Xót xa cảnh mẹ mừng con vào tù vì tội giết người

Thứ Sáu, 05/07/2013, 16:57

Bị tật nguyền nhưng may mắn có người yêu thương, lẽ ra Mỵ đã hạnh phúc với những gì cô đang có. Thế nhưng chỉ vì một phút không tự chủ, Mỵ bỗng nhiên thành kẻ giết người. Mỵ vào tù, người yêu bỏ đi, mọi thứ với cô lại trở về con số không. Nhìn con gái đứng trước vành móng ngựa, người mẹ xót xa bao nhiêu thì thực lòng bà cũng mừng cho Mỵ bấy nhiêu. Bởi vào tù thì từ nay Mỵ sẽ không còn không còn phải lang bạt khắp nơi như trước nữa.

Án mạng đau lòng

Nguyễn Thị Mỵ (31 tuổi, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) bị tật nguyền ngay từ lúc mới sinh ra. Lớn lên, cô lang bạt xuống tận tỉnh Đồng Nai rồi lết bộ lên Lâm Đồng để xin ăn và bán vé số. Trong khoảng thời gian ở đây, Mỵ có quen với một người đàn ông làm nghề phụ hồ tên là Nguyễn Thành Tâm. Hai hoàn cảnh khó khăn gặp nhau, họ dọn về sống chung để chia sẻ niềm vui nỗi buồn.

Vốn mặc cảm với những tật nguyền, Mỵ chưa bao giờ dám nghĩ đến sẽ có một người đàn ông chấp nhận sống cùng mình chứ đừng nói là yêu thương. Thế nhưng, mặc dù không kết hôn, nhưng Tâm xem cô như là một người vợ, quan tâm, chăm sóc hết mực. Đối với Mỵ, chừng đó là quá đủ.

Đã có lúc, Mỵ và Tâm vạch kế hoạch cho tương lai của mình. Họ ngẫm nghĩ, sẽ tích cóp tiền, mua một mảnh đất nhỏ, cất căn nhà để có chỗ trú thân không phải ở trọ. Khi đã có chỗ ở ổn định, họ sẽ sinh con. Mỵ cho biết: “Em và Tâm hy vọng, sau này bọn em sẽ sinh hai đứa con. Cũng thích đông con cho vui nhưng nếu sinh nhiều thì sẽ không nuôi nổi”.

Không chỉ thế, cả Mỵ và Tâm chưa bao giờ được đến trường nên họ suy tính sẽ cho con mình theo sự nghiệp bút nghiên. Để hoàn thành dự định này, cả hai cùng tiết kiệm, cất giữ được một số tiền. Có lẽ, cuộc sống sẽ tốt đẹp nếu đúng theo dự định của đôi tình nhân. Tuy nhiên, muôn chuyện tại thiên, những dự định đó bỗng nhiên trở thành mây khói khi Mỵ trở thành một kẻ giết người.

Vào một ngày cuối tháng 8/2012, trong lúc đi bán vé số, Mỵ gặp Lê Vũ Luân. Thấy Mỵ bị tật nguyền, lại đi bán vé số nên Luân nảy sinh ý định muốn được “vui vẻ”. Luân giả vờ gọi Mỵ vào mua một tờ vé số, nhưng thực chất lại tranh thủ sờ soạng khắp người cô gái. Mỵ không đồng ý, bực tức gạt tay của Luân ra và bước đi. Tuy nhiên, lòng ham muốn trong gã đàn ông vẫn còn nên Luân chạy theo níu Mỵ lại. Không chịu đựng được, Mỵ hét lớn vào mặt Luân: “Mày bỏ tay tao ra. Tao đi xin, bán vé số chứ không bán thân”.

Sau khi thoát khỏi tay Luân, Mỵ luôn lo lắng sẽ bị gã sàm sỡ lại và kể mọi chuyện cho chồng “hờ”. Nghe vậy Tâm liền khuyên vợ: “Nó muốn, mà mình không đồng ý thì thôi, không sao đâu em”. Lời nói của người tình là động lực lớn để Mỵ đối mặt với cuộc sống.

Hai hôm sau, Mỵ và Tâm cùng đi ăn sáng. Hai người đang ngồi chờ chủ quán đưa thức ăn ra thì Luân ở đâu đi đến, cầm một chai rượu và một dĩa mồi: “Cho tôi ngồi cùng với nha”. Cơn ấm ức ngày trước vẫn còn, nhưng có chồng bên cạnh, Mỵ cố dằn. Cùng lúc này, Tâm cười tươi: “Anh muốn thì có ngồi, không sao đâu”. Luân ngồi xuống, nói chuyện một lúc rồi tìm cách ép cả Mỵ và Tâm cùng nhậu với mình. Không thể từ chối mãi, hai người cũng uống. Dần dà, hơi men chấp choáng, Mỵ xỉn, buồn ói và đi vào nhà vệ sinh.

Đến lúc này, Luân lại nổi cơn dục vọng nên đi theo Mỵ. Đến phòng vệ sinh, Luân nhào đến ôm chầm lấy cô gái tật nguyền nhưng Mỵ cố lấy hết sức bình sinh để đẩy ra. Tuy nhiên, Luân vẫn không chịu buông tha. Mỵ càng xô ra thì gã lại càng xông đến. Quá sợ hãi, Mỵ tìm mọi cách thoát khỏi vòng tay nhơ bẩn của Luân mà lê đôi chân tật nguyền đến chỗ Tâm. Vậy mà, chỉ một lát sau, Luân lại trơ trẽn bước ra, ngồi ngay phía trước mặt Mỵ cười nói như không có chuyện gì xảy ra.

Cảm giác kinh tởm con người ngồi phía trước, Mỵ không kiềm nén được cảm xúc liền chỉ thẳng mặt Luân: “Tôi đã định không nói nhưng im lặng thì không chịu được. Chuyện hôm trước, anh Tâm bỏ qua, nhưng còn chuyện hôm nay thì tôi không thể bỏ qua”. Lời nói vừa dứt cũng là lúc Mỵ đưa cánh tay lành lặn của mình tát một tát như trời giáng vào má của Luân.

Đau điếng, lại cảm thấy quê mặt với mọi người trong quán, Luân đứng dậy quát: “Mày làm gì đó?”. Mỵ chỉ im lặng mà bước đến quầy tính tiền. Luân vẫn tiếp tục đuổi theo. Mỵ dừng lại bảo: “Tôi giận, tát anh một cái. Anh đừng bám theo tôi nữa”. Bỏ ngoài tai lời của Mỵ, Luân vẫn tiếp tục kéo áo Mỵ. Trong cơn tức giận, Mỵ rút con dao trong người ra rạch vào tay Luân một cái. Cứ ngỡ, Luân đau sẽ dừng lại nhưng gã vẫn tiếp tục đi theo. Tức giận, người phụ nữ tật nguyền quay lưng, dùng dao đâm một nhát chí mạng Luân. Máu chảy dài, những người có mặt trong quán liền đưa Luân đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, đến 30/12/2012, nạn nhân đã tử vong.

Nước mắt của người mẹ

Mới đây, TAND tỉnh Lâm Đồng mở phiên tòa sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Mỵ về tội giết người. Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo rơi nước mắt khi kể về tội ác của mình. Cô cho rằng: “Bị cáo không có ý định giết người. Chỉ vì Luân tìm cách sàm sỡ, nhiều lần không đồng ý nhưng bị hại không từ bỏ nên bị cáo tức giận và đâm”. Vị chủ tọa nhẹ nhàng: “Nếu không có ý định giết người, sao bị cáo lại đâm nạn nhân đến hai nhát?”. Mỵ cúi gầm mặt, lí nhí: “Ban đầu, bị cáo rút dao, rạch vào tay anh Luân một nhát với ý định bị hại đau sẽ dừng lại. Tuy nhiên, anh ấy vẫn tiếp tục đuổi theo, lại còn chửi mắng. Sau đó, không kìm được tức giận, bị cáo lại đâm một nhát nữa, nhưng không ngờ…”.

Lời nói của bị cáo bỏ lửng thay vào là những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mi. Được nói lời sau cùng, Mỵ lí nhí: “Cuộc đời của bị cáo gặp quá nhiều gian truân. Mọi chuyện xảy ra cũng chỉ là ngoài ý muốn. Bị cáo hy vọng nhận được sự khoan hồng của pháp luật”.

Ngồi ở hàng ghế đầu tiên, mẹ của Mỵ với đôi mắt trũng sâu, nước da nhăn nheo không ngừng khóc. Bà cho biết, gia đình mình rất nghèo. Khi có thai Mỵ, đến tháng thứ tám vẫn phải lên rẫy để làm. Ngày Mỵ ra đời, cô không khóc, cả gia đình lo lắng, đánh vào mông nhưng đáp lại vẫn chỉ là sự im lặng. Không chỉ thế, lớn lên, Mỵ cũng chỉ nằm một chỗ. Khi được ba tuổi, cả gia đình vui mừng khi Mỵ vừa ngồi dậy vừa nói bi bô. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, mọi người lại nhói lòng khi phát hiện một cánh tay và một chiếc chân bị tật nguyền, không thể cử động.

Lớn lên, Mỵ không muốn là gánh nặng của cả gia đình, cô lê lết bỏ đi. Cha mẹ lo lắng, thương cho đứa con tật nguyền tất tả đi tìm. Nhiều lần tìm được rồi cô lại bỏ trốn. Có lần, ông bà tìm được con khi Mỵ cách nhà gần 20km. Cha mẹ khóc lóc cầu xin Mỵ cứ ở nhà để mình nuôi, nhưng cô lại khăng khăng: “Nhà mình nghèo, ăn còn không đủ, cha mẹ cứ cho con tự đi kiếm ăn thử”. Mặc dù thương, nhưng trước quyết tâm của con, ông bà cũng đành chấp nhận.

Mỵ ra đi, mất tích hơn một năm rồi lại tìm về nhà với chiếc bụng to bất thường. Cha mẹ cô đắng lòng chấp nhận đứa con Mỵ ra đời mà không biết cha nó là ai. Trước những dè bỉu, lời ra tiếng vào của hàng xóm, Mỵ không chịu nổi, lại bỏ con nhờ cha mẹ nuôi giúp còn mình lang bạt khắp nơi. Lúc đi xin, khi thì bán vé số, Mỵ làm mọi việc có thể để kiếm sống. Đến khi cha mẹ quá già, chẳng nuôi nổi đứa cháu ngoại nên Mỵ đành đưa con gửi vào chùa.

Mấy năm trở lại đây, Mỵ không hề về nhà. Cha mẹ cô vẫn cố dò hỏi, tìm kiếm tin tức của con. Qua một vài người trong xã, bà biết cô đang ở với một người đàn ông ở tỉnh Lâm Đồng. Ông bà hy vọng, hạnh phúc sẽ đến với đứa con tật nguyền của mình. Thế nhưng, vào đầu tháng 9, bà lại rơi nước mắt khi hay tin Mỵ phạm tội giết người. Cũng từ đó đến nay, người “chồng hờ” của Mỵ mất tích không một lời từ giã. Nói đến đây, nước mắt người mẹ lăn dài: “Có thể, tôi nói điều này là quá nhẫn tâm vì dù sao tôi cũng là mẹ nó. Thế nhưng thực ra nó vào tù thì tôi cũng mừng vì từ nay, nó có chỗ để trú thân chứ không còn lang bạt như trước”.

Với nhận định, hành vi của Mỵ là nguy hiểm cho xã hội, cần có bản án nghiêm khắc để có thể răn đe, giáo dục. Tuy nhiên, chủ tọa cũng xem xét hoàn cảnh bị cáo khó khăn, tật nguyền, bị hại có một phần lỗi nên tuyên phạt Mỵ phải nhận mức án 6 năm tù giam

Hải Thanh
.
.
.