Người chiến sĩ an ninh “bốn cùng” với dân

Thứ Ba, 23/02/2016, 08:52
Xa mờ trên đỉnh núi Khun Há là vài chục nóc nhà của đồng bào Mông, đường đi dốc dựng ngược, trơn trượt vào mùa mưa, nóng như đổ lửa vào mùa nóng. Đã gần 20 năm công tác nơi miền núi cao, Trung tá Giàng A Cháng gắn bó với cuộc sống của đồng bào Mông – nơi mảnh đất anh sinh ra để giữ gìn bình yên cho từng nóc nhà trên dẻo đất Tam Đường, tỉnh Lai Châu.


Nước da rám nắng, dáng người chắc nịch, Trung tá Giàng A Cháng mang dáng dấp đặc trưng của một chàng trai người dân tộc Mông ở bản Giang Ma, xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Nhà nghèo, đông anh em, từ thuở nhỏ anh đã ước mơ sau này lớn lên được trở thành chiến sĩ Công an. Cháng không ngừng học tập và rèn luyện, khi vừa lớn lên đã nổi danh khắp bản vì bản tính trượng nghĩa, thích làm việc thiện.

Năm 1994, anh may mắn được chọn vào học tại khóa tuyển dụng người dân tộc thiểu số của lực lượng CAND. Ra trường, anh được điều động về công tác tại Công an huyện Tam Đường. Kể từ khi đó anh bắt đầu có điều kiện gần dân, gắn bó máu thịt với quê hương để làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Gặp Trung tá Giàng A Cháng vào một ngày rét mướt đặc trưng của vùng núi Tam Đường khi anh đang “bốn cùng” với dân, nghe anh nói chuyện bằng tiếng Mông, giải thích với người dân về việc không nghe theo kẻ xấu thành lập vương quốc Mông, nhìn bà con chăm chú nghe anh nói, chúng tôi không khỏi vui mừng. Bởi, để hiểu quần chúng, có thể đi sâu vào nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc, không phải cán bộ nào cũng dễ dàng thuyết phục được dân để họ tin yêu và tuân thủ pháp luật. “Mình sinh ra ở đây, gắn bó với nơi đây, luôn thấu hiểu đồng bào nên khi mình vận động, tuyên truyền người dân luôn tin tưởng” – Trung tá Giàng A Cháng tâm sự.

Trung tá Giàng A Cháng (người thứ 2 từ trái qua) cùng lãnh đạo Công an huyện Tam Đường trò chuyện với người dân xã Sơn Bình.

Tuy là Đội trưởng Đội tăng cường cơ sở nhưng anh luôn trực tiếp xuống địa bàn “bốn cùng” với dân như các đồng đội khác. Đội tăng cường cơ sở của Công an huyện Tam Đường có 7 CBCS quản lý 2 xã phức tạp về ANTT là Sơn Bình và Khun Há.

Thấy tôi thắc mắc về “bốn cùng” với dân, anh giải thích: “Bốn cùng là cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói chuyện. Vì Sơn Bình và Khun Há là hai xã phức tạp về ANTT do giáp với huyện Sa Pa (Lào Cai), đường mở sang nhiều tỉnh khác, có dãy Hoàng Liên Sơn vắng vẻ nên tình trạng trộm cắp trâu bò, giết người cướp tài sản, mua bán người… thường xảy ra.

Các đối tượng không ngừng lợi dụng đồng bào dân tộc để lôi kéo, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến an ninh nông thôn. 8 bản của 2 xã thì có tới 6 bản phức tạp về tệ nạn xã hội. Nếu không “bốn cùng” với dân, phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, làm tốt công tác dân vận, xuống nhà dân cùng ăn, cùng ở để vận động thì việc giữ bình yên cho bản làng sẽ gặp nhiều rất khó khăn”. 

Từ những việc làm hằng ngày như vậy, 7 CBCS của Đội tăng cường cơ sở đã được nhân dân tin yêu, quý mến. Kể lại sự đồng lòng giúp sức của nhân dân với lực lượng Công an nhanh chóng phá vụ trọng án cướp của giết người vào ngày giáp Tết trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ trong 3 ngày, anh không khỏi xúc động. Bởi vụ án xảy ra vào cận Tết, nếu không có nguồn tin từ quần chúng nhân dân thì manh mối nạn nhân Tráng A Sình, người ở huyện Sìn Hồ vào Đắk Lắk sinh sống rồi lại quay ra Lai Châu làm ăn khó lòng mà tìm ra nhanh đến thế.

Và nếu không có nguồn tin của quần chúng thì những nhận định về nguyên nhân ban đầu dẫn tới cái chết của anh Sình cũng không nhanh chóng có kết quả như vậy. Anh Sình ra đây làm ăn rồi kết bạn với đối tượng. Trong một lần rủ nhau lên Sa Pa, do mâu thuẫn nên anh và người này đã cãi nhau. Hắn dùng búa đập vào đầu anh tới chết, tạo hiện trường giả rồi đẩy xuống vực.

Anh Cháng kể, để được dân tin yêu, mỗi CBCS của Đội tăng cường cơ sở phải không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng “bốn cùng” với dân. Năm 2008, khi thành lập Đội tăng cường cơ sở để đưa xuống địa bàn 2 xã, dù công việc này không hề dễ dàng mà trái lại vô cùng gian khổ và khó khăn với mỗi CBCS khi họ phải đối mặt với địa hình rừng núi hiểm trở, an ninh trật tự lại phức tạp. Nhưng anh Cháng luôn động viên anh em, phải học tất cả tập tục, tiếng nói, hiểu với đời sống của đồng bào để tập trung đi sâu vào quần chúng, tăng cường giao tiếp với quần chúng, làm tốt công tác dân vận.

Chỉ sau một thời gian ngắn tiếp nhận địa bàn, các anh đã tranh thủ được nhiều trưởng bản, già làng ủng hộ như già làng Chảo Diêu Sài, ở bản 46; Chảo A Chiếu ở bản Chu Va 6; Hàng A Khái ở bản Chu Va 8… giúp đỡ lực lượng Công an rất nhiều trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Sau rất nhiều nỗ lực, giờ đây Sơn Bình và Khun Há đã cơ bản ổn định về ANTT; an ninh nông thôn được giữ vững, bà con không nghe theo luận điệu xấu, không di cư tự do, phát triển kinh tế để làm giàu chính đáng. Kể với chúng tôi, Trung tá Giàng A Cháng cho biết: “Trong quá trình xác minh ban đầu, từ năm 2008 đến nay, Đội tăng cường cơ sở đã báo cáo Đội CSHS khởi tố 37 vụ án với 54 đối tượng”.

Gần 20 năm gắn bó với công việc mơ ước thuở nhỏ, Trung tá Giàng A Cháng sẽ tiếp tục nỗ lực cống hiến hết mình vì sự bình yên của bản làng, vì cuộc sống no ấm của đồng bào quê hương anh.

Trần Hằng – Việt Hà
.
.