Vị Đại tá Công an với ký ức triệt phá 'Đảng cách mạng quốc gia'

Thứ Bảy, 22/08/2015, 10:38
Gặp lại Đại tá Trần Đình Côn sau hơn 2 năm từ khi Bộ Công an tổ chức kỷ niệm 65 năm học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND, ông vẫn tường minh như ngày nào, giọng nói vẫn sang sảng truyền cho người nghe nhiệt huyết của mình.

Là con địa chủ ở xã Hoằng Lưu, Hoằng Hoá, Thanh Hoá, năm 1952, Lường Mạnh Huân đã tham gia tổ chức phản động “Liên tôn diệt cộng” bị chính quyền cách mạng bắt và kết án 5 năm tù giam. Mãn hạn tù, với bản chất phản cách mạng, y vẫn nung nấu ý thức phục thù, tìm cách chống lại chế độ, Huân đã tìm cách gặp các tên phản động cũ, bọn phản động lợi dụng tôn giáo, những tên địa chủ có nợ máu với cách mạng để xây dựng cơ sở, chống lại chế độ. 

Năm 1961, Huân lập ra tổ chức phản động “Đảng cách mạng quốc gia Việt Nam” lôi kéo, kích động nhân dân chống lại chế độ. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Thanh Hoá lập chuyên án, phá tan tổ chức phản động trên. Hơn 50 năm đã trôi qua, nhớ lại chuyên án mình trực tiếp tham gia khám phá, Đại tá Trần Đình Côn, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá không khỏi xúc động...

Gặp lại Đại tá Trần Đình Côn sau hơn 2 năm từ khi Bộ Công an tổ chức kỷ niệm 65 năm học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy CAND, ông vẫn tường minh như ngày nào, giọng nói vẫn sang sảng truyền cho người nghe nhiệt huyết của mình. Ông là một trong những người đứng trong hàng ngũ CAND từ những ngày đầu mới thành lập, đến nay đã 70 năm, được tham gia đợt “chỉnh cán, rèn quân”, học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy. 

Đại tá Trần Đình Côn.

87 tuổi đời, gần 50 năm cống hiến cho lực lượng Công an, ông nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh. Nói về những trận chiến mình cùng đồng đội đã trải qua, gương mặt ông sáng lên, như được sống lại cuộc sống của mình mấy chục năm về trước. Một trong những chiến công đó, là đấu tranh với tổ chức phản động của Lường Mạnh Huân, do chính ông là người trực tiếp trinh sát hang ổ của Huân, cùng đồng đội bắt giữ đối tượng, khám xét thu được toàn bộ tang vật.

Đại tá Trần Đình Côn cho biết, sau khi ra tù, Lường Mạnh Huân đã câu kết với các đối tượng phản cách mạng, chạy lên vùng miền núi Thanh Hóa lập căn cứ. Tháng 7/1961, Huân cử chân tay tìm cách sang Lào để bắt liên lạc với Mỹ - Diệm ở miền Nam và bọn phản động lưu vong nhưng cả 3 lần vượt biên đều bị Công an, Biên phòng ta bắt giữ. 

Tháng 9/1961, Huân cùng Nguyễn Tiến Sinh thành lập tổ chức phản động “Đảng cách mạng quốc gia Việt Nam”, tuyên truyền đảng của chúng có hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương, có cán bộ cao cấp tham gia hòng lừa bịp, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin. Sau khi lôi kéo, kết nạp được đồng bọn, chúng đã cử ra ban chấp hành tỉnh đảng bộ, thảo cương lĩnh, điều lệ, khắc in giấy chứng nhận vào “đảng” và thành lập nhiều chi bộ. 

Ngoài ra, Huân và đồng bọn còn viết tài liệu, thơ ca, hò vè, đả kích chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, tuyên truyền xuyên tạc tình hình trong nước, ca ngợi Mỹ - Diệm ở miền Nam, tung tin thất thiệt, thậm chí chúng còn lập danh sách cán bộ, đảng viên của ta hòng trả thù sau này.

Đại tá Côn nhớ lại, ở một số huyện miền núi khi đó, dân trí còn chưa cao, thông tin còn hạn chế nên một số người đã cả tin theo chúng. Ty Công an Thanh Hóa đã báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy và Bộ Công an xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời quyết định lập chuyên án đấu tranh. Do tính chất nghiêm trọng và phức tạp của chuyên án, Bộ Công an đã cử đồng chí Nguyễn Sanh Châu, Phó Cục trưởng Cục chống phản động về phối hợp với Công an Thanh Hóa. 

“Lúc đó, tôi là Phó ban Bảo vệ Chính trị nên được tham gia chuyên án. Trực tiếp đồng chí Lưu Đô, Trưởng ty làm Trưởng ban, đồng thời lựa chọn những đồng chí có kinh nghiệm trong công tác chống phản động tham gia và là lực lượng chủ công. Được giao nhiệm vụ trinh sát hang ổ của Huân và đồng bọn tại xóm Núi, xã Quảng Phú, Thọ Xuân, hàng ngày, tôi cùng đồng đội bí mật nắm di biến động của Huân và đồng bọn, vẽ sơ đồ, ghi chép mọi hoạt động của chúng” – Đại tá Côn cho biết.

Sau khi có chứng cứ đầy đủ, chính xác về hoạt động phạm tội của Huân và đồng bọn, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo Công an Thanh Hóa phá án. Kế hoạch bắt Lường Mạnh Huân và những tên cầm đầu nhanh chóng được Ban chuyên án vạch ra. Biết Huân là kẻ hết sức gian ngoan, xảo quyệt, Ban chuyên án đã quyết định dùng chiến thuật “điệu hổ li sơn”, khéo léo “điều” Huân ra khỏi cái gọi là “khu an toàn” của chúng. 

Đúng như kế hoạch, ngày 25/4/1962, các trinh sát đã bao vây, bắt gọn Lường Mạnh Huân cùng Nguyễn Tiến Sinh, Nguyễn Văn Chúc tại cầu Thiều (huyện Triệu Sơn), trong lúc bọn chúng đang trên đường từ Thọ Xuân về thị xã Thanh Hóa. 

“Tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo mũi khám xét “khu an toàn” của Huân và đồng bọn, nên ngay khi đồng đội bắt Huân, mũi của tôi ập vào. Lúc đó, có một phụ nữ (là đồng bọn của Huân) giả vờ ốm đau, xin đi vệ sinh để giấu tài liệu. Nhưng chúng tôi phát hiện ra, thu giữ được toàn bộ tang vật gồm 2 lạng vàng, 10 đồng bạc trắng hoa xòe, 1.733 đồng, 2 con dấu và nhiều tài liệu như cương lĩnh, điều lệ, kế hoạch xây dựng “khu an toàn”, thư của Huân và Sinh gửi cho các thế lực phản động ở nước ngoài” – Đại tá Côn cho biết.

Với những hành vi trên, Lường Mạnh Huân đã bị kết án tử hình; hàng chục tên trong vụ án bị phạt tù từ 1 đến 20 năm, nhiều tên bị quản chế và bị phạt cảnh cáo. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, được sự chỉ đạo của Bộ Công an, sự phối hợp với các lực lượng và sự giúp đỡ của nhân dân, Công an Thanh Hóa đã đập tan tổ chức phản động nguy hiểm do Lường Mạnh Huân cầm đầu, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn và đánh dấu một mốc son trong lịch sử CAND Việt Nam.

Phương Thủy
.
.