Nước mắt của "đứa con ngoan"

Thứ Sáu, 20/05/2016, 12:38
Tôi gặp Nguyễn Thanh Thủy tại trụ sở Công an quận một ngày sau khi vụ án xảy ra. Nét hoảng hốt vẫn còn hằn rõ trên khuôn mặt non tơ của cô gái chưa tròn 18 tuổi. Giết người là một trọng tội. Nhưng nếu thử đặt mình vào hoàn cảnh của Thủy, vào thời điểm em hạ sát người tình của mẹ thì có lẽ bạn đọc cũng như tôi sẽ cảm thấy cô gái này thật đáng giận, mà cũng vô cùng đáng thương…

1. Khi gây án Thủy còn trẻ lắm. Thủy mới hơn 17 tuổi một chút thôi. Người ta bảo 17 tuổi bẻ gẫy sừng trâu. Trâu thì chắc chắn Thủy chẳng dám động vào một sợi lông của nó, song chính tay em đã cầm dao đâm chết người tình của mẹ.

Và đó chính là lý do mà chúng tôi gặp em hôm nay!

Nhẽ ra, lúc này thay vì phải bối rối, sợ hãi, khiếp nhược khi phải liên tục viết bản tường trình, tự khai và trả lời những câu hỏi của điều tra viên, phóng viên… Thủy phải được (nên được) đi học, đi chơi, xem phim hay picnic với bạn bè…

Thủy lúc này như con chim lạc mẹ, con thú lạc bầy. Ánh mắt em đầy sự thảng thốt. Em liên tục trả lời câu hỏi của các nhà báo như thể thanh minh với bố mẹ mỗi khi mắc lỗi. Ánh mắt ấy sẽ còn ám ảnh tôi nhiều năm nữa.

Trên khuôn mặt non nớt, thậm chí vẫn còn những chiếc lông tơ biểu hiện sự tiếc nuối tột độ. Thủy kể chiều tối hôm ấy, Thủy đi làm về (Thủy đã sớm bỏ học) thì đã thấy ông Phạm Ngọc Cường (người tình của mẹ) đang lè nhè say rượu. Thủy vốn không thích ông này, vì ông ta mang tiếng là đàn ông mà không chịu làm ăn gì cả, chỉ "ăn bám" mẹ Thủy.

Không can không cớ ông ta chửi mắng Thủy, đập bình shisha (hàng của em) khiến mâu thuẫn bị đẩy lên tột độ.

"Tối hôm ấy, em mang bình shisha từ quán về nhà để kiểm tra lại xem có sử dụng được không, để mai còn mang đi giao hàng cho khách. Khi em đang hút thử thì mẹ em phát hiện, rồi chửi mắng em, giằng lấy bình vứt đi. Mâu thuẫn bắt đầu nổ ra".

Nguyễn Thanh Thủy.

Bà cho rằng Thủy đang hút thuốc phiện nên rất bực tức. Ông Cường cũng thức giấc, và lao vào phụ giúp bà Kim. Sẵn phẫn uất lâu ngày, Thủy cầm con dao phay lên dọa chém ông Cường. Ông ta nhanh tay giật lấy vứt đi, Thủy chạy xuống tầng một. Mẹ em và ông Cường chạy theo, định ngăn không cho em ra khỏi nhà. Bất đồ Thủy nhìn thấy con dao gọt hoa quả… Và hậu quả đau lòng đã xảy ra.

"Vì lúc đó em thấy bác Cường say rượu, và mẹ em rất tức giận nên em đã cố gắng phân bua rằng mẹ và bác cứ bỏ tay con ra, con không đi được xa đâu, con đi loanh quanh trong ngõ rồi lại quay về thôi. Bao giờ mẹ bình tĩnh lại thì con sẽ quay về với mẹ. Nhưng mà bác Cường và mẹ vẫn không bỏ tay em ra, mẹ cũng cầm dao dọa em nữa nên em mới phản kháng lại, chứ em không có ý định giết bác Cường…" - Thủy nói, đôi mắt ầng ậc nước.

Nói chuyện với Thủy mà trong lòng chúng tôi dâng lên một nỗi xót xa. Phải chăng vì hoàn cảnh gia đình quá bí bách, cộng thêm việc thiếu đi sự chăm sóc dạy dỗ của người cha, người mẹ đã khiến cho một cô bé mới lớn như Thủy đi chệch đường? Và bây giờ thì chỉ một mình em phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật - điều mà có lẽ trước đây Thủy chưa bao giờ nghĩ tới.

2. Thủy có một tuổi thơ không trọn vẹn. Mồ côi cha từ nhỏ, bà Nguyễn Thị Kim (SN 1962 - mẹ Thủy) chẳng có nghề nghiệp gì ổn định, nên cuộc sống của hai mẹ con gặp nhiều khó khăn, vất vả. Bà lăn lộn đủ nghề, từ chung vốn mở quán ăn với người ta, rồi bán quán nước, đi rửa bát thuê… Việc gì bà cũng làm, chỉ mong bù đắp phần nào cho đứa con gái phải chịu nhiều thiệt thòi.

Cũng theo lời Thủy, sau khi bố mất một vài năm thì tại nhà em xuất hiện một người đàn ông khác. Người đàn ông đó là Phạm Ngọc Cường. Ông Cường cũng không có việc làm ổn định, thỉnh thoảng đi xe ôm và phụ bà Kim bán quán nước. "Em không quý, cũng không ghét bác Cường. Em chỉ không hài lòng vì ông ta cứ "ăn bám" mẹ em thôi" - Thủy nói.

Từ ngày mẹ có người tình, không biết Thủy có mất đi nhiều sự yêu thương, chăm sóc hay không song trong tâm hồn cô bé này ít nhiều đã có những nỗi niềm riêng. Và mối quan hệ với mẹ cũng bị rạn nứt. Đang học lớp 6, Thủy bỏ học dù không phải là học kém, cũng không phải do mẹ không lo đủ tiền đóng học phí. "Em thấy buồn lắm, chẳng thiết học hành gì cả". Nhưng dù sao, Thủy vẫn là đứa con ngoan khi biết phụ giúp mẹ bán hàng, lo toan cho cuộc sống của gia đình.

Thủy kể có theo mẹ đi bán hàng quà sáng một thời gian, rồi xin làm trong một tiệm cắt tóc gội đầu của người quen. Thủy cũng tham gia bán hàng mỹ phẩm xách tay nữa. Trung bình mỗi tháng Thủy kiếm được chừng 3,5 triệu đồng, Thủy đưa cho mẹ 3 triệu, chỉ giữ lại 500 ngàn đồng chi tiêu. Hàng mỹ phẩm ế ẩm, Thủy chuyển sang bán shisha (cả bình hút và thuốc). Cũng qua việc bán hàng này, Thủy quen với Nguyễn Vũ Anh (mà Thủy gọi là… người yêu).

Thủy kể em không thể hiểu tại sao mẹ lại có tình cảm với bác Cường. Vì theo Thủy, ông ta là một kẻ "vô công rỗi nghề", chỉ biết "ăn bám". Ông ta suốt ngày đi chơi bời, rồi về nhà Thủy ăn uống, nhậu nhẹt. Ngay đến một cái tăm ông ta cũng chưa từng đóng góp vào ngôi nhà chung. Theo Thủy, lẽ ra mẹ em phải tìm được một người đàn ông tử tế hơn, biết yêu thương chăm sóc gia đình em hơn ông Cường.

Có lần Thủy phát hiện ông ta ăn cắp mấy trăm ngàn đồng của mẹ. Không muốn làm lớn chuyện, em đã nói chuyện này với mẹ nhưng mẹ chỉ lặng im. "Nếu mà bác Cường cũng có đóng góp vào sinh hoạt chung của gia đình, thì em sẵn sàng chấp nhận, gọi ông ta là bố. Nhưng đằng này, ông ta chẳng hề góp được chút gì gọi là có"- Thủy nói với giọng ấm ức.

Sau khi gây ra vụ việc, Thủy gọi điện thoại cho người yêu đến đón. Rồi hai đứa ra Hồ Văn (quận Đống Đa, Hà Nội) ngồi, Thủy kể hết chuyện cho Vũ Anh nghe và bảo người yêu đưa mình ra đồn Công an đầu thú, song cậu ta không đồng ý. Hai đứa về nhà Vũ Anh ngủ. 7 giờ sáng Thủy còn về nhà lấy quần áo, rồi đi theo Vũ Anh. Khoảng 15 giờ cùng ngày, Thủy cùng với mấy người bạn của Vũ Anh đi ăn ở Hào Nam thì bị Công an bắt.

Có mặt tại ngôi nhà của mẹ con Thủy, chúng tôi mới hiểu thêm được sự bức bách của em. Ngôi nhà bé tẹo, tầng trệt là nơi để xoong nồi bát đĩa, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên tầng hai. Và đây thực sự không phải là môi trường phù hợp cho sự phát triển của một đứa trẻ, nhất là trong giai đoạn hình thành nhân cách như cháu Thủy. 

Là con gái mới lớn, Thủy không có một không gian riêng tư đã đành, cũng không có được sự chăm sóc về mặt tinh thần từ người mẹ. Điều này khiến Thủy trở nên cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Thủy còn giao du với những đối tượng xấu, thường xuyên đi đêm về hôm mẹ cũng chẳng thể quán xuyến, càng làm cho em dễ có những hành vi thiếu chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật.

3. Thực ra, chuyện những đứa trẻ cô đơn gây án không phải là hiện tượng hiếm trong xã hội

Đường Đức Anh - tên cướp 18 tuổi, quê ở xã Ngọc Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã thực hiện hành vi hiếp dâm, cướp tài sản của chị K.L trú tại Bảo Thắng, Lào Cai. Đức Anh là con út trong gia đình có ba anh chị em. Khi hắn mới lên 1 tuổi thì bố hắn qua đời, mẹ hắn chật vật nuôi anh em hắn ăn học, nhưng không hiểu vì trí tuệ kém phát triển hay tại mải chơi mà hắn học mãi không qua nổi lớp 1. Đến nỗi, hắn đúp tới 3 năm liền, đến năm cuối, hình như là cô giáo phải "đẩy đít", tự cho hắn thêm mấy điểm mỗi môn thì hắn mới có thể "tốt nghiệp" lớp 1. Học dốt nên Đức Anh thi trượt THPT, vì thiếu tới 2 điểm.

Cả tuổi thơ Đỗ Văn Cường (SN 1989, Tân Hiệp 2, Bù Nho, Bù Gia Mập, Bình Phước) sống trong cảnh "dì ghẻ con chồng", cha rượu chè bét nhè thường xuyên đánh đập. Cũng bởi ẩn ức buồn tủi đó đã khiến hắn liên tiếp gây ra gần chục vụ cướp, hiếp, trở thành "bóng ma" kinh hoàng ám ảnh các nữ sinh và gia đình trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Có thể thấy rằng xã hội phát triển, những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin cũng khiến con người sống cô độc hơn. Không khó để có thể chứng kiến cảnh một gia đình dù cùng sinh hoạt chung một phòng song mỗi người một việc. Mẹ coi tivi, bố ôm máy tính, con thì chúi mũi vào smartphone.

Họ không tâm sự và chia sẻ với nhau những khó khăn hoặc những vướng mắc trong cuộc sống, thậm chí cả những thứ mà họ cho rằng đó là sự tự ái của bản thân. Khi những nỗi buồn này tích tụ lại lâu ngày thì hình thành nên việc muốn giải quyết theo hướng tiêu cực.

Trở lại vụ án của Thủy, sự cô đơn đã khiến em lầm đường, và phải trả giá bằng bản án 20 năm tù. Hy vọng Thủy sẽ cải tạo tốt để sớm được trở về vòng tay yêu thương của mẹ.

Nguyễn Thanh Thủy.
Minh Trí
.
.
.