Những kỷ niệm của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với quê hương xứ Nghệ

Chủ Nhật, 03/01/2016, 08:28
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Quốc Hoàn có hơn 30 năm là Ủy viên Trung ương Đảng (1951-1980), hơn 20 năm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Quân ủy Trung ương (1960-1982), là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII; 28 năm phụ trách lực lượng Công an, trong đó có nhiều năm giữ cương vị Bộ trưởng…

Bên cạnh một người lãnh đạo mẫn tiệp, cống hiến lớn lao cho Đảng, cho dân tộc thì ông còn là người con giàu tình cảm, nặng lòng với quê hương. Do tính chất công việc nên ông ít có cơ hội thăm quê và gia đình, tuy nhiên những lần Bộ trưởng về thăm quê đều để lại dấu ấn trong lòng cán bộ, nhân dân.

Chiều cuối năm, mưa gió bao trùm thành phố Vinh cũng là lúc tôi gõ cửa căn hộ tập thể cũ, nhà A2 Quang Trung – nơi Đại tá Từ Ngọc Anh, nguyên Chánh Văn phòng Công an tỉnh Nghệ An sinh sống cùng gia đình. Về hưu hơn 20 năm và đã ở tuổi ngoài 80 nhưng ông vẫn mang phong thái linh hoạt. Bên cốc chè xanh xứ Nghệ đậm đà còn bốc khói, ông dần hồi tưởng lại ký ức thuở nào: “Trong cuộc đời công tác của mình, tôi được gặp Bộ trưởng nhiều lần. Nhưng nhớ nhất là những ngày từ 25-27 tháng 9 năm 1981, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn về đây làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Công an tỉnh Nghệ Tĩnh (lúc này chưa tách tỉnh-PV) về công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng. Tôi lúc đó là Chánh Văn phòng Công an tỉnh Nghệ Tĩnh…”. Công an tỉnh Nghệ Tĩnh thời điểm đó đóng trên địa bàn xã Hưng Lộc, nay là xóm Mỹ Hạ, Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An, cách trụ sở Công an tỉnh Nghệ An hiện tại khoảng 2km.

Đại tá Từ Ngọc Anh xem lại tài liệu ghi chép về những chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đối với Công an tỉnh Nghệ Tĩnh.

Đại tá Từ Ngọc Anh lật giở từng xấp giấy tài liệu viết tay của thập niên 80 thế kỷ trước mà ông còn lưu giữ. Những trang giấy đã ố vàng, nét mực đã phai màu nhưng chỉ cần bấy nhiêu đó thôi, cộng với sự minh mẫn của người cán bộ văn phòng năm nào cũng đã khiến cho những lời kể của ông ngời lên bao ký ức lịch sử, sống động và nhiều cảm xúc. Chỉ đạo của Bộ trưởng tập trung vào vấn đề nghiệp vụ - ông nhớ lại: “Thứ nhất là đối phó với âm mưu gián điệp của đế quốc Mỹ thời kỳ hậu chiến, đồng thời tập trung đấu tranh với các đối tượng phản động, lợi dụng tôn giáo để chống đối vì Nghệ An là vùng đồng bào theo đạo nhiều. Việc đấu tranh phải gắn với nâng cao trình độ giáo dân và bồi dưỡng cán bộ cốt cán trong vùng giáo. Thứ hai, Nghệ Tĩnh là tỉnh lớn, là quê hương của Bác Hồ, của phong trào Xôviết, Bộ trưởng yêu cầu Công an tỉnh phải phấn đấu để xứng đáng với truyền thống đó, xứng đáng là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, của nhân dân. Thứ ba, Bộ trưởng yêu cầu xây dựng lực lượng Công an mạnh về tư tưởng, tổ chức, chính trị, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, nhất trí cao…”.

Đại tá Từ Ngọc Anh cho biết, cách Bộ trưởng thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ đã để lại dấu ấn về một người Bộ trưởng chú trọng đến vấn đề nghiệp vụ, xây dựng lực lượng, chính trị hậu cần, song cũng lo lắng cho đời sống anh em cán bộ, chiến sỹ.

Còn khi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh về tình hình kinh tế - xã hội toàn tỉnh, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ an ninh, trật tự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. “Bộ trưởng nhắc nhở, động viên cán bộ tỉnh nhà phát huy vai trò, cống hiến trí tuệ và sức lực để xây dựng Nghệ Tĩnh thành một tỉnh khá nhất miền Bắc, xứng đáng với tâm nguyện của Bác Hồ” – Đại tá Từ Ngọc Anh khẳng định.

Theo trí nhớ của cựu Chánh Văn phòng Công an tỉnh thì Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn từng về làm việc với Công an tỉnh Nghệ Tĩnh, Công an tỉnh Nghệ An 5 lần. Ngoài ra, ông được diện kiến Bộ trưởng qua các hội nghị, cuộc họp tại Hà Nội. “Ấn tượng hơn cả là lần dự Hội nghị Công an toàn quốc năm 1976, đất nước vừa giải phóng nên đại biểu miền Nam cũng ra. Bộ trưởng đón, thân mật nói chuyện, thăm hỏi từng đoàn cán bộ Công an; đồng thời chỉ đạo công tác hậu cần phải đảm bảo tốt. Người đặc biệt quan tâm tới đội ngũ Công an các tỉnh phía Nam, từ đó tạo ra và lan toả niềm vui hội ngộ, thống nhất trong lực lượng CAND…” – Đại tá Từ Ngọc Anh chia sẻ.

Đồng chí Trần Văn Nghi (82 tuổi), nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An kể: “Thời gian tiếp xúc Bộ trưởng nhiều nhất là khi tôi đang giữ cương vị Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh. Có lần gặp đồng chí Trần Quốc Hoàn qua các cuộc họp, cũng có lần đến nhà thăm ông ở số 4 Thiền Quang, Hà Nội… Đến tận bây giờ, tôi phải công nhận một điều, Bộ trưởng là một người rất trọng dân và gần dân. Những lúc chúng tôi đến nhà thăm, phu nhân Song Toàn thường lánh vào trong để anh em nói chuyện, tôi và Bộ trưởng ngồi đối diện nhau nhưng không hề xa cách mà trái lại rất gần gũi, thân tình. Ông vẫn thường dặn tôi, rèn luyện cán bộ là phải rèn luyện bằng tư tưởng công nhân. Mình là công nhân đây này. Người làm công tác tổ chức là phải qua trường lớp của giai cấp công nhân thì mới trưởng thành được…”. Không chỉ sâu sát về nghiệp vụ, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn còn để lại ấn tượng với người dân xứ Nghệ bởi phong thái dân dã, trọng nghĩa, trọng tình cảm.

“Năm 1984 mình được cử đi học Trường Đảng Karl Marx. Lúc đó Bộ trưởng có con trai học bên Đức, ông muốn gửi quà sang cho con, nhưng cứ hỏi đi hỏi lại tôi liệu có mang được không vì sợ tôi vất vả…” – nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Trần Văn Nghi tiếp lời.

An Quỳnh
.
.