Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và tầm nhìn chiến lược về công tác đào tạo cán bộ Công an

Thứ Sáu, 19/08/2022, 10:20

Đồng chí Trần Quốc Hoàn là nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước ta. Với hơn 30 năm trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, 28 năm liên tục làm Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí đã cống hiến toàn bộ sức lực, trí tuệ, tâm huyết của mình cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng CNXH, bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Công lao của đồng chí đối với ngành Công an vô cùng to lớn, được khẳng định là người đặt nền móng toàn diện cho công tác Công an trong thời điểm đất nước tiến hành hai cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

7.jpg -0
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) kiểm tra công tác chuẩn bị quân trang, quân dụng phục vụ cán bộ, chiến sĩ CAND chi viện An ninh miền Nam, tại Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân), tháng 2/1962.

Đào tạo gấp rút cán bộ chủ chốt cho lực lượng Công an miền Bắc, bảo vệ vững chắc hậu phương và tích cực chi viện hiệu quả cho An ninh miền Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn nhất quán quan điểm cán bộ là gốc của mọi công tác cách mạng; đào tạo, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Phải khẳng định, công tác đào tạo cán bộ của ngành Công an có từ rất sớm, ngay sau thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945). Một ví dụ cho thấy, ngày 23/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trường Huấn luyện Công an (tiền thân của Học viện ANND sau này) đóng tại 15 Trần Bình Trọng, Hà Nội. Sau đó tại chiến khu Việt Bắc, Người đã thăm, căn dặn cán bộ, học viên nhà trường những điều căn cốt nhất về công tác Công an.

Tiếp nối kinh nghiệm đào tạo cán bộ Công an từ những ngày đầu trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, từ năm 1953, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã thực hiện một chiến lược đột phá trong quan hệ với các nước XHCN anh em bằng việc mời chuyên gia sang Việt Nam đào tạo cán bộ và cử cán bộ Công an Việt Nam sang các nước để học hỏi, bồi dưỡng kiến thức. Đầu tiên là năm 1953, đồng chí Bộ trưởng đề nghị Bộ Công an nước bạn cử 6 chuyên gia sang Việt Nam giúp Trường Công an Trung ương đóng ở Việt Bắc biên soạn một số giáo trình nghiệp vụ và trực tiếp giảng dạy một số chuyên đề nghiệp vụ. Sau đó, năm 1960, Bộ Công an lại cử 10 cán bộ sang bạn để được đào tạo về huấn luyện chó nghiệp vụ, một lĩnh vực rất mới mẻ đối với Công an Việt Nam.

Với Liên Xô, ngay từ năm 1958, đồng chí Bộ trưởng đã cử 6 cán bộ sang để học tập, bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật nghiệp vụ. Hai năm sau, vào tháng 10/1960, đồng chí lại có quyết định cử đoàn cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn sang đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh. Trong số cán bộ được đào tạo đợt đầu tiên, nhiều đồng chí sau này đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, của ngành Công an như đồng chí Bùi Thiện Ngộ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Trần Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Phạm Tâm Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an...

Trong những năm sau đó, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã cử nhiều cán bộ có trình độ văn hóa khá, bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng sang một loạt nước XHCN như Liên Xô, Ba Lan, CHDC Đức để đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ bảo vệ An ninh quốc gia và khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật nghiệp vụ chuyên ngành. Vì thế, ngành Công an dần hình thành một đội ngũ cán bộ đầu đàn, mới mẻ về an ninh, về kỹ thuật hình sự, về phòng cháy, chữa cháy. Nhiều cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên sâu, nhiều người phấn đấu trở thành nhà khoa học có uy tín, họ là “những viên gạch hồng” đầu tiên đặt nền móng hình thành Viện Khoa học hình sự, các bộ môn trường đại học Công an.

Tuy nhiên, “tự lực cánh sinh” trong công tác đào tạo cán bộ mới là chỉ đạo sáng suốt của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Suốt 28 năm làm Bộ trưởng, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã có những quyết sách chủ động đào tạo cán bộ ở trong nước kịp đáp ứng nhiệm vụ của ngành Công an. Năm 1953, Trường Công an Trung cấp được nâng lên thành Trường Công an Trung ương, đích thân đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Hiệu trưởng suốt hơn 10 năm đầu, thậm chí đồng chí còn trực tiếp giảng dạy chuyên đề tính chất, nhiệm vụ công tác Công an cho một số khóa học.

Theo lời đồng chí Trần Đông, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an: “Ngay từ đầu, những giáo trình giảng dạy các trường Công an, chúng tôi còn thấy đậm nét chữ ký của đồng chí Trần Quốc Hoàn, thậm chí ở từng trang”. Với tác phong khẩn trương, với tầm nhìn chiến lược, đồng chí Bộ trưởng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Trường Công an Trung ương là trường đại học từ năm 1964 để năm 1969, nhà trường đã chiêu sinh khóa đầu tiên (D1) đào tạo theo chương trình đại học.

Theo lời kể của Trung tướng, GS.TS Nguyễn Văn Thắng, nguyên Giám đốc Học viện ANND, đồng chí Bộ trưởng là người duyệt mục tiêu, chương trình đào tạo và trực tiếp ra đề thi tốt nghiệp các môn lý luận chính trị, pháp luật, nghiệp vụ Công an cho các khóa học này.

Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo thành lập thêm một số trường Công an nhằm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nghiệp vụ và kiến thức toàn diện cho đội ngũ cán bộ, tạo nên hệ thống hoàn chỉnh công tác đào tạo cán bộ trong tương lai. Tất cả những quyết sách ấy của Bộ trưởng trong công tác đào tạo cán bộ vừa toàn diện, cơ bản, vừa chuyên sâu, sát yêu cầu thực tiễn, vừa có hiệu quả to lớn, đặt nền móng vững chắc cho công tác đào tạo cán bộ sau này.

Đào tạo cán bộ cho An ninh miền Nam đáp ứng yêu cầu chiến đấu tại chiến trường, chuẩn bị lãnh đạo chủ chốt Công an sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ngay từ năm 1955, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã thành lập “Tổ cán bộ miền Nam”, năm 1957 đổi tên thành “Bộ phận cán bộ miền Nam” thuộc Vụ Tổ chức cán bộ, chuyên lo việc chuẩn bị cán bộ chi viện cho An ninh miền Nam. Ngay từ năm 1959, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo tuyển chọn  gần 1.000 cán bộ hạ sĩ quan Quân đội sang ngành Công an đào tạo chi viện cho An ninh miền Nam. Với quan điểm chỉ đạo dành những gì tốt nhất cho An ninh miền Nam, năm 1961, đồng chí Bộ trưởng chọn gần 300 cán bộ là Phó Cục trưởng, Phó Trưởng ty về Trường Công an Trung ương huấn luyện, bồi dưỡng trước khi chi viện chiến trường.

Đã có hơn 1 vạn cán bộ thuộc Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành miền Bắc được lựa chọn kỹ càng về Trường Công an Trung ương để đào tạo, huấn luyện trước khi chi viện. Tính từ năm 1959 đến ngày 30/4/1975, Bộ Công an đã chi viện 11.038 cán bộ, chiến sĩ trong đó có 3.000 đồng chí CAND vũ trang. Đây là những cán bộ có tinh thần xung phong gương mẫu, được đào tạo, huấn luyện bài bản làm hạt nhân cùng với lực lượng An ninh miền Nam chiến đấu dũng cảm, hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ở một hướng khác, để tích cực, khẩn trương đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ Công an chi viện cho An ninh miền Nam, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã quyết định thành lập Trường Đào tạo cán bộ An ninh miền Nam tại huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc (tiền thân của Học viện Chính trị CAND ngày nay). Ngôi trường có nhiệm vụ thiêng liêng là bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và văn hóa cho các đồng chí An ninh miền Nam và con em của họ để đưa về miền Nam công tác, chiến đấu; đồng thời chuẩn bị cho kế hoạch bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự xã hội trong cả nước sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Hơn 4 năm tồn tại, trường đã có 5.425 lượt học viên được đào tạo và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Song song với công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ và chi viện, nhận thấy trước tình hình cấp bách phải đào tạo tại chỗ cho lực lượng An ninh miền Nam, ngay từ năm 1963, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cùng lãnh đạo Bộ Công an trao đổi thống nhất với Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam vào ngày 9/10/1963 tại huyện Tân Biên, Tây Ninh (tiền thân của Trường Đại học An ninh sau này). Trong 14 năm vừa giảng dạy, vừa trực tiếp chiến đấu với sự tấn công ác liệt của Mỹ - ngụy, phải di dời đến 8 địa điểm khác nhau, trong đó có 3 lần phải dạt sang đất bạn Campuchia nhưng dưới những tán lá rừng bí mật, những bài học đầu tiên về trấn áp phản cách mạng, gián điệp, bảo vệ an ninh vùng giải phóng, nghiệp vụ điều tra... đã được học viên nghiền ngẫm qua những tài liệu chép tay thô mộc hay những “giáo án sống” ám khói chiến trường qua trí nhớ của những người thầy. Đó là một sáng tạo về huấn luyện, đào tạo cán bộ nhanh nhất, hiệu quả nhất đối với lực lượng An ninh miền Nam đang trực tiếp chiến đấu với kẻ thù.

Có thể nói trong thời kỳ cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải  phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975), công tác đào tạo cán bộ cho ngành Công an gắn với công lao và tên tuổi của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Đúng như lời đồng chí Trần Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đã nói: “Ngay từ những năm đầu cho đến những năm sau này, anh Trần Quốc Hoàn  đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt, chú trọng việc đào tạo cán bộ trong các dân tộc thiểu số, đào tạo đội ngũ cán bộ không chỉ phục vụ trước mắt mà còn phục vụ lâu dài”.

Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Hồng Thái
.
.