Giải pháp nào để ngăn chặn lừa đảo trực tuyến đang biến hóa khôn lường?

Cần sự quyết tâm chung tay từ nhiều phía (Bài cuối)

Thứ Năm, 07/12/2023, 22:43

Theo các chuyên gia, công nghệ thay đổi hàng ngày. Công nghệ và không gian mạng chỉ là công cụ được các đối tượng lừa đảo trực tuyến sử dụng. Trong bối cảnh các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng diễn biến phức tạp, cuộc chiến phòng, chống lừa đảo trực tuyến cần phải có sự tham gia, góp sức của tất cả các bộ, ngành liên quan với nhiều các giải pháp đồng bộ từ công nghệ, kỹ thuật đến pháp lý.

Song song với đó, cũng cần tuyên tuyền rộng rãi để người dân có kiến thức, kỹ năng nhận biết dấu hiệu, cảnh giác với các hình thức lừa đảo trực tuyến để chủ động phòng tránh.

Phối hợp liên ngành trong phòng, chống lừa đảo trực tuyến

Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết: Gốc rễ của những vụ lừa đảo trực tuyến phần lớn liên quan đến lừa đảo tài chính. Vấn nạn lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra trong thời gian qua là do vẫn tồn tại những tài khoản ngân hàng không chính chủ cùng với sự hỗ trợ của SIM rác. Những đối tượng lừa đảo sẵn sàng bỏ tiền ra mua các tài khoản ngân hàng không chính chủ với giá rẻ trên mạng (bài trước chúng tôi đã phân tích, đề cập – PV).

Chính vì vậy, việc xử lý vấn nạn này cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc ngăn chặn các tài khoản ngân hàng không chính chủ, đồng bộ thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm ngăn chặn tình trạng SIM rác, tài khoản giả mạo. Nếu xử lý triệt để vấn đề này thì vấn nạn lừa đảo trực tuyến chắc chắn sẽ giảm mạnh.

00a16f2f-ec22-43d0-b0de-204224964423.jpg -0
Cần nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho cộng đồng để người dân không bị lừa đảo trực tuyến. Ảnh minh họa

Chia sẻ tại cuộc họp báo tháng 10 của Bộ TT&TT, Thượng tá Phạm Công Hải, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang ngày càng gia tăng, nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao đã được lực lượng Công an phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai.

Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trên toàn quốc qua nhiều kênh và dưới nhiều hình thức, các đơn vị của Bộ Công an cùng Công an các địa phương cũng đã chủ động nắm tình hình, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh.

Cùng với đó, lực lượng Công an cũng tổ chức tốt các công tác giải quyết tin báo tố giác tội phạm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc lợi dụng không gian mạng để hoạt động vi phạm pháp luật.

Trong tháng 9 vừa qua, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ TT&TT rà soát và ngăn chặn trên 2.400 website, tài khoản ứng dụng vi phạm pháp luật như các trang mạng hoạt động tổ chức đánh bạc, quảng cáo cờ bạc lô đề; trang mạng liên quan đến trò chơi có tính chất cờ bạc; website, tài khoản rao bán bằng cấp giả; những hội nhóm rao bán tài khoản cá nhân.

Ngoài ra, lực lượng Công an còn phối hợp chặt chẽ với NHNN để có giải pháp ngăn chặn các hoạt động thanh toán liên quan đến những hành vi vi phạm pháp luật nói chung và lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng; trong đó có việc bàn giải pháp làm thế nào ngăn chặn dòng tiền vi phạm pháp luật, ví dụ như tính đến giải pháp định ra một lượng tiền nào đó thì cần xác thực sinh trắc học.

Ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cũng thông tin: Trước diễn biến phức tạp này, NHNN đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để thực hiện nhiều nội dung triển khai Đề án 06 của Chính phủ, trong đó có kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm sạch dữ liệu khách hàng, thông tin nhận biết khách hàng để góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo tùy thân để mở tài khoản thanh toán.

Kết quả triển khai cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2023, 27 tổ chức tín dụng đã liên hệ làm việc với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an để làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán; có 7 tổ chức tín dụng đang liên hệ để triển khai ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử; 5 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo các loại giấy tờ với dữ liệu sinh trắc của CCCD phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, thực hiện kiểm tra hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại một số ngân hàng.

“Thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với Bộ TT&TT để có phương án hỗ trợ các ngân hàng làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin đăng ký tài khoản ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động, góp phần phòng, chống tội phạm mạng”, ông Tuyên cho hay.

Trang bị kiến thức, kỹ năng số cho người dùng

Theo lãnh đạo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng được xác định đến từ sự thiếu hụt về nhận thức cũng như kỹ năng số của người sử dụng. Vì thế, Cục An toàn thông tin cho rằng, cần có sự kết hợp giữa các biện pháp công nghệ, kỹ thuật và giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và cảnh giác của người dùng trước các hình thức lừa đảo trực tuyến. Khi mỗi người dân, mỗi đối tượng yếu thế biết được cách nhận diện các hình thức lừa đảo, họ sẽ tự bảo vệ mình và giảm thiểu rủi ro, góp phần giảm bớt vấn nạn lừa đảo trực tuyến.

Từ đầu năm 2023 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, Cục An toàn thông tin đã phát động và đẩy mạnh chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến” để tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vấn đề lừa đảo trực tuyến và được tất cả các bộ, ngành địa phương trên cả nước hưởng ứng.

Cục An toàn Thông tin cùng các thành viên trong “Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng” đã công bố chi tiết 24 hình thức lừa đảo trực tuyến tiềm ẩn trên không gian mạng, để mọi người biết và phòng tránh tại địa chỉ website của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia; biên soạn tài liệu chuyên biệt có tên gọi “Cẩm nang nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến” và đăng tải công khai trên mạng internet, nhiều kênh thông tin với mong muốn người dân tiếp cận được đầy đủ về các trường hợp, tình huống lừa đảo, từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân và người xung quanh không mắc bẫy lừa đảo.

“Trước đây, khi xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới phải một thời gian sau cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này mới nắm được thông tin. Hiện nay, người dân đã nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng khi gặp lừa đảo trực tuyến thông qua Cổng Không gian mạng quốc gia, từ đó cơ quan chức năng kịp thời phát đi các thông tin cảnh báo, ngăn chặn, giảm thiểu lừa đảo trực tuyến. Đây là những chuyển biến nhận thức, hành động quan trọng của người dân để chung tay phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng”, lãnh đạo Cục An toàn thông tin chia sẻ.

Về kết quả xử lý, ngăn chặn SIM rác, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết: Bộ TT&TT đã tiến hành đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xử lý và lọc ra 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp. Sau khi thông báo, đã có 7,15 triệu thuê bao tiến hành chuẩn hóa lại thông tin. Đến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã loại bỏ 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống. Đây là các SIM mà chủ thuê bao không tiến hành cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đang tập trung yêu cầu nhà mạng kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi phát triển thuê bao mới. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện cam kết của các nhà mạng về dừng phát triển thuê bao qua đại lý và công bố công khai các trường hợp vi phạm cam kết, có biện pháp xử lý phù hợp. Bộ TT&TT cũng đề nghị người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, chỉ sử dụng SIM chính chủ. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh số điện thoại đã gắn liền với tài khoản ngân hàng và ứng dụng định danh điện tử (VNeID) của mỗi người. Do đó, các đối tượng lấy thông tin cá nhân để đăng ký hộ SIM điện thoại cho người khác sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Còn theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT đã hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP để trình Chính phủ. Trong đó, Bộ TT&TT đã đề xuất bổ sung thêm nhiều quy định để quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet, nhằm loại bỏ tính ẩn danh trên mạng và vấn nạn lừa đảo trực tuyến như: Yêu cầu các mạng xã hội trong và ngoài nước phải thực hiện xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam.

Huyền Thanh
.
.
.