Nỗi niềm của người đàn bà thoát án tử về gã chồng trốn truy nã

Thứ Tư, 20/11/2019, 20:47
Cùng tham gia vào một đường dây ma túy, khi Liên bị bắt rồi bị kết án tử hình, Đô đã nhanh chân bỏ trốn và bặt tin từ đó tới nay.

"Chồng tôi gái gú nhiều, bỏ nhà đi trước khi tôi bị bắt khoảng 1 năm, giờ chả biết lang bạt nơi nào"… Đó là lời của phạm nhân Đỗ Thị Liên, SN 1973, trú tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang khi nhắc đến chồng mình. Tuy nhiên, theo hồ sơ vụ án, Ngô Văn Đô - chồng Liên lại có lệnh truy nã của Công an TP Hà Nội từ năm 2006. Cùng tham gia vào một đường dây ma túy, khi Liên bị bắt rồi bị kết án tử hình, Đô đã nhanh chân bỏ trốn và bặt tin từ đó tới nay.

Suýt mất mạng vì ma túy

Dường như cái suy nghĩ "chỉ nói những gì người khác biết về mình" vẫn còn cố hữu trong đầu từ ngày bị bắt đến giờ nên khi trò chuyện với chúng tôi, Liên kể rất dè dặt về mình. Thậm chí khi nhắc đến người chồng trốn truy nã, Liên cố tình nói sai sự thật. Chị ta bảo chồng mình làm nghề lái xe, vì sống lăng nhăng gái gú nên hai người ly thân một thời gian sau đó "tùy nghi di tản".

Nhưng khi chúng tôi hỏi "Ngô Văn Đô có phải là chồng chị không?" thì nữ phạm nhân này chợt sững lại nhưng rồi nhanh chóng lấp liếm: "Chắc cán bộ nhầm với ai khác chứ chồng em không liên quan gì đến vụ án của em đâu". Rõ ràng Liên hiểu thông tin chúng tôi đưa ra nhưng chị ta vẫn cố tình ngụy biện. 

Người đàn bà này từng bị tuyên án tử hình, có 2 năm sống trong buồng biệt giam, đếm từng ngày ra pháp trường nhưng rồi may mắn được Chủ tịch nước tha tội chết. Đầu năm 2010, Liên về Trại giam Ngọc Lý thi hành bản án chung thân và dịp 2-9-2018 được xét giảm xuống án có thời hạn. Thăng trầm cuộc sống là vậy nhưng khi nhắc đến chồng, Liên vẫn tìm cách bưng bít. Kể cũng lạ. 

Nhưng dù cứng rắn mấy thì Liên vẫn là một người phụ nữ, khó thoát được những tủi thân, tủi phận khi nhắc đến gia đình, chồng con. Hỏi Liên có phải vì chuyện gia đình  nhạy cảm, nữ phạm nhân này chớp chớp đôi mắt đã cắt mí, hai hàng lệ lại trào ra: "Tôi là đứa con bất hiếu. Cũng may là có mẹ chồng giúp đỡ mà hai con được nuôi dạy nên người. Giờ chúng đều đã đi làm cả rồi".

Theo lời kể của Liên thì chị ta sinh ra trong một gia đình đông con nhưng vì mẹ Liên là vợ lẽ nên việc học hành của mấy chị em Liên vì thế đều phụ thuộc vào sự quyết định của mẹ cả - người vợ hợp pháp của bố. Nhất là từ khi bố ngã bệnh rồi qua đời thì cuộc sống của mấy mẹ con Liên càng trở nên ngột ngạt. 

Năm Liên học lớp 8, quán giải khát của mẹ cần thêm người phục vụ nhưng tuyển mãi không được nên Liên nghỉ học ở nhà để phụ mẹ. Hai năm sau, Liên lấy chồng và với vốn kiến thức nhặt nhạnh được trong những ngày phụ mẹ bán hàng, Liên mở một quầy hàng khô ở chợ Thương. Chính tại nơi đây, Liên đã gặp lại Nguyễn Thị Ngà, người bạn thân học thời cấp hai. Sở dĩ họ bặt tin nhau bởi Liên nghỉ học rồi mỗi người mỗi ngả khi lấy chồng.

Phạm nhân Đỗ Thị Liên rơm rớm nước mắt khi nhắc đến hai người mẹ.

Theo lời Liên thì ngoài chuyện hỏi han về gia đình, chồng con và cả chuyện làm ăn, Ngà đã rủ rê, dẫn dắt Liên vào con đường mua bán ma túy. Theo đó, mỗi phi vụ  đi cùng Ngà vận chuyển ma túy, Liên được cô bạn trả công 3 triệu đồng.

"Tôi đi buôn ma túy cũng là vì Ngà rủ rê. Khi vợ chồng Ngà bị bắt, tôi vẫn được tự do đến hai năm sau mới bị bắt. Vào đây, tôi và Ngà lại cùng cải tạo chung một phân trại. Thi thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau nhưng tình thân thì không còn nữa", Liên tâm sự.

Theo bản án, vợ chồng Ngà bị bắt khi đang vận chuyển ma túy từ Hà Nội về Bắc Giang tiêu thụ. Do đang nuôi con nhỏ nên Ngà thoát án tử hình còn anh chồng là Nguyễn Văn Vinh bị kết án tử. Những ngày trong buồng biệt giam, Vinh liên tục viết đơn kháng cáo nhưng qua các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, bản án vẫn không thay đổi. 

Ngày 27-7-2005, Vinh gửi đơn xin Chủ tịch nước ân xá nhưng không được chấp nhận. Trong thời gian chờ thi hành án, tử tù này đã gửi đơn lên Ban giám thị trại tạm giam, đề nghị được làm việc với cơ quan điều tra để khai báo lại và cung cấp thêm thông tin về đồng bọn. 

Ngày 18-5-2006, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn yêu cầu Công an tỉnh Bắc Giang chỉ đạo đơn vị chức năng tiến hành xét hỏi Vinh và có kế hoạch điều tra mở rộng vụ án. Và từ lời khai của tử tù Nguyễn Văn Vinh, một số đối tượng trong đó có Đỗ Thị Liên bị bắt. Với cáo buộc mua của vợ chồng Ngà 20 bánh heroin, Đỗ Thị Liên bị kết án tử hình.

"Hai năm trời sống trong buồng biệt giam với tôi thật là kinh khủng. Tôi không bao giờ quên được quãng thời gian đó. Những đêm mất ngủ, nghĩ ngợi và sợ hãi khiến tóc tôi trút từng mảng. Lắm lúc tôi có cảm giác đầu mình sắp nổ tung, điên đến nơi rồi", Đỗ Thị Liên nhớ lại. Chị ta cho biết chính trong khoảng thời gian này, Liên nhận được tin mẹ đẻ đột ngột qua đời vì cao huyết áp. Điều đó khiến Liên cho đến ngày hôm nay vẫn luôn day dứt. 

"Tôi nhận được tin mẹ mất qua lời điều tra viên thông báo. Lúc đó tâm trạng tôi ngổn ngang lắm. Chồng bặt vô âm tín, hai con nhỏ dại, bản thân thì không biết lúc nào thi hành án. Mẹ tôi thì cả đời vất vả, thiệt thòi, chỉ vì tôi mà...".

Cán bộ Trại giam Ngọc Lý kiểm tra nơi ăn ở của các phạm nhân.

Mong có cơ hội trả nghĩa mẹ chồng

Ngày Liên bị bắt, cậu con trai lớn đang học lớp 9 còn cậu con út mới 5 tuổi nhưng giờ cả hai đều đã là những chàng trai khỏe mạnh, biết sốc vác việc gia đình. Theo lời Liên kể thì từ ngày chị ta bị bắt, hai đứa con trai của chị ta được bà nội đón về nuôi nấng, dạy dỗ. Đứa con lớn đi làm cho một tiệm vàng, còn cậu con trai út thì cũng vừa học xong phổ thông, giờ đang đi học nghề.

Cuối năm 2009, Đỗ Thị Liên được Chủ tịch nước ân xá, tha tội chết nên về Trại giam Ngọc Lý cải tạo. Liên bảo cuộc đời chị ta như được tái sinh, tư tưởng thoải mái hẳn lên, nhất là khi biết hai đứa con dù thiếu thốn tình cảm của bố mẹ song vẫn được bà nội chăm chút, nuôi dạy nên người. Không chỉ nuôi dạy 2 đứa cháu, hàng tháng bà còn vào đây động viên con dâu. "Mười mấy năm nay, một tay mẹ chồng tôi nuôi dạy các con tôi nên người, bà còn đều đặn vào đây thăm nuôi tôi nữa".

Liên bảo thực sự kính trọng và nể phục mẹ chồng khi bà ngoài việc nuôi dạy hai cháu nội, bà còn dành dụm tiền để hoàn tất hình phạt bổ sung cho Liên. Dù số tiền phải nộp chỉ là 50 triệu đồng nhưng với một phụ nữ đã xấp xỉ tuổi 70, kiếm sống bằng nghề bán rau thì số tiền trên, bà phải nhặt nhạnh trong một thời gian dài mới làm được.

"Hôm nghe thông báo hình phạt bổ sung của tôi đã hoàn thành và người nộp tiền là mẹ chồng tôi, tôi đã òa khóc vì xúc động. Tôi không ngờ mẹ chồng tôi là người quảng đại đến vậy. Hết đời này, tôi không trả được ân tình của bà dành cho tôi ", Liên tâm sự và lần đầu tiên chị ta cười rất tươi khi bảo rằng cuộc đời chị ta đã rất may mắn khi có được người mẹ chồng tốt như vậy nên "có trả nợ đến hết đời, tôi cũng không sao trả hết ân tình của mẹ chồng dành cho gia đình tôi".

Hòn non bộ và cây cảnh do các phạm nhân tự làm để trang trí cho khuôn viên phân trại thêm sạch, đẹp.

Nhắc đến 2 người mẹ, Liên trào nước mắt bảo không ngờ mình lại là đứa con bất hiếu. Chị ta bảo ngày nhỏ, mỗi khi thấy mẹ bị ức hiếp, nhịn ăn, nhịn mặc cho các con, Liên thầm ước sau này kiếm thật nhiều tiền sẽ đón mẹ về phụng dưỡng để mẹ được sống sung sướng. Nhưng khi bập vào việc mua bán ma túy, đã từng có lúc ôm hàng xấp tiền trong người, Liên lại quên luôn niềm khao khát từng ấp ủ ấy cho đến khi không còn cơ hội.

"Nhận tin mẹ mất, tôi thực sự sốc. Nhiều đêm nằm khóc, tôi thấy mình đúng là đứa con bất hiếu. Chẳng có lý do gì biện minh cho việc làm của mình, trong lòng tôi chỉ còn nỗi xót xa, nuối tiếc. Tôi đã để đồng tiền điều khiển làm cho quay cuồng, quên đi ruột thịt, máu mủ, đến lúc biết sai thì không còn cơ hội sửa chữa nữa rồi". Nhưng rồi rất nhanh, chị ta đính chính lại ngay: "nói thế chứ tôi vẫn còn một người mẹ để sửa chữa sai lầm, đó là mẹ chồng tôi".

Liên bảo chính những ân tình mà mẹ chồng dành cho gia đình chị ta đã làm Liên thức tỉnh. Nhất là mỗi khi cảm thấy chán nản, tuyệt vọng thì hình ảnh người mẹ già còm cõi, chắt chiu từng đồng để tháng tháng lên trại thăm nuôi con dâu rồi lại cần kiệm từng ngàn lẻ để trả nợ thay Liên đã khiến chị ta không thể buông xuôi được nữa. Liên ý thức được trách nhiệm của mình và cố gắng cải tạo thật tốt để sớm có cơ hội trở về.

"Hơn chục năm cải tạo, năm nào tôi cũng được xếp loại khá. Hình phạt bổ sung tôi đã hoàn thành, án phí cũng đã nộp xong nên nhiệm vụ của tôi bây giờ chỉ là làm sao hoàn thành tốt công việc được giao. Dù ngày về còn rất xa nhưng ít ra kể từ năm nay tôi đủ điều kiện để hàng năm được xét giảm án rồi. Đây là mốc quan trọng để tôi phấn đấu. Chỉ mong sao mẹ chồng tôi đừng ốm đau để tôi có cơ hội báo đáp những ân tình mà bà dành cho ba mẹ con tôi hơn chục năm qua", Liên bộc bạch.

Vĩnh Hà
.
.
.