Cần lộ trình phù hợp trong hạn chế phương tiện cá nhân

Bài 1: Nên cấm xe máy khi phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu

Thứ Hai, 18/03/2019, 13:09
Nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, Hà Nội tới đây sẽ đưa ra các giải pháp “mạnh” hạn chế phương tiện cá nhân như cấm xe máy ở một số khu vực, tăng phí, thu phí vào nội đô…


Thế nhưng, dường như các giải pháp mà cơ quan chức năng đang đưa ra chưa thuyết phục được đa số người dân. Bởi lẽ, nhiều người cho rằng, mấu chốt vấn đề là ở một giải pháp có tính đồng bộ, như xây dựng hạ tầng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch dân cư, là ở ý thức giao thông…, chứ không phải đơn thuần dùng các biện pháp hành chính là cấm, thu phí… là vấn nạn ùn tắc được giải quyết.

Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, việc cấm xe máy có thể không phải đợi đến năm 2030, mà có thể thực hiện thí điểm sớm tại các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi - Hà Đông, sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động. Trước thông tin này, hàng triệu người dân đi xe máy lâm cảnh “đứng ngồi không yên”…

Thực tế chưa đủ sức thuyết phục

Theo ghi nhận, tại 2 tuyến đường mà Hà Nội đang nghiên cứu dự kiến sẽ thí điểm cấm xe mày là Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi, mật độ người tham gia giao thông luôn trong tình trạng đông nghịt, bất kể giờ nào.

Một đồng chí Đội phó Đội CSGT số 7, đơn vị làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên hai trục đường này chia sẻ: Nếu ở các tuyến đường khác chỉ cần bố trí 3-4 cán bộ túc trực mỗi chốt, thì ở đây, mỗi chốt có tới 6-7 người/ca, dọc tuyến có khi tới hơn 20 CSGT cùng làm nhiệm vụ. Chỉ lơ là một chút là ùn ứ có thể xảy ra.

Trước thực trạng này, nhiều người dân lo lắng đặt câu hỏi, nếu cấm xe, họ sẽ đi bằng gì? 

Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: “Sau khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào hoạt động, Sở GTVT có thể lựa chọn 1 trong 2 tuyến đường nói trên để dừng hoạt động xe máy”.

Vị này cũng cho hay, hiện khu vực trung tâm của Hà Nội không thiếu phương tiện giao thông công cộng, một số tuyến phố đã đủ điều kiện về hạ tầng, tuy nhiên người dân vẫn có thói quen đi xe máy. Vì vậy, song hành với đầu tư cho vận tải hành khách công cộng cũng cần có biện pháp hạn chế xe máy để người dân chuyển sang phương tiện công cộng

Dòng phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Trãi vào giờ cao điểm.

Đúng là để giảm ùn tắc, người dân nên hạn chế di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Nhưng nhìn lại thực tế ở hai đường này, phương tiện công cộng đang có gì? Tuyến xe buýt nhanh từ bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đến Kim Mã (quận Ba Đình) có chiều dài gần 15km đang tồn tại nhiều bất cập. Dù là tuyến buýt nhanh, song tốc độ di chuyển không khác buýt thường, vẫn phải lưu thông rất chậm chạp và bị bủa vây bởi các phương tiện ôtô, xe máy lấn làn.

Sau hơn hai năm vận hành tuyến buýt nhanh BRT, đường Lê Văn Lương thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc, lộn xộn. Bên cạnh đó, trên đường Nguyễn Trãi, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông tính đến nay cũng đã chậm tiến độ tới vài năm.

Dự kiến tháng 4 tới đây sẽ được Bộ GTVT bàn giao về cho Hà Nội để chính thức vận hành thương mại. Trên tuyến sẽ có 12 nhà ga trên cao. Với 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa có sức chứa khoảng 1.000 khách. Tần suất khai thác 3-5phút/chuyến.

Ngoài các phương tiện trên, hiện trên trục đường Nguyễn Trãi-Thanh Xuân, mỗi giờ có khoảng 185 lượt xe buýt thường hoạt động, với khả năng vận chuyển nhiều nhất khoảng 20.000 khách. 

Trên trục đường Lê Văn Lương thì lượng xe buýt hoạt động ít hơn, với chừng 55 lượt xe/giờ, vận chuyển được khoảng 6.200 khách. Sau khi có cái nhìn sơ bộ về các phương tiện công cộng đang hoạt động ở hai tuyến đường kể trên, câu hỏi được đặt ra, mỗi giờ có bao nhiêu phương tiện là xe máy lưu thông trên các tuyến đường này? Liệu các phương tiện xe buýt, tàu điện có đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân?

“Vấn đè này chúng tôi đang phối hợp với Viện chiến lược, Bộ GTVT nghiên cứu. Có thể vào cuối năm sẽ có kết quả”, ông Vũ Văn Viện hồi âm khi phóng viên đặt câu hỏi.

Nói là vậy, trong trường hợp Hà Nội tăng khả năng phục vụ của xe buýt hay tàu tiện trên cao thì một vấn đề người dân lo ngại nữa là điểm trông giữ xe ở hai đầu bến của tuyến đường sắt đô thị (Yên Nghĩa và Hào Nam).

Giờ chỉ cần quan sát bằng mắt thường khu vực ga Hào Nam, người dân ai cũng có thể thấy rằng không đủ khả năng để cùng lúc trông giữ một lượng xe máy lớn… Đấy là chưa kể, đi tàu điện hay xe buýt hết trục đường cấm thì người dân sẽ lưu thông vào các tuyến đường lân cận như thế nào?

Chuyên gia lo ngại việc cấm xe ảnh hưởng đến giờ học, giờ làm

Liên quan đến vấn đề này, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia bày tỏ, nếu cấm xe máy lưu thông trên các tuyến dài như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương rất dễ thất bại và gây khổ sở cho người dân, đồng thời khiến tình trạng ùn tắc ở các tuyến đường khác thêm trầm trọng hơn.

“Đây là hai tuyến giao thông huyết mạch, kéo dài, nếu cấm xe máy sẽ chuyển sang đường khác để đi. Như đường Lê Văn Lương và Trần Duy Hưng chia sẻ giao thông cho nhau. Nếu cấm ở đường Lê Văn Lương, xe máy sẽ dồn sang đường Trần Duy Hưng và gây ra ùn tắc hơn”, ông Tạo phân tích.

Chuyên gia này cũng cho rằng, tuy đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi đã hoặc sắp có buýt nhanh BRT, tàu đường sắt đô thị nhưng cũng chỉ là phương tiện phối hợp, không thể thay thế hoàn toàn được xe máy. Bởi buýt BRT, tàu điện chưa trở thành mạng lưới khép kín để người dân đi từ điểm đầu đến điểm cuối.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Xuân Thủy, người có kinh nghiệm hơn 40 năm nghiên cứu giao thông cho rằng, Hà Nội thí điểm cấm xe máy đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học, việc làm của người dân nếu phương tiện công cộng không đủ năng lực như kỳ vọng.

"Hai trục đường chính đi vào thành phố nếu cấm, người dân sẽ đi lại bằng cách nào, trong khi những tuyến đường này lại rất dài và là huyết mạch đi vào trung tâm. TP Hà Nội muốn cấm xe máy phải có giao thông công cộng phát triển, điểm đỗ taxi, xe buýt kết nối được với xe điện, đường sắt trên cao thuận tiện giá rẻ hơn đi phương tiện cá nhân... Như cầu vượt Láng Hạ - Hà Nội, dù cắm biển cấm xe máy đi lên trong giờ cao điểm, cấm phương tiện cá nhân lấn làn buýt nhanh BRT nhưng dân vẫn đi, vẫn vi phạm vì họ thấy bất tiện, ùn tắc gây muộn giờ làm", TS. Thủy bày tỏ. 

Theo một nguồn tin cho hay, Sở GTVT Hà Nội dự kiến sẽ nghiên cứu cấm xe máy trên đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi vào năm 2019-2020. Không chỉ hai tuyến đường này, sau khi tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên các tuyến đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy); Giải Phóng (đoạn từ Vành đai 3 - Đại Cồ Việt), Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ cầu vượt Long Biên - cầu Chương Dương).
Phạm Huyền
.
.
.