Nữ giáo viên mang án tử và câu chuyện làm thiện nguyện trong khu biệt giam

Thứ Tư, 10/08/2016, 07:30
Nguyễn Hoài Thu, nữ phạm nhân mang án tử, hiện đang bị giam giữ trong chốn biệt giam tại Trại tạm giam Công an Nghệ An. Trước khi dính vào đường dây mua bán, vận chuyển 255 bánh heroin, trong đó Thu “dính” đến 70 bánh, ít ai biết nữ tử tù này là giáo viên dạy Toán. Từ nơi biệt giam, thay lời sám hối, Thu đã tiết kiệm từ tiền thăm nuôi hàng tháng của gia đình để làm từ thiện.


Câu chuyện của nữ tử tù Nguyễn Hoài Thu góp tiền tiết kiệm làm từ thiện được Đại tá Trần Sỹ Phàng, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An chia sẻ với chúng tôi trong ngày 1/7/2016. Đây cũng là thời điểm đơn vị phối hợp với Hội chữ thập đỏ Nghệ An để tặng quà, động viên em Nguyễn Đăng Hùng (10 tuổi), trú tại xóm 8, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An).

Đây là trường hợp rất đặc biệt, bố bị bệnh tâm thần, mẹ bỏ đi khi Hùng mới 3 tuổi. Hằng ngày, ngoài giờ đi học, Hùng còn tranh thủ đi mò cua, bắt ốc để bán lấy tiền nuôi bố bị bệnh và bà nội già yếu đã 70 tuổi.

Biết được hoàn cảnh khó khăn này, Hội chữ thập đỏ và Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đã trực tiếp trao tặng gia đình em Nguyễn Đăng Hùng số tiền 6 triệu đồng. Trong đó, 3 triệu đồng là của nữ phạm nhân Nguyễn Hoài Thu đang nằm trong khu biệt giam. Câu chuyện lần đầu tiên một tử tù, cận kề cái chết vẫn thao thiết làm thiện nguyện đã thôi thúc tôi tìm gặp và qua câu chuyện với cựu giáo viên sa ngã này, đã ngộ ra được nhiều điều từ chiêm nghiệm nhân sinh của một người lầm lỗi, được đúc rút khi đối diện giữa lằn ranh sinh tử mong manh.

Trại tạm giam Công an Nghệ An và Hội chữ thập đỏ trao món quà của tử tù Nguyễn Hoài Thu cho em Hùng.

Từ giáo viên dạy Toán đến nữ tử tù

Nguyễn Hoài Thu (SN 1980), quê quán tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Tại thời điểm bị bắt vào ngày 31/7/2012, Thu đang là giáo viên của Trường THCS xã Tiền Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An).

Trước đó, thông qua các mối quan hệ khác nhau, Thu cùng với hai chị em dâu khác của mình là Nguyễn Thị Dung và Trương Thị Huệ, đều trú tại huyện Quế Phong, đã mờ mắt trước đồng tiền nên gia nhập vào đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy do “ông trùm” Nguyễn Công Hải, trú tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) thiết lập.

Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2012, các đối tượng trong đường dây ma túy từ Lào vào Việt Nam do Nguyễn Công Hải lập nên (hiện đang bỏ trốn) đã thực hiện 10 lần mua bán trái phép chất ma túy với tổng số 255 bánh heroin từ Nghệ An vào TP Hồ Chí Minh và ra Lạng Sơn tiêu thụ. Trở lại với vết trượt của nữ giáo viên Nguyễn Hoài Thu, ngày 29/7/2012, sau khi nhận được tiền từ “ông trùm” Nguyễn Công Hải gửi từ TP Vinh lên Quế Phong, Thu trực tiếp liên lạc với đối tượng người Lào tên là Xì Dinh, sau đó vào rừng nhận 70 bánh heron đưa về phòng trọ của mình ở ký túc xá giáo viên tại Trường THCS Tiền Phong cất giấu.

Tối cùng ngày, Thu đã chia đôi số hàng này, 30 bánh bỏ vào va li và 40 bánh bỏ vào bì xác rắn để đưa về Vinh giao cho các đối tác. Sáng 31/7, khi chị dâu của Thu là Nguyễn Thị Dung đang giao hàng cho đối tượng Vũ Đức Mạnh, trú tại tỉnh Nam Định tại ga Vinh thì bị lực lượng chức năng bắt quả tang.

Từ lời khai của các đối tượng, tiến hành khám xét phòng ở tại Trường THCS xã Tiền Phong, thu thêm 40 bánh heroin chưa kịp tiêu thụ và bắt giữ cô giáo Nguyễn Hoài Thu. Từ ngày 30/9 đến 2/10, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo nói trên về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tuyên 2 án chung thân và 4 án tử hình, trong đó Thu lĩnh án tử.

Trong câu chuyện với chúng tôi, nữ tử tù Nguyễn Hoài Thu chia sẻ: Bản thân là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em, bố mẹ hưu trí, gia đình có điều kiện nên tất cả anh em đều được học hành. Sau khi tốt nghiệp sư phạm khoa Toán Trường Đại học Vinh, Thu đã theo chồng từ Hà Tĩnh về huyện miền núi biên giới Quế Phong (Nghệ An) để lập nghiệp.

Tử tù Nguyễn Hoài Thu và chị em dâu của mình trong phiên tòa phúc thẩm.

Cuộc sống êm ấm, hạnh phúc hơn khi vào năm 2002, hai vợ chồng sinh bé trai đầu lòng. Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, Quế Phong là “vựa” ma túy lớn của miền Tây xứ Nghệ. Cũng vì cám dỗ đầy ma lực của việc buôn bán cái chết trắng, gia đình Thu đã ly tán. Không gia đình, nữ giáo viên này phải chuyển về sống tại ký túc xá của trường. Cuộc sống buồn tẻ sau những giờ lên lớp đã kéo Thu đến với những cuộc giao du không đoán định, và số phận rẽ ngang từ khi gặp “ông trùm” Nguyễn Công Hải, một tay buôn bán ma túy khét tiếng.

Tự học ngoại ngữ để nuôi ước mơ dạy phạm nhân

Về ngã rẽ phận người của bản thân, tử tù Nguyễn Hoài Thu không giấu giếm khi kể rằng, nguyên nhân là do đổ vỡ hôn nhân. Thời gian đầu, Thu bị sốc thực sự, những ngày sau đó cố gắng cân bằng lại tâm lý để nuôi con. Song cuộc sống giáo viên, lương ba cọc ba đồng không đủ trang trải, buộc ngoài giờ dạy học, Thu phải nai lưng kiếm tiền, với đủ thứ nghề, từ mở quán phở, hàng tạp hóa đến tiệm internet.

Ước ao lớn nhất lúc đó, là kiếm được tiền để mua căn nhà nho nhỏ, hai mẹ con có chỗ dung thân, song ước mơ ấy cứ mãi xa dần so với thu nhập hàng tháng của Thu. Dường như, thấu hiểu được nỗi khát ấy trong đôi mắt của bà mẹ đơn thân đang vật vã để mưu sinh, có người đã rủ rê Thu tham gia vận chuyển ma túy. Thu chia sẻ, Thu biết rất rõ tác hại của việc làm này, nhưng vì muốn đổi đời, lòng tham đã che mờ nhân cách và cả lòng tự trọng.

Tử tù Nguyễn Hoài Thu.

Cứ như thế, những đồng tiền quá lớn kiếm được sau mỗi lần đóng vai trò là người vận chuyển đã khiến bản thân nữ giáo viên này ngày một sa chân vào vũng bùn tội lỗi mà không tài nào dứt ra được cho đến ngày bị bắt.

“Tôi không đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tất cả là do bản thân mình, ban đầu cứ nghĩ tham gia một vài chuyến rồi từ bỏ, nhưng mọi chuyện không dễ dàng như suy tính. Khi bị bắt, điều tôi nghĩ đến đầu tiên là cái chết, bởi có như vậy mới khỏi phải đối diện với bất kỳ ai, kể cả các em học sinh, đồng nghiệp và bố mẹ mình”, tử tù Nguyễn Hoài Thu trải lòng.

Tâm sự về “nghĩa cử” góp tiền lưu ký hằng tháng để làm từ thiện, ủng hộ hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Hoài Thu cho biết: Theo quy định chung, từ nhiều năm nay tử tù trong thời gian chờ thi hành án được phép đặt mua báo theo quý và được Ban giám thị phát miễn phí một số tờ báo. Từ những tin tức trên báo chí đã đọc được, Thu biết đến hoàn cảnh rất éo le của em Nguyễn Đăng Hùng ở huyện Đô Lương.

“Đọc báo mà thấy xót xa quá, cháu bé cũng trạc tuổi con trai tôi. Ở vào độ tuổi này, lẽ ra các cháu cần có vòng tay chăm sóc, yêu thương của bố mẹ nhưng vì hoàn cảnh nên phải vất vả mưu sinh. Tôi thương quá nên đề xuất cán bộ quản giáo được trích tiền lưu ký để ủng hộ cháu Hùng trong lúc khó khăn”. Đại úy Nguyễn Thị Liên, cán bộ quản giáo trông coi tử tù tại buồng giam của Nguyễn Hoài Thu cho biết thêm, là người có thâm niên hàng chục năm làm cán bộ quản giáo ở khu biệt giam, khi nghe Thu đề xuất gửi tiền ủng hộ cho cháu Hùng, bản thân chị Liên rất ngạc nhiên.

Em Nguyễn Đăng Hùng, trường hợp được tử tù Nguyễn Hoài Thu tặng quà vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

“Mấy chục năm làm quản giáo, lần đầu tiên tôi nghe một tử tù đề xuất như thế. Sau khi báo cáo với đội và Ban giám thị trại, nhận được đơn đề nghị của Thu, chúng tôi giúp Thu thực hiện ước nguyện của mình và nữ tử tù này đã rất vui khi ước nguyện nhỏ nhoi ấy đã trở thành hiện thực”, Đại úy Liên tâm sự.

Đại úy Nguyễn Thị Liên cho biết thêm, hồi mới bị bắt, Thu bị suy sụp và hoảng loạn tinh thần. Thậm chí, nửa tháng trời cơm không ăn được, hai chân bị liệt không thể di chuyển buộc Ban giám thị trại tạm giam phải cho chuyển sang buồng lớn, gần gũi động viên, Thu mới dần bình tâm trở lại.

So với các phạm nhân khác, Nguyễn Hoài Thu là người có học vấn, có trình độ nên ý thức chấp hành kỷ luật buồng giam cũng cao hơn các phạm nhân, tử tù khác. Cũng bởi vậy, hằng tháng Thu được gọi điện thoại về nhà 1-2 lần để gặp con trai. Nữ tử tù Nguyễn Hoài Thu kể, sau phiên tòa phúc thẩm cấp cao, cơ hội sống gần như không còn nhưng bản thân chưa bao giờ tuyệt vọng.

Hằng ngày, từ chốn biệt giam, cựu giáo viên sa ngã này ăn chay, niệm Phật để cầu mong điều kỳ diệu nhất sẽ đến với cuộc đời mình. Hiện, Thu đã viết đơn xin ân xá gửi Chủ tịch Nước để mong mình còn có con đường được sống “để trả nợ cuộc đời”.

Phần việc hằng ngày còn lại giữa những chấn song sắt lạnh lẽo của Thu là tự học tiếng Anh từ những cuốn sách do cán bộ quản giáo mang đến. Thu lạc quan chia sẻ, tự trau dồi thêm vốn tiếng Anh để sau này, nếu được một cơ hội sống để làm lại cuộc đời, Thu sẽ dạy ngoại ngữ cho các phạm nhân khác, biết đâu đấy sẽ là hành trang có ích cho cuộc mưu sinh của họ sau này.

Thiên Thảo
.
.
.