Nữ giáo viên lừa gần 7 tỷ đồng từ miền Bắc vào miền Trung

Thứ Sáu, 23/01/2015, 19:00
Tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phan Thị Oanh (SN 1979, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) trở thành giáo viên dạy tiếng Anh nhưng với bản tính ăn chơi, đua đòi, Oanh đã nợ một số tiền lớn. Để thanh toán số nợ đó, Oanh đã lừa của nhiều bị hại số tiền lên tới gần 7 tỷ đồng dưới hình thức chạy việc giúp họ.

Lừa đảo tinh vi dưới hình thức viết giấy vay nợ

Vừa qua, Công an quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đã ra lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Phan Thị Oanh để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Công an quận Bắc Từ Liêm, cuối tháng 9 vừa qua, cơ quan này nhận được đơn tố cáo của nhiều bị hại về việc bị Phan Thị Oanh lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn thông qua hình thức xin việc làm. Theo đơn trình báo của chị Hoàng Thị Nhàn, chị mới biết Phan Thị Oanh khoảng tháng 3/2014 và được Oanh cho biết xin được 1 chỉ tiêu làm cấp dưỡng một đơn vị thuộc lực lượng Công an. Chị Nhàn đã nhờ Oanh xin việc làm đó cho con gái và Oanh nói chắc chắn sẽ xin được với giá 80 triệu đồng. Sau khi đưa trước cho Oanh 10 triệu đồng, ngày 21/3, vợ chồng chị Nhàn đến đưa đủ cho Oanh 70 triệu đồng nữa. Oanh nhận tiền và viết giấy vay nợ để làm tin, hẹn đến ngày 30/5/2014, con chị Nhàn sẽ được đi làm. Oanh còn đưa cho chị Nhàn một bản khai và thẩm tra lý lịch nói về khai đầy đủ, tuần sau sẽ có người về xác minh. Tuy nhiên từ đó đến nay, không có ai về xác minh lý lịch của con chị Nhàn và số tiền chị gửi cho Oanh cũng... bóng chim tăm cá.

Cũng với thủ đoạn trên, Oanh nói với chị Bùi Thị Lý (là em chồng chị Nhàn) có thể xin một suất vào làm y tá tại Bệnh viện Bạch Mai với số tiền 300 triệu đồng. Chị Lý liền thông tin cho bạn mình là chị Hà, có con gái ra trường đã được một thời gian nhưng vẫn chưa xin được việc. Chị Hà liền đồng ý và ngày 4/4/2014, chị Hà cùng chị Lý mang theo 300 triệu đồng đến nhà Oanh để nhờ giúp.

Đối tượng Phan Thị Oanh.

Oanh nhận số tiền trên cùng hồ sơ xin việc của cháu Dung và viết giấy vay nợ, hẹn 1 tuần sau cháu sẽ được đi học lớp đào tạo của Bệnh viện Bạch Mai, sau 3 tháng sẽ có quyết định đi làm. 3 tháng sau, Oanh thông báo cho chị Hà, ngày 8/7 đưa cháu Dung đến đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội để thi sơ tuyển.

Đúng hẹn, khi cháu Dung đến địa điểm trên thì biết đó là Viện Khoa học điều dưỡng và phục hồi chức năng, đang tuyển người làm công việc chăm sóc người ốm, không liên quan đến biên chế tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong số những người dự thi cũng không có ai tên Trần Thùy Dung. Nghi ngờ mình bị lừa, chị Hà đã yêu cầu Oanh trả lại tiền nhưng đến nay, Oanh vẫn chưa trả lại cho chị Hà một đồng nào. Lúc này, biết chắc chắn mình bị lừa, chị Hà đã đến cơ quan Công an tố cáo.

Một trường hợp khác cũng bị đối tượng Oanh lừa đảo đó là chị Khuất Thị Thanh ở ngõ Văn Hương, Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Tưởng chừng lừa chị Hà với số tiền 300 triệu đã là nhiều nhưng Oanh còn lừa của chị Thanh số tiền lên đến 1,7 tỷ đồng.

Oanh "nổ" có quan hệ rộng với nhiều tướng tá Công an, gia đình cũng có người làm trong ngành nên có thể xin được 5 suất vào lực lượng Công an. Sau khi chắc mẩm đã lấy được lòng tin từ chị Thanh, Oanh nói sẽ viết giấy vay nợ, coi như vay chị Thanh 1,7 tỷ đồng để chị Thanh yên tâm. Cầm giấy vay nợ của Oanh trong tay, chị Thanh tin tưởng, nghĩ mình đã chọn đúng "cửa" để nhờ nên rất yên tâm. Nào ngờ, thời gian trôi hết tháng này đến tháng khác, chị Thanh không nhận được thông tin nào khả quan từ Oanh nên mới biết mình bị lừa.

Không chỉ lừa đảo nhiều người sinh sống tại miền Bắc, Oanh còn lừa cả người hiện đang sinh sống tại miền Trung. Tại cơ quan Công an, Oanh khai từ tháng 8/2013 đến tháng 2/2014 nhận của anh Nguyễn Tiến Lũy ở Đồng Hới, Quảng Bình số tiền gần 2,9 tỷ đồng để xin việc cho 10 trường hợp vào lực lượng Công an và Quân đội và một số trường hợp khác với số tiền gần 1 tỷ đồng. Tổng số tiền Oanh chiếm đoạt là gần 7 tỷ đồng.

Tinh vi cũng không thoát khỏi lưới trời

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Trịnh Đình Trường, Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, đối tượng Oanh vì rất am hiểu pháp luật nên khi nhận tiền từ các nạn nhân đã viết giấy vay nợ để đảm bảo. Theo luật, khi các bên vay tiền nhau, có giấy vay nợ thì chỉ có thể xử lý dân sự. Vì vậy rất khó có thể bắt Oanh vì chưa đủ căn cứ.

“Chúng tôi theo đối tượng này mất khoảng 3 – 4 tháng. Khi đủ căn cứ, đủ cơ sở chúng tôi mới tiến hành bắt giữ. Khi bị bắt về trụ sở Công an, đối tượng này tỏ ra mình bị oan, không hiểu mình bị bắt vì tội gì và cho rằng Công an đã bắt nhầm người, nhưng khi chúng tôi đưa ra đủ chứng cứ cộng với lý luận đáp trả thị thì thị mới gật đầu chịu tội. Tuy nhiên, dù đã nhận tội nhưng đối tượng này vẫn không thành khẩn, khai báo rất quanh co, nay thế này, mai thế khác. Ban đầu, Oanh khai là vay và sử dụng số tiền đó đi cảm ơn sau khi được xin việc. Nhưng thực chất, toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, Oanh đã trả nợ và tiêu xài cá nhân hết, bản thân Oanh không hề có khả năng xin việc. Còn nói về vụ việc đầu tiên Oanh lừa đảo thì không phải năm 2014 này mà thực chất là từ năm 2012”, anh Trường cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đối tượng Oanh là người có trình độ học vấn cao. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Oanh xin vào dạy hợp đồng môn tiếng Anh tại Trường THCS & THPT Trần Quốc Tuấn (ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Tuy nhiên đã nghỉ dạy tại trường từ tháng 5/2014 vừa qua. Trong quá trình còn giảng dạy tại trường, Oanh vẫn “kết hợp” với việc đi lừa đảo.

Oanh lừa nhiều nạn nhân với số tiền gần 7 tỷ đồng – ảnh minh họa.

Một giáo viên Trường THPT Trần Quốc Tuấn, đề nghị giấu tên cho biết, trong quá trình giảng dạy tại trường, Oanh tỏ ra là người chưng diện, chú trọng hình thức bên ngoài, nói chuyện rất cuốn hút người xung quanh bởi chất giọng nhẹ nhàng, ngọt ngào. “Tôi không ngờ một giáo viên, dù là hợp đồng hay chính thức đi chăng nữa lại có hành động lừa đảo tinh vi với số tiền lớn như vậy. Như vậy thì sao có thể có đủ tư cách “trồng người” được”, giáo viên này nói.

Cũng theo Công an quận Bắc Từ Liêm, khi được hỏi việc lừa đảo này trong nhà Oanh có ai biết không thì Oanh trả lời là không. “Chồng đối tượng Oanh là bộ đội, thường xuyên vắng nhà nên trước khi bị bắt, đối tượng Oanh sống cùng hai con nhỏ. Khi lấy thêm lời khai từ chồng đối tượng thì anh này nói do đặc thù công việc nên rất ít khi có mặt ở nhà. Anh này không hề biết vợ đi lừa đảo và lừa đảo với số tiền lớn như vậy. Anh này khẳng định cũng không hề biết đến các khoản nợ do ăn chơi của vợ và cũng không biết số tiền lừa đảo đó đã được chi tiêu như thế nào. Tuy nhiên, lời khai này của anh chồng cũng vẫn phải điều tra, xem xét kĩ. Hiện chúng tôi đã chuyển đối tượng Oanh cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc lên Công an TP Hà Nội giải quyết”, đồng chí Trịnh Đình Trường cho biết thêm.

Khi có mặt tại khu phố nhà đối tượng Oanh, phóng viên chúng tôi nhận được nhiều chia sẻ của người dân tại đây. Ai cũng bất ngờ khi Oanh bị bắt vì đã lừa đảo gần 7 tỷ đồng của nhiều nạn nhân. “Chồng làm bộ đội, bản thân có trình độ cao, đặc biệt là vốn ngoại ngữ giỏi, Oanh có thể tìm được công việc phù hợp, vậy mà ai ngờ lại đi lừa đảo nhiều người. Bây giờ phạm tội rồi thì bản thân Oanh không chỉ phải chịu tội trước pháp luật, bồi thường cho nạn nhân mà sau này còn dám ngẩng mặt lên nhìn ai. Tội cho hai đứa con gái của Oanh từ hôm mẹ bị bắt mắt mũi đỏ hoe, không tập trung được vào việc học hành, còn tâm lý cũng không ổn định”, người hàng xóm cho biết.

Hiện Công an TP Hà Nội đang điều tra làm sáng tỏ sự việc.

Hải Đông
.
.
.