Từ vụ ăn cắp Vertu 1,8 tỷ đến vụ lấy mạng một "đồng nghiệp"

Thứ Năm, 03/11/2011, 09:56

20h ngày 9/10, đối tượng Nguyễn Đăng Bình, 21 tuổi, ở Hồng Dương, Thanh Oai, Hà Nội đã bị các chiến sĩ Đội 9 Phòng PC45 CATP HCM di lý từ Hà Nội vào TP HCM để phục vụ công tác điều tra. Gần 1 tiếng đồng hồ ngồi cùng xe dẫn giải Nguyễn Đăng Bình ra sân bay Nội Bài, tôi đã có cuộc trò chuyện với nó...

Kết cục tội lỗi của một kẻ lang thang, đã nhiều lần phải ăn cơm từ thiện để qua bữa, dù có cha mẹ, có nhà cửa đàng hoàng xem ra thật khó hiểu. Nó giải thích cho lựa chọn của mình bằng hai từ: Mải chơi.

Chưa từng nhớ bố mẹ

Chính xác thì Bình bắt đầu cuộc đời gió bụi từ năm 15 tuổi, khi Bình vừa "tốt nghiệp" lớp 9. "Em thấy ở nhà chán nản, lại hay bị mắng vì tội mải chơi, nghịch ngợm nên em bỏ nhà ra đi". Thân hình nhỏ quắt, cao khéo chỉ độ mét rưỡi, mắt lại bên cụp bên xòe, nhìn Bình như thằng bù nhìn trông dưa trong bộ quần áo rộng thùng thình mà các anh Công an vừa mua cho nó mặc.

Hình dáng rất bụi đời, nhưng nó ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép, thường xưng "con" với các chú Công an, mà theo cách nói vui của một điều tra viên dẫn giải thì "thằng này khôn như rận".

Nhà ở xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, một ngày đẹp trời, Bình mò ra nội thành Hà Nội chơi và lang thang ở Bến xe Giáp Bát, bắt đầu cuộc đời gió bụi của mình. Nhảy lên chiếc xe Hà Nội - Huế một cách ngẫu nhiên không hẹn trước, Bình bỗng dưng trở thành công dân xứ thần kinh, dù phải sống lang thang vất vưởng ở bến xe và kiếm được một chân lao động trong cơ sở sản xuất nhựa tái chế.

Di lý Nguyễn Đăng Bình vào TP Hồ Chí Minh.

Được vài tháng, nó lại mò sang địa bàn Gia Lai làm công nhân cho nhà máy sản xuất vỏ chai bia. Nhưng cuộc sống lao động khổ cực khiến nó một lần nữa chán nản, đầu năm 2008, Bình quyết định mò vào TP Hồ Chí Minh nhộn nhịp. Đầu tiên, nó làm nhân viên phục vụ quán cơm trên đường Cây Keo, quận Bình Tân, nhưng vì ham chơi hơn làm nên chỉ được một thời gian ngắn thì Bình bị chủ quán đuổi việc. Dù có một người bác sinh sống ở TP Hồ Chí Minh nhưng nó ngại nhờ vả nên mò ra công viên Phú Lâm nhập với một băng bụi đời, gồm toàn các đối tượng "les".

Cầm đầu ổ nhóm này là Lương Thị Phi Yến. Yến sinh năm 1988,  ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Tuy là "con gái" nhưng lúc nào "nữ đại ca" này cũng lận dao trong người, chỉ huy một đám bụi đời gồm 3 đứa con gái và một thằng con trai chuyên vào công viên "xin đểu" các đôi tình nhân tâm sự, không xin được thì cướp, trấn tiền, điện thoại, đồng hồ, dây chuyền của họ để kiếm tiền... ăn cơm bụi và tiền thuê nhà nghỉ.

Điều tra viên cao cấp lấy lời khai của Nguyễn Đăng Bình.

Nhưng vì chỉ thích... con gái nên Yến chẳng mặn mà gì với kẻ mới nhập hội, thậm chí Yến còn "nhìn thấy ghét" hai thằng con trai trong nhóm là Bình và Hiếu "mập". "Mỗi ngày em và nhóm của Yến trấn được bao nhiêu tiền" - tôi hỏi Bình. "Chỉ hai, ba trăm thôi chị ạ". "Vậy thì cũng chỉ đủ tiền ăn cơm bụi và uống trà đá vỉa hè thôi nhỉ!". "Vâng, thậm chí em còn phải đi ăn cơm từ thiện. Gần Công viên Phú Lâm có một quán hàng từ thiện, em thường ra đó ăn khi hết tiền". Mấy năm dạt nhà nhưng chưa bao giờ Bình gọi điện thoại về cho mẹ, lần duy nhất nó gọi điện về là để xin mẹ tiền mua vé xe về nhà. Mẹ Bình gửi một người đưa vào cho nó 1 triệu đồng, nhưng Bình đã dùng luôn số tiền ấy chiêu đãi nhóm bạn bụi đời của mình.

Không biết có phải khi "tiền hết thì tình cũng tan" hay không mà sau khi ăn uống no nê, Yến bỗng quay sang tuyên bố: "Từ nay không cho Bình và Hiếu "mập" tham gia nữa". Tối 3/1/2010, Bình mò đến nhà nghỉ nơi Yến và đám bạn les tá túc để thuê phòng trọ thì xảy ra xích mích với nhóm Yến. Bình tát vào mặt Yến nhưng không ngờ nữ quái này rút dao lận trong người chống trả. Bình vội vàng chạy mất dép.

Trưa hôm sau, Bình rủ Hiếu "mập" - kẻ cũng vừa bị đuổi khỏi băng và một người nữa là bạn của Hiếu đi ăn cơm bụi tại một quán gần bến xe Miền  Tây. Người bạn của Hiếu tên là Tuấn nghe chuyện xích mích giữa Bình và Yến đã khuyên hắn nên cẩn thận vì Yến "dữ dằn lắm". Nghe thế, Bình ra sau bếp của quán lấy trộm một con dao nhọn rồi giấu trong người, đề phòng lúc gặp mặt Yến.

Không có bạn nên khi thấy Hiếu cùng cảnh bị đối xử tệ bạc như mình, hai đứa từ đó như tri âm, đi đâu cũng có nhau. Chiều 5/1/2010, hai thằng quay lại công viên Phú Lâm chơi thì chợt nhìn thấy nhóm  nên hai đứa rủ nhau băng qua đường Kinh Dương Vương lánh mặt. Nhưng không ngờ, nữ quái cát cứ công viên Phú Lâm đã nhìn thấy hai thằng, chạy theo chặn lại và rút dao ra "múa". Bình cũng rút con dao ăn trộm được hôm trước ra "khoe".

Dù quái và dữ dằn nhưng vẫn là phận liễu yếu đào tơ nên Yến bị Bình đâm một nhát vào người. Hai thằng vội vàng bỏ chạy và không biết Yến đã tử vong. Chỉ đến buổi tối ngày hôm sau, khi Bình lên mạng chát chít thì đã được một người trong nhóm của Yến báo tin, Yến đã chết rồi, hắn sợ quá vội vàng bắt xe ôtô chuồn ra Hà Nội.

Trộm điện thoại Vertu 1,8 tỷ, bán 1 triệu đồng

Ra Hà Nội, Bình không về nhà mà lại tiếp tục sống cuộc đời lang thang. Không nghề ngỗng, đương nhiên hắn phải trộm cắp mới có tiền chát chít, chơi game và mua số đề mỗi ngày. Ngày 19/3/2010, Bình lang thang trong khu đô thị mới Văn Quán, (Hà Đông, Hà Nội), thấy một ngôi nhà 3 tầng rất đẹp, nhưng trên tầng tum cửa kính lại mở toang hoác. Tấm cửa kính đỏng đảnh ấy đã đánh thức tâm hồn tội lỗi của hắn. Không nghĩ ngợi thêm một giây, Bình bám theo đường dây điều hòa leo lên. Người nó nhỏ nên chỉ mất không đầy 30 giây, nó đã có mặt trong ngôi nhà này. Từ trên tầng cao nhất, nó đi xuống phòng khách, theo đúng phong cách... Lê Văn Luyện.

Thu dọn hành lý chuẩn bị ra xe.

Thấy mấy người đàn ông nằm chèo queo, có lẽ họ đã ăn uống no say và đang ngủ, Bình nhìn thấy hai cái ví và móc ra được gần 4 triệu đồng. Nhẹ nhàng đi vào bếp bằng đôi chân của một con mèo hoang, mắt nó sáng lên khi thấy chiếc điện thoại "chưa bao giờ nhìn thấy" lóng lánh những hạt lấp lánh đặt ngay trên bàn ăn và một chiếc đồng hồ nhìn hình thức cũng "đẹp ơi là đẹp".

"Ban đầu, em định giữ lại chiếc điện thoại để sử dụng nhưng mở khóa mãi không được nên đã bán cho một người được 1 triệu đồng. Còn chiếc đồng hồ thì em mang vào Hà Đông bán được 250 nghìn" - Bình thật thà kể lại. Sau này, khi được các chú Công an cho biết, chiếc điện thoại Vertu Signature-s trị giá 1,8 tỷ đồng, còn chiếc đồng hồ Vacheron - constantin là 750 triệu đồng, thì nó mới thấy toát mồ hôi hột vì... tiếc. Sau này, Tòa án đã định giá chiếc điện thoại là 1,85 tỷ đồng. Số phận chiếc điện thoại được định vị toàn cầu này xem ra cũng rất trúc trắc.

Nguyễn Văn Quỳnh, 22 tuổi, ở Thanh Oai, kẻ mua được chiếc điện thoại giá rẻ bất ngờ đã mang ra một hàng điện thoại trên đường Điện Biên Phủ nhờ phá khóa nhưng không được. Quỳnh đã nhờ hai nhân viên ở đây kiếm mối bán, lời lãi sẽ chia đều cho ba người. Một khách hàng là anh Phạm Văn Tùng đã mua chiếc điện thoại này với giá 18 nghìn USD, Quỳnh thu về 114 triệu đồng, số tiền còn lại chia đều cho hai nhân viên hàng điện thoại đã có công dẫn mối.

Nhưng tất cả những người liên quan đến chiếc điện thoại này không ngờ, chiếc điện thoại đã được định vị toàn cầu, dù giấu ở bất cứ ngóc ngách nào cũng bị phát hiện ra. Bình bị bắt chỉ sau 13 ngày gây án. Thời gian ở Trại giam số 5, Bình đã từng một lần trốn trại, chỉ trước khi bị trích xuất đưa về TP Hồ Chí Minh một thời gian ngắn.

Hôm đó, lợi dụng lúc được ra ngoài lao động xẻ đá, Bình đã cắm đầu cắm cổ chạy lên... núi trốn. Nhưng nó cứ đi mãi, đi mãi, loanh quanh trên quả núi mà vẫn không thấy đi đến đâu. 3 ngày 3 đêm trên núi, không ăn không uống, buổi tối ngày thứ ba, cơn đói khiến nó không chịu nổi nữa, đành mò xuống nhà dân dưới chân núi, định lấy trộm đồ ăn thì bị sa vào vòng vây của lực lượng bảo vệ trại giam. "Hôm đó em mặc sẵn bên trong chiếc quần đùi và áo cộc, khi trốn lên núi thì trút bỏ bộ quần áo tù để không bị phát hiện" - Bình kể lại.

Đúng 20 giờ, Bình được đưa lên máy bay để quay lại nơi nó đã gây ra vụ lấy mạng một "đồng nghiệp". Hỏi nó có biết đây là đâu không, nó gật đầu: "Đây là sân bay Nội Bài" và "đây là lần đầu tiên em được đi máy bay, chắc cũng là lần cuối cùng".

- Đi suốt như thế mà không thấy nhớ bố mẹ sao?

- Em không nhớ chị ạ. Mẹ em mới sinh em bé, không biết bây giờ nó lớn thế nào rồi.

- Sống lang thang vất vưởng, lại còn phải ăn cơm từ thiện, sao không về nhà được mẹ nấu cho ăn có phải sướng không?

- Cũng tại em ham chơi quá, ham vui, không thích bị quản lý.

- Tiền cướp, trấn được, có bao giờ đi bay lắc không?

- Không ạ. Bọn em không đủ tiền cũng không đủ "tuổi".

- Em thường tốn tiền cho trò giải trí nào nhất?

- Em nghiện chát chít, chơi Half life và nghiện số đề.

- Em thấy chiếc điện thoại Vertu thế nào?

- Nhìn nó rất đặc biệt.

- Nếu cho suy nghĩ lại, em có chọn cuộc sống đi bụi nữa không?

- Có, nhưng sẽ kiếm một công việc tử tế để làm ăn.

Năm 2008, Nguyễn Đăng Bình, 21 tuổi, ở Hồng Dương, Thanh Oai, Hà Nội, bỏ nhà vào TP Hồ Chí Minh sống lang thang và nhập băng với nhóm bụi đời ở Công viên Phú Lâm. Do xích mích với Lương Thị Phi Yến, SN 1988, quê Đồng Tháp, Bình đã dùng dao đâm chết Yến vào ngày 5/1/2010 rồi trốn ra Hà Nội.

Ngày 19/3/2010, Bình đột nhập vào nhà anh M. ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông trộm cắp một chiếc điện thoại Vertu trị giá 1,8 tỷ đồng, 1 chiếc đồng hồ 750 triệu đồng và lĩnh án 12 năm tù. Quá trình ở Trại giam số 5, được cán bộ giáo dục, Bình đã ân hận về những tội lỗi của mình đã gây ra và viết đơn xin đầu thú về hành vi giết người của mình.

Hương Ly - Đinh Hiền
.
.
.