Vụ xe “nằm trạm” làm tê liệt trạm cân gần 2 ngày ở Bình Định:

Tổng cục Đường bộ Việt Nam kết luận: Xe chở quá tải 20%

Thứ Năm, 31/03/2016, 08:30
Ngày 29-3, ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra giao thông Sở GTVT tỉnh Bình Định cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản kết luận chính thức vụ xe đầu kéo BKS 86H-4139 kéo rơmoóc BKS 51R-003.06 phản đối kết quả cân tải trọng tại Trạm cân tải trọng xe lưu động Phước Lộc (trên QL1A, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).

Qua kết luận Tổng cục Đường bộ, ông Quả thông tin: Tối 6-3, xe đầu kéo BKS 86H-4139 kéo rơmoóc mang BKS 51R-003.06 (gọi tắt là tổ hợp xe) do tài xế Lê Thành Nghiệp (35 tuổi, ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển chở 28 tấn phân bón (560 bao phân) từ Ninh Bình đi Tây Nguyên bị lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra tải trọng. 

Kết quả kiểm tra tại Trạm cân Phước Lộc cho thấy khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe là 49,7 tấn, khối lượng hàng hóa chở (gồm phân bón và container) là 36,593 tấn, vượt khối lượng cho phép vận chuyển khi tham gia giao thông hơn 6,093 tấn, bằng 20%. Tuy nhiên, khi cán bộ trạm cân lập biên bản xử phạt thì tài xế Nghiệp không ký biên bản và cho xe tải nằm ngay tại trạm cân để phản đối khiến trạm cân bị “tê liệt” gần 2 ngày liền.

Ngày 14-3, ông Trần Văn Phương (ở tỉnh Bình Thuận, chủ tổ hợp xe) đã có đơn khiếu nại và kêu cứu khẩn cấp đến các ngành chức năng về Trạm cân Phước Lộc cân sai nên xe của mình bị quá tải. Sau đó, cán bộ chuyên trách của Tổng cục Đường bộ đã xem xét, chỉ đạo Công ty CP Tự động hóa và Cơ khí điện tử Hanel tiến hành kiểm tra thiết bị cân tại Bình Định, cho phép Trạm cân Phước Lộc tiến hành cân tải trọng tổ hợp xe lần 2 để giám sát trực tuyến. 

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cưỡng chế kéo đầu kéo BKS 86H - 4139 và rơ moóc ra khỏi trạm cân.

Kết quả cân lại lần 2 cũng xác định xe đầu kéo này vượt quá tải trọng cho phép 20%. Tuy nhiên, ông Phương cho rằng phiếu cân sai quy định thực tế của Chính phủ và Bộ GTVT vì loại xe này được chở 48 tấn hoặc 24 tấn/cụm 3 trục x 2 nên ôtô đầu kéo 86H-4139, sơmi rơ mooc 51R-003.06 không vì phạm chở hàng vượt quá tải trọng cho phép. 

Về vấn đề này, Tổng cục Đường bộ kết luận, ông Phương đã hiểu nhầm, vì theo Luật Giao thông đường bộ, xe ôtô lưu hành trên đường bộ phải chấp hành 2 quy định về tải trọng. Tải trọng đường bộ và quy định về khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông.

Với 2 quy định trên, xe ôtô đầu kéo 86H-4139, sơmi rơmooc 51-003.06 đã vi phạm 1 quy định về khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông (36,593 tấn, trong khi cho phép là 30,5 tấn), khối lượng toàn bộ cân được là 49,7 tấn (cho phép là 43,607 tấn). 

Ngoài ra, trong đơn khiếu nại, ông Phương cũng cho rằng kết quả của cân tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tại Bình Định ngày 6-3 là 20%, kết quả cân ngày 15-3 và số liệu phiếu xuất kho, đơn khiếu nại, kêu cứu khẩn cấp của ông Phương là 14,1%, chênh lệch 5,9% (1,78 tấn).

Về sự chênh lệch này, Tổng cục Đường bộ cho rằng giữa 2 lần cân là 9 ngày, trong thời gian đó, lực lượng chức năng không kiểm soát được việc thay đổi khối lượng của xe như dầu, nước làm mát máy, lượng nước ngấm trong lớp bảo ôn của container bốc hơi do thời tiết nắng nóng và các yếu tố khác.

Chênh lệch 5,9% (1,78 tấn) giữa kết quả cân của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tại Bình Định và kết quả cân do chủ xe tự đi cân bên ngoài và khai báo của chủ xe nằm trong phạm vi vi phạm 10% chưa xử phạt.

Ông Nguyễn Quả cho biết: “Theo kết luận của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt theo quy định. Chủ xe và tài xế muốn lấy lại giấy tờ xe thì đến Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định để hoàn tất các thủ tục về phạt hành chính và tiến hành nộp phạt theo quy định của pháp luật”.

Hoàng Nguyên
.
.
.