Đối phó với trộm "đột vòm, phá két"

Thứ Ba, 23/02/2016, 17:00
Được cấu tạo nặng nề bởi những lớp thép dày cùng hệ thống mã khóa chắc chắn, két bạc luôn mang lại cho chủ nhân cảm giác yên tâm khi cất chứa những tài sản có giá trị lớn. Tuy nhiên trên thực tế, chưa có một lớp thép nào đủ dày để "làm khó" những tên "đạo chích" chuyên nghiệp. 


Chưa cần đến kỹ thuật dò mã mở két "điệu nghệ" được đăng tải tràn lan trên các diễn đàn mạng, chỉ với thanh xà beng hay cái búa và một thời gian ngắn, là chúng đã có thể "mỉm cười". Không quá tin vào két sắt, hiểu biết về tâm lý tội phạm, làm chủ những kỹ năng phòng gian… mới là cách tốt nhất để bảo vệ vật quý khỏi tầm tay của những tên trộm đột nhập.

"Đạo cao một thước, ma cao một trượng"

Ông Trần Quang Tuấn - chủ cơ sở kinh doanh két bạc, két sắt ở Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) đã hóm hỉnh nói với chúng tôi như vậy, khi được hỏi có loại két nào có thể vô hiệu hóa được mọi cuộc tấn công từ bên ngoài hay không.

Phạm Trường Giang và Lê Mạnh Đoàn - Thủ phạm vụ trộm két bạc tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Long Biên, Hà Nội).

"Đành rằng các nhà sản xuất không ngừng cải tiến và ứng dụng công nghệ mới để tăng tính an toàn cho két sắt, nhưng điều đó cũng chỉ làm chậm lại thời điểm mở két của bọn trộm chuyên nghiệp. Bởi chúng có đủ mọi cách từ đơn giản đến phức tạp, để biến mọi lớp thép bảo vệ thành "trò trẻ con". "Đạo cao một thước, ma cao một trượng", nên dù có bán mặt hàng này, nhưng tôi cũng xin khuyến cáo mọi người: Đừng có quá tin vào két, nó được làm ra chỉ để phòng… người ngay"- ông bộc bạch.

Vẫn theo ông Tuấn, mấy năm nay nhu cầu bảo vệ tài sản gia tăng trong xã hội, trong bối cảnh tình hình an ninh trật tự đang diễn biến phức tạp, nạn trộm cướp xảy ra ở bất cứ đâu, chẳng chừa một ai. Mặt hàng két sắt vì thế mà tiêu thụ khá chạy, bởi nó mang lại cảm giác yên tâm cho chủ tài sản, đỡ lo bị trộm hay thất lạc giấy tờ, vừa có thể yên tâm nếu có hỏa hoạn xảy ra. Cửa hàng của ông đã bán các loại két cho nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và hộ dân trên địa bàn phường Thanh Xuân Bắc. 

Khi chúng tôi đến, tại đây đang trưng bày nhiều loại két xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Việt Nam hoặc sản phẩm liên doanh, với kiểu dáng đứng, nằm, dạng tủ có bánh xe đẩy hoặc đặt âm tường… Trọng lượng của két cũng khá đa dạng, từ 35kg, 45kg… đến vài trăm kg. Ông Tuấn kể, hiện nay két thương hiệu Goldbank, Adelbank VC66,  Truly Gold và các sản phẩm "nội" như két Hòa Phát,  két Việt Tiệp, trọng lượng từ 45-110kg đang bán khá chạy, vì kích cỡ phù hợp với nhu cầu sử dụng của hộ gia đình và giá cả vừa phải (khoảng 2 đến 7 triệu đồng/chiếc, tùy thuộc vào kích cỡ và nhãn hiệu). 

Giới thiệu về cấu tạo và công năng sử dụng của két, anh Vũ Hải Long (nhân viên cửa hàng này) cho biết: "Két sắt có cấu tạo bao gồm khung vỏ, cửa két được làm từ 2 lớp thép trong và ngoài đúc liền khối dày dặn. Ở giữa được nhồi lớp cách nhiệt chống cháy bằng bột nhôm, hay cát.

"Siêu trộm" Mai Phi Trường  (Lai Châu) phá các loại két chỉ trong 10 phút.

Trên thị trường hiện đang phổ biến loại két có gờ nổi bên trong khung cửa và loại không có gờ nổi hoặc có nhưng rất đơn giản (loại thường). Khóa két có thể là loại khóa cơ hoặc khóa số điện tử hoặc kết hợp cả hai. Nhiều loại còn có khóa định vị của núm cơ để chống dò mã số. Chìa khóa của két sắt cũng được sản xuất dạng chìa khóa bi, với hàng loạt lỗ lớn, nhỏ ở 2 bề mặt thân để không thể "phô tô" được. Két sắt còn có loại chịu được sức nóng hơn 10.000 độ C liên tục trong hai giờ liền. Nhiều loại két sắt được trang bị hệ thống báo động chống trộm, sẽ phát ra âm thanh báo động nếu két bị tác động mạnh hoặc bị di chuyển đột ngột.

Đối với bộ khóa mã điện tử, nếu bấm mã số sai 3 lần trong lúc mở mạch điện sẽ bị ngắt, vô hiệu hóa việc mở tủ. Nhìn chung, két sắt có tính an toàn cao hơn mọi loại vật dụng khác dùng để cất chứa tài sản có giá trị lớn như tiền, vàng, đá quý hay các loại tài liệu quan trọng. Với người bình thường, việc không biết mã khóa thì sẽ không thể mở két, cũng rất khó di chuyển đi chỗ khác vì trọng lượng rất nặng của nó. Thậm chí, nhiều anh thợ khóa cũng phải bó tay, vì mỗi loại khóa két sắt đều có cấu tạo riêng và rất khó để mở bằng các cách thông thường.

Trước đây có lần tôi đã thuê thợ khóa lần mò cả tuần trời mới dò được mã số của một chiếc két bằng phương pháp loại trừ. Tuy nhiên, với bọn trộm cắp chuyên nghiệp thì việc phá két lấy đồ lại có vẻ chẳng mấy khó khăn, vì chúng có những cách từ đơn giản, như đập bản lề, khoan vỡ ổ khóa, phá bưởng sau của két bằng xà beng, búa tạ, cưa, tuốc nơ vít…đến thiết bị "nội soi" dò mã khóa".

Những cú "nhảy" ngoạn mục

Tiếng lóng của bọn "đạo chích" gọi những cuộc "tập kích" vào trụ sở cơ quan, nhà riêng để khua khoắng là "đi chợ" hay "nhảy đồ". Đồ mà các băng nhóm chuyên nghiệp hướng đến khi lập kế hoạch đột nhập, là những chiếc két bạc, vì chúng luôn "mặc định" rằng trong đó sẽ là những thứ tài sản quý giá như tiền vàng, giấy tờ có giá trị có khi là cả một gia tài.

Tình hình trộm két sắt đã "nóng" từ nhiều năm qua. Chỉ tính trong tháng "củ mật" xung quanh dịp Tết Bính Thân vừa qua, trong cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ án nghiêm trọng. Không chỉ có nhà riêng công dân bị trộm viếng thăm, mà ngay cả các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trường học… cũng trở thành "bị hại" của chúng. 

Thực nghiệm điều tra hành vi phá két.

Điển hình như vụ trộm két bạc xảy ra đêm 17-1-2016 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Khẩn trương truy xét, Công an quận Long Biên đã bắt giữ các tên Phạm Trường Giang (nhân viên phòng kỹ thuật bệnh viện) và Lê Mạnh Đoàn (ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội). Chúng khai vì biết chính xác trong két đang cất trữ nhiều tiền, nên Giang đã nhân ca trực của mình cậy cửa đột nhập vào phòng hành chính rồi cùng Đoàn bê két về nhà đục phá, lấy được số tiền 260 triệu đồng cùng 3 nghìn USD. 

Cùng ngày, Công an TP Lai Châu cho biết đã bắt được Mai Phi Trường - một "cao thủ" đập két. Y khai đã thực hiện trót lọt 8 vụ trộm phá két trên địa bàn TP Lai Châu, lấy được số tài sản trên 600 triệu đồng. Với mỗi chiếc két, Trường chỉ mất vỏn vẹn…. 10 phút là có thể phá cửa bằng chính những con dao chặt xương có sẵn trong nhà các bị hại.

Mới đây nhất, vào đúng ngày mùng 1 Tết Bính Thân, ngôi nhà của ca sĩ Đăng Khôi ở Quận 7, TP Hồ Chí Minh đã bị kẻ gian đột nhập, phá két và lấy đi số tiền 800 triệu đồng.

Theo các cán bộ Đội 5, Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội thì các vụ "đột vòm, phá két" thường do các băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp có từ 2 tên trở lên thực hiện. Trước khi gây án, chúng luôn điều nghiên tỷ mỷ về mục tiêu để nắm bắt quy luật hoạt động của nạn nhân, địa hình ngôi nhà, công sở, nơi để két sắt, tình hình công tác bảo vệ. Ngoài ra, chúng thường "căn" những thời điểm trong két có nhiều tiền, như đầu tháng để trả lương cho nhân viên, các gia đình vừa bán đất đai, nhà cửa…

Tinh vi hơn, có nhóm cho đồng bọn làm giả hồ sơ xin việc vào các công ty bảo vệ (dùng CMND của người khác dán ảnh mình). Khi được cử đến các cơ quan, doanh nghiệp nào đó để làm nhiệm vụ bảo vệ, những tên này có nhiệm vụ điều nghiên rồi báo cho đồng bọn để ra tay vào ca trực của chúng. Khi quyết định gây án, chúng thường lựa chọn thời điểm vào ban đêm, trời mưa gió, gia chủ đi vắng, tận dụng tối đa sơ hở của bảo vệ… để đột nhập vào trong.

Thường thì chúng dùng võng dù để kéo, khênh két ra ngoài mới phá để tránh gây tiếng động, nhưng có tên "cao tay" phá két ngay tại chỗ nếu chúng có đủ thời gian và cảm thấy an toàn. Công cụ gây án thường là xà beng, búa tạ, cưa, tuốc nơ vít, khoan điện…Hoạt động điều tra các vụ trộm két trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, do tính chuyên nghiệp của bọn tội phạm.

Hiện trường một vụ trộm.

Đừng ỷ vào két lẫn bảo vệ

Trong suốt cuộc nói chuyện, ông chủ cửa hàng bán két sắt luôn lặp lại lời khuyên, rằng không nên quá chủ quan, quá tin tưởng vào két sắt mà để tất cả gia sản vào đó. Ngay tại nhà ông, két lớn két nhỏ đủ cả, nhưng ông vẫn gửi tiền ở ngân hàng. "Làm thế an toàn hơn nhiều. Ngoài ra, khi buộc phải tích trữ nhiều tiền trong nhà, tôi cũng không để trong két, mà cất giấu ở những chỗ mà chẳng tên trộm nào có thể ngờ tới, chẳng hạn như trên bàn thờ, hay phía sau máy giặt, bồn cầu, gầm giường. Thậm chí ngay trong tủ dép ở cửa ra vào nhà… Tưởng là hớ hênh, kỳ thực những chỗ đó lại an toàn nhất, vì nằm ngoài mọi phán đoán của trộm. Nếu chúng có vào được nhà khênh két đi, thì sẽ thất vọng mà thôi" - ông Tuấn chia sẻ.

Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh - trinh sát Đội 5 cho biết: "Hiện nay "nóng" nhất là trộm công sở, vì chính những nơi này lại bộc lộ nhiều sơ hở. Đặc điểm của nhiều cơ quan là phòng bảo vệ thường ở ngoài cổng, cách xa nơi làm việc có đặt két bạc, trong khi hệ thống tường rào thấp, thiếu đèn chiếu sáng. Nhiều ông bảo vệ ban đêm đến cơ quan để ngủ, chứ ngại dậy đi tuần tra, hoặc ỷ lại vào hệ thống camera nên lơ là nhiệm vụ. Các phòng làm việc thì cửa giả sơ sài, trộm không mất quá dăm phút để lọt vào trong. Vì thế, cần quán triệt phương châm "phòng hơn chống", các công sở và nhà dân nên gia cố hệ thống cửa, lắp đặt các thiết bị báo động, camera giám sát.

Thật hạn chế cất nhiều tiền tại két. Nếu buộc phải giữ tiền qua đêm, cần để két tại một phòng an toàn. Hết giờ làm việc rời công sở, cán bộ nhân viên phải có ý thức khóa tủ, khóa cửa ra vào phòng làm việc, tránh tư tưởng khoán trắng cho bảo vệ. Ngay cả với lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, cũng cần phải nắm vững về đặc điểm nhân thân, quan hệ, hoạt động hiện hành của họ, để tránh việc dùng lưu manh trông coi tài sản.

Với người dân, cũng không nên cất tất cả gia sản vào trong két, mà nên để phân tán, nhưng tốt nhất là gửi vào ngân hàng. Sự cảnh giác của mỗi người là cách tốt nhất để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm lợi dụng gây án".

Đào Trung Hiếu
.
.
.