Phá án chốn đại ngàn: Chỉ khai khi tin cán bộ

Thứ Tư, 08/10/2014, 07:00

Kể với tôi về bí quyết mở ra thành công trong các cuộc truy xét thủ phạm gây trọng án trên rẻo cao, Đại úy Giàng A Sành - Phòng CSHS (PC45) Lào Cai đã tóm lại trong hai từ: "lòng tin!".

Vâng, cách diễn đạt của người Mông là thế, không dài dòng và có phần khó hiểu. Nhưng qua những chuyên án các anh đã khám phá giữa điệp trùng núi non miền Tây Bắc, điều anh nói thực sự là "chìa khóa" mở ra sự thật trong các vụ án. Khi đó, mỗi trinh sát phải là một cán bộ dân vận cắm bản. Bởi với đồng bào thiểu số, chỉ khi cái bụng đã "ưng", thì họ mới nói ra điều mình biết. Ngay cả với các nghi can, nếu chưa tin cán bộ thì sống chết gì cũng chỉ khăng khăng một chữ "chi pâu" - (không biết- PV). Gian nan trong hành trình phá án chốn "thâm sơn, cùng cốc", nằm ở chuỗi ngày "xuống" dân, ở những nỗ lực cảm hóa để đồng bào tin yêu và ủng hộ. 

1.Câu chuyện giữa tôi và Đại úy Giàng A Sành - Đội trưởng đội án nhân thân - Phòng PC45 Lào Cai nhanh chóng trở thành cuộc chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn điều tra các vụ trọng án chưa rõ thủ phạm ở mỗi vùng miền. Vì đặc điểm địa bàn xảy ra tội phạm khác nhau, nên "cách làm" của lực lượng phá án ở từng nơi cũng có nét khác biệt đặc thù.

Ở đô thị, khó khăn lớn nhất là "đáy biển mò kim". Tìm giữa hàng triệu con người để ra một cái tên gắn được vào vụ án, quả không phải chuyện dễ dàng. Trong nhiều vụ, hung thủ ở địa bàn khác "xuyên khe" sang gây án rồi nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường. Các đô thị lại là đầu mối giao thông, lưu lượng người đến và đi, số khách vãng lai, dân ngụ cư, tạm trú rất lớn… khiến diện đối tượng cần đưa vào diện rà soát để truy tìm thủ phạm luôn quá tải. Tuy nhiên, lợi thế trong điều tra án mạng tại đô thị, đó là luôn có "đất diễn" cho những phương pháp, chiến thuật điều tra tiên tiến, với sự hỗ trợ tối đa của các phương tiện khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, những vụ án mạng xảy ra ở đô thị, tạo ra sức ép dư luận mạnh mẽ, đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo và tập trung sức mạnh của nhiều đơn vị vào nhiệm vụ phá án, nên cũng giúp công tác này triển khai được thuận lợi, nhanh chóng.

Lực lượng chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ án.

Trong khi đó trên rẻo cao, lính trọng án vào trận "đơn thương độc mã". Giữa đại ngàn trùng điệp núi non, án mạng thường được phát hiện một cách tình cờ dưới vực sâu, trong lùm cây, bờ suối, khi thi thể nạn nhân đã phân hủy. Rất hiếm hoi mới có vụ có nhân chứng hay người biết việc. Núi rừng ẩn chứa trong nó những bí mật của ngàn đời. Nạn nhân có thể bị giết do thù tức, mâu thuẫn nhất thời, nhưng cũng rất có thể là kết quả của một cuộc thanh toán, cướp hàng giữa các băng nhóm buôn bán, vận chuyển ma túy. Do đó, việc nhận định tính chất vụ án để xây dựng các giả thuyết điều tra không hề đơn giản. Mặt khác, nơi phát hiện xác chết, chưa chắc đã là nơi hành vi phạm tội diễn ra. Giữa mênh mông đồng đất, việc truy tìm những dấu vết máu, dấu vết vật lộn, hung khí gây án… để xác định hiện trường chính, từ đó lần ra đối tượng có liên quan đến hiện trường thực sự gian nan, vất vả. Thực tiễn điều tra các vụ án mạng trên rẻo cao cho thấy, hầu hết các nạn nhân đều không có giấy tờ tùy thân, không điện thoại và những vật dụng giúp nhận dạng con người. Mà công tác truy xét thủ phạm luôn phải được bắt đầu từ những thông tin của người bị hại, từ đó mới có cơ sở dựng lịch trình hoạt động, dựng quan hệ để đưa "ai đó" vào "tầm ngắm"…

Không có sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật, không nhân chứng, thông tin mờ nhạt về vụ án… nên cách điều tra "thủ công, truyền thống", lại là biện pháp duy nhất hiệu quả để đi vào những vụ thảm án hóc búa chốn đại ngàn. Tư duy đánh án của lính trọng án miền sơn cước luôn bắt đầu từ công tác… dân vận. Phải bám chắc vào dân, nghe dân nói thì mới có tin để làm. Thế nhưng, để dân "chịu mở lời", cũng không hề đơn giản, nhất là với đồng bào thiểu số rẻo cao.

"Phải nói được tiếng của người dân tộc, quan trọng hơn, phải hiểu văn hóa, tập tục của họ và có những ứng xử phù hợp thì mới đi được vào lòng dân. Họ có quý trọng mình, coi mình như anh em, thì mới nói với mình những điều họ biết về vụ án đang điều tra" - Đại úy Giàng A Sành bắt đầu câu chuyện về hành trình khám phá những vụ án giết người ở rừng núi Lào Cai như thế.

Thi thể Vàng A Páo bên bờ suối Giàng Tra.

2. Câu chuyện rùng rợn về xác chết nhét trong bao tải dưới suối Giàng Tra (xã Sa Pả, huyện Sa Pa, Lào Cai) cùng hành trình 33 ngày đêm phá án của lực lượng CSHS Lào Cai, được coi như một hình mẫu trong chiến thuật điều tra trọng án trên rẻo cao.

Đại úy Sành kể: "Khoảng 18 giờ 30 ngày 27/5/2013, một người dân đi đánh bắt cá tại suối Giàng Tra, vớt được một chiếc bao tải bên trong nhét xác một nam giới bị trói giật cánh khuỷu bằng dây thừng và dây thép. Nhận tin, chúng tôi lên ngay hiện trường để khám nghiệm và tổ chức truy xét. Hiện trường vụ án ở vùng người Mông theo đạo, dân cư thưa thớt. Nạn nhân bị giết chết trước đó nhiều ngày, xác đang trong thời kỳ phân hủy, mặt bị biến dạng hoàn toàn, nên rất khó cho công tác nhận dạng và truy tìm tung tích nạn nhân. Để giải bài toán hóc búa này, chúng tôi bắt đầu từ việc rà soát nhân hộ khẩu tại các xã Sa Pả, Trung Chải, xã Tả Phìn, thị trấn Sa Pa… để tìm người mất tích. Anh em chia nhau đến từng nhà, từng hộ để kiểm danh kiểm diện từng người. Ban Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai đã quyết định xác lập chuyên án, giao phòng PC45 và Công an huyện Sa Pa phối hợp tổ chức truy xét thủ phạm. Vài ngày sau, tung tích của nạn nhân đã được làm rõ. Đó là Vàng A Páo (sinh năm 1987, ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).            

Từ Lai Châu, những thông tin về con người Páo được dựng lên khá hoàn chỉnh. Đó là một "con nghiện" ma túy nặng, từng có tiền án về tội trộm cắp và bị cưỡng chế cai nghiện hai lần, nhưng Páo đều bỏ trốn. Sau khi ra tù vào cuối năm 2012, Páo thường xuyên bỏ đi lang thang, khiến việc xác định hoạt động và các mối quan hệ của anh ta thật khó khăn. Đúng lúc này, xuất hiện một thông tin "quý hơn vàng". Đó là vào ngày 21/5/2013, Páo bắt trộm 3 con ngan ở xã Sơn Bình bị chủ nhà phát hiện. Như vậy, Páo thuộc "hệ ngan gà", mưu sinh bằng nghề trộm cắp vặt tại các khu dân cư. Chúng tôi phán đoán rất có thể Páo đến xã Sa Pả để trộm cắp gà vịt, bị dân phát hiện đánh chết và ném xác "phi tang". Để chứng minh cho giả thuyết này, Ban chuyên án tập trung rà soát về các vụ trộm cắp gia cầm đã xảy ra trong vùng".

Vẫn theo Đại úy Sành, khó khăn lớn các anh gặp phải trong chuyên án, là tính cố kết dòng tộc của người Mông theo đạo. Người dân trong vùng hầu như đều có quan hệ chi chòm khăng khít với nhau, nên thật khó tiếp cận và thuyết phục họ "mở lời" về những gì xảy ra trong bản. Mặt khác, rào cản ngôn ngữ và văn hóa giữa cán bộ điều tra với người sở tại đã khiến nhiều khi anh em xuống bản phải "về tay không". Sau gần một tháng, một vài hiềm nghi "nổi" đã có căn cứ loại trừ, vụ án có chiều hướng lâm vào câu dầm, bế tắc.

Gia đình Giàng A Chảo trước vành móng ngựa.

Không bỏ cuộc, Ban chuyên án tiếp tục tăng cường lên "chốt" những trinh sát thông thạo tiếng nói và văn hóa của người Mông. Đại úy Sành kể: "Bản thân tôi là người Mông, được chỉ huy giao cho đi sâu vào các "mối" trọng tâm. Chúng tôi tiếp cận nắm tình hình địa bàn quyết tìm cho ra những hộ vừa bị mất tài sản, gia cầm. Sau nhiều ngày kiên trì bám địa bàn, những nỗ lực "3 cùng" với dân, khéo léo, mềm dẻo, linh hoạt trong ứng xử, giao tiếp dần dần đã khiến người dân nơi đây hiểu ra vấn đề và có thái độ hợp tác hơn. Họ đã kể cho chúng tôi nghe chuyện gia đình Giàng A Chảo (nhà ở cách nơi phát hiện tử thi khoảng 300 mét) trong năm 2013 đã xảy ra nhiều vụ mất trộm tài sản gà với số lượng khá lớn. Thông tin này đặc biệt quan trọng. Khi lý lịch của Chảo được dựng lên, thì không khí vào trận sôi sục, phấn chấn hẳn. Trước đây Chảo đã từng xuống tay giết chết em trai mình trong một cuộc ẩu đả. "Gan" giết người không phải ai cũng có. Kẻ tay đã nhuốm máu một lần, hoàn toàn có thể có lần thứ 2. Ban chuyên án tiến hành phát động nhân dân tố giác tội phạm để củng cố tài liệu về Chảo, đồng thời tính toán biện pháp đấu tranh trực diện với từng thành viên trong gia đình anh ta".

Được biết, tại Công an huyện Sa Pa việc đấu tranh với gia đình Chảo không thu được kết quả, một phần do các đối tượng không biết tiếng Kinh, phần vì vụ án đã xảy ra hơn 1 tháng và không có chứng cứ vật chất trực tiếp chứng minh hành vi phạm tội của hung thủ. Mặt khác, các đối tượng lại là người trong cùng một gia đình, ở cùng một nhà, nên đã có sự bàn bạc thống nhất cao về nội dung khai báo để đối phó với lực lượng Công an. Ngày 26/6/2013, Ban chuyên án quyết định đưa cả nhà Chảo về trụ sở công an tỉnh để tiếp tục khai thác. Chọn mắt xích yếu nhất trong vụ án là Giàng A Lùng (con trai Chảo), Đại úy Sành đã động viên, khuyên giải cháu bé khai báo rõ những điều "mắt thấy, tai nghe" về vụ án. Cuối cùng cháu Lùng đã khai được nghe bố và anh trai (Giàng A Dình) kể chuyện đánh chết tên trộm gà vào đêm 21/5/2013 rồi nhét xác vào bao tải vất xuống dòng Giàng Tra.

Từ lời khai của Lùng, Ban chuyên án đã từng bước vạch trần những gian dối trong lời khai của 2 bố con Chảo, buộc chúng phải khai nhận hành vi giết chết anh Vàng A Páo. "Ngay cả với nghi can, nếu chúng tôi không dùng tiếng nói, văn hóa và thói quen cách giao tiếp của người Mông với nhau, thì họ cứ nói "chi pâu" đấy. Sử dụng chứng cứ có nhiều đến mấy, nhưng không hiểu văn hóa, tâm lý dân tộc của họ, thì việc đấu tranh cũng sẽ không có kết quả" - Đại úy Sành kết luận

Đào Trung Hiếu
.
.
.