Vụ con trai giết người tình của mẹ: Chuỗi bi kịch gia đình

Thứ Năm, 01/12/2011, 16:30

Như đốm lửa âm ỉ lâu ngày chỉ chờ cơn gió nhẹ là nó bùng lên dữ dội và sẵn sàng mang đến bao bi kịch đau lòng. Vụ án Nguyễn Văn Kiên thôn Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội) giết chết Nguyễn Quang Huấn được ví như ngọn lửa ấy. Nó đã bùng cháy và kéo theo cả một chuỗi bi kịch gia đình.

Hành vi giết người của Kiên như một sự "bùng nổ" sau quá nhiều kìm nén, giằng xé. Cha mất chưa lâu, hàng ngày phải chứng kiến mẹ có "người mới", em còn nhỏ dại, bà thì già yếu… tất cả được coi là nguyên nhân gián tiếp khiến Kiên trở thành kẻ tội đồ.

Tâm sự "đắng lòng" của người đàn bà

Sau vụ trọng án xảy ra vào khoảng 21h ngày 14/11 tại thôn Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội), chúng tôi tìm đến gia đình của hung thủ Nguyễn Văn Kiên. Nhiều ngày nay trong làng ngoài chợ người ta vẫn bàn tán về vụ việc quá đỗi bất ngờ này. Chỉ có điều đặc biệt, nhiều người lại thương tiếc cho hung thủ giết người. Xót xa cho một thanh niên ngoan ngoãn còn quá trẻ dính phải họa tày trời. Mọi người đều cho rằng hành vi của Kiên là do bị ức chế quá lâu, hàng ngày phải chứng kiến mẹ có người mới khi bố mất chưa được bao lâu.

Người làng còn gọi Nguyễn Thị Vị (mẹ của Kiên) với cái tên: "Người đàn bà lẳng lơ", "kẻ cướp chồng" bởi người tình mới của bà Vị đang còn có một gia đình. Có lẽ vì công khai một mối tình không chính thống nên bà Vị bị dân làng phản đối và thiếu thiện cảm… Chị Phạm Thị Duyên người cùng xóm với chị Vị cho biết: "Năm 2009 chị Vị mất chồng, không được bao lâu đã có quan hệ bất chính với người đàn ông khác là Nguyễn Quang Huấn. Trong khi ông Huấn đã có vợ và 2 con. Nhiều lần được mọi người khuyên can không nên phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác nhưng chị Vị không nghe".

Sự lạnh lẽo, vắng vẻ, u ám bao trùm lên ngôi nhà chị Vị những ngày gần đây. Chị Vị ngồi ủ rũ tựa lưng vào cột ngay đầu hè mắt không chớp nhìn về vô định. Lúi húi bên ngôi nhà xập xệ là cụ Nguyễn Thị Ấp chốc lại lẩm bẩm gọi tên cháu nội: "Kiên ơi! Mày đi mãi không về thế!". Cứ như thế chẳng ai nói với ai một lời, người mẹ mất con, bà mất cháu cứ tha thẩn làm những việc không tên. Với thái độ e dè và đôi phần xấu hổ vì biết chúng tôi đến tìm hiểu về cái chết của ông Huấn.

Chị Vị rụt rè: "Người chết đã chết rồi, chỉ thương thằng con em giờ không biết có chịu đói rét không? Người ta có đánh cho không?" Nói chưa dứt lời chị lại khóc: "Nó là đứa ngoan lắm! Bố mất nhưng nó vẫn chịu khó làm ăn. Thương yêu bà, mẹ và em gái lắm! Vậy mà…".

Khi chúng tôi hỏi về mối quan hệ giữa chị và ông Huấn, chị Vị gạt phắt và buông lời: "Ông ta lợi dụng hoàn cảnh mẹ góa con côi, nhiều lần có ý muốn "đi lại" nhưng đều bị tôi từ chối. Ông ấy làm phiền tôi lắm, suốt ngày gọi điện, nhắn tin. Rồi nhiều lần đến nhà lân la nhưng mẹ chồng tôi đều đuổi về. Tôi rất nhiều lần thay sim điện thoại và tắt nguồn nhưng không được".

Cụ Ấp luôn miệng gọi cháu: "Kiên ơi! Bao giờ thì mày về?".

Như cố gắng  bảo vệ cho sự trong sáng của mình, chị Vị luôn khẳng định chưa bao giờ chấp nhận tình cảm của ông Huấn. Chị nói: "Có lần tôi đang giặt trong buồng tắm thì ông ấy đến nhà và lao vào ôm cổ. Tôi đã hất mạnh ra, ông ấy xấu hổ nên đã bỏ về. Một lần nữa, lúc đó không có ai ở nhà ông Huấn có sang nhà tôi và lôi tôi ra vườn. Ông ta đang cởi bỏ quần áo của tôi, lúc tôi kêu ú ớ thì Kiên nó về. Ông ta đã bỏ chạy".

Như để che lấp vẻ mặt ngại ngùng khi nhắc đến chuyện giữa mình và ông Huấn. Chị Vị bắt đầu câu chuyện xảy ra đêm 14/11: Hôm đó sau khi sang nhà chị gái buộc rau hộ, đến khoảng 21h chị Vị trở về nhà đã thấy ông Huấn từ trong vườn chạy ra. Không hiểu ông Huấn bức xúc chuyện gì đó nên đã kéo tay chị Vị đi. Khi chị hét lên thì Kiên đang xem tivi trong nhà chạy ra kéo mẹ trở lại và có hỏi: "Sao ông kéo mẹ tôi?", ông Huấn trả lời: "Mày là cái thá gì?".

Cả hai bên đều không giữ được bình tĩnh, ông Huấn có đấm vào mặt Kiên rồi tiếp tục lôi chị Vị đi. Như bị xúc phạm Kiên đã trở lại nhà lấy thanh thước gỗ và đánh vào đầu ông Huấn. Sau đó ông Huấn được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng không thể qua khỏi do vết thương rất nặng.

Tôi mất hết rồi!

Chị Vị đang kể lại sự việc hôm đó.

Trong suốt buổi trò chuyện với chị Vị chúng tôi không khỏi tò mò trước thái độ của cụ Nguyễn Thị Ấp (bà nội Kiên). Khi thì muốn nói điều gì đó, lúc lại lảng tránh người con dâu đang sướt mướt khóc thương. Nhìn ánh mắt và những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo kia tôi hiểu được cụ đang có điều gì muốn nói.

Nỗi đau của cụ Ấp quả không gì đong đếm được. Mất con, mất cháu rồi phải gánh chịu những điều tiếng của người đời về người con dâu. Ai cũng xót thương cho bà cụ phải còm cõi sống một mình trong căn nhà dột nát, xiêu vẹo mà người con dâu hắt hủi từ khi con trai cụ qua đời. Cụ khóc: "85 tuổi rồi nhưng chưa ngày nào tôi thấy thanh thản! Chồng tôi bỏ đi mấy chục năm nay. Sinh được 2 thằng con trai thì đều bỏ tôi đi cả. Nay được thằng cháu nội để nhờ cậy lại bị bắt đi".

Căn nhà nơi cụ Ấp sống tồi tàn, dột nát nằm ngay sát mép căn nhà khá khang trang của mẹ con chị Vị. Sự phân biệt, hắt hủi người mẹ già của chị Vị khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, chua xót. Nói đến chuyện con dâu cụ chả muốn nhắc nhiều. Có lẽ cụ đã quá xấu hổ trước những lời đàm tiếu của thế gian. Cụ quá đớn đau khi nhìn người ta đến bắt cháu đích tôn của mình đi mà theo cụ là do "mẹ nó lăng loàn".

Cụ Ấp vừa nói vừa khóc: "Mấy hôm nay cứ tối đến là tôi sang hàng xóm chơi. Nhưng cứ về đến nhà lòng như dao cắt. Muốn đập đầu vào tường mà chết đi nhưng cũng không chết được". Có lẽ Kiên là động lực, là hy vọng để người đàn bà chịu quá nhiều bi kịch đó tồn tại đến ngày hôm nay. Và, ngôi nhà lạnh lẽo đó chỉ còn Kiên là biết quan tâm, chăm sóc đến bà. Vậy mà chỉ vì uất ức, không chịu được cảnh mẹ "giăng gió" với người đàn ông mà hắn đã phạm sai lầm. Để rồi chính cái sai lầm đó đã khiến bà của hắn lại mất thêm một người đàn ông nữa. "Tôi chỉ sợ khi nó ra tù tôi đã không còn trên cõi đời này nữa". Nói đến đây bà cụ lại òa khóc gọi "Kiên ơi!".

Và nỗi đau của người đàn bà mất chồng

Người đàn bà có tên là Phạm Thị Duyên. Khi chúng tôi tìm đến nhà thì hai đứa con của chị Duyên nói: "Mẹ cháu đang đi chợ sắm lễ về cúng tuần cho bố". Một lát sau, chị Duyên đạp chiếc xe mini về. Dáng người vốn nhỏ thó từ trước, nay chồng mất chị Duyên lại sọp đi trông thấy. Vẻ khắc khổ và chịu đựng như hằn in trên khuôn mặt người đàn bà bất hạnh này.

Nỗi đau của gia đình chị Phạm Thị Duyên.

Chị bảo: "Giá như chồng tôi trăng hoa, đèo bòng ở tận đâu đó mà tôi không biết hay không phải chứng kiến thì có lẽ tôi đã không thấy đau và nhục nhã đến vậy. Đằng này anh ấy lại quan hệ công khai với người đàn bà góa ngay trước mặt tôi và trước mặt bà con làng xóm". Dù đau đớn vì bị chồng phản bội nhưng với bản tính hiền lành chị đã không gầm gào lên như nhiều người phụ nữ khác để đánh ghen mà chỉ nhỏ nhẹ khuyên chồng.

Đã nhiều lần chị nói với chồng rằng: "Con gái lớn cũng đã lấy chồng. Anh nên dừng lại mối quan hệ này để giữ thể diện cho con và giữ thể diện với gia đình thông gia". Mỗi lần khuyên chồng như thế thì anh Huấn lại bảo: "Tình cảm chứ có phải là sợi dây đâu mà muốn cắt là cắt. Mọi cái cứ phải từ từ". Và chị đã phải đợi cái từ từ của chồng hơn một năm nay mà chưa có gì biến chuyển.

Có lần, vô tình đụng mặt người tình của chồng ngoài cánh đồng, chị Duyên đã không giữ được bình tĩnh nên nhiếc móc Vị là loại gái lăng loàn đi cướp chồng của người khác. Dù rằng khi đó Vị cúi mặt bỏ đi không nói một lời nào nhưng ngay buổi trưa hôm đó khi về nhà chị Duyên đã bị chồng mắng té tát vì "dám xúc phạm tới người tình của anh ấy". Dù vậy, chị Duyên vẫn phải ngậm đắng nuốt cay để giữ cho con cái gọi là "mái ấm gia đình".

Những ngày này, đứa con gái lớn của chị đã xin phép bố mẹ chồng và chồng để đưa con trai lên ở cùng bà ngoại cho bà đỡ quạnh hiu. Ngôi nhà mới xây còn chưa hết mùi vôi vữa nay trở nên lạnh lẽo, hoang hoải vì sự ra đi của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Ngay sau cái chết của bố, thằng con trai út của chị đã phải bỏ học vì chị không thể lo nổi cho con. Thế nên, dù chồng đi bồ bịch lăng nhăng nhưng chị Duyễn vẫn phải thừa nhận rằng "mọi việc trong gia đình từ bé đến lớn chồng tôi lo tất. Tôi chỉ biết mỗi việc đồng áng và nuôi các con khôn lớn. Giờ chồng tôi chết rồi, tiền nợ xây nhà còn bao nhiêu đó tôi không biết xoay xở ra sao?". Nói đến đây chị Duyên bật khóc. 

Khi chúng tôi bảo với chị là chúng tôi vừa bên nhà Vị vào đây. Ở bên đó, Vị luôn một mực khẳng định giữa chị ta và ông Huấn không có chuyện gì thì khuôn mặt chị Duyên bỗng dưng đanh lại. Chị bảo: "Nó nói điêu đấy anh chị ạ. Việc nó với chồng tôi đi lại thì không chỉ tôi mà cả làng, cả xã này người ta đều biết. Ngày nào nó cũng gọi điện cho chồng tôi bất kể sáng, trưa, chiều, tối".

Hỏi vì sao mà chị biết được đấy là điện thoại của Vị thì chị Duyên nói: "Nếu là điện thoại của anh em công thợ gì đó thì chồng tôi vẫn ngồi ngay tại chỗ mà trả lời điện thoại người ta, đằng này cứ điện thoại của nó đến là chồng tôi lại lén lút đi ra phía sau vườn nghe và trả lời lí nhí. Tôi biết thừa". Nhìn người đàn bà khổ sở và hai đứa con ngơ ngác trước cái chết của mình không biết ở dưới suối vàng ông Huấn có thấy ăn năn hối hận. Và không biết nếu như biết trước kết cục đau lòng sẽ đến với mình liệu ông Huấn có không lao vào mối tình ngoài luồng để có kết cục bi thảm như hôm nay? Dù gì thì ông Huấn cũng đã phải trả cái giá quá đắt cho thói trăng hoa của mình.

Chị Nguyễn Thị Hoa (người cùng xóm cụ Ấp) chia sẻ:  "Cô Vị cặp kè công khai, không ngại ngần gì hai đứa con lẫn mẹ chồng già. Ông Huấn đến nhà là chuyện như cơm bữa. Lúc đó bà cụ chỉ biết nhìn mà khóc, còn thằng Kiên và con Thương (em gái Kiên) ngại ngùng đi chỗ khác. Thằng Kiên nó leo lên cầu thang hay mái nhà ngồi cả đêm chờ ông Huấn về ấy chứ. Chỉ tội bà cụ, gần 90 tuổi mà phải sống 1 mình ở căn nhà dột nát, tự nấu cơm, trồng rau để ăn".

Chị Phạm Thị Duyên (vợ của ông Huấn cho biết thêm:  Đã có lần ông Huấn đưa chị Vị đi phá thai nhưng không kịp mang theo tiền nên đã phá thai chịu. Sau một thời gian ông Huấn không trả tiền, chính chị Duyên đã bị người ta đòi tiền phá thai. Sau khi biết chuyện này chị Duyên có hỏi ông Huấn có đúng sự thật không thì ông Huấn thừa nhận đó là sự thực.

Chị Nguyễn Thị Hoa (người chứng kiến sự việc đêm 14/11) cho biết , đêm hôm xảy ra án mạng mẹ con chị Vị có hô hào dân làng là "có người say rượu bị ngã ở cổng nhà mình". Thanh niên trong xóm ra soi đèn thì phát hiện đó là ông Huấn. Lúc đó ông Huấn mặt đầy máu và nằm ngay cạnh rãnh nước nơi cổng nhà chị Vị

Cơ quan giám định pháp y xác định ông Huấn chết do mất máu và nhiều vết thương nặng ở phần đầu và mặt. Xương sọ và quai hàm vỡ. Khi đưa cấp cứu tại Bệnh viện huyện Thanh Oai, ông Huấn còn tỉnh táo. Tuy nhiên sau khi đưa lên Bệnh viện Việt Đức thì ông Huấn đã qua đời.

Tiêu Phong - Ngọc Anh
.
.
.