Giao thông ngày đầu nghỉ lễ:

Dịch diễn biến phức tạp, người dân vẫn ùn ùn rời Thủ đô

Thứ Bảy, 01/05/2021, 07:07
Ngày 30/4, dù tình hình dịch COVID-19 lại có diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành, song do vào kỳ nghỉ lễ dài ngày nên nhiều người dân vẫn không ngần ngại rời “Thủ đô” đi về quê hay nghỉ lễ. Ngay từ sáng sớm ngày 30/4, xung quanh khu vực các bến xe, đường ra cửa ngõ Hà Nội đã đông nghịt người và phương tiện lưu thông…


Nhiều tuyến đường cửa ngõ Hà Nội ùn tắc cục bộ

Ghi nhận của phóng viên, tại các bến xe lớn như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm..., từ hơn 6h sáng, nhân viên của các bến xe đã căng mình phục vụ do lượng khách đến đông nghịt. Mặc dù đông khách, song nhân viên bến xe vẫn triển khai các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, đo nhiệt độ cho tất cả hành khách theo quy định.

Tại khu vực ngồi chờ, ban đầu nhiều hành khách ngồi giãn cách theo quy định. Song chỉ ít lâu sau, khi lượng khách ùn ùn kéo tới, chỗ ngồi thiếu khiến khoảng cách không còn an toàn để phòng, chống dịch. Đáng nói, nhiều người vẫn quên đeo khẩu trang cho con nhỏ.

Do quy định chặt chẽ của bến xe nên nhiều nhà xe đón đủ lượng khách là đóng cửa, không thấy hiện tượng nhồi nhét khách từ trong bến. Song quan sát bên ngoài, tại các tuyến đường gần khu vực bến xe như: Phạm Hùng, nút giao Pháp Vân, đường Giải Phóng, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng... xảy ra ùn tắc cục bộ. Cũng vì đường ùn ứ nên còn hiện tượng nhà xe tranh thủ “vợt khách” đứng chờ ngoài đường.

Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, trong sáng 30/4, lượng khách tới bến so với ngày thường tăng gấp 1,5 - 2 lần, đông nhất là các tuyến cự ly ngắn đi các tỉnh: Việt Trì, Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang…

Sáng 30/4, nhiều chuyến xe khách rời bến đã chật kín chỗ.

Tính ra trong sáng 30/4 có gần 500 lượt xe xuất bến, không có nhà xe nào tăng giá. Cùng đó, bến xe cũng huy động 100% cán bộ, nhân viên phục vụ tốt nhất công tác phòng chống dịch COVID-19, nhu cầu của hành khách.

Trao đổi nhanh với phóng viên, chỉ huy Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3, Cục CSGT (Bộ Công an) - đơn vị phụ trách tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình cho hay, đến đầu giờ chiều, tuyến cao tốc này đang tạm thông thoáng, các phương tiện lưu thông bình thường. "Nhưng trong buổi sáng, nhất là từ khoảng 9h đến trưa, tuyến đường này có nhiều đoạn ùn ứ do lượng phương tiện rời Hà Nội để đi các tỉnh phía Nam tăng đột biến. Trong khi đó, trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn gần nút giao Cao Bồ (hướng từ Hà Nội - Ninh Bình), doanh nghiệp đang mở rộng tuyến đường nên giao thông qua lại khó khăn hơn. Đây cũng là một nguyên nhân ùn tắc", chỉ huy Đội 3 cho hay.

Tương tự, tại tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, lực lượng CSGT túc trực trên tuyến thông tin, sáng 30/4, hiện tượng ùn ứ giao thông cục bộ trên một số đoạn và chỉ xảy ra trong khoảng 2 tiếng từ 9h đến hơn 10h, sau đó tuyến tuyến đường này lại lưu thông bình thường.

Các hãng không được bán quá số chỗ đã được cấp

Trước tình trạng hành khách tăng đột biến, quá tải tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã phải tổ chức họp khẩn. Theo Bộ trưởng, tình trạng quá tải xuất phát từ các nguyên nhân như phải kiểm tra, khai báo y tế bắt buộc; kiểm tra soi chiếu an ninh; việc sử dụng số lượng slot được phân bổ cho các hãng hàng không, điều phối các chuyến bay cất/hạ cánh, phân bổ khai thác tại các nhà ga chưa hợp lý...

Khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tổng hợp số liệu các chuyến bay và phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân để xây dựng các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ, quá tải, chậm, hủy chuyến. Cục Hàng không Việt Nam cũng cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để kịp thời có các chế tài xử phạt đối với các hãng hàng không để xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến vì lý do thương mại và cơ chế bồi thường cho khách hàng thỏa đáng trong trường hợp chậm, hủy chuyến do lỗi chủ quan của các hãng hàng không.

Cùng đó, cơ quan này cần triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tăng chỉ số đúng giờ (OTP); Điều chỉnh việc đánh giá chỉ số OTP theo lịch mùa; nghiên cứu điều chỉnh tiêu chí đánh giá chỉ số OTP gồm giờ cất và hạ cánh; Tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ việc sử dụng slot của các hãng hàng không.

Trong giai đoạn chưa có các chuyến bay thương mại thường lệ quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo phân bổ thêm các slot quốc tế cho nhu cầu bay nội địa. Các hãng hàng không phải thông báo các slot không có kế hoạch sử dụng về Cục Hàng không Việt Nam trong thời gian tối thiểu 10 ngày; Cho phép các hãng hàng không trong cùng một tổ chức được điều chỉnh slot nội bộ.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các hãng hàng không để kịp thời xử lý, chấn chỉnh tình trạng cung ứng dịch vụ hàng không không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của quy trình, quy phạm về an ninh, an toàn hàng không...; Rà soát, đánh giá và nghiên cứu ban hành quy định về tỷ lệ diện tích mặt bằng đối với dịch vụ phi hàng không tại các cảng hàng không.

Đối với các hãng hàng không, Bộ GTVT yêu cầu tuân thủ nghiêm các quy định về an ninh, an toàn hàng không, tuyệt đối không được bán vé quá slot đã được cấp; khắc phục ngay tình trạng hủy chuyến, chậm chuyến, dồn chuyến bay vì lý do thương mại, đảm bảo quyền lợi của hành khách. Các hãng hàng không cũng chịu trách nhiệm về việc hướng dẫn, kiểm soát khai báo y tế bắt buộc đối với hành khách; tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn hành khách làm thủ tục hàng không và khai báo y tế online.

Công bố 9 số điện thoại đường dây nóng

Ủy ban ATGT quốc gia vừa công bố 9 số điện thoại đường dây nóng của các đơn vị tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình trật tự ATGT, tai nạn, sự cố giao thông và vận tải dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Theo đó, phản ánh các vi phạm trong lĩnh vực đường bộ như: Chở quá số người, tăng giá vé quá quy định, nhồi nhét và chèn ép hành khách, chạy sai luồng tuyến, dừng đón trả khách sai quy định, ùn tắc giao thông và các vi phạm khác (uống rượu bia khi lái xe, sử dụng điện thoại, sử dụng ma túy, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm tốc độ, vận chuyển hàng cấm, nguy cơ cháy, nổ), tai nạn giao thông... liên hệ số điện thoại: 0995.676.767, hoặc số 069.2342608 (Cục CSGT).

Phản ánh các thông tin về tình trạng quá tải tại nhà ga, bến xe; công tác bán vé, hành vi tăng giá vé quá quy định, chạy sai luồng tuyến liên hệ số điện thoại: 0912.125.055 (Vụ Vận tải - Tổng cục Đường bộ Việt Nam).

Phản ánh các bất cập về tổ chức giao thông, về đường sá, đèn tín hiệu, chở quá tải trọng, ùn tắc giao thông trên cao tốc và các quốc lộ liên hệ số điện thoại: 0916.608.085. Những bất cập về tổ chức giao thông, đường sá trên địa bàn địa phương liên hệ đường dây nóng về trật tự ATGT do địa phương công bố trên cổng thông tin điện tử của UBND, Công an, Sở GTVT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Để phản ánh và được giải đáp thông tin về đường sắt liên hệ số điện thoại: 0865.367.565. Phản ánh và được giải đáp thông tin về hàng không liên hệ số điện thoại: 0916.562.119.

Để phản ánh và được giải đáp thông tin về đường thủy liên hệ số điện thoại: 0243.8451888. Phản ánh chung về tình hình trật tự ATGT, tai nạn giao thông liên hệ số điện thoại: 0819.115.911 (Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia).

Đặng Nhật
.
.
.