Án mạng vùng cao và hung thủ mang tên 'thuốc thư'

Thứ Sáu, 11/09/2015, 07:15
Thứ thuốc mà đồn rằng, kẻ sở hữu chỉ cần "rủa độc" nạn nhân thì người đó đang khỏe mạnh sẽ đau ốm, thậm chí là bỏ mạng, những tưởng đã dần bị loại bỏ khỏi tâm tưởng, tập tục mê tín của đồng bào vùng cao. Vậy nhưng, mấy ngày qua tại buôn Djret, xã Chư Ngọc, huyên Krông Pa, Gia Lai lại xảy ra một vụ án chấn động liên quan đến loại "thuốc" này.

Cùng một gia đình, người thì bị sát hại dã man, 2 người khác nguy kịch do bị truy sát. Điều đáng nói, hai nghi can trong vụ thảm sát khi bị bắt đều khăng khăng rằng: "Bấy lâu nay "nó" dùng "thuốc thư" để hại dân làng"!?…

Cả gia đình bị truy sát trong đêm

Khoảng 9h ngày 25/8/2015 tại sông Ba cách cầu 73 khoảng 1km (thuộc xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) người dân địa phương đã phát hiện một thi thể đàn ông trên 40 tuổi nằm dưới nước nên lập tức cấp báo cho chính quyền địa phương. Ngay sau đó, danh tính nạn nhân đã được xác định là anh Kpă Phu (42 tuổi, trú buôn Djret, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Điều đặc biệt, trong lúc nạn nhân Phu được phát hiện chết dưới sông thì vợ của anh Kpă Phu là chị Nay H'Yier (40 tuổi) và con trai là Nay Điêng (9 tuổi) cũng đang phải cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch vì bị kẻ xấu tấn công.

Nay Loang (25 tuổi) và Ksor Cheo hai hung thủ "thuốc thư" truy sát cả gia đình anh Kpă Phu.

Theo điều tra của Công an huyện Krông Pa, khoảng hơn 1h sáng 25/8, trong lúc đang ngủ, chị H'Yier đã bị một "kẻ lạ" đột nhập vào nhà và dùng vật cứng đập liên tiếp vào người, vào đầu, sau đó đối tượng tiếp tục đánh cháu Nay Điêng đến ngất xỉu. Đối tượng này chỉ buông tay, vọt chạy ra ngoài, nhảy lên xe máy chờ sẵn bỏ trốn khi anh Kpă Lúy (con rể trong gia đình) nghe tiếng kêu cứu của hai mẹ con chị H'Yier liền bật điện chạy đến cứu nguy. Riêng anh Kpă Phu, do đêm 24/8, anh đến nhà của gia đình Kpã Vaih để uống rượu nhưng không thấy trở về nhà nên sau khi vợ và con trai anh Phu bị kẻ lạ vào nhà truy sát, cả gia đình đã tỏa đi tìm khắp làng cho đến khi phát hiện xác anh tại bờ sông Ba.

Sau 2 ngày khẩn trương điều tra, khoanh vùng nghi can và những chứng cứ xác thực thu được tại hiện trường, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Gia Lai đã bắt được hai nghi can là Nay Loang (25 tuổi) và Ksor Cheo (41 tuổi, cùng trú tại buôn Djret) để điều tra làm rõ.

Biết loanh quanh cũng khó chối tội, cả Loang và Cheo đã khai nhận hành vi truy sát vợ con anh Phu và sát hại anh Phu rồi vứt xác xuống sông Ba. Đáng nói, cả Loang và Cheo đều cho rằng vì nghi ngờ anh Phu có "thuốc thư", lo sợ anh Phu sẽ hãm hại mình nên đã "ra tay trừ họa"!...

Theo lời khai của Loang và Cheo thì 4 năm trước, anh Phu đã dùng dao chém vào nhà sàn của mẹ anh Kpã Vaih (ngụ cùng buôn). Đây là việc làm tối kỵ nên anh Phu bị phạt và hứa không tái phạm. Đến ngày 21/8, anh Kpã Vaih đột ngột chết do bệnh gan. Từ chuyện cũ bị phạt vạ, dân làng lại tiếp tục nghi ngờ vợ chồng anh Phu và chị H'Yêir (vợ anh Phu) đã bỏ "thuốc thư" cho Kpã Vaih chết.

Với nghi ngờ vô lý này, vợ chồng anh Phu đã bị làng phạt vạ 1 con bò và phải làm nhà mả cho người đã khuất. Tuy rất oan ức và bức xúc, nhưng do lệ làng, vào tối 24/8, anh Phu vẫn đến nhà của gia đình người đã chết là Kpã Vaih để "uống rượu" làm nhà mả. Tại đây, anh Phu đã rót rượu mời Nay Loang uống, nhưng bị Loang đổ xuống đất vì mê tín cho rằng trong rượu có thuốc thư.

Thấy thái độ đó của Loang, sẵn bức xúc trong người, trong lúc nóng giận, anh Phu đã lớn giọng: "Mày coi chừng chết đó". Chỉ vì câu dọa lúc say của Phu, cộng thêm cái chết "đáng ngờ" của Kpã Vaih, Loang cho rằng chắc chắn sẽ bị anh Phu dùng thuốc thư hại chết. Chính vì vậy, Loang phải thay Giàng trừ khử hậu họa này…

Hủ tục "thuốc thư" và hệ lụy xấu chưa có hồi kết

Thượng úy Đặng Thành Vũ (Đội phó Đội An ninh Công an huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi), người gắn bó trực tiếp với đồng bào thiểu số suốt hơn 3 năm qua để nghiên cứu về hủ tục nghi kị cầm đồ thuốc độc đã chia sẻ với PV chuyên đề CSTC: Nghi "cầm đồ thuốc độc" là một trong những tệ nạn trong đời sống, là nhân tố gây phức tạp về ANTT.

Người dân luôn tỏ ra sợ hãi, cố ý lảng tránh khi nghe nhắc đến "thuốc thư".

Thời gian qua, nhiều vụ trọng án vùng cao ở địa bàn các tỉnh, thành miền Trung, cụ thể như vụ trọng án xảy ra cho gia đình nạn nhân Kpă Phu ở xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai mấy ngày gần đây đã để lại một hệ lụy xấu cho xã hội. Sở dĩ hủ tục "thuốc thư", "đồ độc" có thể gây ra những vụ việc đau lòng vừa qua là bởi người dân vẫn còn mê tín, tin vào những lời xuyên tạc, kích động của "thầy cúng". Họ lo sợ vô căn cứ cho tính mạng của mình nên mới tin lời "thầy cúng" tìm cách xua đuổi, giết oan những người bị nghi "thuốc thư" hại người.

Cũng theo Đội phó Đặng Thành Vũ thì hậu quả của mỗi vụ "đồ độc" rất lớn, thường là tính mạng của một hoặc nhiều người và kéo dài, âm ỉ;  uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản và cuộc sống bình thường của người dân. Mỗi năm trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ngãi trung bình xảy ra 12 vụ nghi "cầm đồ thuốc độc".

Hậu quả của những vụ nghi "cầm đồ thuốc độc" để lại thật khó lường, nhưng để điều tra làm rõ, đưa vụ án ra xét xử theo đúng pháp luật lại càng khó. Tỉ lệ xét xử đối với loại án này thường chưa đến 10% số vụ.

Điều đáng nói, việc truy tố, đưa ra xét xử những vụ án như thế là chuyện chẳng thể đừng. Nhiều bị cáo nhận mức án đích đáng, nhiều năm tù giam nhưng vẫn khăng khăng cho rằng trừ khử kẻ có "đồ độc" là trách nhiệm, bổn phận?!...

Theo tìm hiểu của PV, "thuốc thư" hay còn gọi là "thuốc độc", "đồ độc"… chúng xuất hiện từ thời xa xưa, và là một loại bùa chú được những vị "thầy cúng" cao tay dùng tà thuật hắc ám "yểm chú" dùng riêng để hại người. Đối với những buôn làng hẻo lánh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, "thuốc thư" vốn là một vật cực kì linh thiêng nhưng cũng vô cùng đáng sợ. Từ già trẻ, gái trai, lớn bé… hầu như ai cũng được truyền tai nhau về sự lợi hại của loại bùa chú đặc biệt này, tuy nhiên rất ít người có cơ hội được tận mắt nhìn thấy "mặt mũi" những gói đồ nguy hiểm trên.

Các gói "đồ độc", "thuốc thư" chính là sản phẩm của "thầy cúng".

Già làng Nay Miết (67 tuổi, trú ở Krông Pa, Gia Lai) cho biết, "thuốc thư", "đồ độc" có thể làm bằng nhiều cách khác nhau. "Đồ" có thể được lấy từ lông mép của con cọp rồi cắm vào măng tre và để lâu ngày "biến" thành sâu. Sau đó, con sâu được nuôi dưỡng bằng rau tăm. Khi sâu lớn thải ra phân, thứ phân này chính là "đồ độc" có khả năng giết người… Cũng có vùng "đồ độc" tồn tại dưới cái tên Giơ - rông, là một hỗn hợp gồm đất được lấy từ khu mộ của người chết, hỗn hợp này còn chứa mẻ chén, mẻ ché, lông trâu, lông bò, rễ cây da, cây xanh, huyết gà… tất cả được cho vào bao nilon hoặc mảnh vải nhỏ và buộc thành gói. Muốn hại người chỉ cần đem những gói "đồ" này chôn vào chuồng gia súc hoặc ruộng lúa của người khác để trù, yểm. Đó là loại Giơ - rông bình thường không có độc dược. Còn muốn tăng "công năng" hại người cho Giơ - rông, các vị thầy cúng sẽ trộn thêm vào gói đồ các loại "độc". Độc dược điều chế từ rễ cây, lá ngón, mủ lấy từ da cóc…

Người ta cũng đồn rằng, người sở hữu "thuốc thư" chỉ cần "rủa độc", chạm nhẹ hoặc ăn uống chung với nạn nhân thì người đó đang khỏe mạnh sẽ đau ốm, càng chữa trị, bệnh càng nặng và chết.

Từ mô tả của người dân và thực tế cho thấy "đồ độc", "thuốc thư" là có thật, tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, "đồ độc", Giơ - rông chỉ là những gói đồ vật vô tri, vô giác, không thể hại người. Chẳng qua là do không thể lí giải được các hiện tượng tự nhiên xảy ra nên đồng bào H're bắt đầu thần thánh, ma quỷ hóa các vấn đề đó dưới dạng bùa chú, mê tín dị đoạn và dần dần hiện thực nó vào đời sống.

Trải qua nhiều thế hệ đã trở thành một hủ tục rất khó xóa bỏ. Chứ thực chất "đồ độc", Gơ - rông không có những đặc tính thần thánh, ma quỷ có thể làm đau ốm người, trâu bò, hại mùa màng. Còn nếu làm đau ốm chết người, trâu bò thì chỉ có thể là lá ngón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại độc dược khác.

Hoài Thu - Trị Quảng
.
.
.