Những trùm giang hồ mượn bệnh án tâm thần làm "bùa hộ mệnh"

Thứ Ba, 06/01/2015, 17:00
Cho vay nặng lãi thu không thiếu một đồng, buôn bán ma túy xuyên quốc gia, đánh chém, truy sát người bằng hàng nóng nhưng khi bị cơ quan Công an sờ gáy, nhiều giang hồ khét tiếng bỗng nhiên mắc bệnh... tâm thần. Việc giang hồ giả điên rồi cố tình gây án nghiêm trọng đang khiến các cơ quan thực thi pháp luật lúng túng.
Đc "C L" vi chiêu trò "bùa điên"

Tên đầy đủ của Đức "Cổ Lễ" là Nguyễn Văn Đức (31 tuổi, ở Nam Định). Đức được bố mẹ nuôi ăn học tử tế nhưng bản tính nóng nảy, ngang tàng, chỉ học hết lớp 12 rồi nghỉ. Gã lang bạt lên Hà Nội, xăm trổ đầy người và nhập dần vào giới giang hồ với những vụ cho vay nặng lãi, đâm chém nhau.

Tháng 8/2007, do anh Nguyễn Trọng Tuấn (ở quận Ba Đình, Hà Nội), vay tiền Đức chưa trả được, Đức rủ 2 đồng bọn đi tìm. Chúng gặp bị hại tại ngã ba Giảng Võ - Núi Trúc lập tức vung dao chém. Thấy nạn nhân gục xuống, Đức cúi xuống đe dọa sẽ lấy mạng nếu không chịu trả nợ. Sau vụ việc đó, Đức bỏ lại vợ con ở Hà Nội, trốn vào Nam. Đến ngày 2/1/2009, gã mò ra Hà Nội, đến vũ trường Đại Nam chơi thì bị Công an phường Hàng Bột (quận Đống Đa) bắt giữ theo lệnh truy nã. Sau đó, Đức bị TAND quận Ba Đình xử phạt 6 năm tù giam về tội Cố ý gây thương tích. Năm 2011, Đức ra tù nhưng gã không bỏ nghiệp giang hồ.

Dù có vợ và 3 con đang sống tại Hà Nội, đối tượng này vẫn nhập vào một băng nhóm (đa số gốc Bắc) chuyên hoạt động bảo kê các quán hàng, đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn tại TP.HCM. Địa bàn hoạt động của chúng khá rộng, nếu có "hợp đồng" ở các tỉnh phía Bắc, nhóm này cũng "đáp" máy bay ra ngay để thực hiện. Ngoài các hung khí như dao, kiếm, nhóm của Đức luôn mang súng trong người. Đặc biệt là Đức rất thích “show hàng nóng” trong các cuộc cạnh tranh giữa các băng nhóm nhằm thể hiện "đẳng cấp" đàn anh.

Mới đây nhất, Đức "Cổ Lễ" và đám đàn em gây ra vụ việc dằn mặt chấn động giới giang hồ với nhóm của Phạm Đức Thuận (Thuận "adam") tại nhà hàng Sen Đông Dương (ở quận 1, TP.HCM). Khoảng 18h ngày 5/6, khi đang nhậu tại nhà hàng này, nhóm của Thuận có gọi điện cho Đức "Cổ Lễ" đến gặp để thương lượng giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên trước đó. 15 phút sau, Đức đi cùng Đào Xuân Nam (tức Nam "con") đến ngồi cùng bàn nói chuyện nhưng hai bên không tìm được tiếng nói chung nên Đức và đàn em ra về.

Mua bán 88 bánh heroin nhưng Dư Kim Dũng vẫn thoát án tử.

Đến 21h cùng ngày, Đức, Nam cùng 3 đàn em quay trở lại, đạp cửa xông vào phòng VIP 5, nơi Thuận và một số bạn bè đang nhậu. Một trong 3 đàn em của Đức rút súng chĩa thẳng vào Thuận khống chế, buộc mọi người trên bàn ngồi im, ai nhúc nhích sẽ bị bắn. Đức lao đến tóm cổ Tùng "con" lôi ra ngoài và dùng tay ra hiệu cho đàn em cầm mã tấu xử Tùng, Thuận khiến cả hai gục tại chỗ. Cùng lúc đó, một tên đàn em khác cầm súng từ ngoài đi vào nhưng Đức ra hiệu "mọi việc đã giải quyết ổn thỏa, không cần nổ súng". Sau vụ này, Nam ra đầu thú tại Công an quận 1, TP.HCM, còn Đức "Cổ Lễ" trốn ra Bắc. Tối 30/9, các trinh sát đặc nhiệm Hà Nội phát hiện Đức xuất hiện ở khu vực cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô đã ập đến, quật ngã, bắt giữ tên này.

Dù là kẻ côn đồ máu lạnh, gây án hàng loạt, song Đức khác với một số "đàn anh giang hồ", đã "lo" trước cho mình một bệnh án tâm thần. Chính bệnh án này đã một lần cứu Đức thoát sự trừng phạt của pháp luật khi bị Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ về tội Cố ý gây thương tích. Sau đó, do có bệnh án tâm thần nên Đức được đình chỉ điều tra.

Anh Thuận bị nhóm Đức "Cổ Lễ" chém trọng thương.

Lúc đầu, khi bị lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm Hà Nội bắt giữ theo quyết định truy nã của Công an TP.HCM về hành vi Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, Đức "Cổ Lễ" cũng lại giả vờ… điên. Gã cố tình nói lảm nhảm, rồi kêu đau đầu, rồi khi điều tra viên hỏi thì nói… không biết, không nhớ. Theo các điều tra viên, Công an Hà Nội đang phối hợp với Công an TP.HCM và một số tỉnh, thành khác điều tra một số vụ án có liên quan đến Đức "Cổ Lễ", kiên quyết làm rõ các hành vi phạm tội của hắn.

Buôn 88 bánh heroin vn thoát án t

Câu chuyện về việc trùm ma túy Dư Kim Dũng, hay còn gọi là Dũng "tình", 45 tuổi, ở phường Đằng Lâm, quận Hải An, thoát án tử hình trong sự ngỡ ngàng của dư luận, đã cho thấy sự "lợi hại" của những bệnh án tâm thần. Trước khi bị bắt, Dũng là tay buôn ma túy có số hạng không chỉ ở Hải Phòng mà còn trên cả nước. Đối tượng này có những thủ đoạn tinh vi tới mức mà nhiều người trong giới còn lắc đầu, không thể nghĩ tới.

Danh hiệu "ông trùm thuốc lắc" mà giới giang hồ đặt cho Dũng "tình" đã nói lên được phần nào vị thế của tay buôn ma túy này. Với số lượng ma túy cực lớn khi bị bắt, ai cũng nghĩ Dũng khó lòng thoát án tử hình. Tuy nhiên, sau nhiều phiên tòa, bản án mà Dũng phải nhận chỉ là án tù giam. Toàn bộ bản án mà Dũng "tình" phải nhận đã thay đổi hoàn toàn cục diện, khi đối tượng này trình lên hội đồng xét xử một bệnh án tâm thần vô cùng chi tiết.

Giữa năm 2010, Toà phúc thẩm hình sự, TAND Tối cao đã mở phiên toà xét xử phúc thẩm Dũng "tình". Trước đó, Dư Kim Dũng và 13 tên đồng bọn khác bị TAND TP Hải Phòng tuyên hình phạt từ 2 năm cải tạo không giam giữ đến tử hình với 5 tội danh. Riêng Dũng bị phạt tử hình về tội mua bán trái phép chất ma tuý, 12 năm tù giam về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, 3 năm tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng (cộng với án cũ 30 tháng tù chưa thi hành). Tổng cộng, Dư Kim Dũng phải chịu hình phạt chung là tử hình.

Sau án sơ thẩm, ngày 8/2/2010, Dư Kim Dũng là bị cáo duy nhất trong vụ án làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại toà phúc thẩm, Dũng "tình" không tranh luận gì về các tội danh mà án sơ thẩm đã tuyên đối với y; y nhận thấy hành vi phạm tội của mình là đặc biệt nghiêm trọng nhưng cho rằng án tử hình về ma tuý có phần nặng đối với y. Dũng không kêu oan, nói rằng bản thân y ngay từ giai đoạn điều tra đã khai báo thành khẩn, thực sự ăn năn hối cải…Dũng "tình" khai thêm, bản thân gia đình y có công với nước, được tặng huân, huy chương.

Đặc biệt, Dư Kim Dũng khai, từ năm 2004 đến năm 2008, Dũng bị mắc bệnh tâm thần, đã 2 lần phải nằm điều trị tại Bệnh viện tâm thần Hải Phòng. Tháng 8/2008, Bệnh viện tâm thần trung ương đã có Giám định pháp y kết luận Dư Kim Dũng mắc bệnh tâm thần thể nhẹ, ở mức độ loạn thần… Tại phiên toà, ông Bùi Đình Tuyến, đại diện Viện KSND tối cao thực hành quyền công tố trước toà cũng lưu ý là có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo của Dư Kim Dũng, bởi tình tiết mắc bệnh tâm thần là tình tiết mới, chưa được đề cập ở phiên toà sơ thẩm…

Chân dung trùm giang hồ Đức "Cổ Lễ" và chứng minh thư nhân dân giả.

Do vậy, xét đề nghị của đại diện Viện KSND tối cao, ý kiến bào chữa của luật sư, HĐXX đã tuyên chấp nhận một phần kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm, xử giảm hình phạt tử hình xuống tù chung thân ở tội mua bán trái phép chất ma tuý. Các quyết định khác của án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị được giữ nguyên và có giá trị thi hành ngay.

Nghi vn v điên đ "chy án" tâm thn

Thượng tá Lê Hồng Thắng (Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng) cho biết, hiện có không ít đối tượng hình sự có bệnh án tâm thần. Tất cả những đối tượng này đều được xác định là có liên quan đến các hoạt động phạm pháp như đòi nợ thuê, bảo kê, cho vay nặng lãi, buôn bán ma túy. Vấn đề ở chỗ những đối tượng này thường đang lui về hoạt động bí mật hoặc chưa gây ra những vụ việc nào cụ thể nên cơ quan chức năng vẫn chưa thể xử lý triệt để.

Liên quan đến loại tội phạm này, Điều 13 bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 có quy định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự: đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đây là chính sách khoan hồng thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Nhà nước ta cho đối tượng mắc phải bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi phạm tội mà không kiểm soát điều khiển được hành vi của mình. Lợi dụng chính sách này, hiện có một số đối tượng phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng, mà có khung hình phạt cao đã giả vờ bị điên hoặc xuất trình những hồ sơ bệnh án của bệnh viện tâm thần để mong thoát được khung án tử hình.

Để ngăn chặn các đối tượng tội phạm cố tình giả vờ điên để thoát những khung hình phạt cao nhất, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, nhất là những cán bộ được phân công thực thi pháp luật, khi tiến hành các hoạt động tố tụng phải thể hiện hết trách nhiệm của mình như phải điều tra xem trước khi các đối tượng này phạm tội có tiền sử mắc bệnh tâm thần hay không? Trong quá trình phạm tội các đối tượng này có nhận thức và điều khiển được hành vi của mình hay không? Nếu nghi ngờ các đối tượng này đã cố tình giả vờ điên, hoặc "chạy" hồ sơ bệnh án đã mắc phải bệnh tâm thần để kéo dài thời gian điều tra, truy tố, xét xử thi hành án để mong thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, có quyền yêu cầu các cơ quan có chuyên môn giám định lại để đảm bảo khách quan. Nếu phát hiện không đúng sự thật thì vẫn tiến hành điều tra, truy tố, xét xử bình thường và các đối tượng này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi phạm tội của mình gây ra.

Trường hợp phát hiện các cơ sở y tế đã cố tình lập hồ sơ bệnh án không đúng thì phải quy trách nhiệm xử lý nghiêm minh. Nếu gây ra hậu quả lớn thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Song Anh
.
.
.