Tên tội phạm nguy hiểm nhất thế giới bị sa lưới

Thứ Ba, 01/04/2014, 13:00

Ngày 22/2/2014, Joaquin “El Chapo” Guzman, tên tội phạm bị truy lùng gắt gao nhất thế giới, ông trùm Tập đoàn ma túy Sinaloa, đã bị các tay súng thuộc lực lượng Hải quân Mexico và Đơn vị chống ma túy Mỹ (DEA) bắt giữ. Guzman bị bắt lúc 6h sáng tại một khu du lịch thuộc bãi biển Mazatian, Tây Bắc Mexico.

Guzman đã bị các lực lượng chức năng của Mexico và Mỹ phát hiện từ cuối năm 2013 và tổ chức bí mật theo dõi. Những ngày vừa qua, chính quyền Mexico mở chiến dịch khám xét và truy bắt tên tội phạm nguy hiểm này, đã bắt giữ 13 tên đồng bọn, tịch thu 97 súng trường, 36 súng ngắn, 2 súng phóng lựu, 1 giàn rocket, 43 ôtô (trong đó 19 xe bọc thép) và 20 bất động sản (trong đó 4 trang trại).

Năm 2011, Guzman được Tạp chí Forbes (Mỹ) xếp hạng giàu thứ 1.140 và có ảnh hưởng thứ 55 thế giới, đồng thời là kẻ thù số 1 của Chicago và được sánh ngang với Al Capone (một bố già mafia khét tiếng Italia thế kỷ trước). Đầu của Guzman được Mexico và Mỹ treo giá lúc đầu là 5 triệu USD, sau tăng lên 7 triệu USD.

Joaquin “El Chapo” Guzman sinh năm 1954 (cũng có tin là năm 1957) trong một gia đình nông dân nghèo thuộc bang Sinaloa; Guzman có 2 chị và 4 em trai. Sau khi kết hôn, hắn ta hầu như sống trong bí mật, không chỉ trốn tránh chính quyền mà chủ yếu cảnh giác với kẻ thù, những tên muốn sớm lấy mạng hắn. Kiên định và rất quyết đoán, Guzman thực sự là một người có tài tổ chức, một phẩm chất không thể thiếu để hắn có thể tồn tại và chỉ đạo Tập đoàn ma túy Sinaloa. Để tạo ra quyền lực, Guzman đã mạnh dạn bỏ ra 10% lợi nhuận từ việc buôn bán ma túy để hối lộ các quan chức chính quyền địa phương.

Bị bắt lần đầu vào ngày 9/6/1993 tại Guatemala, Guzman bị kết án 230 năm tù và có thể sẽ phải dẫn độ về Mỹ. Nhưng hồi đó, các thủ tục pháp lý hết sức rườm rà và mất nhiều thời gian, nên Guzman đã kịp trốn khỏi nhà tù ngày 19/1/2001 với sự tiếp tay của các quản giáo trại giam. Kể từ đó hắn bặt vô âm tín.

Đã có những tin đồn rằng giữa Guzman và chính quyền Mexico có một thỏa thuận ngầm, theo đó chính quyền Mexico sẽ không tiếp tục truy bắt hắn, còn Tập đoàn Sinaloa của Guzman phải nộp tiền thuế trực tiếp cho chính quyền nhà nước. Một tin đồn khác rằng chính Guzman đã tài trợ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của Enrique Pena Nieto, người đứng đầu nhà nước Mexico hiện nay. Điều này lý giải vì sao Tổng thống Nieto không tán thành việc bắt giữ Guzman, giống như cách làm của chính quyền Kennedy đối với các băng nhóm mafia những năm 60 của thế kỷ trước. Người ta cũng hy vọng rằng, số phận của ông Nieto sẽ không giống Kennedy.

Guzman đứng đầu tập đoàn ma túy hùng mạnh nhất Mexico và Mỹ Latin, Tập đoàn Sinaloa. Tập đoàn này kiểm soát việc buôn bán ma túy tại 20/32 bang của Mehico và đang tìm cách xâm nhập vào các bang Durango, Guerero, Michoacan và thành phố du lịch Acapulco, nơi từng được xem là khu vực nghỉ dưỡng hết sức an toàn của các gia đình buôn bán ma túy. Nhưng tình hình giờ đây đã thay đổi; thành phố đã thành nơi tranh giành ác liệt giữa các băng đảng buôn bán ma túy.

Tập đoàn ma túy Sinaloa đang trong giai đoạn bành trướng, đã mở đại diện tại Colombia, Equateur, Perou, Bolivia và Argentina. Tại Perou, chúng đã thu nạp những tên tội phạm người Colombia, Equateur và Perou để bảo vệ các đồn điền coca nằm sát biên giới với Equateur. Tại Colombia, chúng xuất ma túy từ cảng Buenaventura và vịnh Uraba thông qua tổ chức Cifuentes Villa, một tổ chức thương mại do chúng kiểm soát.

Vào tháng 4/2013, một chiếc tàu cá đã bị bắt giữ ở ngoài khơi cảng Buenaventura, cảnh sát đã phát hiện 59 túi sách chứa 1.181kg cocain được giấu bên trong các thùng chứa nước ngọt. 7 thuyền viên người Colombia đã bị bắt giữ. Theo lời khai của các thuyền viên thì số hàng trên do những người của Tập đoàn Sinaloa đưa lên tàu. Tập đoàn Sinaloa còn có mặt tại Mỹ, Tây Phi và châu Âu, nhất là ở Tây Ban Nha, Anh và Pháp. Tập đoàn Sinaloa nắm giữ gần một nửa số ma túy trung chuyển qua Mehico.

Tập đoàn Sinaloa liên kết với cựu địch thủ của mình, Tập đoàn Golfe (CDG) để cho ra đời Tổ chức “Liên minh mới” (thường gọi là Liên minh), còn có các tên khác “Tập đoàn thống nhất”, “Tập đoàn Thái Bình Dương”, nhằm mục đích chống lại các đối thủ mạnh hơn như Tập đoàn Zetas. Vào tháng 9-2012, có một nhóm (lấy tên là “La Corona”) tách ra khỏi tập đoàn để hoạt động độc lập. Thực ra Tập đoàn Sinaloa quyết định đổi mới phương thức hoạt động. Tập đoàn tuyển chọn nhiều trẻ em. Bọn trẻ, ngoài việc dễ sai khiến, còn tránh được mọi hình phạt của pháp luật nếu bị bắt. Hai nhóm đặc biệt chịu trách nhiệm công tác tuyển chọn tại các trường học địa phương: “Los Antrax” và “Los Sanguinarios del M1”. Các băng nhóm tội phạm nhí như “Los Chapitos”, dưới quyền của Tập đoàn Sinaloa, có mặt tại các bang Nuevo Laredo và Ciudad Juarez.

Ngoài buôn bán các mặt hàng truyền thống cocain, heroin và marijuana, Sinaloa còn sản xuất và phân phối ma túy tổng hợp. Các labo sản xuất ma túy tổng hợp của tập đoàn được đặt tại các bang Jalisco (được mệnh danh là “Tam giác vàng”), Sinaloa, Durango và Chihuahua.

Thật khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra sau vụ “El Chapo” Guzman bị bắt giữ. Thông thường khi một “bố già” cầm đầu một băng đảng ma túy hùng mạnh bị bắt giữ, các tổ chức tội phạm địch thủ (như Zetas ở đây) sẽ tận dụng cơ hội để lấn chiếm lãnh thổ hoạt động. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng đám tay chân của Guzman sẽ tìm cách trả thù cho thủ lĩnh của chúng bằng cách tấn công vào các quan chức chính quyền và dân chúng địa phương. Bạo lực vốn là căn bệnh cố hữu ở Mehico có nguy cơ bùng phát mạnh hơn trong thời gian tới. Dù sao thì việc bắt giữ Guzman, tên tội phạm nguy hiểm nhất hành tinh, cũng được xem là một thắng lợi lớn của chính quyền Mehico. Và mọi người cũng hy vọng rằng, lần này Guzman sẽ không có cơ hội một lần nữa thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật

Nguyễn Đình (theo Alain Rodier, Cf2R)
.
.
.