Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được tăng vốn hơn 2.830 tỷ đồng

Thứ Sáu, 02/08/2019, 08:15
Ngày 1-8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để đạt yêu cầu thông tuyến vào năm 2020 và năm 2021 hoàn thành đưa vào sử dụng, theo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang, doanh nghiệp dự án và các bên có liên quan cần thống nhất cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ công trình. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại liên quan cần vào cuộc, kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết nguồn vốn tín dụng cho vay, kiên quyết không để công trình thêm một lần lỗi hẹn”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Hưởng - Chủ  tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, các bên đã thống nhất tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên khoảng 12.500 tỷ đồng, tăng hơn 2.833 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư theo quyết định của Bộ GTVT vào năm 2017. Ngày 2-8, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ ký phê duyệt tổng mức đầu tư được điều chỉnh, sau đó làm việc với ngân hàng giải quyết vướng mắc về vốn vay. 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, từ sau khi chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang, tỉnh phối hợp nhà đầu tư dự án trao đổi, giải quyết các kiến nghị còn vướng mắc. Tổ chức xác định khối lượng hiện trường đã thực hiện trước ngày chuyển đổi và ký kết phụ lục hợp đồng với doanh nghiệp dự án.

Tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cuối năm 2020 thông tuyến và khánh thành dự án Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2021. 

Chính phủ, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận quyết liệt làm việc và đến nay giải quyết được hai vấn đề lớn, trong đó nguồn vốn là cốt lõi nhất. Dự án này có 3 nguồn vốn, vốn sở hữu của chủ đầu tư đã giải ngân gần 2.500 tỷ đồng; vốn hỗ trợ ngân sách Nhà nước được ghi là 2.186 tỷ đồng và vốn tín dụng. Tại buổi họp với Chính phủ, ngân hàng nhà nước cam kết sẽ tài trợ cho dự án, chủ lực là Ngân hàng VietinBank sớm giải ngân. 

“Sau khi tỉnh Tiền Giang phê duyệt tổng mức đầu dự án được điều chỉnh, chúng tôi sẽ cùng với lãnh đạo tỉnh làm việc ngay với ngân hàng đầu mối và ngân hàng Nhà nước giải quyết dứt điểm nguồn vốn vay”, ông Mai Mạnh Hồng nói.

Hiện nay, trên công trường hiện tại 21/21 gói thầu đang triển khai thi công. Từ năm 2009, dự án được khởi động đến 2-2019 chỉ đạt khoảng 10% khối lượng công trình. Từ tháng 3-2019, sau khi tái khởi động nhà thầu đã thi công lên đến 25% khối lượng công trình.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ngày 31-7 vừa qua, tỉnh Tiền Giang cùng với doanh nghiệp dự án thảo luận nhiều nội dung vướng mắc. Trong cuộc họp ngày 1-8, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang, các bộ ngành có liên quan cùng với doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư giải quyết và thống nhất xong các nội dung điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án.

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51,1km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa nối đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 30 có tổng mức đầu tư 9.669 tỷ đồng. 

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, có 3.292 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng số tiền đền bù giải phóng mặt bằng hơn 1.689 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Tiền Giang bàn giao 50,77km mặt bằng, đạt 99,34%. UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ đền bù các hộ còn lại, bàn giao dứt điểm mặt bằng cho doanh nghiệp dự án.

Nhiều tồn tại liên quan đến tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Nam

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về việc giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến dự án đườngcao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đoạn qua tỉnh Quảng Nam.

Theo công văn, hiện nay, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua tỉnh Quảng Nam, còn một số tồn tại, ảnh hưởng đến an toàn giao thông (ATGT), đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Trong thời gian qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và UBND tỉnh Quảng Nam nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT, VEC nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Cụ thể, các đoạn tuyến vuốt nối nút giao Hà Lam với Quốc lộ 14E và vuốt nối nút giao Tam Kỳ với Quốc lộ 40B, có chiều dài mỗi đoạn tuyến khoảng 300m chưa triển khai thi công theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, gây mất ATGT. 

Hiện tại, trên mỗi đoạn tuyến này chỉ còn một vài hộ dân chưa đồng thuận, chưa bàn giao mặt bằng và trong thời gian qua, VEC và BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, thiết bị máy móc để thi công phần mặt bằng đã được bàn giao nên chính quyền địa phương chưa thể phối hợp thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm giải quyết dứt điểm một số trường hợp còn tồn tại về mặt bằng trên tuyến. 

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị gia cố hạ lưu cầu LRB06 và mố A2 cầu Kỳ Lam (thuộc địa phận thị xã Điện Bàn), hoàn trả các tuyến đường địa phương. Ngoài ra, trên tuyến đường cao tốc đoạn qua tỉnh Quảng Nam còn khoảng 6km chưa lắp đặt hàng rào bảo vệ, gây mất ATGT, các địa phương có đề nghị dịch chuyển khoảng 3,3km hàng rào bảo vệ có lối đi lại phục vụ sản xuất nhưng chưa được chủ đầu tư dự án giải quyết; các tuyến đường ngang, đường gom cũng thi công dở dang hoặc chưa triển khai; nhiều cống chui bị ngập úng; nhiều kênh mương, thủy lợi bị ảnh hưởng; vấn đề bồi thường, hỗ trợ rung nứt nhà và bồi lấp đất canh tác vẫn chưa được giải quyết. 

Hà Vy

Văn Vĩnh
.
.
.