Lực lượng CAND xứng đáng là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân

Bài 2: “Lá chắn thép” đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ bình yên cho nhân dân

Thứ Ba, 28/12/2021, 08:11

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đã nhận diện, xác định các khâu, mắt xích trọng yếu, đột phá vào những lĩnh vực tiềm ẩn sai phạm, đánh trúng, điều tra làm rõ, triệt phá nhiều đường dây, tổ chức tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu lớn...

Năm 2021, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương, sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực, hiệu quả của các tầng lớp nhân dân, lực lượng CAND đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp công tác đề ra, phát huy vai trò nòng cốt, nỗ lực phấn đấu và đạt được toàn diện trên các mặt công tác Công an.

Nổi bật là, do triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống tội phạm nên trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) được bảo đảm, kiềm chế gia tăng tội phạm. Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 37.912 vụ, giảm sâu 11,77% so với cùng kỳ năm 2020 và 17,71% so với năm 2019.

Kiềm chế tội phạm hình sự

Về tội phạm hình sự, nhìn lại năm vừa qua, toàn quốc đã xảy ra 29.234 vụ phạm pháp hình sự, giảm 10,87% so với cùng kỳ năm 2020 (vượt chỉ tiêu đề ra 5,87%). Hầu hết các loại tội phạm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm, các loại tội phạm mang tính bạo lực, tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng đều giảm, như: Cố ý gây thương tích, giết người, cướp tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc... Hoạt động của tội phạm hình sự tiếp tục duy trì kéo giảm, không để tồn tại và hình thành các tuyến, địa bàn, tụ điểm phức tạp, "điểm nóng" về tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội; không để các băng nhóm hoạt động công khai, manh động, thách thức dư luận, gây ra các vụ trọng án mang tính chất thảm án…

Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm, tham mưu với Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48 "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới", ban hành Kết luận số 13 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm. Chủ động ban hành phương án số 03 chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động dự báo, nhận diện tình hình và kịp thời đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên suốt trong và sau đại dịch COVID-19.

Bài 2: “Lá chắn thép” đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ bình yên cho nhân dân -0
Lực lượng Công an chủ động phòng ngừa, trấn áp tội phạm trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tập trung các giải pháp phòng ngừa tội phạm, nhận diện, giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm liên quan đến đại dịch, trong đó, đã hướng dẫn Công an các địa phương điều tra các vụ chống người thi hành công vụ (chủ yếu là chống lại lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 với tính chất manh động, coi thường pháp luật, gây bức xúc trong xã hội); tăng cường điều tra, xử lý theo thủ tục rút gọn; hướng dẫn khám nghiệm hiện trường trong trường hợp liên quan đến COVID-19.

Nhận diện, chủ động xử lý, kịp thời đề xuất Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng Hình sự để bổ sung những căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tin báo, tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh và mở rộng thẩm quyền kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã. Qua đó, tạo điều kiện, phát huy vai trò của Công an xã chính quy trong giải quyết tin báo tội phạm ngay từ ban đầu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", tội phạm mua bán người, trộm cắp tài sản, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng công nghệ cao, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá trên không gian mạng... Triệt xóa 1.310 băng nhóm tội phạm; bắt, thanh loại và vận động đầu thú 5.183 đối tượng truy nã, trong đó 1.457 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm...

Đột phá trong công tác điều tra án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đã nhận diện, xác định các khâu, mắt xích trọng yếu, đột phá vào những lĩnh vực tiềm ẩn sai phạm, đánh trúng, điều tra làm rõ, triệt phá nhiều đường dây, tổ chức tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu lớn, có tính chất lan tỏa rộng rãi, trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, sử dụng tài sản công, vốn đầu tư công, đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường, khoáng sản...

Điểm nổi bật trong năm 2021 là công tác phát hiện, điều tra các vụ án, vụ việc về tham nhũng tiếp tục có bước tiến mạnh, với phương châm "ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn"; "chống tham nhũng ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng". Chất lượng công tác điều tra được nâng cao, nhất là các điều tra mở rộng, xử lý triệt để tội phạm tham nhũng; sự phối hợp giữa công tác trinh sát với hoạt động điều tra tố tụng được tiến hành bài bản, nhuần nhuyễn, tiến độ điều tra được tiến hành khẩn trương, một số vụ án lớn được chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Toàn lực lượng Cảnh sát Kinh tế đã thụ lý điều tra: 554 vụ/1.094 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới: 292 vụ, 635 bị can (tăng 8% về số vụ và 29 % về số bị can).

Đối với các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, nguyên là Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư trường trực Tỉnh ủy... (như bị can Nguyễn Đức Chung, bị can Trần Văn Nam...). Kết quả, đến nay đã kết thúc điều tra 4 vụ/79 bị can, xử lý dứt điểm các vụ án nghiêm trọng, phức tạp như: vụ án Công ty Nhật Cường; Vụ án xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Vụ án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội...

Khắc phục tình trạng "trên nóng dưới lạnh", 100% địa phương có án tham nhũng, tăng cường phân cấp, nhiều địa phương đã làm tốt các vụ án thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo. Đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp xác minh, truy tìm, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản để thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; đã thu hồi tài sản trị giá khoảng 750 tỷ đồng, bao gồm: tiền mặt 26.800 USD, 1.300 cổ phiếu và kê biên 29 bất động sản (điển hình vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Sở Y tế Cần Thơ...).

Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp liên quan đến mặt hàng thiết yếu gây bất ổn thị trường, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phát hiện 4.269 vụ, 6.095 cá nhân, 22 tổ chức phạm tội về trật tự quản lý kinh tế. Điều tra, xử lý 347 vụ buôn lậu, 1.605 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, 84 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, 56 vụ trốn thuế...

Trấn áp tội phạm ma túy, môi trường trong điều kiện dịch bệnh

Tội phạm ma túy trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn hoạt động mạnh trên tuyến Tây Bắc, Bắc miền Trung, Tây Nam; phương thức vận chuyển ma túy đa dạng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đáng chú ý, tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia có dấu hiệu phức tạp trở lại, triệt để lợi dụng tuyến đường biển, đường hàng không để vận chuyển trái phép số lượng lớn ma túy từ nước ngoài về Việt Nam và đi nước thứ ba tiêu thụ. Xuất hiện nhiều đường dây vận chuyển ma túy liên tỉnh, liên tuyến qua biên giới để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao để mua bán trái phép chất ma túy...

Trước tình hình đó, Bộ Công an Việt Nam đã chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch hợp tác toàn diện với Lào về phòng, chống ma tuý từ xa... Phối hợp Bộ Công an Lào xây dựng trụ sở Công an các bản, cụm bản biên giới nhằm bảo đảm ANTT, đấu tranh với tội phạm lợi dụng địa bàn Lào và Việt Nam hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Đặc biệt, Bộ Công an đã chỉ đạo ban hành, thực hiện Phương án về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm để "giăng thiên la, địa võng" trấn áp có hiệu quả tội phạm ma túy tại khu vực biên giới, các thành phố lớn, triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, các tụ điểm ma túy phức tạp.

Chủ động nhận diện và đấu tranh có hiệu quả với các phương thức, thủ đoạn vận chuyển ma túy mới, lợi dụng dịch bệnh phạm tội, như: lợi dụng xe chở lương thực, thực phẩm (xe luồng xanh) để cất giấu ma túy; lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa, quà biếu phi mậu dịch để ngụy trang cất giấu ma túy... Trong năm 2021, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy toàn quốc đã phát hiện hơn 26.000 vụ, bắt giữ hơn 38.000 đối tượng, thu giữ 683,34kg heroin; hơn 2,7 tấn và 2,4 triệu viên ma túy tổng hợp; gần 1 tấn cần sa; 67 khẩu súng quân dụng, 7 lựu đạn và nhiều phương tiện, tài sản liên quan...

Năm 2021, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã kiểm tra, phát hiện 26.364 vụ, 27.523 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm (tăng 4,9% so với năm 2020); khởi tố, đề nghị khởi tố 354 vụ, 447 đối tượng (tăng 30,6% so với năm 2020); xử phạt, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính 23.326 vụ, 3.028 tổ chức, 21.337 cá nhân với tổng số tiền hơn 344 tỷ đồng...

Trong đó, đã tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch; xử lý chất thải y tế, chất thải có liên quan đến phòng, chống dịch bệnh; xả thải gây ô nhiễm môi trường; khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản; vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm; vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã; vi phạm quy định về buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Đặc biệt, đã chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm tội phạm làm lây lan dịch bệnh, gây nguy hiểm cho người, góp phần tích cực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Giảm tai nạn giao thông, phòng ngừa cháy lớn

 Về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), phòng chống cháy nổ, đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là tổ chức thực hiện hiệu quả 3 đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội và dẫn đoàn, bảo vệ các hội nghị, sự kiện trong các dịp lễ, tết. Đặc biệt, đã huy động toàn lực tập trung bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác bảo đảm TTATGT. Nhờ đó, tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 tiêu chí so với năm 2020. Xảy ra 10.135 vụ (giảm 24,67%), làm 5.106 người chết (giảm 17,71%), làm 7.064 người bị thương (giảm 29,42%). Chủ động nắm tình hình, xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm TTATGT, phòng chống ùn tắc giao thông, phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng thời điểm...

Tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội trong công tác Phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn, cứu hộ và công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng; triển khai hiệu quả đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC tại khu vực dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; bảo đảm ANTT, phòng chống cháy nổ và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án huy động lực lượng, phương tiện và tài sản xử lý các tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp... (Còn nữa)

Năm 2021, Bộ Công an đã huy động trên 100.000 CBCS tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, tăng cường lực lượng hỗ trợ các địa phương trọng điểm, phức tạp; thường trực bảo vệ ANTT tại các khu vực cách ly tập trung, các bệnh viện, cơ sở y tế. CBCS toàn lực lượng CAND đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, chấp nhận nguy cơ lây nhiễm COVID-19, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chủ động phối hợp các lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, góp phần ngăn ngừa dịch lây lan.

Quỳnh Vinh - Anh Hiếu
.
.