Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn:

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng

Thứ Sáu, 08/01/2016, 08:03
Về chính trị tư tưởng, cán bộ tuyên huấn phải gương mẫu, biểu hiện ở tính đảng cao, ở ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết nội bộ. Cục Tuyên huấn phải là Cục gương mẫu nhất đối với các vụ, cục khác”.

Trung tướng, PGS, TS Lê Văn Đệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND: Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cùng với Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, đường lối, chính sách, nguyên tắc, phương châm và biện pháp đấu tranh chống phản cách mạng, bọn tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND ngày càng vững mạnh, trong đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ luôn là mối quan tâm hàng đầu.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn có hơn 30 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hơn 20 năm là Ủy viên Bộ Chính trị và là đại biểu Quốc hội từ Khóa II đến Khóa VII, trong đó, có 28 năm (từ năm 1952 đến năm 1980) là Bộ trưởng Bộ Công an. Trên cương vị được Bộ Chính trị phân công phụ trách Công an và Bộ trưởng, đồng chí luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ với công tác Công an để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND) ngày càng trưởng thành, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó.  

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn là người có tầm nhìn chiến lược trong công tác công an.

Đồng chí đã cùng với Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, đường lối, chính sách, nguyên tắc, phương châm và biện pháp đấu tranh chống phản cách mạng, bọn tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND ngày càng vững mạnh, trong đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ luôn là mối quan tâm hàng đầu, thể hiện qua các nội dung cơ bản sau:

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là người trực tiếp chỉ đạo toàn diện các mặt công tác Công an, trong đó luôn đề cao vị trí, tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong xây dựng lực lượng CAND. Trong các Hội nghị Công an toàn quốc, Hội nghị chuyên đề, trong nhiều bài nói, bài viết, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn lưu ý, nhắc nhở, yêu cầu lực lượng Công an “… phải chú ý đặt công tác chính trị, tư tưởng lên hàng đầu trong mọi công tác nhằm đảm bảo cho nhiệm vụ chiến đấu hoàn thành thuận lợi”, “Phải lấy việc giáo dục chính trị, tư tưởng làm chính” và phải thực sự lấy “Việc giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, củng cố lập trường quan điểm đấu tranh giai cấp chuyên chính vô sản làm nền tảng”. 

Tại Hội nghị xây dựng lực lượng CAND lần thứ II để quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 40-NQ/TW, ngày 20-1-1962 của Bộ Chính trị về củng cố và tăng cường lực lượng Công an, đồng chí đã khẳng định rõ tầm quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng: “Công tác củng cố và tăng cường lực lượng Công an bao gồm nhiều mặt: về chính trị và tư tưởng, tổ chức, nghiệp vụ, trang bị vũ khí và phương tiện v.v… trong đó việc tăng cường về chính trị và tư tưởng là vấn đề quan trọng nhất…”.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với cán bộ, chiến sĩ CAND lập công xuất sắc dự "Đại hội tuổi trẻ Anh hùng bảo vệ Tổ quốc năm 1979".

Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Công an, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn phân tích: “Vì chúng ta là người cách mạng, làm cách mạng nên trước hết phải có nhiệt tình cách mạng, không có hay thiếu nhiệt tình cách mạng thì không thể hoạt động cách mạng tốt được hoặc chỉ có thể là người bạn đi cùng đường (bạn đồng hành) với cách mạng, chứ không thể là một chiến sĩ cách mạng chân chính.

 Có nhiệt tình cách mạng cao thì mới có lòng thiết tha với cách mạng, mới căm thù sôi sục đối với bọn phá hoại cách mạng, do đó mới có tinh thần quyết tâm tiêu diệt địch, mới chịu tập trung tâm trí, sức lực, hàng giờ, hàng phút cho cuộc đấu tranh tiêu diệt kẻ thù phá hoại cách mạng”. 

Nhiệt huyết, nhiệt tình cách mạng “của từng người, từng đơn vị” không thể tự nhiên hình thành, củng cố, phát triển nếu công tác giáo dục chính trị, tư tưởng không được đặt đúng vị trí quan trọng hàng đầu, không được thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh với những hình thức, biện pháp, cách làm phù hợp, sáng tạo phù hợp với từng đơn vị, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến thăm một đơn vị công an trước ngày lên đường đi chiến đấu và công tác ở chiến trường miền Nam.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn sớm đề ra và trực tiếp chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, phương châm, giải pháp công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong lực lượng CAND. Theo Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn: “Nâng cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, kiện toàn tổ chức, cải tiến chế độ làm việc, tăng cường đoàn kết nội bộ, đề cao dân chủ, kỷ luật, thống nhất ý chí và hành động, củng cố khối đoàn kết, hợp đồng chiến đấu giữa Công an với các lực lượng, các ngành, các cấp, tổ chức đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất của cán bộ, chiến sĩ, xây dựng nếp sống vui tươi, lành mạnh…” là nhiệm vụ công tác chính trị, tư tưởng có tính chất bao trùm. 

Cùng với đề ra nhiệm vụ nêu trên, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn còn nhắc nhở lực lượng CAND phải tập trung xây dựng, giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ với các đức tính dám “Xả thân vì sự nghiệp cách mạng của Đảng; trong công tác thì quyết tâm vượt gian khổ, khó khăn; trong chiến đấu với địch thì dũng cảm, mưu trí, khi sa vào tay giặc thì kiên cường bất khuất; trong quan điểm phục vụ thì phấn đấu theo hoài bão và lý tưởng cao đẹp”, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, với phương châm “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mọi cán bộ, chiến sĩ”.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, Bộ trưởng yêu cầu phải thường xuyên quan tâm thực hiện tốt giải pháp tuyên truyền trong nội bộ Công an với nhiều hình thức, biện pháp, cách làm phù hợp với từng đối tượng để “động viên cán bộ, chiến sĩ yêu ngành, yêu nghề, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ”; đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (thứ 3 từ trái sang) thăm và làm việc với lãnh đạo Công an TP HCM.

Theo Bộ trưởng, việc xây dựng lực lượng Công an vững mạnh không thể tách rời việc xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh trong Ngành, bởi vì, tổ chức Đảng là nơi giáo dục, rèn luyện đảng viên và quần chúng, cũng tức là nơi giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ Công an, tổ chức Đảng có mạnh thì mới bảo đảm hoàn thành được nhiệm vụ chuyên môn, mới thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thường xuyên quan tâm chỉ đạo đề ra nội dung và mục đích chiến lược của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ Công an. Trong giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ Công an, Bộ trưởng yêu cầu phải quan tâm tới nội dung: “giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sĩ trong Ngành về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, giác ngộ về cách mạng xã hội chủ nghĩa, về lập trường, quan điểm giai cấp và tinh thần trách nhiệm trong công tác”.

Trong nội dung chỉ đạo các trường CAND thời kỳ đầu, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã trực tiếp duyệt nội dung, chương trình đào tạo, trong đó, môn học về chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước luôn là môn học chính với khối lượng kiến thức nhiều và thời gian đào tạo phù hợp tùy theo cấp bậc học: sơ cấp, trung cấp hay đại học CAND. 

Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ Công an còn phải được thường xuyên bồi dưỡng, bổ sung cập nhật về chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước thông qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, các hội nghị chuyên đề, các đợt sinh hoạt chính trị học tập quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các cuộc thi tìm hiểu, các buổi nói chuyện về tình hình thời sự trong nước và quốc tế.

Không chỉ đề ra nội dung quan trọng của giáo dục chính trị, tư tưởng, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chỉ rõ mục đích cốt yếu sâu xa của giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ Công an, suy cho cùng là để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của CAND trong mỗi giai đoạn cách mạng.

Trong xây dựng lực lượng CAND, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn yêu cầu phải có sự kết hợp, gắn kết chặt chẽ giữa công tác chính trị, tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ một cách đồng bộ, khoa học.

Khi nói về mối quan hệ tác động giữa các mặt công tác này, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nhấn mạnh “Xây dựng Công an về chính trị, vì đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng quyết định đường lối xây dựng tổ chức cán bộ CAND”.

Về xây dựng lực lượng CAND, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn coi trọng xây dựng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; đồng chí nêu rõ “khâu then chốt là phải xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ” theo Sáu điều Bác Hồ dạy về tư cách người Công an cách mạng và “Công tác cán bộ phải luôn luôn quán triệt đường lối giai cấp của Đảng, coi trọng công tác củng cố và tăng cường bản chất cách mạng, bản chất giai cấp của lực lượng CAND”. 

Theo Bộ trưởng, sức mạnh chiến đấu của CAND là ở sự đoàn kết nhất trí về chính trị, sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức. Sức mạnh đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, từ sức mạnh của quần chúng nhân dân…

Chú trọng xây dựng, phát huy vị trí, vai trò của tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác tuyên huấn, công tác chính trị, tư tưởng. Khi đến thăm, làm việc với Cục Tuyên huấn mới được thành lập trước đây, nay là Cục Công tác chính trị (tháng 7-1967), Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nêu rõ: “Cục Tuyên huấn có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng giáo dục về chính trị và tư tưởng, nghiệp vụ, văn hóa, khoa học kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Công an vững mạnh, sắc bén và nhạy bén” và “Công tác tuyên huấn đòi hỏi phải sắc bén và nhạy bén nên phải phát huy dân chủ để anh chị em góp nhiều ý kiến thì công tác mới tốt”. 

Về đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên huấn, công tác chính trị, tư tưởng, Bộ trưởng yêu cầu: “Về chính trị tư tưởng, cán bộ tuyên huấn phải gương mẫu, biểu hiện ở tính đảng cao, ở ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết nội bộ. Cục Tuyên huấn phải là Cục gương mẫu nhất đối với các vụ, cục khác”.

Những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và xây dựng lực lượng của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thể hiện tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân, tính khoa học và có tầm nhìn chiến lược. Đó là cơ sở cho sự phát triển, trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng CAND nói chung, công tác chính trị, tư tưởng trong CAND nói riêng.

Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Đệ
.
.