Tình tiền và cái giá phải trả

Thứ Ba, 31/03/2020, 11:03
Thời gian qua, tại Hà Nội và một số tỉnh thành đã xảy ra những vụ cưỡng đoạt tài sản với nhiều mức độ khác nhau. Bên cạnh những vụ việc mà đối tượng đã có mưu đồ từ trước, thì có những vụ việc xảy ra do sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân. Luật pháp bất vị thân, các đối tượng đều phải trả cái giá rất đắt.


1. Đầu năm 2020, chị Lê Thị M. (SN 1970, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội) phải cầu cứu cơ quan công an vì bị người tình cũ đe dọa, cưỡng đoạt tài sản.

Theo chị M., nhiều năm trước chị và "phi công trẻ" Lê Xuân Dũng (SN 1979; trú tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội) có quan hệ tình cảm với nhau. Tuy nhiên một thời gian sau, chị M. cảm thấy mối quan hệ sai trái nên chủ động cắt đứt. Chị M. không ngờ được rằng trong thời gian mặn nồng, đối tượng Dũng đã dùng điện thoại di động ghi lại những hình ảnh nhạy cảm của chị M.

Sau khi bị người tình phụ bạc, Dũng rất căm tức và hắn chủ động liên lạc với chị M., yêu cầu bạn gái cũ phải đưa cho 30 triệu đồng nếu không sẽ phát tán ảnh "nhạy cảm" của chị.

Lo sợ ảnh hưởng đến danh dự của bản thân, chị M. đã chuyển cho Dũng 12 triệu đồng. Ít ngày sau, đối tượng này tiếp tục yêu cầu nạn nhân phải chuyển nốt số tiền còn lại. Biết rằng khó thoát khỏi tình cũ, chị M. đã đến Công an phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy trình báo. Tiến hành điều tra, xác minh, Công an quận Cầu Giấy đã bắt giữ Lê Xuân Dũng, thu giữ 18,5 triệu đồng là số tiền đối tượng đã cưỡng đoạt của chị M. Tại cơ quan Công an, Dũng đã thừa nhận hành vi phạm tội. Công an quận Cầu Giấy đang khởi tố bị can để điều tra, đồng thời củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Công an tỉnh Nghệ An cũng đã khởi tố, bắt giam hai đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản. Đó là Nguyễn Văn Phương (SN 1990) và Trần Xuân Sơn (SN 1980) cùng trú tại xã Xuân Lĩnh (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Trong hai đối tượng, Phương là chủ mưu, cầm đầu và tổ chức cưỡng đoạt tài sản của người tình của vợ.

Tài liệu điều tra ban đầu từ cơ quan công an, vào khoảng tháng 2/2020, Phương phát hiện vợ mình là chị Hoàng Thị A. có nhắn tin hẹn hò với một người đàn ông tên L. Bị chồng gặng hỏi, chị A. buộc phải khai ra mối quan hệ với anh L. - là người làm cùng công ty trước đây với chị này. Chị A. và anh L. từng có quan hệ tình cảm với nhau cho đến khi chị A. nghỉ việc. Thời gian gần đây, anh L. có nhắn tin hẹn chị A. đi chơi thì bị chồng phát hiện.

"Cay mũi" khi biết mình bị phản bội Phương đã đe dọa, ép buộc chị A. nhắn tin hẹn hò với anh L. để bắt quả tang, dằn mặt tình địch. Trước thái độ nóng nảy của chồng, chị A. lo sợ bị đánh đập và ly hôn nên ngoan ngoãn làm theo. Chị A. đã nhắn tin hẹn anh L. đi uống cà phê và gặp nhau trong khách sạn. 

Ngày 15/2/2020, anh L. đến quán một quán cà phê tại TP Vinh. Đã lên kế hoạch từ trước, Phương rủ thêm bạn là Trần Xuân Sơn cũng có mặt trong quán cà phê này, ngồi bàn gần đó để theo dõi. Một lúc sau, chị A. và anh L. rời quán cà phê, chở nhau đi khách sạn. Nhận phòng xong, chị A. nhắn tin số phòng cho Phương. 

Đọc tin nhắn của vợ, Phương lập tức chở Sơn đến khách sạn và thuê một phòng kế bên. Ít phút sau Phương sang gõ cửa phòng của vợ và anh L. đang thuê. Anh L. đi lại cửa nhìn qua khe cửa thấy có 2 người đàn ông. Nghi ngờ chồng chị A. đến đánh ghen, anh ta không mở cửa mà chui qua cửa sổ "đánh bài chuồn". 

Cùng lúc đó, chị A. đi từ nhà tắm ra mở cửa phòng, Phương và Sơn chạy vào nhưng không thấy anh L. ở đâu cả. Lúc này, Phương tiếp tục ép chị A. phải bằng mọi cách gọi anh L. quay trở lại phòng khách sạn, còn Phương và Sơn trở về phòng của mình. 

Nhận được cuộc gọi của người tình, anh L. tiếp tục quay lại và bị Phương, Sơn ập vào bắt quả tang. Hai đối tượng rút ra từ trong người 2 con dao rồi đe dọa, đánh đập anh L. Phương lấy điện thoại của anh L. rồi yêu cầu mở khóa, buộc anh này phải gọi về cho gia đình. Riêng Trần Văn Sơn lục ví lấy bằng lái xe và chìa khóa xe ôtô của anh L. 

Chưa hết, Phương yêu cầu anh L. và chị A. phải lên nằm giường “diễn” rồi dùng máy điện thoại quay video, chụp hình. Mặc cho chị A. và anh L. ra sức van xin nhưng Phương không đồng ý. Quay video, chụp ảnh xong, Phương cho vợ về trước, còn anh L. phải ra quán cà phê để tiếp tục nói chuyện. 

Trong cuộc gặp này, Phương yêu cầu anh L. phải đưa 120 triệu đồng, nếu không sẽ gửi đoạn video cho vợ và đăng tải lên mạng xã hội. Tuy nhiên, anh L. không chấp nhận nên Phương bỏ về.

Đối tượng Lê Xuân Dũng - Hai đối tượng Nguyễn Văn Phương và Trần Xuân Sơn.

Sau đó, không thấy anh L. liên hệ lại để giải quyết sự việc, Phương tìm cách gửi chứng cứ cho vợ anh này. Tiếp đó Phương và Sơn đã liên tục gọi điện đe dọa, uy hiếp nạn nhân nhanh chóng đưa số tiền theo yêu cầu. Anh L. đã phải đi vay mượn 80 triệu đồng để đưa cho Phương đồng thời báo sự việc lên cơ quan công an.

Sáng 26/2, sau khi mượn được tiền, anh L. mang theo và gọi điện xin Phương đưa trước 80 triệu đồng. Phương đồng ý gặp nhau để hai bên nói chuyện. Trong cuộc gặp ở một quán cafe, Phương đồng ý giảm từ 120 triệu xuống còn 100 triệu cho anh L. và yêu cầu anh này phải viết giấy vay nợ 20 triệu đồng.

Khi hai bên đang tiến hành giao tiền thì tổ công tác Đội 3, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt quả tang Nguyễn Văn Phương và Trần Xuân Sơn về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

2. Nếu như hai vụ án trên xảy ra do các đối tượng chủ động kịch bản thì vụ Giám đốc người Nhật bị cưỡng đoạt tài sản lại xảy ra do sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Lẽ ra vụ việc không đến mức phải xử lý hình sự...

Tháng 5/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với các đối tượng Đặng Thị Ngọc (SN 1972 trú tại Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội); Đặng Quốc Việt (SN 1972 trú tại Ái Quốc, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1984, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) về hành vi Cưỡng đoạt tài sản. 

Trước đó, ông Kitagawa Kemmei (SN 1978, quốc tịch Nhật Bản) có đơn tố cáo về một nhóm đối tượng đã "bắt cóc" rồi lấy đi nhiều tài sản của ông ta. Cụ thể do mâu thuẫn trong công việc làm ăn các đối tượng Ngọc, Hằng, Việt... đã lên sân bay Nội Bài phục sẵn rồi ép ông ta lên ôtô đi đến chung cư Eco Green City (Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân).

Các đối tượng Ngọc, Hằng, Việt.

Tại đây nhóm đối tượng đe dọa, ép ông Kitagawa phải trả tiền cho một giao dịch dân sự trước đó đang trong quá trình giải quyết. Đối tượng đe dọa nếu không trả tiền hoặc gọi cho người thân mang tiền đến trả thì sẽ "cho mày xuống đường để tạo ra vụ tai nạn giao thông". 

Trước sức ép của Ngọc, Hằng, Việt, ông Kitagawa đã phải ký vào một biên bản xác nhận nợ. Thế rồi chúng truy vấn tài sản của ông ta. Thấy có hai thẻ tín dụng, các đối tượng đã đưa ông Kitagawa xuống xe ô tô để đi đến một nhà hàng Nhật có tên là Fuku Yoka (tại số 52 phố Linh Lang, phường Cống Vị, quận Ba Đình). Nhóm này buộc ông Kitagawa Kemmei sử dụng thẻ Credit và thẻ Debit của ông để thanh toán hóa đơn tại nhà hàng với số tiền hơn 124 triệu đồng.

Ông Kitagawa Kemmei bị các đối tượng đưa về chung cư Eco Green City để ép phải trả tiền.

Ngay sau đó, ông Kitagawa Kemmei đã liên hệ với Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội đề nghị được giúp đỡ. Đồng thời, ông cũng liên hệ với luật sư, tiến hành làm đơn tố cáo gửi đến Công an thành phố Hà Nội đề nghị làm rõ hành vi cưỡng ép, chiếm đoạt tài sản và thu giữ hộ chiếu. 

Nhận được đơn tố cáo của bị hại, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã tổ chức điều tra, làm rõ vai trò của các đối tượng. Xét thấy hành vi của nhóm Hằng, Việt, Ngọc có dấu hiệu phạm vào tội Cưỡng đoạt tài sản, cơ quan công an đã ra quyết khởi tố vụ án, khởi tố bị can. 

Theo một điều tra viên phòng CSHS, vụ việc này lẽ ra đã có thể xử lý một cách ổn thỏa hơn. Thay vì ép buộc vị giám đốc người Nhật phải trả tiền thông qua thẻ tín dụng, nhóm đối tượng hoàn toàn có thể đưa ông ta về cơ quan công an, đề nghị làm rõ những vấn đề trong quá trình làm ăn. Việc dùng "luật rừng" đã khiến cho bọn họ phải trả cái giá rất đắt.

Minh Trí
.
.
.