Xe tắt thiết bị giám sát hành trình thì doanh nghiệp vận tải chịu phạt

Thứ Sáu, 19/12/2014, 09:24
Mục đích của việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT), là để Nhà nước và doanh nghiệp cùng giám sát chặt hoạt động của chiếc xe khi lưu thông trên đường. Ngoài ra, có thể cảnh báo khi lái xe cố tình phóng nhanh, vượt ẩu. Thế nhưng, thay vì chấp hành nghiêm chỉnh, nhiều lái xe đã cố tình làm hỏng, hoặc tắt các thiết bị này, nhằm cố tình vi phạm và tránh bi phạt. Vậy với những trường hợp này thì cơ quan chức năng giải quyết thế nào?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Huyện  - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hằng tháng trung tâm thông tin của Tổng cục sẽ có thông báo kết quả tổng hợp, phân tích tình hình vi phạm từ dữ liệu thiết bị GSHT gửi tới cho các địa phương. Địa phương nào có xe vi phạm, thì Sở Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm xử phạt doanh nghiệp đó. Còn khi xe đang lưu thông trên đường, nếu giám sát qua hệ thống thấy xe có tín hiệu bất thường, thì sẽ báo cho địa phương nơi xe đi qua để tổ chức, kiểm tra, giám sát.

Lái xe cố tình không bật thiết bị GSHT thì doanh nghiệp sẽ bị phạt.

Tổng cục trưởng cũng cho biết thêm, tính đến hết tháng 11/2014, trên hệ thống của Tổng cục ĐBVN đã tiếp nhận dữ liệu của 82.816 phương tiện truyền về, tăng 4.698 xe so với tháng 10/2014. Hằng ngày, bình quân có 63,13% phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống thông tin của Tổng cục. Trong đó, có 16 địa phương có tỷ lệ truyền dữ liệu thấp hơn 60%. Về tốc độ chạy xe, trong tháng 11 có 10 địa phương có số lần vi phạm tốc độ cao nhất, trong đó có 8 địa phương cũng nằm trong “top 10” của tháng 10/2011,  là TP Hồ Chí Minh 576.632 lần; Hà Nội là 201.383 lần; Hải Phòng là 151.185 lần; Đà Nẵng là 115.006 lần; Nghệ An là 101.520 lần…

Cũng với việc vi phạm trên, trong tháng 11/2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ đạo các địa phương thu hồi phù hiệu và đình chỉ khai thác tuyến với 248 xe. Để siết chặt hơn nữa việc đưa thiết bị GSHT vào hoạt động công khai, hiện nay, với một số địa phương có số lượng lớn các phương tiện chưa cập nhật dữ liệu lên hệ thống, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các địa phương thực hiện ngay việc rà soát lại toàn bộ dữ liệu, cập nhật lên hệ thống để đảm bảo kết quả tổng hợp, phân tích được chính xác. Đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, giám sát, xử lý các nhà xe vi phạm đúng theo quy định, nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Thanh Huyền
.
.
.