Xung quanh vụ xâm phạm bản quyền sở hữu công nghiệp tại "Bia Saigon Vietnam"

Thứ Năm, 12/11/2020, 07:56
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn (CPTĐ) Bia Sài Gòn Việt Nam về tội ề tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp".


Ngày 5-11, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đối với pháp nhân là Công ty Cổ phần Tập đoàn (CPTĐ) Bia Sài Gòn Việt Nam (Bia Saigon Vietnam; trụ sở tại số 264 Lê Thánh Tông, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM) về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" (XPQSHCN) quy định tại khoản 2, Điều 226, Bộ luật Hình sự.

Pháp nhân bị khởi tố bị can

Theo kết quả điều tra ban đầu, Công ty CPTĐ Bia Sài Gòn Việt Nam được Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp CTCP do các ông, bà; Lê Đình Trung, Trần Thị Ái Loan và Trần Thị Khánh Hà là cổ đông sáng lập. Tháng 4-2020, bà Trần Thị Ái Loan (người đại diện theo pháp luật của công ty) ký hợp đồng hợp tác sản xuất nhãn hiệu "Bia Saigon Vietnam" với ông Vũ Tuấn Châu - chủ cơ sở sản xuất bia BiVa, xã Hòa Long, TP Bà Rịa. Theo đó, cơ sở BiVa chỉ được sản xuất "Bia Saigon Vietnam" với nhãn hiệu và chất lượng do Công ty CPTĐ Bia Sài Gòn Việt Nam cung cấp.  

Đến tháng 6-2020, cơ sở BiVa đã sản xuất và bán cho Công ty CPTĐ Bia Sài Gòn Việt Nam 4.200 thùng bia nhãn hiệu "Saigon Vietnam", thu về hơn 365 triệu đồng. Công ty CPTĐ Bia Sài Gòn Việt Nam đã bán 3.300 thùng bia cho khách hàng, thu về hơn 578 triệu đồng, số còn lại được làm quà tặng để quảng bá.

Ngày 23-6, cơ sở BiVa giao thêm cho Công ty CPTĐ Bia Sài Gòn Việt Nam 4.712 thùng "Bia Saigon Vietnam" thành phẩm thì bị Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kiểm tra cơ sở xuất bia BiVa, lập biên bản tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa và giấy tờ có liên quan vì có dấu hiệu "XPQSHCN". Ngoài số lượng bia tại cơ sở Biva, cơ quan chức năng xác minh có thêm khoảng 600 thùng "Bia Saigon Vietnam" được tiêu thụ tại tỉnh Bình Phước với giá trị hàng hóa hơn 500 triệu đồng.

Ngày 10-7, Cục QLTT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản kiến nghị khởi tố gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để xử lý theo thẩm quyền.

Sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm, ngày 9-9-2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với pháp nhân như đã nói trên. Đây là một trong số rất ít vụ án trong cả nước bị khởi tố điều tra về tội danh XPQSHCN và xử lý hình sự pháp nhân xâm phạm nhãn hiệu.

Kiểm tra kho hàng chứa các sản phẩm bia vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Bài học cho những pháp nhân đã hoặc đang có ý định XPQSHCN

Đại diện Sabeco cho biết, ông Lê Đình Trung, người đại diện pháp luật của Công ty CPTĐ Bia Sài Gòn Việt Nam, từng là trợ lý của một Phó Tổng giám đốc Sabeco (đã nghỉ hưu) trước khi làm Trưởng phòng Pháp chế cũng nhiều vị trí khác nhiều năm trước đây. 

Bà Trần Thị Ái Loan, người mới thay thế cho ông Trung, cũng từng là đại lý lớn phân phối cho Sabeco 4 năm nay. Bà Loan là người từng ký hợp đồng hợp tác sản xuất và mua bán hàng hóa với Vũ Tuấn Châu - chủ cơ sở sản xuất bia Biva để sản xuất bia nhãn hiệu "Bia Saigon Vietnam" với tư cách Tổng giám đốc. Sản phẩm này được tung ra thị trường từ tháng 5-2020

Trụ sở chính của Công ty CPTĐ Bia Sài Gòn Việt Nam trước đây đặt tại lầu 9, tòa nhà Vincom, 72 Lê Thánh Tôn (quận 1). Trong khi đó, tòa nhà Vincom, 72 Lê Thánh Tôn (quận 1) cũng là địa chỉ được Sabeco lựa chọn để đặt trụ sở làm việc chính từ nhiều năm qua. Sau đó, trụ sở của Công ty CPTĐ Bia Sài Gòn Việt Nam được dời về đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), nhưng trên bao bì sản phẩm "Bia Saigon Vietnam" vẫn giữ địa chỉ cũ càng dễ khiến gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. 

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng Khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: "Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh".

Theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, nếu không được sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì không được thực hiện hành vi "Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng".

Do đó, trong trường hợp này, hành vi sản xuất "Bia Saigon Vietnam" có sử dụng từ ngữ, màu sắc, hình ảnh logo trùng với nhãn hiệu được bảo hộ của Công ty CPTĐ bia Sài Gòn Việt Nam là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, cụ thể là nhãn hiệu nổi tiếng.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, vụ án này chính là bài học cho những pháp nhân đã hoặc đang có ý định XPQSHCN vì theo quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ pháp nhân không chỉ dừng lại ở việc chịu trách nhiệm xử lý vi phạm hành chính mà còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi XPQSHCN.

Phú Lữ
.
.
.