Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với việc xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh

Thứ Tư, 16/08/2017, 09:15
Thời gian qua, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ được các cấp ủy đảng triển khai, thực hiện sâu rộng và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Những kết quả bước đầu đã góp phần củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân trong việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và giải quyết thấu đáo những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội…


Trong bối cảnh ấy, lực lượng CAND đã nghiêm túc quán triệt, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 72: “Lực lượng CAND phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4”, nhằm xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh. 

Đây cũng là yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên để xây dựng lực lượng Công an cách mạng như Bác Hồ từng dạy: “Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân phục vụ và dựa vào dân mà làm việc”.

Xuyên suốt tư tưởng đó, lãnh đạo Bộ Công an qua các thời kỳ luôn quan tâm chỉ đạo, chăm lo công tác xây dựng lực lượng. Là nhà lãnh đạo tiền bối và có nhiều năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đặc biệt dành sự quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng trên các mặt: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ; tổng kết kinh nghiệm công tác, chiến đấu, xây dựng hệ thống lí luận nghiệp vụ; xây dựng cơ sở vật chất, kĩ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh qua mỗi giai đoạn cách mạng, đồng thời vận dụng khoa học kĩ thuật vào công tác nghiệp vụ Công an…

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thăm một đơn vị CAND vũ trang.

Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn thấm nhuần tư tưởng của Người về bảo vệ an ninh Tổ quốc: Đó sự là tin tưởng, phát huy lực lượng và sức mạnh của nhân dân, đồng thời chăm lo xây dựng lực lượng Công an. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phải huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Muốn như vậy, mọi hoạt động, mục đích của công tác Công an đều phải nhằm phục vụ nhân dân; phải xây dựng Công an thật sự cách mạng, vì nhân dân phục vụ, là bạn dân. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn từng nhấn mạnh: “Cán bộ, chiến sĩ Công an phải thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui và hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình”. Đây vừa là mệnh lệnh, vừa là sự kì vọng mà đồng chí Trần Quốc Hoàn nhiều lần khẳng định… 

Sinh thời, Trung tướng Trần Quyết (nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) đã nhắc lại nhiều kỉ niệm với đồng chí Trần Quốc Hoàn: Trong các chương trình huấn luyện, đồng chí Bộ trưởng đặc biệt chú ý đến phần lí luận chính trị. Các môn lí luận chính trị thường chiếm khoảng một phần ba chương trình học tập. Đối với các khóa đào tạo cơ bản, đồng chí yêu cầu đặc biệt chú trọng các môn văn hóa, ngoại ngữ...

Cũng theo đồng chí Trần Quyết, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là người chủ trương và quyết tâm mở các khóa đào tạo sỹ quan chính quy bậc đại học của ngành Công an, với khóa D1 khai giảng năm 1969… Hầu hết các học viên D1 và các khóa sĩ quan an ninh về sau đều trưởng thành, có những đóng góp quan trọng với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhiều đồng chí trở thành lãnh đạo chủ chốt của lực lượng Công an từ Trung ương đến địa phương.

Việc tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số luôn là sự trăn trở của đồng chí Trần Quốc Hoàn, nhất là với các khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên. Nhờ đó, đã có nhiều trường đào tạo Công an từ lứa tuổi thiếu niên, trường An ninh miền Nam, góp phần tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, chỉ huy chủ chốt của công an các địa phương sau này…

Quán triệt chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, bên cạnh việc chăm lo xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ, đồng chí Trần Quốc Hoàn đặc biệt quan tâm xây dựng lí luận nghiệp vụ và ứng dụng khoa học kĩ thuật vào công tác Công an.

Thứ trưởng Lê Quốc Thân (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương) trong hồi ức của mình, đã nhớ lại: “Ngay sau khi được Đảng cử sang phụ trách Công an, năm 1952, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo tổng kết kinh nghiệm công tác Công an từ khi thành lập, rút ra 7 kết luận quan trọng trong công tác Công an. Đó là công tác bảo vệ cơ quan, điều tra nghiên cứu, bắt và phục vụ xét xử, hỏi cung, quản chế, kiểm soát sự ra vào vùng tạm bị chiếm và Công an xã. Những kết luận này được thống nhất trong Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 7 (tháng 8-1952), được Ban Bí thư Trung ương duyệt, trở thành phương hướng chỉ đạo nghiệp vụ Công an từ đó về sau... Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn, lí luận về công tác điều tra, nghiên cứu và trinh sát của Công an đã dần được hình thành và ngày càng phát triển…”.

Một biện pháp cụ thể để góp phần xây dựng lí luận Công an, được đồng chí Trần Đông (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) kể lại: “Những anh em được Bộ cử đi học ở Học viện An ninh Dzecgienxki ở Liên Xô, vì không được mang tài liệu, giáo trình về, anh Hoàn yêu cầu mỗi người nắm chắc một vấn đề để khi về nước viết lại và báo cáo lãnh đạo Bộ. Anh cũng tự đọc và gặp gỡ một số đồng chí có nghiên cứu, vận dụng, đề xuất những vấn đề có thể áp dụng vào công tác an ninh Việt Nam”.

Với phương châm “quý hồ tinh”, ngay từ rất sớm, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã chú trọng chỉ đạo phát triển và ứng dụng khoa học kĩ thuật vào công tác Công an. Hệ thống các cục kĩ thuật nghiệp vụ, viện khoa học, kĩ thuật hình sự, thông tin, cơ yếu... được hình thành đã góp phần không nhỏ vào những chiến công của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự trong nhiều thập niên qua.

Sắc sảo và trí tuệ ở tầm chỉ đạo chiến lược, song Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cũng là một người cụ thể, sâu sát với cơ sở. Một kỉ niệm sâu sắc vẫn được đồng chí Trần Quyết lúc sinh thời hay nhắc đến: “Hồi đó tôi đang là Giám đốc Công an khu Tây Bắc. Khi ta giải phóng Điện Biên, tướng phỉ Sáy Gâu bỏ chạy sang Lào. Sau khi hắn trở về, nhiều lần ta cử lực lượng vây bắt hắn đều trốn thoát vào rừng. Mãi về sau, trinh sát đóng vai cán bộ y tế về bản phun thuốc diệt muỗi mới bắt được y. Sáy Gâu có cô con gái rất xinh đẹp, là vợ của một đồng chí Phó Chủ tịch huyện, cũng là người Mông...

Nghe chúng tôi báo cáo, đồng chí Trần Quốc Hoàn tủm tỉm cười, rồi nói: Ngày xưa, Khổng Minh bảy lần bắt rồi lại tha Mạnh Hoạch. Nay anh Quyết lại không dám tha Sáy Gâu hay sao? Cứ thả nó ra, khi nào nó nổi phỉ ta lại bắt nó, nó thoát đi đâu được mà sợ. Nếu ta bỏ tù nó thì sẽ mất luôn một phó Chủ tịch huyện là con rể nó... Thực hiện lời Bộ trưởng, đồng chí Trần Quyết áp dụng biện pháp khoan hồng và sau này Sáy Gâu đã quy phục cách mạng”.

Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND và gần 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), ôn lại một vài kỷ niệm về đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, chúng ta càng nhận thức rõ sự thống nhất, xuyên suốt giữa yêu cầu xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại với những tiêu chí xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay.

Trong một lần được trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Hữu Nhân (nguyên Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc – Bộ Công an, có thời gian là trợ lí của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn), người viết bài này được ông kể một kỉ niệm đặc biệt có tính thời sự trong bối cảnh hiện nay: “Tôi làm Cục phó phụ trách Cục Thông tin liên lạc 15 năm, đã được chứng kiến nhiều lần anh Hoàn duyệt kế hoạch công tác, duyệt chỉ tiêu biên chế, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Khi anh Hoàn duyệt tổ chức của Cục, những bộ phận nào anh thấy là chưa cần thiết thì cương quyết cắt. Biên chế thì anh duyệt từng người, yêu cầu giải trình rõ khối lượng công việc của biên chế đó là gì... Vì thế, tổ chức bộ máy rất gọn nhẹ nhưng hoạt động hiệu quả. Anh cũng là người rất sâu sát, thường xuyên chủ động gặp gỡ cán bộ cấp dưới để nắm bắt tình hình".
Trần Duy Hiển
.
.