Vay mượn online và những nguy cơ

Thứ Năm, 30/04/2020, 09:00
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu vay vốn gấp tăng lên, nhiều đối tượng tung ra những gói vay "ưu đãi" với chủ đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, không ít lao động tự do, lao động trong các ngành du lịch, nhà hàng... bị ảnh hưởng và có nhu cầu vay vốn gấp. Tuy nhiên, lợi dụng điều này nhiều đối tượng tung ra những gói vay "ưu đãi" với chủ đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

1.Cuối tháng 4/2020, chị Hoàng Thị H, chuyên kinh doanh quần áo trên mạng xã hội có nhu cầu vay khoảng 50 triệu đồng để nhập thêm đồ, chuẩn bị cho mùa kinh doanh sau dịch. 

Qua sự giới thiệu của một người bạn chị H. truy cập vào Fanpage Chovay.... và đọc được một bài viết của một người có nick facebook là HoangNam cùng lời giới thiệu rất hấp dẫn: "Cho vay tín chấp - lãi suất thấp - giải ngân nhanh".

Nhắn tin cho nick HoangNam, chị H được đối tượng tên là Nam cho biết hiện công ty tài chính của anh ta đang có nhiều gói cho vay rất hấp dẫn. Chỉ cần có giấy CMND, đăng ký xe là có thể vay được gói dưới 10 triệu đồng. Có thêm sổ hộ khẩu Hà Nội sẽ được vay gói dưới 30 triệu đồng. Nếu có cả hợp đồng lao động (hoặc tuyển dụng) mức vay sẽ lên đến 50 triệu đồng. Lãi suất chỉ cao hơn của ngân hàng vài phần trăm.

Đang có nhu cầu, lại thấy gói cho vay nhiều ưu đãi nên chị H. liền đồng ý vay, đồng thời chuyển thông tin cho đối tượng để làm thủ tục. Vài giờ sau, đối tượng liên hệ lại và gửi cho chị H. một bản hợp đồng cho vay, có dấu đỏ với nội dung công ty đồng ý giải ngân gói 50 triệu đồng. Nam cũng yêu cầu chị H. phải nộp "phí môi giới" là 1 triệu 950 ngàn đồng. Dù tiếc tiền song quá khát vốn chị H. đành chuyển tiền cho đối tượng, đồng thời đề nghị công ty cho giải ngân sớm.

Sau khi nhận được tiền, đối tượng Nam tiếp tục nhắn chị H. phải chuyển thêm 2 triệu đồng nữa (là phí Bảo hiểm hợp đồng). Thấy chị H. lưỡng lự, đối tượng bồi thêm: "Nếu chị không nộp thì hợp đồng sẽ bị hủy. Thấy chị khó khăn nên tôi sẽ nói công ty giảm 50%, chị chỉ phải nộp thêm 1 triệu đồng". 

Nghe bùi tai, chị H. liền vay mượn bạn bè để chuyển tiền cho đối tượng. Tuy nhiên, ngay khi chuyển xong thì chị H. không thể liên lạc được với Nam nữa. Cả những thông tin của đối tượng trên fanpage cũng biến mất.

Bà Trần Thị M, chủ một quán ăn trên địa bàn quận Đống Đa cũng là nạn nhân của một vụ lừa đảo cho vay online với thủ đoạn rất tinh vi. Cách đây khoảng hai tuần bà nhận được điện thoại của một thanh niên xưng tên Tuấn, giới thiệu là nhân viên ngân hàng S. chi nhánh Đống Đa, có thể giúp bà M vay tín chấp 250 triệu đồng với lãi suất thấp.

Khi bà M hỏi thủ tục, đối tượng Tuấn cho biết do bà M không có hợp đồng lao động hay bảng lương nên bà phải ra ngân hàng mở tài khoản và nộp vào 10% số tiền cần vay nhằm... chứng minh tài chính thì mới được duyệt cho vay. Tưởng thật, bà M mau mắn đến ngân hàng mở tài khoản. 

Đối tượng cũng rất tinh vi khi buộc bà M sử dụng số điện thoại do hắn cung cấp để đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử. Bà M vừa chuyển vào tài khoản 25 triệu đồng và nhắn cho Tuấn để làm hợp đồng thì không thể liên lạc cho hắn nữa. Kiểm tra lại thì thấy số tiền trong tài khoản đã "bốc hơi" sạch.

Trên mạng xã hội luôn có nhiều lời mời cho vay online ưu đãi, song người dân cần cảnh giác.

Thời gian vừa qua đã có không ít người dân có nhu cầu vay tiền bày tỏ sự bức xúc vì dính bẫy lừa của những kẻ mạo danh nhân viên công ty tài chính hoặc nhân viên ngân hàng. Theo đó, các đối tượng thường quảng cáo có thể hỗ trợ vay tiền với số tiền lớn, thủ tục đơn giản (chỉ cần một trong số các giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ khẩu, hợp đồng lao động, giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe chính chủ…), "bao hồ sơ", có kết quả trong vòng vài chục phút và giải ngân trong vòng vài tiếng đồng hồ…

Sau khi yêu cầu nạn nhân gửi các giấy tờ và thông tin cá nhân, chúng sẽ yêu cầu đóng một khoản phí, phổ biến là "phí bảo hiểm rủi ro" dao động từ 1/2 triệu đồng rồi chiếm đoạt khoản phí này. Để "con mồi" tin tưởng, các đối tượng thường để ảnh đại diện hoặc gửi hình ảnh cho khách hàng là hình mặc đồng phục, đeo biển tên cán bộ giả mạo, hình ảnh hội thảo, các hoạt động chung của của công ty tài chính hoặc ngân hàng…

Cũng là nạn nhân của trò lừa đảo cho vay online, anh Phạm Văn D (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), vừa dính một vố lừa "kép" rất đau đớn. Dịch bệnh khiến anh phải nghỉ việc tại công ty du lịch, D quay sang buôn bán hàng điện tử trên mạng. Tuy nhiên, do không có vốn nên việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.

Tình cờ lướt mạng xã hội, anh D đọc thấy một topic cho vay khá ưu đãi. Chủ topic nói đang là nhân viên ngân hàng V, hiện đang có nhiều gói tín dụng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng từ đại dịch, có các gói từ 30 đến 300 triệu đồng. 

Khách vay sẽ trả dần trong vòng 6/12 tháng. Nghe qua gói vay này có vẻ rất "thật", khi mà số tiền phải trả so với gốc rất sát với lãi suất của ngân hàng. Ví dụ như gói 30 triệu, khách sẽ phải trả gốc và lãi mỗi tháng khoảng 3,1 triệu đồng trong 12 tháng. Như vậy vẫn là rất "nhẹ nhàng" so với tín dụng đen.

Do cần tiền gấp anh D. vội chuẩn bị các loại giấy tờ để gửi cho đối tượng. Ngoài giấy CMND, anh D. còn phải cung cấp cả hai mặt thẻ ngân hàng, số điện thoại di động, thư điện tử, và cả mật khẩu OTP khi đối tượng yêu cầu. 

Nhận đủ thông tin từ anh D., đối tượng yêu cầu anh chuyển cho hắn 1,5 triệu đồng phí làm hồ sơ. Do nôn nóng muốn được giải ngân sớm, anh D. liền gửi cho hắn ngay. Tuy nhiên, khi gửi xong thì không thể liên lạc được với đối tượng nữa.

Song chưa hết, đêm hôm đó tỉnh giấc anh D. thấy một loạt email, tin nhắn được gửi đến điện thoại. Hóa ra, tài khoản Internet banking của anh đã bị hack. Số tiền mấy chục triệu đồng anh vay người thân trước đó cũng đã bị chuyển sạch vào một tài khoản khác.

Nhóm đối tượng làm giả giấy tờ chiếm đoạt của Công ty FE credit hàng chục tỷ đồng.

2.Tháng 1/2020 Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công đã triệt phá một đường dây chuyên làm giả giấy tờ để chiếm đoạt tiền vay online của một tổ chức tín dụng. 

Nhóm đối tượng gồm Nguyễn Quang Huy (SN 1992), Nguyễn Thị Thu Thảo (SN 1991), Nguyễn Đăng Hiệp (SN 1996 cùng trú tại TP Hải Phòng); Hoàng Mạnh Tuyền (SN 1992 trú tại Hưng Yên) và Hoàng Đình Cường (SN 1997, trú tại Hà Nội).

Cuối năm 2019, Cục Cảnh sát hình sự nhận được thông tin trình báo từ Công ty tài chính FE Credit khi phát hiện nhiều khoản vay được giải ngân thông qua ứng dụng $nap có biểu hiện đáng ngờ.

Quá trình điều tra, Phòng Hướng dẫn điều tra án công nghệ cao và yếu tố nước ngoài (Cục Cảnh sát hình sự) đã làm rõ thủ đoạn tinh vi của 5 đối tượng trên. 

Do từng làm việc tại Công ty tài chính FE Credit nên hai đối tượng Huy, Thảo nắm được kẽ hở của phần mềm $nap, cũng như cơ chế của việc vay tiền. Sau đó, Huy và Thảo đã cấu kết với các đối tượng Tuyền, Hiệp và Cường mua giấy chứng minh nhân dân từ các nhà nghỉ, khách sạn, tiệm cầm đồ; thuê hoặc mua tài khoản ngân hàng rồi sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh, cắt dán ảnh đối tượng, làm giả chứng minh nhân dân (CMND) để đăng ký tài khoản đi vay, qua đó chiếm đoạt tiền của Công ty Tài chính FE Credit.

Một số đồ nghề để nhóm Hiệp, Huy, Thảo thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, cơ quan Công an đã thu giữ một số tang vật như: máy tính, điện thoại di động, thẻ ATM các ngân hàng, giấy CMND, thẻ căn cước công dân, GPLX, ổ cứng, máy in màu, con dấu hình tròn (nghi là con dấu giả của cơ quan chức năng) và nhiều giấy tờ tài liệu khác có liên quan tới hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Dù hạn mức mỗi hợp đồng cho vay chỉ từ 20/50 triệu đồng, nhưng ổ nhóm đối tượng đã làm giả hàng trăm hồ sơ vay, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của công ty tài chính.

Theo cơ quan Công an, phần mềm cho vay tiền online $nap của Công ty tài chính FE Credit có các thủ tục đơn giản như chỉ cần chụp ảnh chân dung cá nhân, CMND là có thể vay vốn. 

Tiền sẽ được xét duyệt và giải ngân tự động về tài khoản của người vay trong vòng 5 phút mà không cần tài sản thế chấp. Có thể nói phần mềm này có nhiều kẽ hở khi không xác thực được hình ảnh (CMND thật hay giả), tài khoản giải ngân không cần thiết trùng tên người đăng ký hồ sơ vay…

Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo, ngân hàng và tổ chức tài chính cần cải tiến hình thức cho vay, kiểm soát mở tài khoản cá nhân… tránh bị đối tượng lợi dụng ẩn danh, thay tên đổi họ thông tin cá nhân… để chiếm đoạt tài sản.

Người dân cần cảnh giác khi tham gia vay tiền online

Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội khuyến cáo, người dân khi có nhu cầu vay tiền thì nên đến ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng được nhà nước cấp phép để trực tiếp vay vốn theo hướng dẫn. Nếu có tham gia vay online thì cũng chỉ chuyển một phần hồ sơ qua mạng, còn khi làm hợp đồng vẫn nên đến trực tiếp.

Ngoài ra khi mở tài khoản ngân hàng, đăng ký các dịch vụ internet banking hay SMS thông báo biến động tài khoản nên đăng ký bằng email/số điện thoại chính chủ để dễ quản lý tài sản.

Trường hợp mua hàng trả góp nên có thỏa thuận với công ty tài chính giữ bảo mật thông tin khách hàng, không để đối tượng lợi dụng thông tin cá nhân để lừa đảo.

M.Tiến
.
.
.