Nỗi ám ảnh từ những vụ án do người thân gây ra

Thứ Năm, 14/11/2019, 13:20
Những ngày qua, vụ án bà Phạm Thị Hường, 64 tuổi, ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An giết hại cháu nội 11 tuổi do mâu thuẫn gia đình khiến dư luận bàng hoàng. Rồi đây, người đàn bà này sẽ phải trả giá cho tội lỗi đã gây ra, nhưng với những thành viên trong gia đình này, nỗi đau sẽ khó nguôi ngoai.


1.Những người dân địa phương - nơi bà Hường sinh sống cho biết, bà Hường là người khá mê tín, thậm chí mê muội. Trong nhà bà ta dán đầy những hình ảnh đức thánh, con người lúc nào cũng như trên mây.

Cũng vì theo tà đạo trên, phải đóng rất nhiều tiền nên bà Hường nợ nần nhiều, vay nợ khắp nơi, trong nhà hầu như lúc nào cũng không có tiền. Không chỉ thế, khi theo tà đạo Thánh đức chúa trời mẹ thì ngoài việc không coi trọng tình thân, gia đình, không thờ cúng tổ tiên thì phải đóng tiền cho hội để "cứu" người khác.

Trong khi đó, ở vùng quê nghèo như xã Hậu Thành, huyện Yên Thành thì thu nhập của người dân vô cùng khó khăn, thu nhập chính chỉ dựa vào nông nghiệp. Gia đình bà Hường cũng như vậy nên khi muốn ra Hà Nội làm thuê, bà này phải mua chịu 2 két bia rồi bán lấy tiền để đi.

Phóng viên gặp đối tượng Phạm Thị Xuân tại trại giam.

Túng quẫn, mê muội khiến người đàn bà này mất lý trí. Cộng với những mâu thuẫn âm ỉ với con trai của mình đã thôi thúc bà ta cướp đi tính mạng của mình. Bà ta lừa cháu nội Nguyễn Thị Tâm ra hồ Bàu Ganh để tắm nhằm tìm cơ hội sát hại cháu Tâm.

Không biết ý định về người bà độc ác của mình, cháu Tâm vui vẻ theo bà ta ra hồ tắm, vô tư kỳ cọ lưng cho bà mà không biết tai họa sắp giáng xuống đầu mình. Lợi dụng lúc cháu không để ý, bà Hường đã xô cháu xuống nước, đẩy ra xa.

Cho đến khi cháu Tâm chìm hẳn, người đàn bà nhẫn tâm này đi về nhà, coi như không có chuyện gì xảy ra. Thậm chí, hôm sau, bà ta vẫn bắt xe đi Hà Nội làm thuê như bình thường...

Cùng với việc cuồng tín vì theo tà đạo, bà Hường còn "dính" nghi vấn mua bảo hiểm cho cháu Tâm rồi sát hại cháu để lấy tiền. Nếu nghi vấn này được làm rõ, thì người đàn bà này còn nhẫn tâm hơn bất cứ người nào khác, bởi vì theo tà đạo, bà ta không còn coi trọng tình thân.

Ngày 8-11, khi thực nghiệm điều tra lại vụ sát hại cháu Tâm, bà Hường thản nhiên như không. Không lo sợ, không ân hận, ăn năn, cũng không thể hiện chút tình cảm tiếc thương nào với đứa cháu gái mình vốn nuôi từ tấm bé.

2.Câu chuyện của bà Hường làm tôi nhớ lại vụ bà nội sát hại cháu gái chưa đầy 1 tháng tuổi ở Thanh Hoá. Đó là bà Phạm Thị Xuân, quê ở Thái Bình. Con dâu sinh con, bà Xuân từ Thái Bình vào thăm cháu.

Nhưng chỉ vì mê tín, người đàn bà này sát hại cháu nội của mình mới hơn 20 ngày tuổi rồi nại ra chuyện cháu bị bắt cóc. Bà Xuân "diễn" đạt tới mức các trinh sát, điều tra viên lẫn người dân đều tin có người đã bắt cóc cháu.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá đã phải "tung" lực lượng ngăn chặn tất cả các nẻo đường ra vào địa bàn, "rà" hết các nhà nghỉ, cô nhi viện, kể cả các chùa có nuôi trẻ mồ côi để tìm tung tích cháu bé nhưng vô vọng.

"Dựng" lại hiện trường vụ án, các trinh sát, điều tra viên phát hiện nhiều nghi vấn vì mặc dù cháu nội bị bắt cóc nhưng bà Xuân khá bình tĩnh, miệng thì gào to nhưng không có biểu hiện thương cháu thật sự.

Đặc biệt, khi cơ quan điều tra lấy lời khai những người liên quan đến vụ án, thì lời khai của bà Xuân cũng "nảy" ra rất nhiều điều đáng ngờ, bởi dù sự việc xảy ra vào lúc nhá nhem tối, lại rất bất ngờ nhưng bà Xuân vẫn nhớ rành rẽ, tỉ mỉ mọi việc.

Từ những mâu thuẫn trong lời khai của bà Xuân, kết hợp với công tác khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng đã xác định cháu bé chắc chắn không phải bị bắt cóc mà do bà Xuân làm chết.

Bà Phạm Thị Xuân khi bị bắt tại trại giam.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất đó là tìm được thi thể cháu bé vì mới hơn 20 ngày tuổi thì còn rất bé, dễ giấu, khó tìm. Nhưng, sự trùng hợp ngẫu nhiên khiến mọi người liên tưởng đến linh hồn cháu bé chết oan uổng linh thiêng đã khiến cho chiếc máy xúc rác tự dưng bị chết máy nên người nhặt rác đã phát hiện ra cháu. Nếu chiếc máy xúc đó không hư hỏng thì có lẽ, thi thể cháu đã vĩnh viễn vùi trong lớp rác sâu mà không ai tìm thấy được.

Khi phát hiện thi thể cháu bé thì bà Nguyễn Thị Xuân là nghi can số 1 của vụ án. Nhưng, suốt hơn 2 ngày tại cơ quan điều tra, người đàn bà này vẫn một mực cho rằng không hề biết cháu chết như thế nào, vẫn khăng khăng cho rằng cháu bị cướp còn mình bị oan uổng.

Các trinh sát, điều tra viên, kể cả Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT động viên, nói rõ chính sách khoan hồng nhưng người đàn bà này vẫn trơ lỳ một cách khó hiểu.

Biết được bà ta rất thương con trai là anh Lê Văn Thuận (bố cháu bé) nên Cơ quan điều tra đã cho người đàn bà này gặp con trai cũng đang có mặt tại cơ quan Công an. Sợ con trai bị liên lụy vì mình, bà Xuân mới thừa nhận chính bà ta đã làm chết cháu bé.

Qua nắm tình hình, Công an Thanh Hoá biết được bà Xuân là người rất mê tín, trước khi sinh cháu, bà ta đã đi xem bói, thầy bói nói rằng cháu không hợp với bố, nếu cháu sống thì bố cháu sẽ chết. Vì niềm tin mù quáng này mà bà ta đã nhẫn tâm sát hại cháu gái, giấu trong nhà rồi nửa đêm mang ra bỏ vào thùng rác.

Thậm chí, cách đây ít năm, một đứa con gái khác của anh Thuận cũng chết lúc sơ sinh chưa rõ nguyên nhân. Xâu chuỗi các sự kiện, các điều tra viên đã về nhà bà ta ở Tiền Hải, Thái Bình để xác minh và xác định bà Xuân là người quá mê tín dị đoan, thương con trai nên luôn lo sợ con xảy ra vấn đề gì. Chính vì vậy, bà ta cho rằng nếu anh Thuận có con gái sẽ mất mạng. Có lẽ vì nguyên nhân đó, bà này đã gây nên tội ác.

Cơ quan Công an thực nghiệm hiện trường vụ án do đối tương Phạm Thị Hường gây ra.

Tiếp xúc với bà Xuân ở trại giam - sau thời gian dài bị giam giữ, tôi cũng khá ngạc nhiên vì sự bình tĩnh, thậm chí bình thản của người đàn bà này. Không nước mắt, không ân hận, thậm chí không cả lo lắng về mức án mà mình đang đối mặt, người đàn bà này rành rẽ kể lại với tôi "hành trình" làm hại cháu mình.

Theo lời của người đàn bà này thì bà ta đang bế cháu rung rung thì cháu bị tuột tay rơi ruống đất, bà ta nằm đè lên. Khi bế cháu lên, thì thấy cháu thở khò khè, bị nấc, đầu ngả ra phía sau và sữa từ miệng trào ra ngoài.

Vì cho rằng cháu bé đã chết nên bà Xuân nảy ra ý định che giấu sự việc bằng cách lấy chăn đang đắp trên người cháu trùm kín mặt mũi rồi bế cháu ra ngoài đường, đi về bãi cỏ ven đường cách nhà khoảng 30m trong thời tiết giá lạnh. Khi thấy một túi nilon màu xanh, bà Xuân liền bỏ cháu vào túi rồi thắt chặt lại, giấu vào khu vực bãi cỏ để không ai phát hiện.

Sau đó, bà Xuân quay về giả vờ nằm ngất trước cổng nhà hàng xóm, tạo hiện trường giả một vụ bắt cóc trẻ em. Sau khi người nhà phát hiện và đưa bà Xuân vào nhà, bà nói với mọi người là bị 2 đối tượng, 1 nam 1 nữ cầm dao vào nhà khống chế, đe dọa, cướp đi cháu bé.

Trả lời câu hỏi của tôi về việc vì sao cháu bé bị rơi, ngã mà không kêu khóc tiếng nào, tại sao mẹ cháu ở nhà mà bà không hô hoán hay kêu lên khi bất ngờ xảy ra sự việc, người đàn bà này chỉ một mực cho rằng bà ta không biết vì sao đã làm vậy... Người đàn bà này cho biết, ở trong trại giam, bà được đối xử bình thường, ăn uống được, ngủ được, cũng không mộng mị gì.

Với mức án 13 năm tù giam, bà Xuân bình tĩnh, lặng lẽ sống những ngày tháng trả giá cho tội lỗi của mình ở Trại giam số 5. Hàng ngày, bà ta đi trồng rau, cắt cỏ - những công việc thường ngày ở quê vẫn thường hay làm. Bà Xuân cho biết, có lẽ vì giận, vì hận nên con dâu chưa bao giờ đến thăm hay gửi quà. Anh Thuận - con trai bà ta thi thoảng cũng gửi quà cho mẹ.

Người đau đớn, dằn vặt nhất trong vụ án này không phải là người gây ra mà là người phải chịu giằng xé giữa chữ hiếu và chữ tình, đó là con trai bà Xuân - anh Lê Văn Thuận. Con chết, mẹ đi tù thực sự là nỗi đau lớn nhất mà người đàn ông này phải chịu đựng.

Còn bà Xuân, đối với bà ta, sự mù quáng đã khiến bà ta mất hết tính người. Bà ta chưa bao giờ nghĩ được rằng, nếu như thầy bói nói đúng, rằng anh Thuận không hợp với con gái, nếu có con gái thì sẽ chết, thì cuộc sống đau khổ, giằng xé, hối tiếc thì cũng sẽ chẳng phút nào nguôi...

3.Tôi đã gặp hàng trăm bị can, bị cáo, phạm nhân, kể cả những tay giang hồ cộm cán. Có thể vì thù tức, vì kinh tế, nợ nần, vì mâu thuẫn nhất thời hay vì những âm ỉ không giải quyết được trong cuộc sống, thì sau phút giây mất kiểm soát họ đều phải sống những còn lại trong cô độc, trong ám ảnh và đau đớn.

Thông thường, sau khi gây tội ác, đặc biệt là với người thân của mình thì rất ân hận, luôn sám hối tội lỗi của mình. Nhưng, với những máu lạnh đặc biệt người như bà Xuân, bà Hường... cho dù không ân hận, không đớn đau  nhưng cũng đã mất tất cả, mất tự do, mất tình, mất nghĩa. Họ sẽ phải sống, phải chết trong cô độc. Có lẽ, điều đó mới là sự trừng phạt lớn nhất mà ông trời dành cho họ. Bài học của những người này cũng đau xót lắm thay...

Thu Thuỷ
.
.
.