Đường tới nhà giam của những kẻ mua bán trái phép vũ khí quân dụng

Thứ Hai, 04/04/2016, 14:52
Đường dây này có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài; giữa nhóm đối tượng là người thân trong cùng một gia đình, hoạt động khép kín với thủ đoạn tinh vi, lọc lõi… Tính đến thời điểm bị phát hiện (tháng 2-2016), các đối tượng trong ổ nhóm đã mua bán trót lọt một lượng lớn vũ khí các loại gồm súng K 54; K 59 và đạn dược từ Việt Nam sang Trung Quốc.


Để bóc gỡ thành công đường dây là quá trình kiên trì, bền bỉ của cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Lạng Sơn trong quá trình đấu trí, đấu lý với tội phạm; cùng sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa Công an Việt Nam và Trung Quốc.

Chuyên án được Phòng CSHS Công an tỉnh Lạng Sơn xác lập từ giữa năm 2015, bắt đầu từ những thông tin mong manh về một đường dây mua bán trái phép vũ khí quân dụng từ Việt Nam sang Trung Quốc. Song đối tượng là ai, hình thành đường dây như thế nào thì vẫn là con số không tròn trĩnh. Không quản vất vả, trong những ngày đó, các trinh sát hình sự dày dạn kinh nghiệm được tung xuống khu vực đường biên giới nắm tình hình. Và rồi, sự vất vả của anh em trinh sát cũng được đền đáp một cách xứng đáng. 

Quá trình thu thập thông tin, các trinh sát đã bước đầu có thông tin về hai đối tượng nghi vấn tham gia đường dây gồm Trần Anh Dũng (SN 1966, HKTT thôn Kéo Quang, xã Chi Lăng) và Lý Văn Sự (SN 1994, HKTT tại xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn), Đại úy Trần Lệnh Huân, Đội trưởng Đội trinh sát tuyến, địa bàn Phòng CSHS Công an tỉnh Lạng Sơn nhớ lại. 

Trần Anh Dũng tỏ ra là một con cáo già cực kỳ tinh quái, anh ta sống khép kín, ít bộc lộ với những người xung quanh. Ngay cả việc Dũng đi đâu, làm gì thì người thân cũng chẳng biết, chẳng hay. Còn người dân trong làng thì chỉ biết rằng Dũng đi buôn bán ở Lạng Sơn… 

Một trong những điểm nghi vấn, khiến các trinh sát đặt nhiều câu hỏi là mối quan hệ của Dũng với rất nhiều đối tượng người Trung Quốc. Sau mỗi chuyến từ miền Nam trở ra, Dũng và Sự thường sang Trung Quốc, có biểu hiện hoạt động vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí quân dụng… 

Nhân thân đối tượng Dũng, sau đó đã được các trinh sát Phòng CSHS kỳ công dựng lên: Tốt nghiệp phổ thông trung học, tháng 9-1985, Dũng nhập ngũ. Dũng công tác trong quân đội đến tháng 7-1991 thì phục viên trở về địa phương lao động tự do. Trong thời gian từ năm 1994 đến tháng 8-2011, đối tượng này từng giữ chức trưởng thôn Kéo Quang, xã Chi Lăng. Dũng sử dụng vũ khí quân dụng rất thông thạo. Sau 9 năm sinh sống, Dũng và vợ là Trịnh Thị Hậu ly hôn, thời điểm đó vào năm 2014… 

Sự lọc lõi, tinh quái của Dũng khiến lực lượng trinh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn tốn khá nhiều công sức. Dũng rất cảnh giác, đi đâu cũng ngó trước, nhìn sau… vì thế, chỉ cần một chút sơ hở, đối tượng thấy nghi vấn bỏ trốn thì bao công sức của cán bộ trong đơn vị có thể đổ xuống sông, xuống bể. 

Xét thấy tính chất nguy hiểm, thủ đoạn hoạt động tinh vi, manh động, cần thiết phải xác lập án đấu tranh, Phòng CSHS đã xác lập chuyên án trinh sát. Ngày 29-7-2015, lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn đã ký quyết định xác lập chuyên án trinh sát, giao cho Phòng CSHS và Phòng An ninh điều tra (ANĐT) chủ trì, phối hợp cùng các lực lượng, đơn vị nghiệp vụ khác tiến hành đấu tranh. 

Các đối tượng trong đường dây mua bán vũ khí quân dụng trái phép.

Ngay khi chuyên án được xác lập, lực lượng trinh sát hình sự đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin về hoạt động của đối tượng nghi vấn, trong đó đặc biệt chú trọng đến mối quan hệ của Dũng với nhóm người nước ngoài. Việc nắm bắt thông tin gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng trong chuyên án hoạt động khép kín, cảnh giác cao độ, thủ đoạn hoạt động phạm tội tinh vi. 

Trong quá trình dày công thu thập tài liệu, lực lượng trinh sát có thông tin về hai đối tượng nghi vấn khác là Trịnh Thị Hậu, (vợ cũ của Dũng) và Trịnh Văn San (SN 1960, HKTT tại thôn Kéo Quang), bố đẻ của Hậu. Hai đối tượng này có quan hệ mật thiết với các đối tượng người Trung Quốc, nghi vấn có liên quan đến đường dây mua bán, vận chuyển vũ khí quân dụng. Đây có thể là một nhánh khác trong đường dây mua bán trái phép vũ khí quân dụng, một câu hỏi đặt ra để các trinh sát tiếp tục xác minh. 

Trong quá trình chuyên án xác lập, lực lượng hình sự gặp không ít khó khăn, trong đó có áp lực về thời gian rồi việc giữ bí mật chuyên án, tránh để các đối tượng đứt dây động rừng, bỏ trốn sang Trung Quốc.

Giữa lúc công tác trinh sát đang gặp khó khăn thì Ban chuyên án nhận được thông tin và tài liệu của Tổng đội trinh sát hình sự Ty Công an khu tự trị Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Qua trao đổi, Công an khu tự trị Choang cho biết thông tin về đối tượng có liên quan đến nhóm đối tượng mua bán vũ khí quân dụng do Công an Trung Quốc đang thụ lý… Một tia hy vọng nhen nhóm dâng lên trong lòng các cán bộ Phòng CSHS Công an tỉnh Lạng Sơn. 

Tài liệu được cung cấp là các bản hỏi cung của 6 bị can trong vụ án mua bán trái phép vũ khí quân dụng do Đội hình sự Công an TP Ngọc Lâm, Quảng Tây cung cấp. Khi đọc những tập tài liệu này, lực lượng đánh án có niềm tin khẳng định rằng đường dây mua bán trái phép vũ khí quân dụng là có thật. Tuy nhiên, do sự khác biệt về luật pháp giữa Công an hai nước nên việc thu thập thông tin cũng khác nhau….

Để bắt giữ đối tượng phải có đầy đủ chứng cứ. Nếu làm lộ, đối tượng thấy động sẽ bỏ chạy, ảnh hưởng đến công tác hợp tác quốc tế. Trước tình hình trên, Công an tỉnh Lạng Sơn đã họp bàn với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đề xuất báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh, cử một tổ công tác sang Trung Quốc. Đây là điểm mới trong công tác hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm. 

Thế nhưng, kế hoạch dù được chuẩn bị tỷ mỷ, chi tiết nhưng khi tiếp xúc với các bị can thì gặp không ít khó khăn. Bởi cuộc đấu trí, đấu lý với tội phạm vốn đã không dễ, với các đối tượng là người nước ngoài còn khó khăn hơn. Ngoài sự bất đồng về ngôn ngữ còn là việc chạy đua với thời gian… trong khi đó, những công việc phát sinh thì rất nhiều. 

Trong những ngày đó, 4 cán bộ được giao nhiệm vụ làm việc không nghỉ ngơi, họ ăn ngủ với cán bộ đơn vị ngay trong trại giam để trực tiếp ghi lời khai, thu thập tại liệu chứng cứ. Sau 7 ngày, với sự giúp đỡ nhiệu tình của Đội trinh sát hình sự Ty Công an khu tự trị dân tộc Choang, tổ công tác được giao nhiệm vụ đã thu được những tín hiệu đáng mừng. 

Quá trình tiến hành, được sự phối hợp, giúp đỡ tạo điều kiện của Đội trinh sát hình sự, Công an TP Ngọc Lâm và Công an phường Phúc Miên, tỉnh Quảng Tây, đoàn công tác đã thu thập được những tài liệu, chứng cứ quan trọng góp phần chứng minh hành vi phạm tội của 4 đối tượng người Việt Nam.

Trong thời gian này, một tổ công tác khác bí mật theo dõi mọi di biến động của Dũng và các đối tượng nghi vấn trong ổ nhóm. Những ngày đó, tổ công tác ở Việt Nam cũng quên ăn, quên ngủ trong tiết trời lạnh giá khắc nghiệt của các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục nắm bắt thông tin về các đối tượng. Và vất vả của Ban chuyên án đã được đền đáp một cách xứng đáng. 

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, ngày 12-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Dũng, Sự, San và Hậu về hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng. 

Từ đây, vụ việc bước đầu được làm sáng tỏ: Trong thời gian công tác tại Bình Phước, Dũng quen biết một đối tượng người Việt Nam thường xuyên mua vũ khí từ nước ngoài về nước. Sau khi rời quân ngũ, Dũng không có nghề nghiệp đã bắt mối với các đối tượng này hình thành đường dây và lôi kéo Sự cùng tham gia. Sự cũng là đối tượng thân thiết, được Dũng tin cậy. 

Từ năm 2006 đến ngày 20-4-2015, Dũng đã 8 lần bán cho Trần Quân và Lý Vỹ Năng là các đối tượng người Trung Quốc 2 khẩu súng K 59 kèm theo 40 viên đạn; 4 khẩu súng K 54 kèm theo 64 viên đạn; 2 khẩu súng colt kèm theo 13 viên đạn. Bị can Sự khai nhận từ tháng 3-2014 đến tháng 2-2015, đã 4 lần cùng Dũng mua bán súng đạn với Lý Vỹ Năng và các đối tượng người Trung Quốc. 

Về phần Hậu, sau khi vợ chồng ly hôn, cũng thiết lập một đường dây mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Từ giữa năm 2013 đến cuối năm 2014, Hậu đã cùng bố đẻ là San 7 lần mua bán trót lọt 6 khẩu súng K 54; 1 khẩu súng K 59 cùng 56 viên đạn với Lý Vỹ Năng. 

Ngoài ra, tháng 3-2013, Hậu đã mang 1 khẩu súng K 54, kèm theo viên đạn sang nhà Năng để đổi lấy 80g ma túy đá về sử dụng. Hậu là người trực tiếp liên hệ với các đối tượng mua súng, đạn gửi theo ôtô khách về Lạng Sơn, sau đó giao cho bố đẻ là San, vận chuyển đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.

Hiện Phòng CSHS Công an tỉnh Lạng Sơn đang tích cực phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh nhằm xác định nguồn gốc số vũ khí quân dụng Dũng, Hậu, San và Sự đã mua bán trong thời gian qua.

Xuân Mai
.
.
.