Săn mồi trên biển

Thứ Ba, 12/08/2014, 09:00

Lớn lên tôi xinh đẹp và được nhiều chàng trai để ý. Bố bảo con gái là của để dành, nên thường dặn là nếu định yêu ai, tôi phải được mọi người trong gia đình đồng ý chứ không được tự ý một mình. Ông còn nhấn mạnh giá trị con người mới là quan trọng chứ không phải tiền bạc. Tôi cứ vâng dạ chứ đã hiểu gì đâu. Và tôi đã thích một anh chàng ở cùng khu ký túc xá, tên là Đức, học năm thứ tư khoa Điện. Tôi vẫn giấu bố, và định sau khi tốt nghiệp mới chính thức quan hệ tình cảm thật sự. Đức cũng thể hiện tình cảm với tôi. Anh thường mua cho tôi một con cún bông mỗi lần sinh nhật. Tôi tuổi Tuất mà.

Giờ xuất phát của con tàu vừa hú lên, thì điện thoại tôi rung lên, có tin nhắn. Đó là tin của thằng con trai 15 tuổi của tôi. Nó báo cho tôi biết, mới đây trên mạng đưa hình một kẻ trốn nã, nom giống như chú Ba, nên bố cẩn thận và theo dõi xem sao. Kẻ giết người cướp của đó. Tôi giật mình, vừa liếc nhìn chú Ba, vừa nhắn tin lại rằng có sự nhầm lẫn gì đó chăng hãy cẩn thận lời nói. Tuy cho là chuyện trẻ con vớ vẩn, nhưng xem ra tôi cũng thấy nôn nao trong lòng, bởi Ba có nhiều điều mà tôi cũng chưa biết hết. Con tầu đã nhổ neo. Chúng tôi ra khơi.

Gọi là chú Ba, vì nom Ba già hơn cái tuổi 40 của mình. Thôn chài lưới ở xã tôi ở sát ven biển, đón nhận Ba khi mới đến xin làm thuê nom dễ thương lắm. Ba nói gia đình ở Ý Yên, Nam Định nhưng rất nghèo, còn mẹ già ốm yếu. Ba kiếm đâu cũng không ra việc, nay đây mai đó, ky cóp kiếm từng đồng gửi về quê nuôi mẹ. Nay lưu lạc xuống đất biển Thái Bình này, cũng chỉ muốn xin việc làm thuê, kiếm cơm qua ngày. Nhìn dáng tiều tụy của Ba ai cũng ái ngại, nên ông Mỡi, bố vợ tôi đồng ý, nhận Ba lên tàu kéo lưới thuê, lênh đênh trên biển. Mỗi chuyến đi cũng tới mươi ngày, nhưng xem ra Ba hết sức gắng gỏi làm ăn, chứ không xao nhãng công việc. Có lần đi cả tháng trời Ba cũng thể hiện sự chịu đựng và nhịn ăn nhịn uống để gom tiền công gửi về cho mẹ. Thấy vậy tôi cũng thương và hay chia cho Ba ăn thêm cơm. Tôi còn an ủi Ba, thôi cuộc đời chả mấy chốc đổi thay, nếu chăm chỉ làm ăn. Nhiều lúc, mấy anh em còn đùa Ba, gắng gom tiền để lấy vợ. Ba chỉ cười nhăn nhúm gò má, nhìn cứ như một ông già vậy.

Cứ mỗi lần theo tàu đánh cá về,  Ba lại xin phép về nhà, và mang theo những đồng tiền công của mỗi chuyến đi, nói là mua thuốc về cho mẹ. Sau đó ít ngày, theo chủ tàu hẹn, Ba lại đến và lên tàu ra khơi. Tính ra gần năm qua, Ba được hầu hết các chủ tàu thuê làm việc. Người này một chuyến, nhà kia vài chuyến, quanh năm, suốt tháng làm không hết việc. Được bản tính thật thà và chịu khó, Ba được nhiều chủ tàu tin tưởng không ái ngại điều gì. Có nhà còn đăng ký trước, kỳ này đến lượt chú Ba làm cho tôi, còn chuyến sau tôi lại nhường cho nhà khác. Có mùa thấy chú Ba đi dài ngày không quay lại xóm chài, chúng tôi còn mong nữa là khác. Lần ra khơi này, gia đình tôi đi chừng một tháng, chú Ba xung phong liền. Tôi giao cho chú Ba, ngoài việc kéo lưới như mọi khi, còn theo dõi thêm về sự an toàn và những phương tiện cứu hộ cứu nạn. Bởi lâu nay, ai cũng khen chú Ba rất thạo công việc trên tàu, thậm chí có nhà còn cho chú Ba lái tàu thử cả tuần liền trên biển động.

Vậy cái tin nhắn của cậu con trai tôi về một người trốn nã giống Ba, cũng không thể cho là hoang tin thật. Bởi soi lại kỹ mới thấy, cứ gia đình nào có chương trình đi một tháng là Ba xin đi bằng được, kể cả hạ tiền công. Chuyến đi của gia đình tôi trong tháng này cũng vậy. Ba đăng ký và nằn nì với lý do cần một số tiền cho mẹ đi viện, và xin tôi tạm ứng một nửa trước là hai triệu đồng. Tôi thấy thương cảm và đồng ý liền. Cầm tiền Ba đi suốt đêm rồi sáng sớm đã có mặt ở bãi kiểm tra lưới và áo phao và khênh tất cả lên tàu cùng với mọi người.

Thêm nữa, tôi cố nhớ lại từ hôm bố vợ tôi nhận Ba lên cũng chẳng hề biết điều gì rõ ràng về con người này, ngoài lời tự kể về hoàn cảnh của mình. Cả xóm chài coi Ba là kẻ làm thuê vãng lai như nhiều người từ trước đến nay thôi. Hiện có cả đến chục người như thế vẫn sống quanh xóm để chờ việc làm, nên chẳng mấy ai quan tâm làm gì. Nhưng có lẽ tin của con trai đã đánh động tâm can tôi cả ngày hôm nay. Tôi đứng ỳ trong khoang lái và nhắn tin cho con trai. Theo yêu cầu của tôi, nó chụp lại ảnh truy nã và những thông tin cần thiết rồi bắn vào điện thoại cho tôi xem.

Thỉnh thoảng tôi lại ra ngoài kiểm soát lại những công việc. Lúc này chú Ba đang khênh các thùng dầu máy vào hầm tàu. Tôi đợi chú Ba lên rồi gọi vào góc khoang uống nước. Không ngờ Ba đã pha sẵn và mời tôi uống thử một chén trà thơm Tân Cương, Thái Nguyên mới mua được ở trên thành phố. Mỗi lần tôi nói chuyện, Ba đều cúi mặt xuống nghe; ngược lại Ba cũng không nhìn thẳng vào mặt tôi, khi trả lời hay đối thoại. Phải nói đến bây giờ tôi mới nhận ra điều này. Bởi trước đây mọi câu chuyện trên biển đều rất nhanh mấy ai để ý đến đâu. Trời tối dần, thuyền phó báo trên loa, gió đã mạnh hơn, mọi người cần phải thay nhau ăn cơm để trực ứng phó với những sự cố bất thường xảy ra. Tôi kiếm cớ đứng dậy, vì thấy tin của con trai vừa nhắn, rồi bước lên khoang lái.

Vừa mở máy điện thoại, tôi giật thót người vì thấy gương mặt kẻ trốn nã giống hệt chú Ba, nhưng thông tin lại cho biết kẻ trốn nã, tên là Phạm Văn Thanh, quê ở Đại Từ, Thái Nguyên, chứ không phải như Ba vẫn thường nói có mẹ già ở Nam Định. Đáng chú ý là bên trái cổ tên trốn nã có một nốt ruồi to. Tôi chợt nhớ lúc nãy Ba nói có ấm trà thơm Thái Nguyên, mời uống. Hay đây có thể là đầu mối mình bắt đầu điều tra lại xem sao. Nếu quả Ba đúng là kẻ trốn nã, mình sẽ tính như thế nào đây. Dồn dập những câu hỏi được bật lên trong đầu tôi.

Đợi Ba ăn xong tôi gợi ý vào buồng uống nốt ấm trà ngon mới pha, còn đang uống dở. Ba tỏ ý rất vui và nhanh nhẩu mời tôi và pha một ấm trà mới. Tôi vừa uống vừa khen ngon, rồi nhìn khéo nơi cổ bên trái Ba thấy có một vết sẹo tròn mờ. Ngay lập tức tôi hỏi lái sang chuyện trà, đây là trà loại mấy và ở đâu vậy. Ba ngoái nhìn ra phía cửa sổ nói, đây là trà Tân Cương loại một, vừa thơm vừa đậm và còn được nước nữa. Sau đó Ba còn giảng giải và chỉ cách phân biệt trà Thái ở Tân Cương khác trà Thái ở các vùng khác như thế nào. Và trà móc câu và trà mốc câu là một hay khác nhau.

 Phải nói tôi nghe ù cả tai, những trong lòng thầm nghĩ hắn là người ở Thái Nguyên mới phân biệt được kỹ đến thế. Trái tim tôi đập mạnh hơn, vì kẻ trốn nã đã hiện diện trước mặt tôi, giờ làm sao đây. Tay tôi chợt hơi run khi cầm chén trà đưa lên môi. Ba thấy thế vội hỏi, tay ông chủ làm sao thế ạ. May lúc đó một con sóng làm chiếc tàu bật lên. Tôi bật cười làm như không có chuyện gì và đứng dậy nói, đã đến giờ kiểm tra lại mọi thứ vì chỉ vài hải lý nữa là đến vùng nhiều cá để quăng lưới. Ba đứng bật dậy với tác phong nghiêm nghị như một người lính vậy. Tôi ung dung mỉm cười bước ra ngoài.

Vừa bước vào khoang lái tôi cho gọi Quý, đội trưởng bảo vệ lên, và giao cho việc, bí mật giám sát Ba không rời một bước. Tất nhiên tôi dặn Quý nếu có hiện tượng gì thì chủ động bắt giữ Ba lại ngay. Sau đó tôi gọi điện báo tin cho Đại úy Hùng, bên tầu cảnh sát biển đến hỗ trợ. Bởi mọi khả nghi và linh tính cho tôi có thể khẳng định được, Ba chính là tên Thanh đang trốn nã, cho dù hắn đã tẩy nốt ruồi trên cổ bên trái. Sóng biển đã êm hơn một chút. Tôi cố tập trung để hình dung ra những sự cố có thể xảy ra khi tàu Cảnh sát biển áp sát và sẽ phải hành động ra sao.

Đột nhiên cửa bật mở. Tôi giật mình quay lại thì Ba xuất hiện với bộ dạng khác thường. Trong tay hắn là con dao sáng quắc. Đôi mắt hắn không còn nhìn đi chỗ khác nữa mà nhìn thẳng vào tôi như thách đố. Hắn cười gằn rồi nói, ông chủ hãy xuống mạn tàu mà xem thằng Quý rơi xuống biển và rằng hãy trao buồng lái tàu cho hắn thì sẽ thoát chết. Bất ngờ anh thợ lái tàu lao tới định đẩy Ba ra ngoài, nhưng hắn né người, làm anh mất đà ngã xõng xoài ra cửa. Con tàu chao đảo vì mất lái. Anh lái tàu ôm ghì lấy chân tên Ba. Hắn định vung dao, thì tôi lao tới, lấy hết sức đá ngang một phát trúng tay hắn làm văng con dao ra ngoài.

Không còn gì để mất, khi nghe thấy tiếng còi báo động của tàu Cảnh sát biển rúc lên, hắn vội chạy ra ngoài rồi nhảy ngay xuống biển với chiếc thuyền phao đã để sẵn ở dưới nước. Hình như hắn đã chuẩn bị mọi phương án để trốn nã tiếp. Nhưng tất cả đã kết thúc. Hắn sững người khi nghe thấy tiếng súng bắn cảnh cáo ở ngay bên cạnh chiếc thuyền phao. Quý đã phục sẵn ở dưới lúc nào không hay. Hắn cúi đầu nghe theo lệnh bắt của Đại úy Hùng. Quả nhiên lúc này không còn là Ba nữa mà là Thanh, một tên trốn nã vì tội giết người cướp của, đã phải tra tay vào còng. Sau một năm trời lênh đênh trên biển để trốn tránh sự trừng trị của pháp luật. Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát.

Tôi vội gọi điện về báo tin, và cám ơn cậu con trai, cho dù lúc này đã nửa đêm. Con trai tôi cười đắc ý khoe, mình cũng có công phát hiện giùm bố và các chú Công an đấy nhé, khi về bố nhớ thưởng cho con. Trong lòng tôi vui không thể nào tả xiết, và hứa sẽ đánh một mẻ cá lớn và chúc nó thi thật tốt để được lên học trên trường huyện. Nó cười rồi hô rõ to: “Yes! Sur!”

Tào Phong
.
.
.