Thoát cướp trên đường vắng

Thứ Hai, 16/01/2017, 12:33
Chặn đường cướp xe hay xin đi nhờ đến quãng vắng trở mặt thành cướp, hoặc rủ rê người cho đi nhờ vào quán nước nghỉ ngơi để thả thuốc đầu độc… là những thủ đoạn phổ biến của tội phạm hiện nay.


Nạn nhân thường bị bất ngờ và hoảng loạn ngay tức khắc, ít người còn đủ bình tĩnh để có những ứng xử khôn ngoan, nhằm bảo toàn tính mạng và giữ được tài sản của mình. Tuy nhiên, vẫn có những cách xử trí thông minh giúp giảm thiểu thiệt hại mà mỗi người dân nên trang bị cho mình.

Những vụ cướp táo tợn

Năm 2016 đã qua đi, nhưng khoảng khắc kinh hoàng vẫn còn đọng mãi trong tâm trí những nạn nhân trong các vụ cướp xe máy táo tợn trên đường giao thông.

Tên Nguyễn Trọng Văn - thủ phạm vụ cướp trưa 29 Tết Bính Thân tại xã Quang Lang, Chi Lăng, Lạng Sơn.

Buổi trưa 29 Tết Bính Thân 2016, tại khu vực thôn Khun Áng (xã Quang Lang, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn), chị Phan Thị H. đang điều khiển xe máy Honda SH trên đường, bất ngờ bị một đối tượng bịt mặt từ chỗ nấp xông ra chặn đường.

Y dùng báng súng đập vào đầu làm nạn nhân ngất xỉu, rồi cướp chiếc xe máy tẩu thoát. Chị H được người dân phát hiện và đưa đi cấp cứu. Khẩn trương truy xét, Công an huyện Chi Lăng đã bắt được tên cướp là Nguyễn Trọng Văn (50 tuổi, ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội), thu giữ phương tiện gây án gồm 1 khẩu súng quân dụng, 6 viên đạn và 1 con dao nhọn.

Y vốn là đối tượng nghiện ma túy, từng bị kết án 20 năm tù về hành vi cướp tài sản, mới mãn hạn trở về địa phương.

Ngay giữa đường phố Thủ đô đã xảy ra vụ cướp xe táo tợn vào buổi trưa 13-9-2016. Hôm đó, tên Đoàn Minh Hiệp (33 tuổi, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đi lang thang một mình đến ngã tư Minh Khai - Lạc Trung (thuộc quận Hai Bà Trưng) thì nhìn thấy một nam thanh niên đi xe máy đang dừng đèn đỏ.

Thấy xung quanh vắng vẻ, Hiệp tiến đến, rút con dao bấm mang trong người ra gí vào người nạn nhân, yêu cầu đưa xe máy. Nạn nhân sợ hãi trao tài sản, Hiệp ung dung lên xe nổ máy phóng đi.

Chạy khoảng 10km, Hiệp tháo biển số rồi gửi ở một bãi xe ở quận Long Biên chờ tiêu thụ. Sau đó, y bỏ trốn lên Lạng Sơn. Tối hôm sau, Hiệp trở về nhà thì bị các trinh sát mật phục bắt giữ. 

Ngày 9-10-2016, trên đường Bình Quới (phường 28, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) xảy ra vụ cướp xe máy như ở chốn không người. Khoảng 20h40’ hôm đó, chị Nguyễn Tuyến H. (30 tuổi) đang điều khiển xe tay ga hiệu Air Blade trên đường thì có 2 đối tượng điều khiển xe môtô bám theo sau.

Quan sát qua gương chiếu hậu, thấy sự chẳng lành, chị H. tăng ga bỏ chạy nhanh đến nơi đông người, nhưng 2 tên cướp nhanh hơn. Chúng tăng ga, ép đầu xe chị H vào lề đường, đạp đổ xe rồi gí dao vào cổ nạn nhân.

Dù lúc đó trên đường vẫn có nhiều người đi lại, nhưng vì đối tượng hành động quá bạo liệt, táo tợn nên không ai dám thúc thủ. Bọn cướp điềm nhiên cướp đi chiếc xe máy của nạn nhân.

Những ngày cuối cùng của năm 2016, những vụ cướp xe táo tợn vẫn tiếp tục xảy ra. Điển hình như vụ cướp ngày 18-12-2016 trên đường Nguyễn Thị Thập (P. Bình Thuận, Q.7, TP Hồ Chí Minh) mà nạn nhân là chị Lê Thị Diệu H. (43 tuổi, ở huyện Nhà Bè).

Khoảng 5 giờ sáng hôm đó, chị H. đi xe máy một mình trên đường, bỗng từ phía sau có 2 nam thanh niên đi 1 xe máy bám theo. Đến đoạn vắng, kẻ đồng hành lộ nguyên hình là cướp, chúng rút mã tấu vung lên dọa chém, làm chị H. hoảng hốt bỏ xe chạy. Các đối tượng lập tức lấy xe rồi tẩu thoát khỏi hiện trường.

Nhận diện thủ phạm

Đánh giá về tình hình tội phạm cướp xe máy trên các tuyến giao thông thời gian gần đây, Thượng tá Trịnh Kim Vân (nguyên điều tra viên cao cấp, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội) nói: "Dùng vũ lực tấn công ngay tức khắc hoặc uy hiếp người đi đường để cướp xe máy là loại tội phạm nguy hiểm, đã và đang xảy ra ở rất nhiều địa phương, nhất là tại các đô thị lớn.

Trong đó, TP Hồ Chí Minh là nơi thường xuyên xảy ra nhiều vụ cướp hết sức táo tợn. Địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có xảy ra nhưng tần suất không nhiều như ở phía Nam.

Qua nghiên cứu, nhận thấy đối tượng phạm tội chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 17 đến 30, rơi vào nhóm có quá khứ phạm tội (có nhiều tiền án, tiền sự) hoặc nghiện ma túy, cờ bạc, tệ nạn xã hội. Chúng thường hoạt động theo ổ nhóm có từ 2 tên trở lên, có sự phân chia vai trò trong đồng phạm.

Khi gây án thường mang theo vũ khí nóng (như súng quân dụng, súng tự chế) hoặc đao kiếm, dao nhọn… để đe dọa, uy hiếp hoặc tấn công nạn nhân, vô hiệu hóa sự kháng cự nhằm chiếm đoạt được tài sản.

Thủ đoạn phổ biến là bám theo "con mồi", mà chủ yếu là phụ nữ đi xe máy một mình trên các cung đường vắng, đến quãng vắng thì chặn lại, rút hung khí uy hiếp để cướp xe. Cũng có nhóm phục kích tại các đoạn đường hẻo lánh ngoại ô, gần các công trường xây dựng, nhà hoang… để ra tay.

Đối tượng Đoàn Minh Hiệp - tên cướp xe táo tợn giữa đường phố Hà Nội ngày 13-9-2016.

Có vụ đối tượng xin đi nhờ phương tiện, đến đoạn vắng vẻ thì trở mặt khống chế nạn nhân, hoặc đầu độc họ bằng thuốc mê mang theo người…

Nhiều người do không biết ứng xử nên khi gặp phải cướp, không những không giữ được tài sản, còn bị đối tượng tấn công gây thương tích nặng, có vụ dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc trang bị các kỹ năng đối phó để người dân chủ động phòng ngừa tội phạm là điều rất cần thiết".

Ứng xử khôn ngoan

Võ sư Đào Hoàng Long (môn phái Nhất Nam) tư vấn: "Trong tình huống bị chặn xe giữa đường để cướp, giải pháp đơn giản và khôn ngoan nhất là nhanh tay rút ngay chìa khóa, cầm theo hoặc ném ra thật xa rồi bỏ chạy, vừa chạy, vừa tri hô để thu hút sự chú ý của những người đi đường.

Gặp phải tình huống này, thông thường bọn cướp sẽ nhanh chóng bỏ đi. Bởi vì mục tiêu của chúng là cướp xe, khi đã không đạt được vì không có chìa khóa để nổ máy, nạn nhân lại đang bỏ chạy, tri hô… khả năng chúng bị bắt giữ có thể xảy ra thì sẽ không tên cướp nào dại dột ở lại hiện trường để đối mặt với nguy hiểm.

Trường hợp toán cướp đông, có súng, hoặc xét thấy không còn đường chạy, thì trước tiên cần tỏ ra hợp tác, ngoan ngoãn giao xe cho đối tượng và liên tục xin tha chết vì còn gia đình, vợ con..., bởi vì mục tiêu cao nhất là giữ được an toàn về tính mạng, sức khỏe.

Nếu xét thấy không có khả năng tự vệ thì tuyệt đối không được đánh lại hay kháng cự mất kiểm soát. Trong tình huống chỉ có từ 1-2 tên cướp, nhận thấy sơ hở của chúng, hoặc có khả năng chống trả thì nạn nhân vẫn cứ giả vờ ngoan ngoãn làm theo yêu cầu của chúng, bất ngờ tấn công lại đối tượng vào mắt, bộ hạ, cẳng chân, yết hầu...

Thời điểm đối tượng chủ quan, sơ hở nhất là khi chúng đã lấy được xe và ngồi lên. Khi đó có thể bất ngờ tấn công, xô đạp vào người hoặc xe làm đối tượng ngã, rồi vơ lấy vật dụng hay gạch đá tấn công quyết liệt, vừa đánh, vừa hô hét rồi nhanh tay tắt máy, giật chìa khóa, bỏ chạy và kêu cứu.

Nếu đã tạm thời vô hiệu hóa được đối tượng, cần lấy xe bỏ chạy và tìm cách báo Công an ngay. Trong mọi tình huống, kể cả đối tượng không lấy được xe, đã bỏ chạy được thì cũng phải ghi nhớ đặc điểm đối tượng và trình báo Công an sau".

Tình huống chở trên xe phụ nữ hoặc trẻ em mà xảy ra cướp, theo võ sư Long lại cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định bỏ chạy hay chống trả, vì còn "kẹt" lại người thân không có khả năng tự vệ.

"Vướng phụ nữ hoặc trẻ em sẽ rất khó khăn trong việc tự vệ. Trong tình huống này, theo tôi, giải pháp ứng xử khôn ngoan là ngoan ngoãn giao xe, đáp ứng yêu cầu của bọn cướp để giữ an toàn tính mạng cho mình và người thân.

Thực ra, mục đích cao nhất của đối tượng là cướp được tài sản chứ không phải là giết người. Việc đáp ứng cho chúng sẽ ngăn chặn được hậu quả lớn hơn, bảo toàn được tính mạng. Những chống trả manh động, vừa không giúp giữ lại tài sản, vừa có thể gây ra những thiệt hại lớn hơn về người" - võ sư Long tư vấn.

Để phòng ngừa thủ đoạn cướp chặn xe, theo võ sư Long, mọi người nên hạn chế di chuyển trên các cung đường vắng vào thời điểm chiều muộn hay đêm tối. Nếu buộc phải đi qua, hãy đề cao cảnh giác và nên đợi có đông người cùng đi.

Trên thực tế, thủ đoạn đầu độc người cho đi nhờ để cướp xe cũng thường xuyên xảy ra. Đó là việc đón xe máy xin đi nhờ, dọc đường mời chủ xe vào quán nước nghỉ ngơi, rồi lén thả thuốc mê vào đồ uống, hoặc mời thuốc lá, kẹo cao su tẩm thuốc.

Hung khí trong một vụ án cướp xe máy.

Khi nạn nhân ngất đi, đối tượng lấy xe máy, điện thoại, ví tiền, giấy tờ tùy thân... rồi tẩu thoát. Để phòng ngừa thủ đoạn này, Thượng tá Vân tư vấn: "Đây là hành vi cướp tài sản bằng thủ đoạn khác, làm nạn nhân lâm vào tình trạng không thể kháng cự.

Do đó, khi tham gia giao thông, mọi người cần cân nhắc khi quyết định cho người lạ đi nhờ. Phải luôn cảnh giác vì đó có thể là một cái bẫy, cần xem xét kỹ đối tượng xin đi nhờ, có thể hỏi giấy tờ tùy thân, nơi cần đến, lý do tại sao không bắt xe ôm, taxi... Cần đánh giá về thời tiết, thời gian...

Đặc biệt, rất nên cảnh giác khi trời đã tối, người đi nhờ bảo chở đến nơi chưa rõ địa hình. Nếu đã cho đi nhờ, trên đường đi nên quan sát thường xuyên khách qua gương chiếu hậu, theo dõi biểu hiện, thái độ. Cần hỏi nhiều, nói chuyện về công việc, gia đình, kỹ năng nghề nghiệp... để kiểm tra thông tin.

Khi đối tượng rủ vào ăn uống dọc đường, cần cảnh giác khả năng bị đầu độc, không ăn uống những thứ mà khách đưa cho, chuẩn bị sẵn. Muốn ăn uống gì hãy tự tay làm, gọi chủ quán làm và giám sát chặt.

Thường thì đối tượng bỏ thuốc mê khi nạn nhân ra ngoài nghe điện thoại, đi vệ sinh, nên khi trở lại, không nên sử dụng tiếp nước uống hay thức ăn cũ. Tuyệt đối không nên nghe theo lời đối tượng rủ rê vào nhà nghỉ quan hệ tình dục. Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ cướp bằng thủ đoạn này".

Đào Trung Hiếu
.
.
.