Triệt phá đường dây bán logo 'xe vua'

Thứ Sáu, 04/09/2015, 09:00
Sau một thời gian tiến hành theo dõi, mới đây, các trinh sát Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội(C45) - Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt và khám xét nơi ở đối với Lê Thị Cẩm Vân, 33 tuổi tại huyện Bình Chánh, TP HCM để điều tra làm rõ về việc lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ và quyền hạn để trục lợi bằng việc lừa bán các nhãn mác được cho là logo "xe vua" dán trên các xe ôtô vận tải.
Cùng thời gian này, lực lượng Công an còn bắt thêm 6 đối tượng là tay chân hoạt động theo sự chỉ đạo của Vân bao gồm: Mai Văn Thái Em, Trần Quốc Thái, Huỳnh Tấn Thắng, Trần Trọng Nhân, Nguyễn Văn Phúc và Nguyễn Mai Hữu Nhân.

1. Ngay sau khi đường dây này bị triệt phá, đã có rất nhiều luồng dư luận, nhất là cánh tài xế xe tải thông qua các trang mạng xã hội gửi lời cảm ơn đến lực lượng Cảnh sát điều tra. Tuy nhiên cũng có một số luồng dư luận cho rằng việc lừa đảo của Lê Thị Cẩm Vân và đồng bọn có sự hậu thuẫn của một số Cảnh sát và Thanh tra giao thông.

Trước những thông tin đồn thổi khác nhau, trong buổi gặp gỡ các phóng viên báo chí, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục 45 cho biết: Theo lời khai ban đầu của các đối tượng thì họ có quen biết với một số cán bộ của cơ quan chức năng nên biết về lịch trình tuần tra, kiểm soát của các tổ, các đội CSGT. Từ việc nắm được lịch trình này, bọn chúng thông báo cho các chủ xe, tài xế tìm cách né tránh. Đặc biệt khi bán logo, các đối tượng này thường ghi lại biển số xe và số điện thoại của các chủ xe, tài xế để khi bị cơ quan chức năng kiểm tra hoặc xử phạt thì cử người đến xin xỏ, và khi không xin được thì tự bỏ tiền túi ra nộp phạt thay cho nhà xe.

Lực lượng Công an tống đạt quyết định bắt và khám xét đối với Lê Thị Cẩm Vân.

Trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí, Đại tá Trần Thanh Trà - Trưởng phòng CSGT Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đầu năm 2015, khi nhận được một số thông tin về việc có một nhóm đối tượng thực hiện bảo kê cho các xe tải bằng hình thức bán logo dán trên cabin xe, Đại tá đã chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo cho các đơn vị nghiệp vụ phối hợp cùng CSGT tăng cường công tác kiểm tra, nhằm phát hiện và xử lý ngay những tiêu cực có liên quan đến hành vi bảo kê, tiếp tay cho hoạt động xe quá tải, quá khổ.

Ngoài ra, Phòng cũng trực tiếp tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu tất cả cán bộ chiến sỹ nói không với nạn bảo kê và lập kế hoạch xử lý nghiêm đối với tình trạng xe tải vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Ngày 31/3/2015, Phòng đã tiến hành thành lập tổ chuyên đề xử lý xe quá tải, quá khổ gắn logo có dấu hiệu "bảo kê".

Để đề phòng tiêu cực, lãnh đạo phòng đã tiến hành chọn những cán bộ chiến sỹ tiêu biểu của các đơn vị vào tổ chuyên đề dưới sự chỉ đạo trực tiếp của hai Phó trưởng phòng. Chỉ qua một tháng đầu tiên triển khai công tác, tổ đã phát hiện và tiến hành lập biên bản xử lý đối với 450 trường hợp xe vi phạm, trong đó có 217 trường hợp gắn logo garage Thành Đô, 165 trường hợp gắn logo xe chở hàng, số còn lại là những xe gắn logo "Tam Kỳ, Dịch vụ vận chuyển hàng, Hồng Loan…".

2. Trở lại với vụ việc, trong những tháng gần đây, Cục C45 liên tục nhận được đơn thư của rất nhiều tài xế lái xe tải liên tỉnh tố cáo về thực trạng nhiều xe chở quá khổ, quá tải có gắn logo lạ hoạt động rất ngổ ngáo trên khắp các cung đường thuộc địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Trước thực trạng này, lãnh đạo Cục đã chỉ đạo cho các trinh sát lập tức vào cuộc với yêu cầu phải khẩn trương truy tìm, xác định được danh tính của các đối tượng, đồng thời thu thập đầy đủ các chứng cứ phạm tội để tiến hành triệt phá, trả lại sự ổn định cho ngành vận tải.

Một số loại logo mà Vân dùng để lừa đảo.

Sau nhiều ngày đêm bám sát các cung đường, các trinh sát phát hiện trên cabin và kính chắn gió của rất nhiều loại xe tải có dán các logo hình mặt trời, ngôi sao 5 cánh, garage Thành Đô, xe chở hàng… nhưng khi tiếp cận các tài xế đều cho rằng do thích các loại logo nên dán chứ không phải là ký hiệu của bảo kê và cũng không biết các đường dây bảo kê nào hết.

Riêng các xe có gắn logo garage Thành Đô thì tài xế trả lời rằng vì là khách hàng quen thuộc nên tham gia giới thiệu cho garage này. Tuy các tài xế đều né tránh trả lời sự thật nhưng có dấu hiệu lạ là cứ mỗi khi gặp chốt tuần tra của CSGT hoặc thanh tra giao thông thì các xe này đều tắp vào lề đường gọi điện thoại và sau đó có người đến năn nỉ lực lượng chức năng cho qua trạm.

Tiếp tục theo dõi, các trinh sát phát hiện việc một đối tượng giấu mặt đến các trạm, chốt năn nỉ lực lượng chức năng chỉ là trò che mắt tài xế, thực tế chúng tìm cách dò la xem trạm, chốt đó hoạt động trong thời gian từ giờ nào đến giờ nào rồi thông báo với các tài xế, giả bộ là lực lượng chức năng bảo cố gắng chờ thêm chút nữa khi họ rút đi thì cứ việc chạy.

Các đối tượng có liên quan trong đường dây của Vân.

Đến trưa ngày 26/8/2015, sau khi đã thu thập đầy đủ các bằng chứng phạm tội của các đối tượng, lực lượng Công an chia thành nhiều mũi bất ngờ ập vào nhiều địa chỉ khác nhau tóm gọn 7 đối tượng Vân, Nhân, Em, Thắng, Thái, Phúc, Hữu Nhân đưa về xử lý.

Mặc dù đã có đầy đủ bằng chứng phạm tội nhưng khi đối mặt với phóng viên CSTC tại cơ quan điều tra, Lê Thị Cẩm Vân vẫn tỏ thái độ lạnh lùng, không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Chỉ đến khi một điều tra viên yêu cầu nói ra sự thật, Vân mới chịu hé miệng. Theo lời khai của Vân thì trước đây Vân đã từng kinh doanh xe vận tải hạng nhẹ.

Khi ấy do mới vào nghề nên cứ mỗi buổi sáng, Vân thường bảo tài xế đánh xe ra các bãi đậu nằm dọc quốc lộ 1A nằm chờ người đến thuê chở hàng. Lúc đó do chưa quen đường nên xe của Vân thường chạy xung quanh khu vực TP. Hồ Chí Minh và tính tiền với tài xế thông qua số kilômét chạy trong ngày. Sau này, thấy xe tải nhẹ không có ăn, Vân chuyển sang kinh doanh xe tải nặng chạy thêm các tuyến Đồng Nai, Bình Dương.

Do tài xế liên tục thông báo bị lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông xử phạt về các lỗi chở quá tải, quá khổ nên Vân trực tiếp đi theo xe để xử lý. Trải qua một thời gian theo xe, Vân đã chủ động để ý và nắm bắt được quy trình hoạt động của các tổ tuần tra kiểm soát giao thông của lực lượng Cảnh sát và Thanh tra giao thông và từ đó cô ta không đi theo xe nữa.

Hàng ngày Vân đi xe gắn máy rong ruổi khắp các cung đường mà các xe của cô ta có hành trình chạy qua để canh me rồi thông báo với tài xế chủ động né tránh nếu phát hiện có trạm, chốt. Với cách làm này, trong một thời gian khá dài, đội xe của Vân thường xuyên chở hàng quá tải, quá khổ mà không bị lực lượng chức năng phát hiện lập biên bản xử lý.

Cũng trong thời gian này, Vân thường xuyên gặp gỡ giới tài xế xe tải để nắm bắt thông tin về giá cả vận chuyển, nguồn hàng và phát hiện có rất nhiều tài xế thường nói với nhau về chuyện liên tục bị xử phạt, có khi chỉ một chuyến vận chuyển hàng dính đến hai, ba lần phạt. Nhận thấy việc lượn lờ trên các cung đường canh me lực lượng chức năng rồi thông báo với cánh tài xế có thể kiếm được nhiều tiền, Vân nảy sinh ý định làm "hoa tiêu" và cô ta đã chủ động liên hệ với một số tài xế cùng nhau "hợp tác".

Lúc đầu Vân chỉ nhận làm "hoa tiêu" cho vài chục xe nằm chung bãi đậu. Sau đó thấy việc kiếm tiền quá dễ, Vân quyết định bán hết xe tải chuyển sang "làm ăn lớn" bằng việc tự in danh thiếp đem phát cho hàng trăm tài xế xe tải tự giới thiệu mình có quen biết với nhiều Cảnh sát, Thanh tra giao thông và có thể bảo đảm cho xe chở quá tải, quá khổ mà không bị lập biên bản, chỉ cần chung chi một số tiền nhỏ là có thể qua trạm.

Tin lời của Vân, một số lái xe đã chấp nhập nộp cho cô ta một khoản tiền nhất định hàng tháng và cứ mỗi chuyến vận chuyển hàng đều phải thông báo lịch trình cho Vân. Để có thể lừa được cánh tài xế, Vân thu nạp một số đối tượng là những người chạy xe ôm, hàng ngày rong ruổi trên các cung đường, nếu phát hiện có trạm, chốt Cảnh sát và Thanh tra giao thông thì tìm một chỗ kín đáo gần đó ngồi canh, đồng thời báo về cho Vân để Vân thông báo với cánh tài xế tìm cách né tránh.

Đến đầu năm 2015, khi số lượng tài xế tìm đến "nhờ vả" Vân tăng lên chóng mặt thì Vân và các tay chân không thể ngày nào cũng trườn mặt ra đường để canh me được nữa. Thay vào đó, Vân nghĩ ra cách để lừa bằng việc cho in một loạt các logo mà chúng tự giới thiệu là "xe vua" mang các hình mặt trời, chuột Mikey hoặc các dòng chữ "dịch vụ vận chuyển hàng" trên nền màu xanh với giá dao động từ 400-1.000 đồng/chiếc rồi đem bán cho các chủ xe, tài xế tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương với giá từ 2,5-3 triệu đồng/chiếc/tháng. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, mỗi tháng chúng bán được trên 1.000 chiếc, thu lợi bất chính trên 3 tỷ đồng.

Hiện cơ quan Công an vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng để truy bắt các đối tượng khác trong đường dây lừa bán logo "xe vua" mang tên garage Thành Đô do Nguyễn Văn Thới cầm đầu.

Đức Cương
.
.
.