Giải pháp nào đủ mạnh để xử lý dứt điểm “bến cóc, xe dù”?

Chủ Nhật, 05/11/2017, 06:00
Mới đây, Báo CAND có bài phản ánh về tình trạng “bến cóc, xe dù” vẫn hoạt động bát nháo trên nhiều tuyến đường Hà Nội. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, vì sao “bến cóc” có thể tồn tại lâu thế, vì sao không thể làm dứt điểm?

Ngày 3-11, trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thanh tra giao thông vận tải cũng thừa nhận thực tế trên, đồng thời vị này cho rằng, với hạ tầng giao thông như hiện tại, cơ quan chức năng khó xử lý triệt để được vi phạm...

Xử lý điểm cũ, phát sinh điểm mới

Mở đầu buổi trao đổi, ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, 83 điểm “bến cóc” mà phía Thanh tra Sở báo cáo lên cấp trên là dựa trên thực tế lực lượng này ghi nhận được, đồng thời qua cả phản ánh của người dân về đường dây nóng. Đến nay còn 8 điểm chưa thể giải quyết dứt điểm vì lực lượng chức năng mỏng (mỗi đội chỉ có 20 người quản lý địa bàn cả quận), cứ phân công cán bộ đứng chốt trên đầu đường thì họ lại dừng phía dưới, hoặc một nơi “vắng” bóng lực lượng chức năng.

“Với hạ tầng thế này, khó xử lý triệt để”, ông Hải phân trần. Song vị này cũng thông tin thêm, với mỗi lỗi vi phạm về điểm dừng đỗ, lái xe sẽ phải chịu mức phạt từ 700.000-1.500.000đ, đồng thời tước giấy phép lái xe (GPLX) 2 tháng. Từ đầu năm đến nay, phía Thanh tra đã xử lý được 5.562 trường hợp xe khách vi phạm, phạt hơn 7 tỷ đồng, tạm giữ 63 phương tiện, tước GPLX 1.276  trường hợp. Riêng tại khu vực “bến cóc” còn tồn tại, Thanh tra giao thông đã xử lý tới gần 500 trường hợp vi phạm.

Với con số này, Chánh thanh tra giao thông Hà Nội cho rằng, nếu lực lượng thanh tra không quyết liệt, thì sao xử lý được nhiều như vậy. Tuy nhiên, khi thanh tra quyết liệt, các tụ điểm dừng đón trả khách chỉ còn hoạt động lén lút, thậm chí phát sinh thêm điểm mới như trên Đại Lộ Thăng Long, hay tình trạng xe chạy vượt tuyến như Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định...

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Trung Thành, Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Công an thành phố Hà Nội) cho hay: “Ngay sau khi Báo CAND có bài phản ánh về tình trạng “bến cóc, xe dù” vẫn hoạt động bát nháo, trong đó có nhắc đến trục đường Phạm Hùng,  thuộc đơn vị quản lý, chúng tôi đã tăng cường lực lượng xử lý nghiêm các nhà xe vi phạm”.

Tính từ đầu năm đến nay, riêng Đội CSGT số 6 phụ trách đảm bảo ATGT trên khu vực Cầu Giấy đã xử lý 3.568 xe khách vi phạm. Trong đó có tới 2.840 trường hợp dừng đỗ sai quy định, 446 trường hợp mở cửa đu bám khi xe đang chạy, 33 trường hợp chở quá số người. Còn nếu chỉ tính riêng tháng 10, Đội CSGT số 6 cũng xử lý hơn 300 trường hợp, gồm 237 trường hợp dừng đỗ sai quy định.

Dù khu vực Nhà hát Lớn đã có biển cấm dừng đỗ, song nhiều nhà xe vẫn tranh thủ đón khách.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội phó Đội CSGT số 7 cho biết, thời gian qua, Đội đã xử lý tới vài chục trường hợp xe khách dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng quy định. Dù mức phạt vi phạm dừng, đỗ trái quy định tới 700.000 đồng và phạt hành vi đón, trả khách trái quy định lên đến 1,4 triệu đồng/trường hợp và tạm giữ bằng lái 2 tháng, song vẫn chưa đủ sức răn đe.

Khó khăn nhất trong vấn đề xử phạt xe khách đón, trả khách tại đường Vành đai 3 trên cao là vì đường chỉ dành cho ôtô, do đó tất cả các tổ tuần tra phải có xe chuyên dụng. Với lưu lượng xe trên tuyến đường lớn như hiện nay, việc dừng một xe để xử lý sẽ gây nhiều nguy hiểm cho phương tiện khác. Nắm bắt được điều này, các nhà xe bất chấp, cố tình vi phạm, đón, trả khách ngay tại đường Vành đai 3 trên cao.

Sẽ lắp camera phạt nguội trên trục đường của các bến xe lớn

“Bến cóc” cũ xoá đi, “bến cóc” mới xuất hiện, lực lượng chức năng có đủ sức “chạy theo” để xử phạt. Ông Trần Đăng Hải thừa nhận “khó lắm”, vì cơ sở hạ tầng của ta chưa thật tốt, ý thức người dân kém, lực lượng chức năng chưa đủ lượng người để tung ra đứng tất cả các chốt trong vòng 24h. Tuy nhiên, “Chúng tôi đang cố gắng chống “tái diễn” bến cóc bằng cách phối hợp với các lực lượng khác như Công an phường tăng cường chốt trực, xử lý kiên quyết hơn nữa”, ông Hải cho hay.

Vị này cũng thông tin: Hiện Sở GTVT đang phối hợp với đơn vị công nghệ nghiên cứu thí điểm lắp camera dọc đường Phạm Hùng. Kim Đồng, Giải Phóng, để ghi nhận tình hình trật tự an toàn giao thông tại các khu vực trọng điểm, đồng thời sẽ nghiên cứu tiến hành phạt nguội xe khách vi phạm. Hy vọng, với sự trợ giúp của công nghệ, các lái xe khi lưu thông sẽ nâng cao ý thức hơn.

Còn theo Trung tá Nguyễn Trung Thành, Đội trưởng Đội CSGT số 6,  nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc cuối năm, đối với các doanh nghiệp, nhà xe hoạt động trên địa bàn, Đội đều có biên bản làm việc, yêu cầu các nhà xe cam kết, chấp hành pháp luật, trật tự, an toàn giao thông.

Trên thực tế, để xảy ra vấn nạn “xe dù, bên cóc”, một số ý kiến cho rằng, các bến xe, luồng tuyến và xe trung chuyển còn chưa thực sự thuận tiện, trong khi nhu cầu đi lại của người dân là có thực và không ít người đã quen với việc "đâu tiện thì đi". Ví dụ, khu vực đường Khuất Duy Tiến và Đại lộ Thăng Long, sẽ thật khó để vận động người dân xuống tận Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) bắt xe đúng tuyến.

Do đó, bên cạnh việc quy trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, các lực lượng chức năng, thì cần nghiên cứu, bố trí quỹ đất làm điểm đón, trả khách tạm thời tại các khu vực có nhu cầu cao. Khi đó, nếu nhà xe vẫn tiếp tục vi phạm thì xử lý nghiêm bằng các biện pháp mạnh, như đình tài, rút giấy phép kinh doanh. Còn với cách xử lý như hiện nay, cứ “chặt” được điểm này, nhà xe lại tìm cách cho “mọc” thêm điểm khác...

Đặng Nhật
.
.
.