Dự án cao tốc Bắc-Nam:

Tránh tình trạng “xôi đỗ”, có mặt bằng mà không thi công được

Thứ Tư, 09/09/2020, 08:54
Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), đến nay, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã đủ điều kiện để bàn giao mặt bằng tương đương với chiều dài tuyến là 594,4km/652,77km (đạt 91,1%).


10% mặt bằng cần giải phóng là phần đất thổ cư nên sẽ rất phức tạp

Các địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng đạt trên 95% gồm Quảng Trị (100%), Thừa Thiên Huế (97,4%), Ninh Thuận (96,7%), Bình Thuận (95,4%), Vĩnh Long (100%). Các địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng đạt dưới 90% gồm Ninh Bình (89,6%), Thanh Hóa (89,4%), Nghệ An (87%), Hà Tĩnh (82,3%), Khánh Hòa (73%), Đồng Nai (85,7%).

“Nếu không tập trung quyết liệt thực hiện sẽ không thể cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong quý 3-2020 do vẫn còn các vướng mắc trong triển khai một số khu tái định cư, và di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật”, đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cảnh báo.

Công tác GPMB cao tốc Bắc Nam vẫn đang được triển khai khẩn trương.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng mặc dù hơn 90% công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc-Nam đã hoàn thành nhưng phần lớn đây là đất nông nghiệp, do vậy mặc dù chỉ còn khoảng 10% mặt bằng cần giải phóng nhưng lại là phần đất thổ cư nên công việc còn lại sẽ rất phức tạp. Nếu các đơn vị không quyết liệt sẽ không đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng "xôi đỗ", có mặt bằng mà không thi công được, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quản lý dự án phải thường xuyên kiểm tra thực tế, bám sát, phối hợp với địa phương trong công tác mặt bằng, giải quyết dứt điểm các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tập trung giải quyết ngay các vướng mắc về công tác di dời công trình) hạ tầng kỹ thuật như hệ thống điện hạ thế, cấp thoát nước, cáp quang.

Cơ bản di dời xong các công trình này trong tháng 10-2020 và hoàn thành toàn bộ việc di dời này trong năm 2020. Bộ trưởng cũng giao Vụ Kế hoạch và Đầu tư điều hòa đáp ứng đủ vốn cho các dự án, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn trung hạn cho các dự án có tiến độ và giải ngân tốt. Hiện nay, ngành Giao thông Vận tải đang khẩn trương hoàn tất công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp để có thể sớm triển khai đồng loạt 3 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam vừa được chuyển đổi hình thức đầu tư trong tháng 9-2020; khởi công 5 dự án thành phần PPP trong quý 2-2021.

Gia hạn thời điểm đóng thầu với dự án chuyển đổi đầu tư công

Theo thông tin từ Bộ GTVT, ngày 4-9, Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long và Ban QLDA 7 đã tổ chức lễ mở thầu 13/13 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông được chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công là Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Dầu Giây và Mai Sơn – quốc lộ 45. Lễ mở thầu đã diễn ra công khai, minh bạch theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu và có sự tham gia chứng kiến của đại diện các cơ quan, đơn vị (Cục Quản lý xây dựng & CLCTGT, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an.

Theo đó, kể từ khi phát hành hồ sơ mời thầu ngày 6-8-2020 cho đến ngày 4-9-2020, tổng số hồ sơ mời thầu (HSTM) đã bán tại 3 dự án lên tới hơn 350 bộ, trong đó dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 gồm 5 gói thầu Xây lắp, có 60 đơn vị mua HSMT với tổng số 140 bộ HSMT;  dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết với 4 gói thầu xây lắp, có 61 nhà thầu mua 140 bộ HSMT; dự án Phan Thiết - Dầu Giây với 4 gói thầu xây lắp có 32 đơn vị mua HSMT với tổng số 74 bộ HSMT.

Tại thời điểm đóng thầu, có 10/13 gói thầu nhận được từ 3 hồ sơ dự thầu tham gia đấu thầu; 3/13 gói thầu có ít hơn 3 hồ sơ dự thầu tham gia đấu thầu thuộc dự án thành phần Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây. Để đảm bảo minh bạch và tăng thêm số lượng nhà thầu tham gia dự thầu, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA hoàn thiện các tục theo quy định, gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 10 ngày (đóng thầu, mở thầu vào 14h ngày 14-9-2020).

Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long, “trước mắt trong khâu chấm thầu, chúng tôi sẽ đánh giá sơ bộ để chọn ra những gói thầu ít vướng mắc nhất, cố gắng đối với mỗi dự án chọn ra được một gói thầu để có thể lựa chọn được nhà thầu đáp ứng được yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật và của HSMT, đáp ứng thời gian yêu cầu để quyết tâm khởi công xây dựng tối thiểu 1 gói thầu/1dự án vào cuối tháng 9-2020, các gói thầu còn lại trong tháng 10-2020”.

Được biết, Bộ GTVT đã quán triệt, yêu cầu các Ban QLDA thực hiện nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu: Tổ chức hội nghị tiến đấu thầu để giải đáp các câu hỏi của nhà thầu; đáp ứng đầy đủ hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu có nhu cầu mua hồ sơ mời thầu, thành lập và ban hành quy chế làm việc Tổ chuyên gia đấu thầu phải đáp ứng nhân sự, trình độ, chuyên môn, bảo mật thông tin; áp dụng các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, giám sát chặt chẽ công tác quản lý hồ sơ như: Lắp đặt camera, khóa niêm phong hồ sơ.

Phạm Huyền
.
.
.