Những đứa trẻ mang nỗi hận thù người đàn bà độc ác

Thứ Hai, 29/10/2012, 11:04
Gian nhà cấp 4 tối om, hôi hám, ong ong tiếng ruồi nhặng. Bà Tám nằm bê bết, mặt vàng ệch như cái xác không hồn. Những người cao tuổi trong khu phố cầm tay bà lay lay, bà Tám mở đôi mắt bét nhèm dử. Bà không còn nhận ra ai, mọi người nói rằng giỏi lắm, bà qua được đêm nay. Thế là cuộc đời của người đàn bà nổi tiếng cay nghiệt cũng sắp kết thúc. Mọi người không ai còn thấy ghét bà nữa, thay vào đó là sự thương hại...

Cái ký ức lần đầu tiên tôi gặp bà Tám chẳng đẹp đẽ gì, nó hằn sâu trong tôi một nỗi thù hận khiến tôi phải lẩm bẩm: “Thù này không trả, không phải là người”. Cái câu nói mà tôi học được trong truyện chưởng, phim Tàu, được áp dụng với bà Tám. Năm đó tôi mới học lớp 6, cuối học kỳ, tôi đạt học sinh giỏi. Bố mẹ hứa thưởng cho bộ quần áo. Nói là thưởng về thành tích học tập, nhưng lúc đó cũng vào dịp sáp Tết. Một bộ quần áo mới là thứ mà chẳng cần đạt học sinh giỏi, mỗi đứa trẻ đều có, trừ trường hợp gia cảnh quá khó khăn. Bố mẹ tôi nghèo, nên đã gộp 2 lý do đó lại thành món quà cho tôi.

Là con trai đã 12 tuổi, tôi không muốn mặc những bộ quần áo do bố mẹ mua về. Tôi nói với mẹ: “Con lớn rồi, con muốn tự mua quần áo”. Mẹ biết tôi tự mua thế nào cũng bị hớ, bà tỏ vẻ không đồng ý, nhưng bố thì muốn tôi tự quyết định. Ông nói rằng là con trai thì phải tự quyết, dám làm dám chịu. Nếu tôi có mua hớ, mua phải hàng kém chất lượng thì cũng là một bài học bổ ích. Thế là tôi được cầm một khoản tiền và háo hức đi chợ.

Ngày đó, cửa hiệu bán quần áo không xuất hiện đầy ở mặt phố như bây giờ. Tất cả đều được mua tại ngôi chợ khang trang ở trung tâm thành phố. Từ nhà đến đó, tôi phải đi bộ gần 2km. Tôi rủ thằng Hải, bạn cùng xóm đi cùng và phải hứa với nó nếu còn thừa tiền, sẽ phải mua tặng nó một cái bật lửa.

Chúng tôi vừa đi vừa chạy, chẳng mấy chốc đã đến chợ. Chẳng vội vã, tôi và Hải đi ngắm nghía đủ các mặt hàng. Thứ hấp dẫn chúng tôi nhất là những chiếc bật lửa tàu màu xanh đỏ rất đẹp mắt. Kế đến là những chiếc đèn pin tiểu bé xíu, những bộ bài in hình của bộ phim Tây Du Ký, những chú cá chọi màu sắc sặc sỡ...

Bỗng nhiên, tôi thấy dưới đất, nơi lối đi hẹp giữa các gian hàng là những tờ tiền cuộn tròn và buộc bằng một sợi thun. Huých vai ra hiệu cho thằng Hải, nó cúi xuống nhặt lên. Đang ngơ ngác ngó quanh xem có ai nhìn thấy hành động mờ ám của chúng tôi không thì một bà to béo xuất hiện ngay sau lưng. Bà ta giằng lấy cuộn tiền rồi bù lu bù loa: “Bọn ăn cắp! Bọn móc túi! Mới nứt mắt ra đã mất dạy. Tiền của tao là tiền mồ hôi nước mắt, lấy không dễ đâu. Để tao cho chúng mày lên phường, khai ra đồng bọn có những thằng nào...”.

Vừa nói, bà ta vừa nắm tay kéo chúng tôi xềnh xệch. Thằng Hải khỏe hơn, giằng được ra. Nó thanh minh: “Tiền này cháu vừa nhặt được chứ. Nếu tiền của bà thì bà nói xem cuộn tiền đó có bao nhiêu...”. Bà kia đỏ mặt tía tai: “Á à! Đã ăn cắp lại già mồm. Để tao xem... Ối giời ơi, tiền của tôi sao còn mỗi từng này, chúng mày giấu bớt ở đâu rồi...”.

Bà ta vừa nói đến đó, tôi bỗng thấy mắt tóe lên những tia sáng, sau đó tối sầm lại. Trong miệng tôi có vị mằn mặn của máu. Tôi cố giằng ra nhưng không được, bà béo lục soát các túi của tôi và lấy ra số tiền phần thưởng mẹ đã đưa. Bà ta hô hố cười lớn: “Tưởng qua mặt được bà à. Lần này lấy lại được tiền nên tao tha, lần sau thì tao giao cho công an”. Bà ta lăng mạnh một cái, tôi cảm giác hai chân chơi vơi, sau đó là cú va đập rất mạnh vào một sạp hàng. Đến lúc thằng Hải đỡ tôi dậy thì bà béo đó đã biến mất dạng.

Tôi khóc tu tu, không phải vì đau mà vì ức. Thằng Hải mắt cũng ngân ngấn nước, nó nghiến răng kèn kẹt hét toáng lên: “Đồ ăn cướp, đồ đàn bà béo thối tha”. Những người khách ở chợ thì nhìn chúng tôi với con mắt khinh bỉ, còn những người bán hàng thì lặng im không nói gì. Mãi sau mới có một bà lại gần tôi hỏi: “Thế mất bao nhiêu?” - “Cháu mất 50 nghìn”, tôi trả lời. Bà lấy trong túi áo ra một hộp dầu cao xoa vào vết bầm trên trán tôi rồi nói: “Thôi, các cháu về đi. Bác tin các cháu không phải là người xấu. Bán hàng ở cái chợ này, bọn móc túi bác đều nhẵn mặt cả. Còn mụ Tám này thì nổi tiếng tác quái, những trò của bà này thì cả chợ đều phải ngại. Không làm gì được bà ta đâu. Bà ta có một lũ con, đứa nào cũng đầu bò đầu bướu, cao to lừng lững...”.

Lúc đó, những người khách mới giãn ra để chúng tôi đi về. Tối hôm đó, tôi bắt thằng Hải sang nhà, kể lại toàn bộ câu chuyện để bố mẹ tin là tôi không nói dối. Mẹ tôi tức lắm, bà lầm bầm chửi rủa mụ Tám kia. Còn bố tôi thì nói: “Đây là bài học đắt giá về sự tham lam, nếu tôi không nhặt cuộn tiền kia thì đã không đến nỗi”. Tết đó, tôi chỉ được mua một chiếc áo khoác xấu như áo của ông già. Còn thằng Hải vẫn không có cái bật lửa mà nó ao ước.

Chúng tôi không dễ dàng bỏ qua chuyện ấm ức này. Tôi và Hải vẫn tận dụng những lúc đi học về tạt qua chợ để thám thính tình hình về mụ Tám. Sau một tháng, tôi đã phát hiện ra nhà của mụ ta. Lũ con của mụ một đứa thì đi tù, một đứa thì cứ ăn cơm xong là đi đánh bạc, còn một đứa đạp xích lô thường đón khách ở đầu phố. Để trả thù mụ này không phải là khó, nhưng chúng tôi muốn một cách vừa an toàn, vừa khiến cho mụ ta tức giận và đau khổ.

Thằng Hải nói: “Nhà của bà ta lụp xụp lợp giấy dầu, chỉ cần gói một ít thuốc pháo vào dây bấc đã ngún lửa, dùng súng cao su bắn lên mái nhà là căn nhà đó cháy thành tro”. Tôi không đồng ý với cách đó. Làm thế không khéo chúng tôi sẽ đi tù. Không! Chúng tôi chưa đủ tuổi đi tù, tôi nghe người lớn nói rằng, nếu trẻ con mà làm điều xấu thì bố mẹ chúng phải đi tù thay con. Tôi sợ điều này lắm. Hơn nữa, căn nhà đó mà cháy thì sẽ lan sang những nhà hàng xóm. Chúng tôi đâu có thù oán gì với họ.

Nhà bà Tám có con chó vàng béo mũm. Thỉnh thoảng tôi thấy bà ôm ấp, bắt giận cho nó. Có lẽ “xử lý” con chó sẽ làm bà ta tức chết. Trước mắt cứ thế đã. Tôi từng nghe người lớn nói chuyện ở quán nước rằng, nếu nướng một củ khoai lang thật chín, thật nóng rồi ném ra, con chó đớp phải sẽ bị rụng hết răng bởi sức nóng của củ khoai. Buổi tối mượn được xe đạp của mẹ, mang theo gói khoai nướng ném vào trước cửa, nhưng chẳng con chó vẫn nằm im chẳng chịu chạy ra ăn. Có lẽ nó không thích khoai lang. Chúng tôi lại phải nghĩ cách khác.

Một hôm thằng Hải thập thò ở cửa, nó lấy ra một gói nhỏ có những hạt gạo màu hồng. Nó bảo đó là bả chuột, con chó nhà nó rất thích ăn sữa đặc. Chỉ cần một ít sữa đặc trộn với thứ bả đó, chắc chắn sẽ thành công. Chúng tôi thực hiện ngay. Quả thật vừa ném gói bả vào, con chó đã lao ra cắn xé. Nó chén sạch cả chỗ bả chuột đó lẫn tờ giấy gói có dính sữa. Chúng tôi hí hửng chờ đợi sự bực tức của bà Tám.

Mấy hôm sau mới đi qua nhà bà Tám. Con chó không còn nằm trước cửa nữa. Nghe ngóng tình hình, chúng tôi được biết là vừa thấy nó bị ốm, bà Tám đã gọi người vào bán để làm thịt. Thế là bà ta chẳng hề tức, biết đâu sự trả thù của chúng tôi vô tình lại làm hại những người ăn phải thịt của con chó ấy. Kết cục là chúng tôi lại là những người tấm tức nhất.

Chúng tôi chưa kịp nghĩ ra cách tiếp theo, thì một hôm thằng Hải thông báo: “Thằng con trai nhà bà Tám đạp xích lô đánh chết người rồi bỏ trốn. Cái nhà có con bị giết kia cũng chẳng phải vừa, họ kéo cả đám người mang quan tài đến đặt trước cửa nhà bà ta để bắt đền. Sự việc náo loạn cả khu phố. Đám người kia đằng đằng sát khí, hình như giấu cả vũ khí trong người. Bà Tám và đứa con trai mê cờ bạc phải trốn vì sợ bị trả thù. Từ đó ngôi nhà bà Tám đóng cửa im ỉm. Tôi và Hải hết sức thất vọng vì không biết bà ta đã chuyển đi đâu. Mối thù của tôi tưởng thế là đã nguôi ngoai.

3 năm sau, xóm tôi có người bán căn nhà cấp 4 ở sâu trong ngõ, người mua không ai khác ngoài bà Tám. Người lớn nói rằng, gã con bà sau khi giết người, hắn còn đi cướp và đã bị Công an bắt và lĩnh án tử hình. Giờ bà ta chỉ sống với người con mê cờ bạc. Bà ta già xọm, mặt mũi hốc hác, mái tóc đã bạc gần hết. Bà không dám ra chợ nữa, những người bán hàng không còn sợ bà. Họ xúm lại tẩy chay, khiến bà ta không thể buôn bán nổi. Một hôm khu vực nhà bà Tám xôn xao. Gã con mê cờ bạc đã lấy trộm hết tiền, vàng của bà rồi bỏ đi. Bà ta đứng trước nhà gào khóc náo loạn cả xóm.

Rồi bà ốm, bà bị một căn bệnh nan y không thể chữa khỏi. Buổi tối đứng trước nhà bà, tôi nghe thấy bà ta rên hừ hừ vọng ra rất to. Vậy mà sáng sớm ngày ra, đã thấy bà đứng chửi hàng xóm bật đài to khiến bà không ngủ được. Cả xóm chả ai thèm chấp bà. Người ta nói rằng khi bị ốm thì phải rên cho nó đỡ đau, bà ta rên rỉ chán thì chửi bới cũng là một cách bớt đi nỗi đau đó. Bà chửi được thêm 3 ngày nữa thì gục hẳn. Hàng xóm thấy lạ phá cửa vào thì thấy bà nằm bết trên giường, phóng uế tại chỗ bốc mùi nồng nặc.

Tôi và Hải cũng có mặt tại nhà bà lúc đó, chúng tôi ngó nghiêng rồi vội ra ngoài. Hải hỏi tôi còn tức bà Tám nữa không? Thực sự là nỗi hận đó bây giờ không còn trong lòng tôi nữa. Làm điều ác sẽ bị quả báo. Không làm điều ác thì tâm hồn sẽ thanh thản. Tôi nghiệm ra điều đó và đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn tìm cách tránh đi sự hận thù vì hận thù cũng là một điều ác

Quốc Việt
.
.
.