Những tên đạo chích chuyên trộm “đầu cơ nghiệp” của nông dân

Thứ Tư, 07/01/2015, 16:11
Liên tiếp trong thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, rộ lên vấn nạn trộm trâu bò của người dân, từ thả rông đến nhốt trong chuồng đều bị đạo chích viếng thăm. Để đạt được mục đích, chúng không từ bất cứ một gia cảnh nào, từ trộm của hộ nghèo, trộm bò dự án đến cả “đầu cơ nghiệp” của người tàn tật, neo đơn cũng bị “viếng thăm”.

Mặc dù cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc, bắt nhiều đối tượng, ổ nhóm liên quan song vấn nạn này vẫn đang tồn tại và tiếp diễn khiến dân nghèo khốn đốn.

Lo lắng, hoang mang, suy sụp là tâm trạng chung của những người dân nghèo bị kẻ trộm cuỗm đi khối tài sản quý giá nhất mà họ có, đó là những con trâu, con bò “đầu cơ nghiệp”. Vấn nạn này tiếp diễn liên tục, trong một thời gian dài và số nạn nhân không ngừng tăng lên đã khiến cho an ninh trật tự tại các làng quê bị xâm hại nghiêm trọng. Nguyên nhân một phần là do người dân chủ quan, có những vùng miền thậm chí còn tồn tại tập tục thả trâu bò vào rừng theo bầy đàn, dăm bữa nửa tháng mới vào kiểm đếm, song quan trọng hơn cả là do giá thành cao ngất ngưởng, mỗi con trâu bò trộm được, đạo chích có thể ẵm về hàng chục triệu đồng nên chúng đã không từ bất cứ thủ đoạn nào để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của mình. Một số đối tượng còn câu kết với nhau để thực hiện nhiều vụ nhập nha, sau đó tập kết hàng chục con tại một địa điểm rồi bí mật thuê xe ôtô chở thẳng đến lò mổ. 

Từ Hà Nội vào Hà Tĩnh trộm trâu bò

Tại địa bàn Hà Tĩnh, ở huyện miền biển như Nghi Xuân gần đây cũng liên tục xảy ra tình trạng mất trộm trâu bò, hoạt động này của đạo chích chủ yếu diễn ra vào ban đêm, cá biệt có gia đình một đêm bị bắt trộm tới 3 con bò khiến nhân dân rất hoang mang. Chỉ trong thời gian rất ngắn, địa bàn này đã xảy ra 15 vụ, mất trộm 23 con bò, tổng trị giá trên 500 triệu đồng. Đáng buồn là có những gia đình thuộc diện hộ nghèo, được hỗ trợ 2 con bò giống sinh sản hướng tới xóa đói giảm nghèo nhưng cũng bị chúng bắt trộm.

Trước tình trạng trên, lãnh đạo Công an huyện chỉ đạo thành lập Ban chuyên án, thành lập 4 tổ công tác với 30 trinh sát cùng vào cuộc. Từ mắt xích là đối tượng Bùi Duy Long (SN 1977), trú tại TP Vinh khi y đang điều khiển xe ôtô chở một con bò không rõ nguồn gốc, tổ công tác đã ra tận Hà Nội để điều tra, triệt phá đường dây trộm “đầu cơ nghiệp” liên tỉnh này.

Tại đây, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác đã tiếp cận với “đầu nậu” thường đi buôn bò tên là Trần Văn Lễ (SN 1964), trú xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, là kẻ có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản, 1 tiền sự bị đưa vào cơ sở giáo dục. Trong quá trình vào Nghệ An và Hà Tĩnh thực hiện hành vi trộm cắp trâu bò, Lễ đã lấy tên giả là Lành để che giấu thân phận. Tiến hành bắt khẩn cấp người đàn ông “hai mang” này, hắn đã thừa nhận gây ra 17 vụ trộm, gồm 23 con trâu bò trên địa bàn. Trong đó ở Nghi Xuân chúng gây ra 13 vụ, bắt trộm 18 con bò và tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) gây ra 3 vụ với 5 con bò. Thủ đoạn của bọn chúng ban ngày xâm nhập vào các xã quan sát, tìm hiểu, tối đến vào chuồng bắt trộm rồi dắt theo dọc đường bờ sông, bãi tha ma đưa đến điểm tập kết để đưa ra Hà Nội tiêu thụ.

Tại Nghệ An, vấn nạn trộm cắp trâu bò cũng rộ lên trong thời gian gần đây, địa bàn xảy ra nhiều vụ mất trộm nhất thường là các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, khi đồng bào nơi đây thường có tập tục thả rông trâu bò theo bầy đàn trong rừng mà không có ai trông coi thường xuyên. Trên địa bàn huyện Anh Sơn, người dân liên tiếp bị mất trộm trâu bò, diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm, gây thiệt hại lớn về tài sản cũng như gây tâm lý hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương buộc Công an huyện này phải vào cuộc và xác lập chuyên án 714T để đấu tranh, triệt xóa.

Sau một thời gian kiên trì đấu tranh, đến 3 giờ ngày 4/8, Ban chuyên án đã mật phục, bắt quả tang đối tượng Trần Văn Hiếu (SN 1970) trú tại xã Hội Sơn khi đang vận chuyển trái phép 2 con bò trị giá gần 47 triệu đồng, là tang vật của vụ trộm tại gia đình anh Hà Văn Ngọc, trú tại xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ. Mở rộng điều tra, Công an huyện Anh Sơn đã bắt thêm 2 đối tượng khác đã cùng nhau thực hiện hàng chục vụ trộm trâu bò trên địa bàn.

Muôn kiểu phạm tội

Trước đó không lâu, Công an huyện Nghi Lộc cũng đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Đình Lý (SN 1991) trú xã Nghi Hợp, kẻ đã có một tiền án về tội trộm tài sản, ra tù chưa được bao lâu nhưng không chịu tu chí làm ăn mà quay lại con đường cũ khi thực hiện trót lọt 4 vụ trộm bò trong thời gian 1 tháng khiến nhân dân bất an. Thủ đoạn của Lý là ban ngày tiến hành tìm hiểu gia đình nào nuôi bò rồi lợi dụng đêm khuya khi gia chủ đã ngủ say, lẻn vào dắt bò đi cất giấu tại địa điểm vắng, sau đó tiếp tục đột nhập vào nhà khác để trộm bò rồi tập kết tại một điểm. Khi đang gom được hàng, Lý thuê xe tải chở đi huyện Đô Lương bán. Toàn bộ số tiền hơn 100 triệu thu được từ bán trâu bò, Lý đã ném sạch vào sòng bạc. Phần lớn, các đối tượng trộm trâu bò đều là những kẻ đã có tiền án, tiền sự, sau khi ra tù lêu lổng, không có công ăn việc làm ổn định. Cá biệt như trường hợp Xồng Bá Thủy (SN 1988), trú xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, sau khi mãn hạn tù, bản thân lại nghiện ma túy nên đã trộm bò của hàng xóm để làm thịt bán lấy tiền mua ma túy. Cũng có trường hợp phạm tội rất ngây thơ như 2 đối tượng Xồng Bá Chò (SN 1988) và Xồng Bá Và (SN 1988), đều trú huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), trên đường đi quăng chài bắt cá về nhưng không bắt được cá, thấy 3 con bò thả rông bên đường không người trông coi, hai tên này đã nên nảy sinh ý định trộm về bán cho một thương lái dưới xuôi đang lên đây thu mua trâu bò. Hay như trong Chuyên án 0114T mà Công an huyện Quỳ Hợp triệt phá gần đây, nhóm 3 đối tượng trú xã Châu Cường đã cùng nhau thực hiện 3 vụ trộm 4 con trâu bò rồi đưa vào rừng xẻ thịt đem bán và chia nhau về nhà để ăn.

Tại Hội nghị tổng kết chuyên án trộm cắp trâu bò do Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tổ chức ngày 22/10 vừa qua, lãnh đạo Công an các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Đức Thọ (Hà Tĩnh) và Thanh Chương, Tân Kỳ, Nam Đàn (Nghệ An) đã trao đổi với nhau những kinh nghiệm tại mỗi địa phương trong việc đối phó với loại tội phạm ngày càng manh động và liều lĩnh này. Trước đó, tại địa bàn huyện Hương Sơn, Công an Hương Sơn đã phá thành công Chuyên án mang bí số TCTS 1213, bắt 8 đối tượng trú tại huyện Hương Sơn và huyện Tân Kỳ (Nghệ An) có hành vi trộm tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tiếp đó, trong tháng 9/2014, Công an huyện Hương Sơn tiếp tục khám phá thành công hai chuyên án “hủy hoại tài sản”, “trộm cắp tài sản” bắt giữ đối tượng Thái Chí Hải (SN 1975), và 4 đối tượng khác, cùng trú xã Sơn Trà đã gây ra 5 vụ cháy chuồng trâu bò, nhà để rơm của người dân để dắt trộm trâu bò.

Đại tá Dương Văn Trường, Trưởng Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến để tình hình trộm cắp trâu bò diễn ra trong thời gian dài, do chính quyền và các đoàn thể tại các xã chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo ANTT tại địa phương. Một số xã còn khoán trắng cho lực lượng Công an xã, phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ còn hạn chế, nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn có nhiều quần chúng biết nhưng không tố giác và thông tin với lực lượng Công an dẫn đến một số đối tượng hoạt động phạm tội mang tính công khai, liều lĩnh, trắng trợn. Nhân dân còn lơ là mất cảnh giác trong việc bảo quản tài sản là trâu, bò, bê, nghé thả rông không có người trông coi, chuồng trại không có khóa, cách xa nhà ở tạo sơ sở cho bọn tội phạm lợi dụng hoạt động. Trong khi đó, các đối tượng phạm tội đều là người địa phương, am hiểu về phong tục tập quán của nhân dân, thông thạo địa hình nên đã lợi dụng để hoạt động phạm tội, thời gian gây án của đối tượng đều vào lúc nửa đêm về sáng, hiện trường bị xáo trộn, không để lại dấu vết hiện trường gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Đại tá Bùi Đình Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm, thủ đoạn của các loại tội phạm hiện nay rất tinh vi, bởi vậy, hơn bao giờ hết, người dân cần nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ khối tài sản là “đầu cơ nghiệp” của mình. Khi xảy ra sự việc bị mất trộm trâu, bò, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp xử lý, truy bắt kịp thời.

Thuận Thành
.
.
.