Phương án phân luồng phương tiện, hành khách khi “xóa sổ” bến xe Lương Yên

Thứ Năm, 19/05/2016, 16:56
“Theo quy hoạch, toàn bộ bến xe Lương Yên sẽ phải di dời. Điều quan trọng là làm thế nào để việc di dời không ảnh hưởng nhiều đến hoạt đọng của các doanh nghiệp mà lại thuận lợi cho người dân, là việc chúng tôi đang quan tâm, xem xét”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết ngày 19-5.


Chỉ còn ít tuần nữa, Bến xe Lương Yên sẽ chính thức hết hiệu lực khai thác. Trước thời điểm này, Công ty TNHH MTV lương thực Lương Yên đã có đề nghị Sở GTVT Hà Nội có phương án di dời hoạt động của phương tiện ở bến xe Lương Yên sang các bến xe khác trên địa bàn thành phố Hà Nội và hướng dẫn hoạt động cho các nhà xe sau ngày 26-7 tới đây. 

Để di dời hoạt động của bến xe Lương Yên, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết, Sở đã có báo cáo lên UBND TP Hà Nội và dự kiến xây dựng 2 phương án di dời xe khách sang các bến xe khác trên địa bàn Hà Nội.

Đa phần xe khách tại bến Lương Yên là chạy tuyến Hà Nội-Quảng Ninh, Hà Nội-Hải Phòng

Cụ thể, phương án 1, Sở GTVT sẽ điều chuyển các tuyến xe, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Lương Yên về các bến xe còn khả năng tiếp nhận trên địa bàn thành phố trong khi làm việc với các đơn vị khai thác bến xe để sắp xếp lại luồng tuyến tại các bến xe phục vụ cho việc tiếp nhận các tuyến mới từ bên xe Lương Yên chuyển sang, sắp xếp các tuyến xe khách liên tỉnh, xe buýt. 

Với ưu điểm của phương án này góp phần giảm ùn ứ giao thông trên trục đường Nguyễn Khoái, tuy nhiên, vị Phó Giám đốc Sở GTVT cũng chỉ ra nhược điểm sẽ làm xáo trộn nhu cầu đi lại của nhân dân trong một thời gian, tăng ùn ứ giao thông tại các bến xe tiếp nhận các tuyến và phương tiện từ bến xe Lương Yên chuyển sang và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe này. 

Với phương án 2, Sở GTVT tính toán đến việc điều chuyển toàn bộ luồng tuyến và phương tiện từ bến xe Lương Yên sang sau khi bến xe khách Cổ Bi (Gia Lâm) đủ điều kiện tiếp nhận.

“Nếu lựa chọn phương án này thì việc thực hiện các thủ tục pháp lý đơn giản hơn so với phương án 1 và ít ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị vận tải vì điều chuyển nguyên trạng sang bến xe mới. Nhưng để làm được thì còn phụ thuộc vào tiến độ đầu tư xây dựng bến xe Cổ Bi của Tổng công ty Vận tải Hà Nội,” ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay.

 Sở GTVT Hà Nội vừa lên kế hoạch chuyển một số luồng tuyến vận tải xe từ bến Mỹ Đình về Nước Ngầm và được tiến hành trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến trong tháng 7-2016 hoặc tháng 1-2017 sẽ lựa chọn các tuyến có cự ly 240km trở lên từ bến xe Mỹ Đình đi các tỉnh phía Nam để điều chuyển về bến xe Nước Ngầm. Tổng số chuyển đi là 75 lượt xe/ngày, đa phần là các xe tuyến Nghệ An-Hà Nội và một số xe Hà Tĩnh-Hà Nội, Đắk Lắk-Hà Nội… Giai đoạn 2, dự kiến điều chuyển các tuyến có cự ly từ 145km trở lên, hiện từ Mỹ Đình đi Thanh Hóa để chuyển về bến xe Nước Ngầm. Dự kiến có 68 lượt xe/ngày sẽ được điều chuyển. Thời điểm thực hiện dự kiến trong tháng 1-2017 hoặc tháng 7-2017.
Phạm Huyền
.
.
.