Tội ác hiển hiện

Thứ Hai, 19/09/2016, 18:43
Tôi nhắm mắt lại và thử tưởng tượng một con dao phay dài, nặng, lạnh lẽo đặt xuống cổ chân mình. Chỉ với một lực mạnh tác động, lưỡi dao sẽ bập xuống… Không, đó hoàn toàn không phải là cảnh một đoạn phim kinh dị mà là một câu chuyện kinh hoàng mới xảy ra thôi, nơi tôi đang sống, giữa hàng triệu người.

Thật trớ trêu đến bẽ bàng khi sự thật được vén màn: Một phụ nữ tròn 30 tuổi vì bị món nợ 240 triệu đồng thúc ép đã thuê người chặt chân tay mình rồi làm giả hiện trường một vụ tai nạn giao thông với hy vọng sẽ nhận được 3,5 tỷ đồng từ 2 công ty bảo hiểm. 

Thật kinh khủng, vì tiền, người ta sẵn sàng làm những điều ghê rợn nhất, dùng ngay cả cơ thể mình như một vật thí nghiệm để rồi nếu sự việc không bị phát giác, dù họ có trong tay 10 tỷ, 100 tỷ đồng thì cũng không thể lấy lại được bàn tay, bàn chân mà cha mẹ đã sinh ra.

Người đàn bà đáng thương ấy giờ thành người tàn tật vĩnh viễn, bước đi xiêu vẹo dù đã mang chân tay giả hay đôi nạng gỗ. Số tiền bảo hiểm không lấy được đã đành mà còn phải nghe bao lời đàm tiếu từ cộng đồng. Cha mẹ cho một cơ thể lành lặn, đủ 2 chân, 2 tay, để tự lập cuộc sống với đôi tay và đôi chân ấy đã vô cùng khó khăn, thử hỏi, với một tay và một chân còn lại, sự khó khăn còn lớn đến mức nào?

Bị cáo Nguyễn Hải Dương, kẻ chủ mưu trong vụ thảm sát ở Bình Dương bị tuyên phạt tử hình. 

Đáng lên án và căm giận hơn, đó là kẻ đã được người đàn bà này thuê để làm cái công việc bất nhân đó. Từ một thanh niên bình thường, kiếm sống bằng nghề cơ khí nhưng trước sự cám dỗ của đồng tiền, y sẵn sàng gật đầu để cùng người đàn bà đó tạo ra một kịch bản kinh dị nhất từ trước tới nay. Dù cơ quan điều tra không khởi tố vụ án vì thiệt hại kinh tế chưa xảy ra nhưng rõ ràng, nỗi ám ảnh về những gì đã diễn ra vẫn sẽ làm mọi người phải choáng váng, hãi hùng.

Mới đây, trên mạng còn lan truyền chóng mặt một clip đối tượng trộm chó bị đánh tới chết. Phải cân nhắc một lúc tôi mới dám mở xem. Sự việc diễn ra tại một làng quê miền Bắc. 

Đối tượng trộm chó là một thanh niên trên dưới 20 tuổi, chùm tấm mành lên đầu rồi bị nhóm người giải ra giữa một khu đất rộng. Tại đây, hàng trăm người đã tụ tập sẵn. Tới nơi, người thanh niên bị đẩy ngã xấp mặt xuống. Mặc dù anh ta chắp tay van xin nhưng vẫn bị đám người quá khích kia lao vào vừa “răn dạy” vừa dùng những cú đá, đạp cực mạnh lên khắp người.

Nạn nhân quằn quại như con giun bị xéo, lấy hay tay bưng mặt thì bị đạp vào đầu, ôm đầu thì bị đá vào hạ bộ, che hạ bộ thì bị thanh sắt chọc vào lưng… Có lẽ không còn từ ngữ nào diễn tả lại cảnh tượng đó. Đám đông vây quanh miệng hò hét kích động, tay cầm điện thoại quay clip. Còn những kẻ thực hiện hành vi man rợ trong cơn say máu tiếp tục tung những cú đòn hiểm vào nạn nhân. Chỉ đến khi người thanh niên đờ người ra, chân tay buông thõng, chúng mới dừng tay.

Một cảnh đánh ghen giữa ban ngày. 

Những clip có nội dung tương tự xuất hiện trên mạng xã hội ngày một nhiều hơn. Đó là màn đánh ghen của những người đàn bà có chồng đi tìm của lạ; là sự phấn khích của đám nữ sinh phổ thông khi rằn mặt một cô bạn ngay giữa đám đông; là những thanh niên mới lớn cầm hung khí, hò hét như những kẻ điên rồ lao vào nhau trong một cuộc quyết chiến… 

Rất nhiều người chứng kiến cảnh tượng đáng buồn đó, song họ không những không can ngăn mà hò hét phấn khích như đang xem một trò chơi bạo lực. Thậm chí còn quay clip toàn bộ vụ “huyết chiến” rồi đưa lên mạng.

Sự vô cảm đang lên ngôi. Lẽ nào con người tha hóa đến mức này sao? Hãy đặt giả thiết mình hoặc người thân là nạn nhân của những vụ tấn công đó, bạn sẽ nghĩ gì? Nếu cái ác còn tồn tại dưới dạng đó thì cuộc sống quả là đáng lo ngại. Và những kẻ vô cảm vỗ tay cổ vũ kia, dù không tham gia vào những trò chơi bạo lực, nhưng một khi im lặng, đồng lõa với tội ác thì chính họ cũng là tội phạm.

2. Đau buồn hơn cả, xót xa hơn cả, nghiệt ngã hơn cả chính là bi kịch gia đình khi những người thân thiết từng gắn bó với nhau dưới một mái nhà. Họ từng có quan hệ huyết thống với nhau, khi xung đột xảy ra, thay vì ngồi với nhau tìm ra những giải pháp tốt nhất thì họ lao vào nhau, dùng những loại hung khí tức thời hoặc được chuẩn bị trước để rồi hậu quả đến ngay sau đó là người chết, kẻ vào tù. 

Tôi tin là kẻ vào tù chắc chắn sẽ có những năm tháng dày vò khủng khiếp bởi tội lỗi do mình gây ra và đối với họ, nhiều khi sống còn khổ hơn là chết.

Cách đây không lâu, vào một ngày đông buốt lạnh, tôi được dự một phiên tòa mà bị cáo là người em giết anh trai vì mâu thuẫn trong việc phân chia đất đai cha mẹ để lại. Vụ án đau lòng này xảy ra tại một huyện ngoại thành Hà Nội. Trong cơn phẫn uất, người em cầm cao dao bổ củi lao vào người anh với những nhát chém điên dại. Người anh không có sức để tự vệ và không thể tự vệ trước cơn điên loạn của người em và đổ gục xuống. Người em bàng hoàng sau tội ác, nhưng tất cả đã muộn.

Vào giờ nghị án, bầu trời trở nên nặng trĩu. Mưa trút xuống và cái lạnh cũng tê tái hơn. Những đứa con của bị cáo ào lên bấu víu vài vai cha. Phía sau, gia đình nạn nhân từng chung sống gắn bó thân thiết với gia đình bị cáo với khuôn mặt câm lặng. Đương nhiên rồi, họ là anh em ruột thịt do cùng cha mẹ sinh ra. Từ nhỏ, họ gắn bó với nhau, yêu thương nhau. Lớn lên rồi mỗi người một gia đình, sự ích kỷ cùng lòng tham trỗi dậy và mâu thuẫn không thể hóa giải.

Học sinh một trường phổ thông lao vào đánh nhau trong giờ ra chơi.

Trong cái lạnh giá tái tê đó, giữa bầu không khí như ngưng đọng và bụm sáng nhờ nhờ từ trên cao rọi xuống, bất chợt bị cáo òa khóc. Tiếng khóc lúc đầu chỉ nấc nhẹ, sau đó là những tiếng thét, tiếng gào thảm thiết. Phải có mặt lúc đó, tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra, bạn mới thật sự cảm nhận nỗi đau tận cùng của kiếp người.

3. 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có 200 vụ án mạng xảy ra tại nước ta. Đó là số liệu tương đối chính xác của ngành Công an công bố trong Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm giết người hiện nay”do Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội cách đây không lâu. Có lẽ, đây là cuộc Hội thảo hiếm hoi về một loại tội phạm bị xã hội lên án mạnh nhất bởi khi nó xảy ra luôn mang đến cho người ta cảm giác bàng hoàng, đau đớn với thân phận xấu số và căm giận, lên án kẻ đã gây ra tội ác.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo cho thấy, chỉ mấy năm gần đây, tình hình tội phạm giết người, nhất là giết người do mâu thuẫn cá nhân trong sinh hoạt cộng đồng ở nước ta có những diễn biến bất thường, gây tâm lí bất an cho người dân, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giữ gìn an ninh trật tự.

Đặc biệt, đã xảy ra một số vụ án mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng như giết nhiều người, thậm chí sát hại cả một gia đình với động cơ đê hèn, thủ đoạn tàn ác; giết người cướp tài sản; người thân trong gia đình sát hại lẫn nhau; nhiều đối tượng gây án đã mất hết nhân tính bất chấp đạo đức, coi thường tính mạng người khác. Trong một số vụ trọng án, phần lớn đối tượng gây án lại là người lao động bình thường, không nằm trong diện quản lí của lực lượng Công an nên gây ra nhiều khó khăn cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lí tội phạm.

Trên hết và trước hết vẫn là phòng ngừa - một trong hàng chuỗi những giải pháp chủ yếu mà Hội thảo đưa ra và phòng ngừa là trách nhiệm chính của cấp ủy, chính quyền, địa phương. Đương nhiên, trách nhiệm phải là cụ thể nên nếu tội phạm xảy ra ở địa phương nào thì cần làm rõ trách nhiệm của địa phương đó.

Mong sao, những giải pháp hữu hiệu sẽ vận hành đồng bộ để phát huy sức mạnh tổng hợp, mang lại sự bình yên cho mọi người.

Nguyễn Tuấn
.
.
.