4 tờ 500 ngàn nên bà đếm nhanh và đưa cho người thanh niên ngay. Một triệu còn lại là tiền lẻ nên bà phải đếm kỹ chưa đưa ngay…

Tuy nhiên, đúng lúc này thì chị Vân cùng chị gái của mình đi xe máy về đến nhà. Vừa nhác thấy bóng con gái, bà Ty liền chỉ ra bảo người thanh niên: "Đó con gái tôi về đấy, chú ra nói chuyện với nó đi"!. Vừa nghe bà Ty nói vậy, ngay lập tức người thanh niên thay đổi sắc mặt rồi cầm 2 triệu vụt lên xe chạy đi mất. Biết bị lừa bà Ty la lên "cướp cướp" nhưng mọi việc đã quá muộn vì người thanh niên nhanh chóng chạy mất dạng.

Vụ việc của mẹ con chị Vân chỉ là một trong những vụ điển hình đến tận nhà lừa đảo. Vì ở TP Hồ Chí Minh hiện nay, vẫn thường xảy ra những vụ như giả dạng nhân viên công ty đến nhà để ký hợp đồng, bán hàng giá rẻ, trong khi chủ nhà không cảnh giác sẽ tìm cách lấy trộm đồ; thậm chí còn xưng danh cả cán bộ địa phương dọa nạt, lừa đảo người dân…

Chị Vân kể lại câu chuyện mẹ mình bị lừa.

Cách đây chưa lâu, một gia đình tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đã bị nhóm người giả danh cán bộ phường tới lừa đảo. Anh T. Phong (39 tuổi, chủ nhà) kể lại: "Hôm đó mẹ tôi ở quê lên chơi. Ở nhà một mình thì có hai người - một nam một nữ vào gõ cổng bảo người của phường xuống thu 1,4 triệu đồng tiền vệ sinh môi trường. Điều đáng nói là không hiểu sao nhóm người này lại biết rất rõ tên tuổi, số điện thoại và cơ quan tôi công tác, họ cứ đòi mẹ tôi mở cổng cho vào nhà, có cả hóa đơn mang theo.

May mà mẹ tôi cảnh giác (vì trước khi đi tôi cũng đã dặn dò không nghe lời và không cho người lạ vào nhà) không cho vào và cũng không nộp tiền. Sau khi đôi co một lúc mà không thuyết phục được mẹ tôi đưa tiền, chúng chửi bới rồi bỏ đi mất. Đúng là bây giờ có quá nhiều trò lừa đảo, mọi người luôn phải cảnh giác cao may ra mới tránh được".

Bà Ngô Thị Tuyết (65 tuổi, nhà ở khu phố 4, đường Nguyễn Ảnh Thủ, phường Hiệp Thành, quận 12) vẫn còn nhớ như in lần bị một thanh niên đi xe máy rồi cứ thế vào thẳng nhà. Gặp bà, anh ta tự xưng là nhân viên của một hãng sản xuất kem đánh răng nổi tiếng đến nhà để tặng hai tuýp kem đánh răng miễn phí vì đang là dịp khuyến mãi.

Dù khá khó chịu vì sự tự nhiên quá đáng của người nhân viên này, nhưng vì phép lịch sự, bà Tuyết cũng nói chuyện qua lại một chút rồi người thanh niên này ra về. Ngay sau đó, khi người cháu gái đi ra ngoài về tìm điện thoại để quên ở nhà thì không thấy đâu nữa. Suy nghĩ mãi vì từ sáng đến giờ không có ai vào nhà trừ người thanh niên kia, có lẽ trong lúc bà Tuyết không để ý, "tên đạo chích" đã nhanh tay cuỗm mất chiếc điện thoại rồi ra về mà chủ nhà không hề hay biết.

"Đó là bài học nhớ đời cho tôi, sau lần đó người lạ đến tôi không dám cho vào nhà nữa. Nhưng đúng ra trước khi xảy ra vụ mất trộm đó, tôi cũng chưa dám cho ai lạ vào nhà, nhưng anh thanh niên đó vừa chào tôi vừa tự tiện đi thẳng vào nhà, chẳng cần sự đồng ý của tôi, mà cũng chẳng hiểu sao lúc đó tôi lại để yên như vậy, có lẽ do ngại vì chẳng lẽ tôi lại đuổi ra, hơn nữa lúc đó tôi cũng nghĩ đơn giản là anh ta đến tiếp thị sản phẩm chứ không nghĩ rằng đó chỉ là cái cớ để anh ta vào nhà, thấy đồ có giá trị là ra tay lấy trộm luôn", bà Tuyết lắc đầu ngao ngán.

Cũng theo bà Tuyết kể lại thì ngay trong xóm của bà còn có một vụ lừa nghe lạ lùng hơn nữa. Đó là vào một buổi sáng, một nhà hàng xóm cách nhà bà vài căn, ba mẹ đi chợ chỉ còn đứa con nhỏ (khoảng 8 tuổi) ở nhà một mình. Khi cháu bé đang chơi trong nhà, bỗng nhiên có một người đàn ông chạy xe máy tới trước cửa, đằng sau xe có chở theo một bao gạo khoảng chừng 40-50kg.

Khi cháu bé chạy ra hỏi thì người đàn ông này bảo rằng ba mẹ cháu (người này nói rõ họ tên của ba mẹ cháu bé) kêu chở gạo tới nhà nhưng do ba mẹ cháu không mang theo đủ tiền nên bảo ông ta chở gạo về nhà trước và dặn nới với cháu bé cháu vào nhà tìm hoặc qua nhà hàng xóm mượn trước 500 ngàn đưa cho ông ta để trả tiền gạo.

Cháu bé chẳng mảy may nghi ngờ nên sau khi vào phòng ngủ không thấy tiền, cháu liền chạy qua nhà hàng xóm kế bên nói lý do mượn tiền và được người hàng xóm cho mượn. Cháu bé chạy về đưa cho người "bán gạo", vừa nhận tiền xong ông ta bảo cháu bé cứ mở cửa để ông ấy chạy về chở thêm một bao nữa sẽ giao hàng luôn… Chỉ đến khi cha mẹ cháu bé về mới ớ người vì cả hai đều không đặt mua gạo trước đó, càng không có chuyện kêu con đi mượn tiền ứng trước.

Mới đây nhất, ngày 1/6/2015, trên fanpage của ca sĩ Lý Hải bất ngờ đăng tải thông tin vợ chồng nam ca sĩ đã bị một người hâm mộ lợi dụng tên tuổi đến tận nhà để lừa đảo. Kèm theo đó là hình ảnh của fan này nhằm truy tìm cũng như cảnh báo tất cả mọi người.

Theo như những gì được chia sẻ, kẻ lừa đảo tên Bảo (quê ở Tuy Hòa) là người hâm mộ lâu năm của ca sĩ Lý Hải. Ngày 31/5/2015, lợi dụng lúc ca sĩ này đi diễn ở tỉnh không có nhà, Bảo đã qua nhà Lý Hải chơi và gọi điện thoại cho một cửa hàng giao 5 chiếc Iphone 6 đến nhà (tổng giá trị 105 triệu đồng). Lựa lúc người nhà sơ hở, Bảo ra nhận điện thoại và nói với nhân viên cửa hàng vào gặp ca sĩ Lý Hải lấy tiền, rồi lẻn ra cửa sau trốn mất cùng 5 chiếc điện thoại…

Người đã đến tận nhà ca sĩ Lý Hải lừa đảo.

Có thể thấy, các đối tượng xấu đã sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để lừa đảo, tùy theo những hoàn cảnh cụ thể của các nạn nhân khác nhau, chúng thường nhắm vào người già và trẻ nhỏ, những người dân nhẹ dạ cả tin, ở nhà một mình. Chúng thường "nhanh tay lẹ mắt", lừa lúc gia chủ không để ý cuỗm tài sản; hay dựa vào uy tín của các cơ quan công quyền để dọa nạt, cố ý áp đảo tinh thần bị hại để đạt được mục đích… Thậm chí mượn danh của cá nhân nổi tiếng để lừa đảo như trường hợp xảy ra ở nhà ca sĩ Lý Hải…

Riêng hiện tượng các nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo "thôi miên" hay bị bùa ngải khiến tinh thần và trí óc không tỉnh táo để dễ dàng lấy tài sản như một số nạn nhân nghi vấn, theo các nhà chuyên môn thì gần như không thể xảy ra. Bởi đa số các trường hợp nạn nhân bị lừa là người già và trẻ nhỏ nên các bị hại này thường dễ bị các đối tượng lừa đảo lấn át tâm lý hay dùng các hình thức lừa đảo tinh vi như giả giọng hay đóng kịch gọi điện thoại… mà các bị hại này không dễ phát hiện ra.

Hơn nữa các đối tượng này trước khi tiến hành một "phi vụ lừa đảo" thường tìm hiểu, điều nghiên kỹ các thông tin cá nhân của gia chủ khiến cho những người bị hại mất cảnh giác, tin vào lời "ngon ngọt" của chúng… Đây là những hành vi lừa đảo rất cần người dân cảnh giác, khi có nghi vấn cần báo ngay với cơ quan có thẩm quyền.

Phú Lữ
.
.
.