Phóng viên vướng vòng lao lý đã "đạo diễn" để trục lợi từ doanh nghiệp như thế nào?

Thứ Bảy, 24/03/2018, 14:48
Phạm Lê Hoàng Uyển (42 tuổi, ngụ TP HCM) "chốt giá" với doanh nghiệp 700 triệu đồng để liên hệ, gỡ 3 bài viết đăng trên Phụ nữ Online (Báo Phụ nữ TP HCM). Khi Uyển nhận trước 280 triệu đồng từ doanh nghiệp trong xe ôtô thì bị Công an TP. Cần Thơ bắt quả tang. Qua điều tra, Uyển khai nhận đã thông qua một phóng viên khác để gỡ bài nhưng bản thân không biết người này có thực hiện được hay không…


700 triệu đồng để gỡ 3 bài báo

Theo cơ quan điều tra, Uyển có mối quan hệ quen biết từ trước với Võ Thanh Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Cao Thắng và Công ty cổ phần Quốc tế Ước Mơ Việt. 

Từ ngày 31-7-2017 đến ngày 2-8-2017, Báo Phụ nữ Online đăng liên tiếp hai bài báo với tiêu đề "Lần theo đường dây huy động 600 tỷ cho dự án ma" và "Ve sầu thoát xác" có nội dung phản ánh hai doanh nghiệp kể trên hoạt động kinh doanh, huy động vốn không minh bạch, có dấu hiệu lừa đảo, Long điện thoại nhờ Uyển tìm hiểu xem phóng viên nào đã viết các bài báo này, đồng thời nhờ tìm cách gỡ các bài viết trên. 

Sau khi nhận được sự nhờ vả từ Long, Uyển không biết có gỡ bài được không và cũng chưa liên hệ với ai nhưng vẫn ra giá 200 triệu đồng để gỡ các bài viết nêu trên. Khi đó, Giám đốc Võ Thành Long vẫn chưa đồng ý.

Hai ngày sau (4-8-2017), Phụ nữ Online đăng bài viết thứ 3 phản ánh Công ty Bất động sản Cao Thắng "Vẽ khu du lịch 1.000 tỷ bằng miệng". Lo lắng hoạt động của công ty bị ảnh hưởng, Giám đốc Long tiếp tục gọi điện thoại cho Uyển nhờ giúp đỡ để gỡ 3 bài báo này.

Phạm Lê Hoàng Uyển bị bắt quả tang khi nhận tiền doanh nghiệp.

Uyển gọi cho N.L.Y.T, phóng viên Báo N.T.D, cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh để tìm cách liên hệ giúp gỡ 3 bài báo trên. Theo lời khai của Uyển, T. thông báo giá để gỡ các bài báo là 600 triệu đồng. Uyển nâng giá lên 100 triệu đồng và thông báo lại với Giám đốc Long là 700 triệu đồng. Đồng thời, Giám đốc Long phải lo thêm 30 triệu đồng cho Uyển, gọi là chi phí đi lại liên hệ để lo việc gỡ các bài báo trên.

Tổng số tiền mà Uyển "chốt" với Giám đốc Long là 730 triệu đồng và yêu cầu đưa trước 350 triệu đồng. Số tiền còn lại, Giám đốc Long sẽ thanh toán sau khi các bài báo được gỡ xuống. Để hợp thức hoá số tiền này, Uyển đề nghị Long ký hợp đồng truyền thông. Lúc đầu, Long không đồng ý vì số tiền quá nhiều nhưng lo lắng sợ tiếp tục đăng bài phản ánh, ảnh hưởng đến hoạt động của công ty nên đồng ý.

Tuy nhiên sau đó Giám đốc Long không đồng ý ký hợp đồng truyền thông và không chịu trả tiền thuế VAT khi xuất hoá đơn. Uyển tìm cách hợp thức hoá số tiền này nên nhắn tin, gọi điện thoại trao đổi với Võ Hoàng Hà (40 tuổi, ngụ Cần Thơ, Giám đốc Công ty cổ phần Hoá chất khử trùng Á Châu, có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh).

Hai bên trao đổi, Hà nói Uyển thoả thuận với Giám đốc Long bằng cách ký hợp đồng mua bán cây cảnh hoặc hợp đồng phun thuốc với công ty. Nếu ký hợp đồng dạng này, Hà cho rằng không cần phải xuất hoá đơn và không phải chịu thuế VAT.

Số tiền tang vật.

Uyển đồng ý với đề nghị của Hà và yêu cầu soạn sẵn hợp đồng. Ngày 6-8-2017, Giám đốc Long gọi điện thoại cho Uyển, hẹn xuống Cần Thơ gặp mặt và đưa trước số tiền 280 triệu đồng. Trong đó có 250 triệu đồng tiền lo gỡ bài và 30 triệu đồng chi phí cho Uyển đi lại.

Hà đã gọi cho tài xế lấy ôtô chở Uyển từ TP. Hồ Chí Minh xuống TP. Cần Thơ. Khi đến điểm hẹn tại quán cà phê Hoa Cau (quận Ninh Kiều), Giám đốc Long yêu cầu Uyển ký tên vào biên lai nhận 280 triệu đồng với nội dung "nhận tiền để gỡ 3 bài báo".

Uyển không đồng ý với nội dung này, yêu cầu Giám đốc Long hợp thức hoá bằng hợp đồng mua bán cây cảnh. Hai bên trao đổi qua lại, Long đồng ý giao tiền cho Uyển và không yêu cầu ký tên vào biên bản nào. Sau đó, Uyển và Long ra xe ôtô của Hà để thực hiện việc giao, nhận tiền. Trong lúc Uyển đang nhận tiền thì bị cơ quan Công an ập vào bắt giữ. Tang vật cơ quan Công an tạm giữ, gồm: 280 triệu đồng, 3 điện thoại di động của Hà, Uyển và Long cùng 1 máy tính Macbook…

Lòng tham bất chấp pháp luật

Ngày 14-8-2017, cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối Uyển và Hà. Quá trình điều tra, vụ án được chuyển cho Công an quận Ninh Kiều thụ lý. Theo lời khai của Giám đốc Long, trước đây, T.B.M.K từng đăng bài phản ánh hoạt động của doanh nghiệp.  Giám đốc Long đã lên TP. Hồ Chí Minh gặp lãnh đạo phụ trách cơ quan phía Nam của tờ báo này.

Từ đó, Giám đốc Long quen biết với Uyển và H.M.S (Phó Tổng biên tập). Vì vậy, khi báo đăng các bài viết phản ánh về hoạt động của doanh nghiệp, Giám đốc Long đã nhớ đến Uyển nên gọi điện thoại nhờ giúp đỡ. Quá trình trao đổi nội dung, Giám đốc Long cho rằng vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên chủ động trình báo với cơ quan Công an.

Làm việc với điều tra viên, Uyển thừa nhận bản thân không có khả năng liên hệ gỡ các bài báo cho doanh nghiệp của Giám đốc Long nên nhờ N.L.Y.T và nhận được sự đồng ý. Tuy nhiên, Uyển cũng không chắc chắn người này có khả năng gỡ các bài báo này hay không?

Xe ôtô khi Uyển sử dụng để nhận tiền từ chủ doanh nghiệp.

Theo cơ quan điều tra, Uyển dù biết rõ không có khả năng gỡ các bài báo giúp Giám đốc Long nhưng vì động cơ vụ lợi nên thông tin gian dối để nhận tiền. Cơ quan điều tra nhận định, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội trong vụ án, một phần là lỗi của chủ doanh nghiệp khi chủ động liên hệ với Uyển, khi công ty bị phản ánh về các sai phạm trong kinh doanh.

Uyển biết rõ chủ doanh nghiệp đang lo lắng các bài báo gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hoạt động công ty nên đã dựa vào việc này trục lợi. Theo cơ quan điều tra, Uyển và gia đình đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Những lý do trên là nguyên nhân, điều kiện tác động đến việc Uyển thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo cơ quan điều tra, Hà không phải là người trực tiếp thực hiện các hành vi lừa đảo nhưng biết rõ việc Uyển nhận tiền vi phạm pháp luật. Hà tích cực giúp sức trong việc đưa Uyển đi gặp Giám đốc Long nhận tiền và chuẩn bị các điều kiện thuận lợi như: soạn thảo hợp đồng, hợp thức hoá việc nhận tiền nếu như Giám đốc Long đồng ý.

Cơ quan điều tra nhận định, hành vi của Uyển và Hà rất nghiêm trọng và tác động tiêu cực đến uy tín, hoạt động đúng đắn của các cơ quan truyền thông… Theo kết luận điều tra, qua quá trình làm việc, Uyển và Hà nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, thành khẩn khai báo và thừa nhận hành vi phạm tội.

Ngày 28-2, Đại tá Trần Văn Sáu, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an quận Ninh Kiều (Cần Thơ) đã ký kết luận điều tra chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố Phạm Lê Hoàng Uyển và Võ Hoàng Hà về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan điều tra, T. là trưởng ban kinh tế, cơ quan phía Nam của Báo N.T.D. Thông tin từ cơ quan này cung cấp, ngày 8-8-2017, phóng viên này xuất cảnh sang Mỹ thăm con gái và kết hợp công tác. Theo lịch của cơ quan này, ngày 10-9-2017, T. sẽ về Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa về nước.

Cơ quan điều tra chưa triệu tập làm việc được nên chưa đề nghị xử lý. Đối với việc Giám đốc Long có đơn thưa ông H.M.S (Phó Tổng Biên tập T.B.M.K.), cơ quan điều tra nhận thấy đây là mối quan hệ dân sự và chưa có dấu hiệu hình sự. Trong quá trình làm việc, ông H.M.S. đã vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp, cấp thẻ cho một số người không phải phóng viên của báo nên đã bị xử lý cho nghỉ việc. Vì vậy, cơ quan điều tra không kiến nghị xử lý.

Liên quan đến vụ việc, ngay sau khi Uyển bị bắt quả tang đang nhận tiền từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Quyết - Tổng Biên tập Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập đã trả lời báo chí và cho biết: Uyển chỉ mới về làm Trưởng Văn phòng đại điện của Tạp chí tại TP Hồ Chí Minh khoảng 3 tháng.

Quan điểm của toà soạn là không chấp nhận hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Bà Lê Huyền Ái Mỹ,  Tổng biên tập Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh cũng khẳng định: Việc Phạm Lê Hoàng Uyển, phóng viên của Tạp chí Hướng nghiệp và Hòa nhập lợi dụng loạt bài điều tra của báo để tống tiền doanh nghiệp là hành vi sai trái, cả về pháp luật lẫn đạo đức, không thể chấp nhận.

Đồng thời đề nghị cơ quan chức năng cần làm rõ còn ai trong đường dây tống tiền này, để bảo vệ uy tín của nghề báo, nhà báo. Cần phải loại bỏ những hành vi, đối tượng xấu, phi đạo đức, lợi dụng danh nghĩa nhà báo, tờ báo để làm việc bất lương, phi pháp. Đồng thời, cảnh tỉnh các doanh nghiệp làm ăn chân chính không tiếp tay cho hành vi trục lợi, gian dối.

Như Anh
.
.
.