Khi nữ nhà báo “chạm trán” sát thủ

Thứ Năm, 10/11/2016, 20:46
Nếu bây giờ cho chọn lại, tôi vẫn chọn làm phóng viên theo dõi nội chính. Nhiều người thân, bạn bè tôi có đôi lần phản đối, họ nói rằng, là phụ nữ, nên chọn mảng miếng nào nhẹ nhàng, ít gai góc. Nhưng tôi thì nghĩ khác, chỉ khi tiếp xúc với các đối tượng giang hồ cộm cán, những sát thủ coi mạng người như cỏ rác, tôi mới có thể bóc tận cùng được tâm lý, cảm xúc của họ và lý giải được vì sao họ hành động như thế.

Và đâu đó, tôi luôn tin rằng, ở một góc sâu thẳm trong tâm hồn họ, vẫn lấp lánh phần người, khi họ rơi nước mắt vì bố mẹ, vì đứa con vừa lọt lòng, hay chợt nhớ tới ánh mắt buồn rười rượi của cô vợ mới cưới.

1. Năm 2009, cả Hà Nội xôn xao với vụ án "Nữ sinh cắt cổ người tình cũ trên xe Lexus". Tôi đặc biệt nhớ bởi vụ án xảy ra đúng đêm Lễ tình nhân 14-2-2009. Khi Phòng CSHS Công an TP Hà Nội đưa thủ phạm về trụ sở số 7 Thiền Quang thì hầu như chúng tôi chỉ chụp được những tấm ảnh cô sinh viên năm thứ 3 Kim Anh, cũng là thủ phạm của vụ án, khóc nghẹn ngào mà hầu như chưa ai tiếp xúc được, ngoài các điều tra viên.

Ngày ấy, cánh phóng viên nội chính chúng tôi thân thiết với số 7 Thiền Quang như nhà mình. Thậm chí, nếu chẳng có việc gì cũng lê la sang chè chén, anh em trò chuyện vui vẻ, mà lỡ anh em trinh sát có quá đà vui miệng hở ra chuyện gì thì ngay lập tức chúng tôi bám lấy mà nì nèo cho đến khi nào các anh phải "phụt" ra bí mật mới thôi.

Thế nên thật dễ hiểu khi buổi tối đầu tiên Kim Anh bị giữ lại phòng hình sự thì tôi và nhà báo Thu Hoà (bây giờ là Phó trưởng Ban Thời sự) vẫn tìm cách vượt qua được cửa trực ban và tìm đến đúng cái phòng luôn treo biển "Đang họp". Mỗi khi cần "nhốt" một đối tượng nào đó đang là tâm điểm của báo chí thì y như rằng các anh lại treo biển bên ngoài như thế. Vụ này chúng tôi quá rành nên cứ liều mình đẩy cửa xông vào.

Trong phòng chỉ có một cán bộ nam "trông" Kim Anh. Kim Anh đòi đi vệ sinh, tôi tranh thủ nói với chàng cán bộ: "Để chị đưa cô ấy đi cho". Tất nhiên, chàng Công an vẫn đứng bên ngoài nhà vệ sinh canh chừng. Và, tôi phát hiện ra nữ sinh viên năm 3 ấy đang đến ngày phụ nữ.

Tác  giả (áo vàng) trong lần tác nghiệp tại trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình.

Chị Thu Hoà (khi đó đang mang bầu 8 tháng, sắp đến ngày sinh) bèn lạch bạch đi mua băng vệ sinh cho Kim Anh, 5 phút sau quay lại, đưa đồ cho Kim Anh kèm thêm chai nước suối.

Kim Anh có vẻ xúc động và nếu như mới buổi sáng, cô ta còn yêu cầu không cho chụp ảnh và ngoài các điều tra viên, bất cứ ai hỏi gì cũng không nói thì tối nay, cô đã khóc nức nở, trút hết những tâm sự mà có lẽ sau các điều tra viên, sau luật sư riêng, thì cô ấy đã trải lòng với chúng tôi, gần như tất cả mọi chuyện, kể cả chuyện thầm kín nhất.

Thực ra, khi chưa tiếp xúc với Kim Anh, tôi cũng ác cảm lắm, và chỉ nghĩ đó là kết cục của một cô gái hư, mà không biết rằng, đằng sau hành động bột phát của cô là một tâm lý giằng xé, một tư tưởng đấu tranh ghê gớm với chính bản thân mình, khi mà cô không biết làm cách nào để được giải thoát dứt điểm với người đàn ông từng một thời là người tình của mình, để có thể đến với tình yêu mới.

Tất nhiên, cô đã hành động sai, là do kĩ năng sống quá kém, nếu không muốn nói là Kim Anh chưa hề được trang bị những kĩ năng cần thiết trước khi rời phố núi xuống sinh sống ở một thành phố nhiều cạm bẫy và cám dỗ.

2. Khi "vụ án Lexus" còn chưa làm dư luận lắng xuống thì lại xảy ra vụ "xác chết không đầu" trên tầng thượng của một khu chung cư ở Trung Hoà - Nhân Chính vào năm 2010. Thủ phạm sau đó được làm rõ là Nguyễn Đức Nghĩa, người yêu cũ của nạn nhân. Vì ghen tuông, Nghĩa đã sát hại người yêu cũ của mình, sau đó cướp đi một số tài sản của nạn nhân.

Nhưng phải cho đến khi gặp Nguyễn Đức Nghĩa trong khu vực dành riêng cho tử tù, thì tôi mới thấy được tận cùng tâm lý của những con "ma sống" - một cách gọi khác dành cho tử tù - tức là họ luôn trong tâm lý chờ đợi ngày "đi" của mình, vào một sớm mai nào đó.

Nghe tiếng lao xao trong khu biệt giam, một tử tù ở cuối dãy tinh tai nhất đã gọi Nghĩa, bằng một thứ âm điệu mà tôi nghĩ nó phải vọng lên từ âm ty, giữa trưa vắng tĩnh mịch, nghe lạnh gáy. Và có lẽ, cho đến nhiều năm sau, tôi cũng không bao giờ quên được: "Ngh... ĩ... a........ ơ... i........ e...m....... c...ó....... kh...á....ch". Từ buồng biệt giam đầu tiên của dãy nhà dành cho tử tù, Nghĩa đáp lại, thê lương không kém: "V...â...ng........ e...m...... b...i...ế...t.......... r...ồ...i.....".

Sau này thì tôi được biết, đó là cách trò chuyện duy nhất giữa các tử tù từ phòng nọ sang phòng kia, trong tình trạng bị cùm 1 chân. Họ phải ngân nga, luyến láy, nhờ gió chuyển lời đi vì cự ly quá xa.

Tôi ghé mắt nhìn vào buồng Nguyễn Đức Nghĩa qua lỗ thông gió. Nghĩa cởi trần mặc quần đùi, trên gương mặt anh ta chỉ còn đôi mắt với chiếc kính cận dày cộm. Nghĩa trả lời rất lễ phép, và nhận ra luôn tôi là nhà báo, đã từng gặp anh ta ở toà và một lần tôi cùng mẹ và chị gái anh ta nói chuyện với Nghĩa qua cabin - nơi thăm gặp giữa tử tù và gia đình vào mỗi chiều thứ sáu duy nhất trong một tháng.

Nhu cầu giao tiếp, chia sẻ thông tin là nhu cầu lớn nhất của con người. Vì thế, thật dễ hiểu mỗi khi "vớ" được "người xã hội", họ nói như muốn cướp diễn đàn, nói hết tất cả những gì ấp ủ trong lòng bấy lâu, mà tôi đồ rằng, các nhà báo muốn khai thác, viết bài về họ thì không có thời điểm nào thích hợp hơn lúc đó.

Cho đến cuối cùng, Nghĩa vẫn khẳng định, hành động của anh ta chỉ là bột phát. Thú thực là cá nhân tôi rất muốn tin điều đó, bởi tiếng hót của con chim trước khi chết là tiếng hót hay nhất và lời nói của con người trước khi chết cũng là lời nói chân thật nhất. Hơn nữa, xét cho cùng thì anh ta là một người có học, lại sinh ra trong gia đình nền nếp, vậy thì không có cớ gì mà anh ta lại lên kế hoạch sát hại bạn gái từ đầu để cướp tài sản, nhất là khi tiếp xúc với Nghĩa, anh ta tạo cho người đối diện một cảm giác rất lễ phép và có văn hoá.

Ân oán nào rồi cũng trả! Nguyễn Đức Nghĩa giờ đã nằm sâu dưới ba tấc đất, nhưng anh ta vẫn nợ lại trần gian, nợ người mẹ đau khổ một đời báo hiếu.

Với riêng tôi, Nguyễn Đức Nghĩa bảo, "Em rất quý chị vì chị không gí máy ảnh sát vào mặt em". Đúng rồi, Nghĩa ạ, đúng là tôi không thể làm được việc đó khi nhìn thấy mắt em chan chứa nước. Em có tội với nạn nhân, có tội với pháp luật. Và với chúng tôi, đó là hành động nhân văn duy nhất chúng tôi có thể dành cho em.

3. Có thể nói, 3 năm liên tiếp, dư luận cả nước đón nhận những thông tin khủng khiếp. Năm 2009 là "vụ án Lexus", năm 2010 là "xác chết không đầu", năm 2011 là "vụ thảm án phố Sàn, Bắc Giang", do sát thủ Lê Văn Luyện thực hiện. Luyện khi ấy là biểu tượng của cái ác. Tôi cực kì tò mò và phấn khích (một cảm xúc không phải vì vui sướng mà là sự nôn nao) khiến nhiều đêm mất ngủ, và cho đến sau này, tổng cộng tôi đã gặp Lê Văn Luyện tới 4 lần, sau khi anh ta bị bắt.

Phải nói rằng, 3 lần gặp Luyện, tôi đều thất bại. Thất bại vì tôi không khai thác được chuyện gì từ anh ta, những câu trả lời vẫn cũ, giống nhau, vẫn một gương mặt không cảm xúc, một giọng nói nhát gừng. Mà nói thật, có lúc Luyện làm tôi ức chế đến mức muốn dang tay tát cho một nhát.

Khi ấy tôi đã nghĩ, anh ta đúng là một con quỷ lạnh lùng, chỉ có tâm hồn của quỷ mới không thể nào nhỏ một giọt nước mắt ân hận vì tội lỗi của mình đã gây ra. Tôi quyết định gặp Lê Văn Luyện thêm một lần nữa, bởi tôi có niềm tin, bất cứ ai, một khi đã chảy trong người dòng máu đỏ, thì phải có một góc nào đó, vẫn là con người. Và, tôi đã không sai.

Lần thứ tư, ban đầu Lê Văn Luyện vẫn "tiếp" tôi với một thái độ dửng dưng, vô cảm. Nhưng sau vài phút trò chuyện, sắc mặt Luyện cứ biến đổi dần. Tôi quyết định "knock out" anh ta bằng câu chuyện vừa gặp người mẹ anh ta.

Tất nhiên, đó là chuyện tôi nghĩ ra, bởi khi đó, bà Thơm - mẹ Luyện trốn chạy dư luận và không ai biết bà ở đâu. Nhắc đến mẹ, mắt Luyện sáng lên, mặt mũi linh hoạt hẳn. Luyện liên tục hỏi dồn tôi về tình hình của mẹ, khi biết mẹ mình đã trải qua thời gian điều trị bệnh và sức khoẻ bình phục, anh ta ngồi thừ ra và ngẫm nghĩ. Và cú "điểm huyệt" tiếp theo là câu chuyện về cậu em trai đã bỏ học khiến mắt Lê Văn Luyện loang loáng nước.

Lần đầu tiên tôi thấy Luyện khóc. Điều mà tôi mong mỏi nhất ở sát thủ này. Không phải vì tôi thêm được vào bài viết chi tiết "sát thủ rơi nước mắt", mà tôi muốn ít ra là một lần Lê Văn Luyện phải rơi nước mắt vì tội lỗi của mình, chứ không phải giữ nguyên một bộ mặt, một thái độ vô cảm, trâng tráo sau tất cả.

Đinh Hiền
.
.