Xử phúc thẩm "đại án" Huyền Như lừa gần 4.000 tỉ đồng:

Dứt điểm "đại án" cuối năm

Thứ Tư, 24/12/2014, 17:00
"Đại án lừa đảo" do Huỳnh Thị Huyền Như cầm đầu - một trong những vụ án có số tiền bị chiếm đoạt kỷ lục từ trước tới nay (gần 4.000 tỉ đồng), hồ sơ vụ án nặng hơn 300kg với khoảng 70.000 bút lục và bản án dày gần 160 trang với rất nhiều cá nhân, đơn vị được xác định có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án được TAND Tối cao tại TP HCM đưa ra xét xử phúc thẩm vào sáng 15/12.

Gần một năm sau khi bị tuyên án chung thân vì chiếm đoạt 4.000 tỉ đồng của nhiều cá nhân, ngân hàng..., "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank - chi nhánh TP.HCM) và đồng phạm lại được xem xét kháng cáo.

Ngay từ buổi sáng sớm đã có rất đông phóng viên các báo đài đến theo dõi phiên tòa và đưa tin. Vụ án này được dư luận đặc biệt chú ý vì "quy mô" lừa đảo với số đông bị cáo và nhất là số tiền bị chiếm đoạt quá "khủng".

Bị cáo Huyền Như được đưa đến tòa bằng xe cứu thương (để đảm bảo an ninh) với gương mặt phờ phạc, đầu tóc gần như không chải chuốt. Bị cáo cố tránh né khi các phóng viên báo đài chụp hình tác nghiệp.

"Siêu lừa" Huyền Như được đưa đến tòa bằng xe cứu thương.

Tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo Huyền Như đã có đơn kháng cáo về phần dân sự, đề nghị xem xét giải quyết trả căn nhà số H2 The Nam Hai, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho mẹ bị cáo là bà Nguyễn Thị Lang và xin lại một trong những căn nhà của bị cáo đang bị kê biên.

Trước đó, vào tháng 1/2014, TAND TP.HCM đã đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm, với 23 bị cáo hầu tòa bởi các tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu của cơ quan nhà nước, cho vay nặng lãi, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng. Trong đó, với vai trò chủ mưu, bị cáo Huyền Như bị truy tố về hai tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt Huyền Như án tù chung thân cho hai tội danh trên, 22 bị cáo còn lại bị xử phạt từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù giam. Về phần trách nhiệm dân sự liên quan đến khoản tiền gần 4.000 tỉ đồng bị chiếm đoạt, HĐXX tuyên buộc bị cáo Huyền Như và các bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải liên đới bồi thường.

Tại phiên xử phúc thẩm lần này, trong số 20 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ mức án, xem xét lại tội danh, có hai bị cáo đã bị Viện KSND TP HCM kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xử theo hướng tăng nặng hình phạt là Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè) và Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân). Theo Viện KSND TP HCM, dù trong phiên sơ thẩm, đại diện VKS giữ quyền công tố đã đề nghị mức án từ 18,5 năm tù đến 21 năm tù đối với bị cáo Đào Thị Tuyết Dung và tù chung thân đối với Võ Anh Tuấn nhưng TAND TP HCM chỉ xử phạt Dung 12 năm tù và Tuấn 20 năm tù. Viện KSND TP HCM cho rằng, với tính chất và mức độ phạm tội của các bị cáo này, mức án tòa tuyên như vậy là chưa phù hợp, cần tăng hình phạt.

Một số bị cáo khác - đồng phạm của Huyền Như.

Riêng bị cáo Huyền Như có đơn kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm xem xét giải tỏa kê biên và trả lại cho mẹ bị cáo căn biệt thự H2 The Nam Hai thuộc khu Bắc Trà My (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vì cho rằng đây là tài sản riêng của mẹ, không phải mua bằng tiền chiếm đoạt được; và xin lại một trong những căn nhà của bị cáo đang bị kê biên. Ngoài ra, sau phiên sơ thẩm, còn có 39/85 nguyên đơn dân sự và bị hại cũng có đơn kháng cáo.

Dự kiến, phiên xét xử phúc thẩm sẽ diễn ra từ ngày 15/12 đến hết ngày 31/12 do thẩm phán Quảng Đức Tuyên làm chủ tọa. Trong HĐXX còn có thẩm phán Phan Thanh Tùng và thẩm phán Mai Thị Tú Anh.

Phú Lữ
.
.
.